Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  MỘT GIỜ TRÊN SÔNG MATXCƠVA (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng MỘT GIỜ TRÊN SÔNG MATXCƠVA (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

  

 

         Ảnh minh họa - Internet

 

Cữ tháng 5, khi băng vừa tan hết, những rừng cây trong thành phố và ngoại vi Matxcơva nở tràn trề lộc biếc, các tour du lịch bắt đầu khởi động những chuyến đi nghỉ mùa hè.

Trong hơn mười năm trở lại đây, đời sống người  Nga không ngừng được nâng cao, cứ mỗi mùa hè đến, dân Nga, đặc biệt là Matxcơva, đi nghỉ vơi cả thành phố. Họ đi về các nước châu Á, miền biển và những cuộc hành trình du ngoạn ở châu Âu.

Trái lại, vào mỗi mùa nắng hạ thì hàng đoàn người cuồn cuộn đổ sang Nga; sân bay quốc tế Đomođeđovo bốn lần một tuần tràn ngập du khách Việt.

Những gia đình có con cái ăn nên, làm ra đều tạo điều kiện cho thầy u quanh năm tay lấm, chân bùn và đám con cái ở quê qua Nga vài tháng tránh gió Lào và nắng nóng. Và dường như những chuyến công cán của các cơ quan cũng thích đi vào mùa hè, vừa dễ đi lại, vừa khỏi đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông Nga.

Vào thứ bảy, chủ nhật, hàng đoàn xe người Việt đổ về bãi nghỉ phía Bắc, cách trung tâm thành phố chừng 40km, dân ta quen gọi là Bãi Sông Hồng, bởi vì cách ốp Sông Hồng, một trung tâm Thương mại của người Việt trước đây, không xa khu này lắm. Nó là một trong số một trăm tám mươi điểm nghỉ ngơi đai quanh Matxcơva, rất thuận tiện cho sinh hoạt và an ninh của người Việt.

Ở đây, bãi nghỉ rộng mênh mông, có cả rừng cây, bãi sông, sân bóng, bến tàu, dân ta thỏa thuê nấu nướng, vui chơi và tắm táp đến tận chín, mười giờ tối mới trở về.

Còn dân du lịch comple, những quý ông, quý bà và dân quá cảnh công tác ít ngày, những người không thích đàn đúm ồn ào, thích tìm hiểu thành phố và thưởng ngoạn thì chọn cho mình một chuyến vòng quanh Thủ đô và một chuyến đi sông Matxcơva bằng tàu thuỷ. Có lẽ đây là sự lựa chọn mà sau chặng kết thúc, ai cũng cho rằng, nó đúng đắn và thông thái nhất.

Điểm khởi hành của chuyến du lịch bằng tàu thủy trên sông Matxcơva xuất phát từ bến tàu cạnh nhà ga Kiev. Từ 8 giờ sáng đến 22 giờ vào mùa hè, cứ 15 phút có một chuyến tàu khởi hành.

Những con tàu ngủ im lìm suốt mùa đông băng giá, được đồng loạt nhổ neo vào đầu tháng 5, đưa tuyến du lịch bằng đường sông vào hoạt động. Những con tàu này được bảo dưỡng rất chu đáo và không ngừng được tân trang, mua sắm mới. Số lượng tàu du lịch dành cho tuyến ga Kiev - Kotenhichecxkaia luôn xê dịch từ 34 chiếc đến 40 chiếc, trong đó gần một nửa tồn tại từ thời Xô Viết, còn lại được đóng mới, lộng lẫy, hai tầng màu trắng toát.

Hành khách có thể mua vé qua mạng, cũng có thể sắp hàng mua ngay ở điểm bán vé cạnh bến tàu. Nếu mua vé loại tàu thường, tính ra mỗi chuyến một chiều ước tính 12 đô la; còn tàu hạng sang là 20 đô la.

Những chuyến đi dọc sông suốt ngày, đi trên những chiếc tàu lộng lẫy như những khách sạn nổi có giá khoảng 120 đô la.

Trên tàu có quầy bar bán các món ăn Nga, bia rượu và thức nhắm. Tuy vậy, nếu khách thuê hẳn cả chuyến, thì có thể mang đồ ăn của mình xuống tàu và được tự đun nấu, thậm chí làm cả món chả nướng ngay trên tàu. Người Việt ta có nhiều gia đình rủng rỉnh hầu bao cũng thuê dạng trọn gói để tổ chức sinh nhật, đãi đằng bè bạn. Có những buổi sinh nhật, tổ chức liên hoan cho những yếu nhân về nước, nguyên tiền thuê loại tàu này, chưa kể món ăn đã hết không dưới 5.000 đô la.

Đa số hành khách lúc xuống tàu, thường chọn những hàng ghế trên boong để tận hưởng làn không khí mát lạnh của sông nước, và mãn nhãn ngắm nhìn cảnh vật trải dài hai bên bờ sông lát đá hoa cương.

Hành khách người cầm máy ảnh, người máy quay video, người cầm cốc bia tư lự dõi mắt theo phong cảnh ngoạn mục đôi bờ.

Dường như câu thơ của nhà thơ Anh Byron ứng vào không gian man mác này.

Và mựt nước chỉ lăn tăn gợn sóng

Như sủi bọt sâmbanh, uể oải dướn lên bờ

Trông thật đẹp như cuộc đời đáng sống

Như ta cầm cốc rượu nghĩ bâng quơ...

Theo dọc sườn tàu, phía tả ngạn là Tu viện Novođevitri và nghĩa trang danh nhân.

Tu viện Novođevitri được hầu tước Vaxili xây dựng năm 1524, nhân kỷ niệm 10 năm quân đội chiếm đóng Xmolenxk. Tu viện là nơi quan sát và kiểm soát các lối đi vào Matxcơva, đặc biệt là đường sông. Trải bao thăng trầm của lịch sử, tu viện ngày nay được coi là một chi nhánh của bảo tàng Lịch sử, được trùng tu và tôn tạo, trở thành một danh thắng của Thủ đô. Bên cạnh Tu viện là Nghĩa trang danh nhân được bao quanh bằng bức tường gạch đỏ cao hơn bốn mét. Nơi đây, yên nghỉ đời đời những nhà văn, những danh họa, nhạc sĩ và những nhà hoạt động xã hội, những chính khách như Gogol, Trekhov, Bulgakov, Maiakovxki, Khrutsov, Tupolev, Raixa Gorbatrova, Elxin…

Đi qua Nghĩa trang danh nhân chừng hai kilômét là Sân vận động Lujnhiki, (trước đây là sân vận động Lênin). Sân vận động được xây dựng, đón chào Olimpich Matxcơva năm 1980. Nó được coi là một kỳ quan thời Xô Viết, với một quần thể thể thao trải dài hơn ba kilômét từ khúc ngoặt bờ sông Matxcơva mạn Lujnhexkai đến tận cung tập luyện Mùa Đông trên phố Phrunze. Trong quần thể đó, có bốn nhà thi đấu, mỗi nhà chứa được khoảng 5000 người và sáu nhà nằm trong tổ hợp thể thao dụng cụ. Còn bãi tập, quảng trường rộng mênh mông vừa là sân chơi, vừa là khu nghỉ dưỡng. Năm 1997, nhân kỷ niệm 850 năm thành lập thành phố, chính quyền Matxcơva đã cho xây dựng mái che sân vận động. Từ trên đồi cao nhìn xuống, sân vận động giống như một chiếc mâm vàng.

Phía hữu ngạn, đối diện với sân vận động Lujnhiki là Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonoxov trên đồi Chim sẻ, trước đây là đồi Lênin. Ngôi nhà sừng sững như một trái núi đó được xây dựng chỉ trong vòng hơn ba năm:1949 và khánh thành ngày 1 - 9 - 1953, ngay sau khi Liên Xô vừa thoát khỏi ách phát xít. Nó là một trong bảy tòa nhà có kiến trúc đỉnh tháp nhọn đặc trưng của Matxcơva cao 310m, là niềm tự hào của nhân dân Nga.

 Khuôn viên của Trường Đại học Tổng hợp tọa lạc trên một khu đất hơn 167ha, giữa những cánh rừng bao bọc, có sân vận động, có bể bơi, có bệnh viện, có vườn bách thảo, có năm tuyến ôtô buýt dừng trước cổng trường, có khách sạn riêng mang tên Đại học Tổng hợp nằm cạnh đại lộ Mitrurin, có ga metro và bốn đường phố mang tên Trường cắt ngang hai đại lộ Đại học Tổng hợp và đại lộ Lomonoxov.

Nói về sự hoành tráng của Trường, người ta đà từng đưa ra một một ví dụ, nếu một người mỗi ngày ở một phòng, thì cả đời người không ở hết số phòng của khu nhà vĩ đại đó. Sự thật, thì tổng số blok là 5.754, mỗi blok hai phòng, có nghĩa số phòng là 11.508, cộng với 184 căn hộ dành cho giáo viên nữa! Khu nhà chính có Hội trường Lớn, một phòng khánh tiết, hai rạp chiếu bóng, một Nhà hát, bốn nhà ăn và đủ hệ thống dịch vụ từ bách hoá, hiệu sách, bưu điện... và dĩ nhiên là cả một hệ thống giảng đường của tất cả các khoa.

Vào thời hưng thịnh của tình hữu nghị Việt - Nga hồi 80, 90, nơi đây từng có tới 600 sinh viên và cán bộ Việt Nam theo học mỗi năm. Những cán bộ, sinh viên được đào tạo tại Lâu đài khoa học này, hầu hết đều trở thành những nhà khoa học lớn trong nhiều lĩnh vực.

Con tàu rẽ sóng lướt qua đoạn sông rộng nhất khi qua Trường Lomonoxov, chui qua chiếc cầu có ga tàu điện ngầm trên sông duy nhất Vorobiovui Gorui. Qua cầu, phía bên phải là cả một rừng cây bát ngát kéo dài suốt gần 5km. Con đường bên bờ sông rợp bóng cây bạch dương, cây lipa và hoàn diệp liễu. Xa hơn một chút là những chiếc cầu trượt, những chiếc đu quay, những chiếc đu ly tâm và con tàu vũ trụ Buran nổi tiếng, hết hạn giờ bay, trở thành nơi tham quan của khách mê tìm hiểu vũ trụ. Đó là công viên văn hóa vả nghỉ ngơi được xây dựng từ năm 1928 mang tên M. Gorki, một nhà văn Xô Viết nổi tiếng.

Mùa đông, công viên tuyết phủ lặng lẽ, im lìm, nhưng mùa hè đến, công viên như một khu rừng lớn, đón khách thập phương, nhiều nhất là trẻ em và thanh niên.

Trước đây, ai muốn vào công viên đều phải mua vé, nhưng từ khi trưởng mới của Matxcơva Xobianhin lên thay ông Lujkov, thì việc mua vé vào tất cả công viên đều bãi bỏ.

Từ thời mở cửa, trong công viên thường xuyên xuất hiện những loại hình giải trí hiện đại, lôi cuốn giới trẻ. Người Việt chúng ta ít khi lai vãng chốn này, bởi vì suốt ngày họ làm lụng quần quật ở chợ, lo lắng với cuộc mưu sinh, ít ai có thời gian bỏ ra một ngày để thăm thú và nghỉ ngơi nhàn hạ.

Trên chặng hành trình, tàu ghé lại bến công viên Gorki, khách xuống đây rất nhiều, họ dẫn con cái vào công viên đi dạo và thưởng thức những trò chơi mới lạ.

Con tàu lại rời bến, rẽ nước lao lên phía trước. Sóng dội ì oạp vào bờ đá hoa cương, nơi hai bên thảm cỏ xanh, những nam thanh, nữ tú thả mình phơi nắng trắng loá. Họ tận hưởng ánh nắng ấm áp của mùa hè, dường như để tích lũy năng lượng mặt trời bù lại cho suốt cả mùa băng giá.

Vừa qua công viên, qua chiếc cầu Krưm huyền thoại, phía trước đã hiện lên nóc nhà thờ hình củ hành rực rỡ, đường bệ, nguy nga của nhà thờ Chúa Cứu thế.

Sau chiến thắng Napoleon năm 1812, Hoàng đế Alecxandr đệ nhất quyết định cho xây dựng nhà thờ Chúa Cứu thế để tạ ơn Thượng đế đã giúp nhân dân Nga đánh đuổi quân xâm lược. Mãi đến năm 1825 dưới triều chế Nicolai đệ nhất, công trình này mới được khởi công xây dựng. Nhà thờ được làm ròng rã 40 năm mới hoàn thành, như là một biểu tượng vào lòng tin thần thánh của nước Nga Chính thống giáo.

 Nhưng đến ngày 5 - 12 - 1931, sau 48 năm nhà thờ tồn tại, Xtalin đã ra lệnh phá huỷ nhà thờ và định xây trên nền đất này Cung Xô Viết, cao nhất thế giới, 415m, có Hội trường trong gian vòm chính 20 ngàn chỗ ngồi, toạ trên nóc là tượng của Lênin cao tới 80m. Nhưng chiến tranh đã ngăn cản kế hoạch tốn kém này. Vào cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, cung thể thao bơi lội ra đời đã thay thế ý tưởng một toà nhà chót vót.

Theo sắc lệnh năm 1993 của Tổng thống Nga Elxin, nhà thờ Chúa Cứu thế được xây dựng lại trung thành theo đúng bản thiết kế gần hai trăm năm trước, với toàn bộ số tiền do dân đóng góp. Chỉ trong vòng năm năm 1995 - 2000, nhà thờ lớn nhất nước Nga được hoàn thành với chiều cao 103,5m, chiều rộng 129m, bằng đá trắng, nóc phủ bằng vàng ròng, có sức chứa 10 ngàn người, trở thành nơi bái vọng của hàng triệu con chiên Chính thống giáo khắp toàn cõi nước Nga.

Tại thánh đường này, thi hài của Tổng thống Elxin và Giáo hoàng Alecxei đệ nhị đã được quàn trước khi yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng…

Chặng cuối của cuộc hành trình trên sông nước là quang cảnh của Quảng trường Đỏ và điện Kremli. Một bên sông là tòa nhà của Bộ Điện lực, còn một bên là bức tường gạch màu huyết dụ kéo dài, phía bên trong là khu vườn cây, những lâu đài lộng lẫy và những nóc nhà thờ dát vàng của Điện Kremli hiện ra như trong cổ tích.

Đã gần chín thế kỷ trôi qua, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, nhưng bức tường thành Kremli đường bệ, mười ngọn tháp cổ kính và hàng loạt công trình kiến trúc đẹp bậc nhất của nhân loại vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chuông đồng hồ Kremli vẫn vang ngân trên quảng trường.

Ở đây, mỗi hòn đá lát đều vang vọng dư âm của năm tháng. Bảo tàng cách mạng giờ đây được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử; phía trước là bức tượng của Nguyên soái Giukov được khánh thành nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng phát xít. Một khu thương mại ngầm 3 tầng nối từ metro Okhodnui Riad đến tận Trung tâm triển lãm nguy nga và lộng lẫy, như muốn phô ra sức mạnh của cơ chế thị trường Nga.

Mặc dù vậy, cảnh quan của Kremli không hề bị phá vỡ. Cách đây không lâu, người ta đã cho phá bỏ khách sạn Inturist cao 25 tầng trên phố Gorki, nay là phố Tver và đập bỏ hoàn toàn khách sạn Russia có ba tầng ngầm, cao 11 tầng, mỗi tầng có 324 phòng, có bốn rạp chiếu bóng, hai rạp hát có sức chứa 1200 người và 8 nhà hàng, với lý do là nó làm tổn hại cảnh quan Kremli, để xây một trung tâm đa chức năng hiện đại.

Qua Kremli, dòng sông trở nên rộng hơn, con tàu xuôi giữa những khu nhà cổ kính. Từ đây, nhìn ra xa, những nhà mới cao tầng cạnh nhà ga Paveletxki lấp loá trong ráng chiều. Con tàu hạ dần tốc độ, ép mạn vào bến, chia tay với hành khách sau một giờ thoả thuê ngắm trời mây, sông nước giữa đôi bờ sông Matxcơva.

6 - 2010

                          Nguyễn Huy Hoàng


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65166095

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July