Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  MỐI TÌNH ĐẦU - Truyện ngắn của Nguyễn Đắc Như MỐI TÌNH ĐẦU - Truyện ngắn của Nguyễn Đắc Như , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

                       Nhà văn Nguyễn Đắc Như

 

 

 

1. Vào dịp hè năm trước, chúng tôi được lãnh đạo công ty giao nhiệm vụ đem hàng hoá công ty đi tham dự hội chợ thương mại quốc tế tại thành phố Brnô nước Cộng hoà Séc. Do nắm thông tin không chuẩn nên hàng đem sang  không bán được. Hội chợ khai mạc mới được ba ngày, chúng tôi đã phải chia nhau đem hàng ký gửi tại các chợ người Việt rải rác khắp nơi trên đất Séc. Những khi giao hàng các tỉnh phía Bắc, cuối mỗi ngày, ai nấy đều quay về ăn nghỉ tại khách sạn đoàn đã thuê sẵn ở Brnô. Nếu giao hàng tại Praha hoặc các tỉnh Trung, Nam Séc, chúng tôi lại lấy nhà khách của Lãnh sự quán Việt Nam tại phố Raxinôvô - Praha làm nơi tá túc.

Sáng hôm ấy, trong lúc ngồi ăn trong căng tin Lãnh sự quán, tôi phát hiện thấy Duy cũng đang ngồi ở một bàn trong góc xa. Định bụng đợi anh ăn xong sẽ sang chào cho tiện. Nhưng rồi khi nhận ra tôi, Duy đã bỏ ăn chạy sang trước. Trò chuyện hồi lâu, mới biết anh sang đây dự hội nghị quốc tế về Vật lý. Hội nghị kết thúc hôm trước, anh có việc ở lại nên đã chuyển từ khách sạn về đây ăn nghỉ cho đỡ tốn. Rồi anh mời tôi lên phòng uống nước. Hoá ra chúng tôi ở hai phòng cạnh nhau cùng trên tầng hai toà nhà.

Tôi với Duy là bạn học cùng lớp từ thời cấp ba Chu Văn An - Hà Nội. Nhà ở gần, hoàn cảnh gia đình lại giống nhau, có lẽ vì thế mà hai đứa đã trở nên thân thiết. Vào đầu năm lớp 10, năm cuối của hệ phổ thông mười năm thời bấy giờ, do có sự sắp xếp lại tổ chức, tôi phải chia tay với lớp cũ để chuyển lên học lớp 10B trên gác. Tuy vậy, hai đứa vẫn giữ được mối liên hệ mật thiết như trước. Ngay từ khi bước vào năm học mới, chúng tôi đã thống nhất ngầm với nhau là sẽ cùng thi vào đại học Y khoa. Trở thành bác sĩ là ước mơ của nhiều học sinh thời đó. "Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Sư Phạm thông qua, Nông Lâm bỏ xó". Đấy là lời ca lưu truyền trong giới học sinh một thời, mà cho đến nay tôi vẫn còn nhớ.

Thế là chúng tôi bắt đầu chuyển dần trọng tâm học sang hai môn Sinh - Hoá,  những môn thi chính vào trường Y. Duy thông minh lại chăm chỉ, nên học lực bao giờ cũng vượt trội. Sức học tôi không bằng, nhưng được học cùng nhau, được bạn tận tình giúp đỡ, nên hết học kỳ I, kết quả học tập của tôi, đặc biệt là hai môn Sinh - Hoá, cũng đã thấy vững lên khá nhiều.

Vào học kỳ II, học kỳ nước rút của cuộc đua trường kỳ mười năm đèn sách, học sinh được phân ban theo khối để giáo viên giúp luyện thi những môn học trọng tâm. Trong khi tôi hăng hái ghi tên mình vào khối Y - Dược, thì không hiểu sao, Duy lại bỏ tôi để đăng ký vào khối Toán - Lý. Cậu ấy không giải thích gì. Rồi những ngày tiếp theo, Duy vẫn giữ một thái độ khác lạ, tránh né mọi người, ít nói, mắt buồn vời vợi. Không hiểu nổi vì sao, bởi những biểu hiện như thế tôi chưa bao giờ thấy xuất hiện ở Duy, một thanh niên trung thực và nhân hậu, mà suốt ba năm cấp Ba, tôi luôn thầm coi là một mẫu người phấn đấu.

Kết quả kỳ thi năm đó, Duy đỗ vào khoa Lý - Đại học Tổng hợp, tôi trượt trường Y, nhưng được đỗ vớt vào Đại học Thương nghiệp. Thời gian ấy, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chúng tôi phải theo trường học tập nơi sơ tán. Hôm chia tay nhau, Duy ôm tôi ngùi ngùi: "Mình biết cậu giận, nhưng thông cảm cho vì có nỗi buồn không chia sẻ được. Mình lúc nào cũng quý mến và tôn trọng cậu. Cố học lên nhé! ".

Phải đến hai mươi năm, sau cái lần chia tay tuổi học sinh ngày ấy, tôi mới gặp lại Duy ở Hà Nội. Anh khi ấy đã là một tiến sĩ khoa học, giảng dạy tại Đại học Quốc gia, đã có gia đình và một con gái năm tuổi. Còn tôi lại đang là nhân viên nghiệp vụ giao nhận hàng của một công ty thương nghiệp thành phố, cũng đã có gia đình và hai con đã lớn.

Là viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học của một số quốc gia có nền khoa học tiên tiến trên thế giới, Duy đã trở thành một người có tên tuổi trong giới khoa học, không chỉ trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Thành công mỹ mãn trên con đường học thuật, nhưng gặp lại Duy lần nào tôi cũng luôn có một cảm nhận, dường như vẫn còn điều gì đang vương vấn trong lòng anh. Có thể nhận ra thế mỗi khi ta bắt gặp ánh mắt vời vợi của anh đang hướng về một nơi xa xăm, như thể đang cố gắng kiếm tìm trông đợi. Và ánh mắt vợi buồn đó, cũng thật lạ thay, tôi là người bạn thân đầu đời đã nhận ra sự xuất hiện bất chợt, dù chỉ một lần thoáng qua ở tuổi học trò, mà sao nó đã mãi mãi đọng lại trong suốt cuộc đời rất đẹp của anh như thế? Và điều khúc mắc đó, tôi đã không thể nào hiểu nổi trong suốt mấy chục năm qua.

Gặp lại nhau lần này thấy Duy vui vẻ hơn các lần trước. Nét buồn ánh mắt đã thấy vơi nhẹ đi nhiều. Qua những tản mạn trò chuyện trong phòng riêng nhà nghỉ ở Praha hôm đó, trong tôi như có được sự mách bảo, bạn tôi phải chăng đã tìm được cái điều, mà quá nửa đời người anh lặn lội tìm kiếm?

Khi tiễn tôi ra cửa, Duy bảo hôm nào giao hàng về sớm thì cho anh đi chơi thăm Praha với, sang đây bận bịu công việc nên chưa đi được đến đâu. Chúng tôi vui vẻ bắt tay tạm biệt nhau. Vừa hay lúc đó, một phụ nữ người Việt đang từ cầu thang tầng ba bước xuống. Đoạn cuối cầu thang hướng thẳng về phía chúng tôi, nên tôi thấy chị rất rõ. Đấy là một phụ nữ dong dỏng, khoác bộ váy dài màu đen sang trọng. Chị tuổi chừng bốn mươi, phảng phất một nét đẹp quyền quý. Từ cầu thang bước xuống, có thể chị cũng thoáng thấy chúng tôi. Trong khoảnh khắc trực diện đó, tôi như mường tượng ra một nét quen quen trên khuôn mặt đẹp như tạc. Rồi người đó lướt qua, nhẹ nhàng bước xuống cầu thang tầng dưới, chỉ để lại một làn hương ngạt ngào, ngây ngất, lan toả khắp khoảng không gian nơi chúng tôi đang đứng. Tôi quay lại, nụ cười hiền của Duy đã tắt tự bao giờ, và trên khuôn mặt vương vương một nét ngây ngây, ngơ ngác. Có gì với anh thế nhỉ? Tôi cầm tay anh gặng hỏi:

- Cậu làm sao thế Duy?

- Mình không sao cả mà!

Nhưng chỉ im lặng được một lúc, anh lại thầm thào, giọng trầm lắng như chỉ đủ cho tôi nghe thấy:

- Quỳnh Hương đấy!

Tôi ngỡ ngàng:

- Quỳnh Hương nào cơ?

Duy rên rỉ:

- Trời ơi! Sao cậu vô tâm thế, còn Quỳnh Hương nào nữa.

- Mình vẫn không hiểu gì cả!

- Khổ lắm! Là Quỳnh Hương cùng học lớp 10A với mình, rồi hết học kỳ I chuyển sang học trường cán bộ chính trị, chứ còn Quỳnh Hương nào nữa.

Tôi vội cãi lại:

- Nếu thế thì nó phải cùng tuổi bọn mình, chí ít cũng năm chục, già cốc đế rồi còn gì. Cô này chỉ bốn mươi chứ mấy. Nhưng sao cậu nhận ra cô ấy?

Nghe tôi lý sự, Duy nghiêm giọng bảo:

- Xưa nay mỹ nhân là không có tuổi. Và cậu cũng đừng có bao giờ hỏi tuổi phụ nữ nghe chưa. Cấm kị đấy!

Anh đẩy tôi lùi ra rồi bước vào phòng mình khép cửa lại.

Tôi chẳng hiểu ra sao cả, và cũng không thể hình dung ra được điều gì có liên quan tới người đàn bà đẹp, mà Duy khẳng định là bạn học một thời với hai chúng tôi. Về phòng thấy anh em đang đợi, tôi vội vã xuống xe để chuẩn bị cho chuyến giao hàng mới.

Trong hai ngày liền, tôi phải ngược lên các khu chợ Việt Nam ở vùng đồi núi phía Bắc như thành phố Chev, Carlôvy Vary, cửa khẩu Cinôvec ... Phải đến ngày thứ ba tôi mới trở về Praha. Buổi trưa hôm đó gặp Duy, lại thấy như có một nét buồn u uẩn vương vấn gương mặt anh. Duy trách đi lâu thế mà không gọi điện. Tôi kể cho anh nghe những trắc trở trong công việc, giao hàng đã khó nhưng thu tiền về còn khó hơn. Biết chúng tôi không thể ở lại đây lâu, nhiều khách hàng bắt bí đòi giảm giá, có người giảm chỉ còn một phần ba, nếu không thì trả lại hàng. Nghe chuyện, Duy tỏ vẻ thông cảm, anh thở dài:

-  Như thế thì đi buôn cũng không phải là việc đơn giản lắm nhỉ?

 Tôi cười buồn:

-  Chắc cũng không phức tạp như nghề Vật lý của cậu đâu.

Rồi Duy ngỏ lời muốn được đi dạo phố, anh bảo có điều muốn tâm sự cùng tôi.

Nửa giờ sau, hai chúng tôi đã cùng ngồi trong một quán cà phê nhỏ yên tĩnh tại một khu phố cổ Praha. Tại đây, Duy đã kể cho nghe câu chuyện mà tôi biết, trong suốt hơn ba chục năm qua, anh vẫn chưa có cơ hội chia sẻ cùng ai.

Dưới đây là câu chuyện của Duy.

 

2. Cậu  còn nhớ không? Vào đầu năm lớp 10, lớp chúng ta có sự xáo trộn nho nhỏ, hai bạn phải chuyển sang học lớp khác, một trong hai người đó là cậu, hai học sinh mới vào thế chân. Trong hai người mới đến, một cô gái có tên Quỳnh Hương. Bố Hương chuyển công tác từ Vinh ra Hà Nội nên cả gia đình cũng chuyển vùng theo.

Khác với nhiều người con gái đẹp, Hương dịu dàng, khiêm nhường và giản dị, nên mọi nhiều đều thấy rất dễ gần. Ngoài ra Hương còn là một thiếu nữ đoan trang, đứng đắn và học giỏi. Phẩm hạnh thứ hai này, vô hình trung đã trở thành một tấm hàng rào ngăn cách nàng với những anh chàng có tính sàm sỡ, hoặc học lực xoàng xĩnh hoặc tính khí nhút nhát.

Sức học của mình khi ấy được đánh giá là khá, nhưng mình lại phải tự xếp vào nhóm những kẻ bên kia hàng rào, bởi ông trời bắt tội, hễ cứ đứng cạnh phụ nữ là tai mình lại đỏ lừ, lắp bắp không biết nói năng gì, huống chi là đối với một thiếu nữ hoàn mỹ như Quỳnh Hương.

Trong tất cả những môn học của học kỳ I năm ấy, cả lớp đều công nhận Quỳnh Hương nổi trội hoàn toàn với các môn xã hội. Những bài văn viết của Hương luôn đạt điểm tối đa, và hầu như lần trả bài nào cũng trở thành bài mẫu, được thầy giáo đọc và phân tích lại cho cả lớp cùng nghe. Đặc biệt trong những buổi bình giảng văn học tại lớp, với một kiến thức hệ thống, trí nhớ tốt và một khả năng diễn đạt đầy biểu cảm, Hương đã biến những bài bình giảng văn thơ và chính trị của mình thành những bài thuyết trình hùng biện, có sức lôi cuốn lạ lùng.

Không biết tự khi nào mà cánh con trai trong lớp đã trở thành người lớn hơn, quần áo thẳng thớm, đi lại khoan thai, ăn nói ý tứ. Ngay cả những gã trai đầu bò đầu bướu như bọn Ba Đòm và Hùng Gà, bỗng chốc cũng trở nên lịch lãm và dễ bảo. Những thói hư tật xấu như đánh chửi nhau, nói tục, trốn học, từng tồn tại ở họ một thời như căn bệnh trầm kha, thế mà nay dần dà đã không cánh mà bay. Có vẻ như đã có một cuộc đua ngầm không tuyên bố, mà đích nhắm tới là trở thành người con trai hấp dẫn nhất, lọt vào mắt xanh Quỳnh Hương thì phải.

Với riêng mình, lòng trai cũng rộn ràng xao xuyến, nhưng biết thân biết phận nhút nhát, chỉ đành đứng bên hàng rào vụng trộm nhìn sang.

Thế rồi có một buổi chiều, trong lúc đang học bài trên căn phòng áp mái gác hai, thì mẹ gọi mình có khách. Mình bàng hoàng hết sức khi nhận ra khách lại chính là Quỳnh Hương. Nhà chật không có lấy một chỗ kê bàn tiếp khách. Có chỗ sáng sủa lối cửa ra vào thì đã kê chiếc máy khâu, để mẹ ngồi đấy kỳ cạch vá chữa quần áo cho khách suốt ngày. Mẹ bảo bọn mình lên gác xép trò chuyện cho yên tĩnh.

Chúng mình tâm sự với nhau về hoàn cảnh gia đình, về sở thích cá nhân, về hướng chọn ngành nghề. Hương chủ động, ân cần, dịu dàng và tâm lý. Trò chuyện với Hương, lần đầu tiên trong đời, mình tự phát hiện ra là mình cũng có thể nói chuyện được với phụ nữ, chứ không đến nỗi như những mặc cảm bấy lâu vẫn ngậm ngùi cam phận.

Khi bàn đến việc học, Hương khen mình thông minh, học giỏi toàn diện, khiêm nhường, lại có lòng nghĩa hiệp giúp đỡ mọi người. Cũng lại là lần đầu trong đời, mình biết được bản thân có những đức tính tốt đến thế. Như có một thứ men say bốc bay, dâng trào trong khắp cơ thể. Chao ôi! Hương mới diệu kỳ làm sao. Những lời nói ấm áp, mộc mạc chân tình, trong phút chốc đã như những câu thần chú, biến mình thành một con người đầy tự tin và quả cảm, sẵn sàng lao vào đời, hiến dâng tất cả những gì cao đẹp cho người khác.

Cũng có lúc Hương kể về bản thân, nhưng chỉ thoáng qua. Hương bảo nàng giống ba. Mọi người nhận xét giống cả về hình thức và nội dung, là bản sao của ba, và Hương tự hào về điều ấy lắm.

Cuối cùng Hương thổ lộ là rất muốn trở thành người học giỏi toàn diện, rồi ngỏ ý muốn được học nhóm riêng với mình chỉ hai môn toán lý, những môn mà Hương tự đánh giá là còn chưa giỏi. Được học riêng với Hương! Điều mà trước đấy, trong muôn vàn tình huống tưởng tượng, mình chưa bao giờ dám nghĩ tới. Trong giây lát, tự cảm thấy như chưa khi nào mình được hạnh phúc đến như vậy. Thử hỏi rằng trong số bạn bè, có ai được nàng ban cho cái ân huệ to lớn đến thế?

Cũng là từ đấy, cứ vào các tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần, mình đi xe điện lên nhà Hương học nhóm, không kể thời tiết nắng mưa, cần cù, đều đặn, chính xác như một chiếc đồng hồ. Hương cũng nghiêm túc và chính xác không kém. Lần nào cũng như lần nào, mình tới nơi là Hương đã sẵn sàng, bàn ghế sạch sẽ, sách vở tinh tươm.

Không ai biết hai đứa học nhóm riêng với nhau như thế, kể cả cậu, có đúng không nào? Hương luôn luôn là một cô gái kín đáo, ý nhị, không ưa sự ồn ào. Còn mình lại giữ kín điều này như một báu vật, chỉ sợ nói ra là có người nhòm ngó. Đến đây, chắc cậu hiểu và thông cảm cho mình chứ?

Được ở gần người con gái đẹp như Hương, được nghe những lời nói dịu dàng như mật ngọt, được hít thở thứ hương thơm thanh khiết, bay lên từ suối tóc mây và làn da trắng ngần, nhiều lúc mình như chập chờn lạc vào cõi mộng. Lòng dạ xốn xang, rạo rực một trạng thái tình cảm lạ lùng, mạnh dạn và thoảng chất hoang dã như một thứ bản năng, mà đã đôi khi yếu lòng, mình những tưởng như không kiềm chế được. Nhưng Quỳnh Hương của chúng ta là một con người đặc biệt, là mỹ nhân nhưng cũng lại là nữ thánh. Giọng nói dịu dàng nhưng đượm chất quyền uy, ánh mắt cởi mở nhưng không vương màu tục luỵ, gần bên nhau mà thấy xa vời vợi. Sự thánh thiện của nàng đã như một phép mầu hoá giải những điều trần tục trong con người mình, xoa dịu và dẫn dắt mình đến với những điều cao đẹp, sáng trong.

Chúng mình học nhóm với nhau như thế đã hơn ba tháng, và học kỳ I cũng  sắp kết thúc. Mình đã đem tất cả hiểu biết và kinh nghiệm học tập hai môn toán lý để cùng học với Hương. Là một người có cơ bản và thông minh, Hương mau chóng nắm bắt được những điều mình trao đổi, và cũng mau chóng vượt lên trở thành một học sinh giỏi toàn diện trong lớp.

Thời gian như gió thổi, như mây bay, như nước chẩy chân cầu, như bóng câu cửa sổ... Bao nhiêu cách ví von ở đời đều chẳng kịp nhắc nhở mình, bởi chưa kịp nhận ra sự chuyển dịch của thời gian, thì thời gian mà chúng mình được ở bên nhau đã không còn nữa.

Kết thúc buổi học hôm ấy, như thường lệ, Quỳnh Hương đem ra một đĩa kẹo, mà nàng biết rằng bao giờ mình cũng chỉ ăn một chiếc như là để nàng khỏi phật ý. Hai người vừa ăn kẹo vừa trò chuyện. Trong một khoảng im lặng giữa chừng, bỗng thấy Quỳnh Hương nhìn mình bằng cặp mắt rất lạ. Linh cảm như có điều gì quan trọng sắp xẩy ra, mình nén lòng chờ đợi. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng và ấm áp, Hương khẽ khàng:

- Duy ơi, chúng ta sắp phải xa nhau rồi!

Không tin được ở điều Hương vừa nói, mình liền hỏi lại:

- Hương bảo sao cơ, chúng ta phải xa nhau là thế nào?

- Như thế đấy Duy ạ. Hương sẽ không học ở đây nữa mà sẽ theo học một trường khác ở xa.

- Trường nào vậy Hương? Chúng ta sắp thi tốt nghiệp, rồi thi đại học. Còn ở đâu có trường đại học tốt hơn ở đây mà Hương còn phải đi đâu nữa?

- Không đâu Duy ơi, đây là trường cán bộ chính trị, một trường đặc biệt, không phải thi, chỉ cử tuyển thôi. Ba muốn Hương học trường này từ lâu, nay mới có dịp.

Mình hy vọng hỏi lại:

- Thế còn Hương?

- Hương cũng tiếc lắm. Xa lớp, xa bạn bè, xa Duy, Hương cũng rất buồn. Nhưng đây là ý của ba. Mà Duy biết rồi đấy, hai ba con giống nhau, đúng không nào?

Mình hoàn toàn thất vọng về điều Hương diễn giải, chỉ còn biết hỏi lại:

- Thế bao giờ thì Hương đi? Trường chính trị ở đâu?

- Cũng chỉ trong vòng một tuần nữa là nhiều. Còn trường ở đâu, đến giờ Hương vẫn chưa được biết.

Như tan nát cõi lòng khi hình dung ra cảnh, hàng ngày đi học không được trông thấy Hương, những buổi học tối không được ngồi cạnh Hương, không được hít thở làn hương thơm quyến luyến riêng có bay lên từ thân thể nàng, mình kêu lên khe khẽ:

- Như thế là chúng ta không được gặp nhau nữa ư? Còn việc học thêm toán lý buổi tối thì thế nào?

Hương an ủi:

- Cả tuần này Hương vẫn tới trường để lo thủ tục xin chuyển trường, thỉnh thoảng vẫn đến lớp, như thế là ta vẫn được gặp nhau. Còn học buổi tối, Hương rất cảm ơn Duy đã cùng học và giúp đỡ Hương thật nhiều. Nhưng sang đấy lại không cần đến hai môn này. Nên có lẽ tối nay cũng là buổi học nhóm cuối cùng của hai ta. Hương thật tiếc anh ạ!

Trời ơi! Mình có nghe lầm không thế. Đây là lần đầu tiên được nghe Hương xưng hô như vậy. Trong những giây phút buồn nản rã rời, lời xưng hô êm ái, thân thiết, lại như vỗ về an ủi, nâng đỡ niềm hy vọng tưởng như đã mất. Mình như muốn nói lên tất cả những tình cảm bấy lâu chất chứa trong lòng, mà chưa có dịp nào dám thổ lộ, giọng nói như lạc hẳn đi:

- Quỳnh Hương ơi, Duy sẽ rất nhớ Quỳnh Hương, muốn nói với Hương rất nhiều nhưng không nói được. Duy rất, rất...

Và bao giờ cũng như bao giờ, Quỳnh Hương luôn là chỗ nương tựa mỗi khi mình thấy kém phần tự chủ. Lúc này cũng thế, nàng đã kịp cắt ngang câu nói thiếu bề mạch lạc của mình bằng giọng nghiêm trang của một nữ chính uỷ:

- Thôi nào đồng chí Duy, cứng rắn lên chứ, uỷ mị tiểu tư sản thế là không có được đâu nha!

Mình lại như choàng tỉnh sau câu thần chú, nhưng cũng phải hồi lâu mới lấy lại được sự thăng bằng.

Hương lựa lời chuyển sang chuyện học tập của mình. Cũng không gợi ý nên học ngành nào, trường nào. Nàng bảo cái đó cần lượng sức, nhưng học gì thì cũng phải phấn đấu để trở thành một trí thức giỏi, đóng góp được nhiều nhất cho đất nước, cho dân tộc sau này. Đất nước có vững mạnh hay không, dân tộc có hùng cường hay không, phần lớn là trông chờ vào lớp trí thức mới chúng ta cả!

Mình như nuốt lấy từng lời vàng ngọc. Trong một tâm trạng sùng tín, mình bỗng thấy Quỳnh Hương như đã trở thành một con người khác có tầm vóc lớn lao, và mỗi lời nói của nàng lúc này đều như một chân lý, một mệnh lệnh hành động đối với mình. Cuối cùng Hương bảo:

- Hương đi rồi, Duy ở lại học tập cho tốt. Phải thi đỗ đại học. Chúng ta sẽ cùng thi đua học tập. Hương trông chờ nhiều vào sự thành công của anh, và Hương tin là anh sẽ làm được những điều như thế.

Mình bồi hồi nắm lấy bàn tay Hương, rồi như có một sức mạnh vô hình nâng đỡ bên trong, mình đưa bàn tay ngọc ngà ấy áp lên mặt, lên môi. Nàng vẫn để nguyên như thế hồi lâu rồi mới nhè nhẹ gỡ ra, đoạn vỗ vỗ lên má mình cùng với những lời an ủi động viên: "Đừng buồn Duy nhé. Cố gắng lên Duy nhé!".

Rồi cũng như mọi lần, Hương lại tiễn mình ra cổng. Mình chia tay nàng trong nỗi lưu luyến khôn nguôi bên cánh cổng sắt cao rộng.

Đêm hôm ấy mình không sao ngủ được. Lặng ngồi trước bàn giờ lâu để hồi tưởng lại những kỷ niệm giữa hai người. Đến lúc này mới chợt nhận ra rằng mình đã không có được một chút kỷ vật nào của Hương để lại. Hình ảnh không, một dòng chữ không, chữ ký không, một vật kỷ niệm nho nhỏ cũng không! Mình buồn bã giở từng trang cuốn vở học chung với Hương, trong đó có ghi ngày tháng từng buổi học, như thể từng bước lần trở về với quãng thời gian tươi đẹp của riêng mình. Có bốn tờ nháp bài tập toán lý do Hương giải hồi tối còn gấp giữa cuốn vở. Tim mình rộn ràng vì những trang giấy còn thơm hơi ấm bàn tay, với những nét chữ rõ ràng ngay ngắn của người mình yêu dấu. Mình đọc những trang giấy nháp như đọc những bức thư tình, mà đối với mình lúc này đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng. Cầm những tờ giấy nháp mình cảm thấy như nàng vẫn đang ngồi bên cạnh, và hai đứa lại cùng nhau say sưa giải những bài tập khó. Như để níu kéo lại những kỷ niệm đẹp về người con gái mình yêu thương, ngay lúc đó mình đã quyết định sẽ không thi vào khối Y - Dược nữa, mà sẽ ghi tên vào khối Toán - Lý, để tiếp tục học những môn học mà nhờ đó, mình đã được gần gũi với Hương. Làm việc này, mình biết là đã trái lời hẹn với cậu. Nhưng lúc ấy mình không còn tâm trí nào để giải thích với cậu được nữa. Trong nhiều năm sau, hễ cứ nhớ tới chuyện cũ là mình thường tự nhủ, khi nào có điều kiện sẽ nói lại để bạn thông cảm.

Trong những ngày đầu tiên Hương nghỉ học, cả lớp, rồi cả trường đã râm ran lên câu chuyện Quỳnh Hương đi học trường chính trị. Chẳng biết tin từ đâu đưa ra, Quỳnh Hương sẽ được đặc cách cấp bằng tốt nghiệp cấp Ba phổ thông, mà không cần thi. Bọn học sinh các lớp được dịp mặc sức truyền tai nhau những điều to nhỏ xung quanh người thiếu nữ có tung tích bí mật, thoắt hiện, thoắt ẩn đó. Người ta bảo Hương là con gái yêu của một cán bộ cao cấp; và rằng với tư chất thông minh lại sinh trưởng trong một gia đình truyền thống cách mạng, cô sẽ được đào tạo để trở thành một cán bộ chính trị trong tương lai. Lại còn có tin khẳng định, Hương sẽ được cử sang học tại một trường chính trị cao cấp ở Liên Xô sau khi học xong chương trình cấp tốc trong nước. Nguồn tin từ mấy cô bạn gái còn bổ sung cho biết, hiện nay Hương đang có tới ba người đàn ông cùng lúc xin cầu hôn, nhưng cô chưa quyết định chọn ai, vì còn muốn học lên để xây dựng sự nghiệp cho riêng mình...

Những lời đồn đại nhỏ to đã không cánh mà bay, cuối cùng cũng đến tai mình. Không hiểu thiên hạ lấy đâu ra những thông tin như thế, chứ mấy tháng trời bên Hương, mình chưa mảy may một lần được nghe. Chẳng thể đoán được mức độ chính xác của những lời đồn đại ấy, thế nhưng khi nghe tin, mình vẫn cảm thấy như bị rơi vào một khoảng hụt hẫng, rồi cứ thấy khoảng cách giữa hai người mỗi ngày lại một nới rộng ra. Cứ mường tượng ở một nơi rất cao và rất xa mà mình không thể đến gần, lại đang có rất nhiều người đàn ông tài giỏi đang vòng trong vòng ngoài vây quanh Quỳnh Hương, để cố gắng nhận được những lời nói ngọt ngào và ánh mắt âu yếm của nàng như những điều ân sủng.

Thế nhưng tuổi trẻ đam mê và tình yêu say đắm đã như có phép nhiệm mầu, nó đã giúp mình vượt lên những mặc cảm và tự ty níu kéo. Và rồi lời căn dặn trong buổi tối chia tay: "Hương trông chờ nhiều vào sự thành công của anh" đã luôn vang lên trong lòng mình như những hồi trống trận, như những cái vẫy tay khích lệ từ xa. Dường như tất cả sức mạnh và ý chí trong con người mình đều được bắt đầu từ đấy. Sức mạnh này đã đưa mình đến với một viễn cảnh tưởng tượng, khi đó mình đã là một nhà khoa học Vật lý hạt nhân, một lĩnh vực khoa học còn rất mới mẻ ở Việt Nam. Những công trình của mình đóng góp nhiều cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, được giới khoa học trong và ngoài nước biết đến và đánh giá cao. Những kết quả đó mình dâng tặng cả cho Quỳnh Hương, nguồn sức mạnh và động lực vươn lên của mình. Đến lúc ấy, Quỳnh Hương lại cầm tay mình, nhắc lại câu nói năm nào: "Hương tin là anh sẽ làm được những điều như thế". Và thế là những người đàn ông tài giỏi và danh tiếng kia lần lượt giãn ra hai bên, nhường lối đi cho hai đứa chúng mình ...

Khoảng một tháng sau, từ nơi học mới Hương gửi thư về trường cho bạn lớp trưởng. Có địa chỉ, mình viết gửi Hương một bức thư dài. Cũng lại khoảng một tháng sau nữa, Hương gửi thư trả lời cho mình về nhà riêng. Thư Hương ngắn gọn như một bản tin nhắn, tuy nhiên nàng vẫn dành cho mình những tình cảm thân thiết: "ở nơi học mới này, đôi lúc Hương lại nhớ tới những buổi học tối giữa hai chúng ta, và Hương luôn coi đó là kỷ niệm đẹp trong đời học sinh của mình."

Có được tình cảm của một người con gái thiên thần như Hương, cậu thử nghĩ xem, nếu như mình có đạt được một chút thành công nào trên đời này, thì đó cũng là điều chẳng có gì đáng nói phải không?

Đầu tháng Chín năm ấy mình đỗ vào khoa Lý trường Tổng hợp. Thời gian này Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, chúng mình phải theo trường sơ tán về nông thôn. Từ nơi sơ tán, mình và Hương vẫn đều đặn thư từ cho nhau. Rồi Mỹ ném bom ác liệt hơn, trường lại phải sơ tán tiếp lên miền núi. Đấy là khoảng thời gian đầu năm thứ hai. Lên nơi học mới, có địa chỉ hòm thư mới, mình gửi thư ngay cho Hương. Một lá, rồi hai, rồi ba mà không nhận được thư trả lời. Không biết là đã có chuyện gì xẩy ra. Có thể trường Hương đã chuyển địa điểm cũng nên. Khả năng này thời chiến là dễ xẩy ra lắm. Nếu vậy thì thế nào nàng cũng gửi thư cho mình theo địa chỉ nhà riêng ở Hà Nội. Tuần nào mình cũng bò về nhà nhưng đều không thấy. Mình cũng đã qua nhà Hương để dò hỏi tin tức. Nhưng bên ngoài nhà nàng đã có một vọng gác quân đội, cổng lúc nào cũng đóng kín. Không khí cảnh giác thời chiến bao trùm, mấy anh cảnh vệ không cho biết tin tức, lại còn nghi ngờ hỏi dồn quan hệ thế nào? Muốn tìm hiểu qua bạn bè thì mọi người hầu như đi xa cả, người vào chiến trường, người đi sơ tán, một số làm ở Hà Nội cũng không biết gì hơn. Miệt mài như thế hàng tháng trời mà vẫn chỉ là bóng chim tăm cá. Rồi cũng đến lúc mình phải dừng lại cái công việc vô vọng, đi tìm dấu vết của một người con gái trong cái thành phố mà hầu như mọi người xung quanh, ai cũng đều khẩn trương, hối hả với trăm công nghìn việc của thời đạn bom.

Cũng lại hai lần viết thư cho Hương theo địa chỉ nhà nàng ở Hà Nội, nhưng vẫn cứ thăm thẳm không thấy hồi âm. Mình chỉ còn biết tự an ủi là do thất lạc thư từ, chuyện thường gặp trong thời chiến!

Nhiều tháng nữa trôi đi trong nỗi thấp thỏm đợi chờ. Mùa hè đã qua, mùa thu đã tới, rồi mùa đông lại về. Cứ thế, thời gian luân hồi thấm thoắt thoi đưa. Đã qua năm học thứ hai, rồi thứ ba. Kết thúc năm thứ tư, mình tốt nghiệp với kết quả thật đáng phấn khởi. Giai đoạn này chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, chủ trương của Nhà nước là tranh thủ đưa nhiều học sinh, sinh viên đủ điều kiện sang học tập ở các nước Xã Hội Chủ Nghĩa bạn bè, để có lực lượng xây dựng lại đất nước khi chiến tranh kết thúc. ở trường, mình và một số sinh viên vừa tốt nghiệp nằm trong diện này. Thế là chỉ sau một tháng, tất cả đã lên đường. Mình được sắp xếp theo học chương trình nghiên cứu sinh tại trường đại học tổng hợp Lômônôxôp - Matxcơva. Sang tới Liên Xô, ổn định trường lớp đâu đấy, mình nghĩ ngay tới việc đi tìm Quỳnh Hương. Nhớ lại những lời đồn đại ở trường hồi cuối năm lớp 10 về việc Hương sang Liên Xô học tập, như có một thứ linh tính mách bảo, mình nghĩ rằng, sau khi học xong lớp chính trị trong nước, thế nào Hương cũng được cử đi học tiếp ở một nước nào đó, nước đó không thể nào khác hơn là Liên Xô. Mình dành nhiều thời gian dò hỏi, thông qua Ban quản lý lưu học sinh của Đại sứ quán. Quả là không lầm chút nào. ở đây người ta cho biết, Quỳnh Hương sau khi tốt nghiệp lớp chính trị cao cấp trong nước, nàng được cử sang nghiên cứu sinh tại học viện Chính trị cao cấp Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp phó tiến sĩ triết học, Quỳnh Hương đã trở về nước từ nửa năm trước đấy. Sau khi về nước, nàng làm gì, ở đâu thì không ai biết nữa.

Thất vọng vì lần thứ hai mất Hương, mình dồn tất cả sức lực vào việc học tập. Được sự hướng dẫn của các giáo sư có tên tuổi, luận án của mình đi vào nghiên cứu những vấn đề cơ học lượng tử, một lĩnh vực mới mẻ của vật lý hiện đại. Nếu như số phận đã dành cho mình quá nhiều trắc trở trong tình yêu, thì dường như nó cũng lại bù đắp cho mình nhiều thuận lợi trong học tập thì phải. Sau hơn ba năm học tập nghiên cứu, mình tốt nghiệp và được cấp bằng phó tiến sĩ khoa học. Các giáo sư trong Hội đồng khoa học nhất trí đề nghị cho mình chuyển tiếp nghiên cứu sinh cao cấp.

Nhưng tình hình chiến sự trong nước đang trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng, mình chủ động xin được trở về Việt Nam. Về tới Hà Nội, được phân công công tác tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, nhưng ngay sau đó lại có lệnh biệt phái sang công tác bên quân đội, tham gia các dự án chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Công việc đòi hỏi các thành viên tham gia thường xuyên đi vào tuyến lửa hoặc những nơi có chiến sự. Thời gian gấp gáp, công việc khẩn trương tưởng như không có lấy một khoảng trống nhỏ nào có thể xen vào nổi. Rồi vào một buổi chiều muộn trên đường về nhà, mình tranh thủ ghé qua nhà Hương. Quang cảnh vẫn như xưa, những toà nhà tĩnh lặng thâm nghiêm, các trạm gác thấp thoáng lính gác. Mình xuất trình giấy tờ của cơ quan Bộ Quốc phòng, rồi hỏi thăm tin tức của Hương. Người lính trẻ vui vẻ cho biết tình hình. Hương đã lấy chồng, đã có một con gái khoảng ba tuổi, nàng đang công tác ở một cơ quan Trung ương, nhưng sơ tán ở xa, thỉnh thoảng mới ghé qua Hà Nội.

Nghe thông tin mà mình chết lặng. Thì ra nàng đã có gia đình! Trong những năm tháng không liên lạc được với Hương, tại sao lại không bao giờ mình nghĩ đến tình huống này cơ chứ. Tại sao lúc nào cũng chỉ tưởng tượng ra là nàng đang đợi chờ, đang khích lệ mình học cho giỏi, để cùng nhau xây đắp tương lai tươi đẹp. Thế mà khi mình đang làm tiếp tất cả những điều nàng mong đợi, thì nàng lại nỡ bỏ đi!

Được làm việc với những sĩ quan và các nhà khoa học tài ba, dầy dạn kinh nghiệm, lại trong một bầu không khí khẩn trương trận mạc, mình đã may mắn có được cơ hội tốt để thoát ra khỏi trạng thái hụt hẫng sầu muộn. Tuy rằng, nỗi buồn u uẩn thường khi vẫn trở về bóp nghẹt trái tim, trong những đêm không ngủ.

Thế rồi vào cái lần mình có việc phải lên báo cáo trực tiếp với thiếu tướng Huỳnh Bổn, ông là chủ nhiệm dự án mình đang tham gia. Dáng người tầm thước, bề ngoài trầm lặng, khiến người ta dễ lầm thiếu tướng còn già hơn tuổi năm mươi của ông. Nhưng đã được làm việc lâu với ông, mình hiểu rằng, ẩn dưới cái bề ngoài mộc mạc và có phần khô khan đó, là một con người thông tuệ, đôn hậu, và  có sức lôi cuốn lạ lùng, với những ai đã từng làm việc hoặc tiếp xúc.

Mình ngồi đối diện thiếu tướng bên bàn làm việc. Ông giở cặp tài liệu ghi chép những điều mình báo cáo. Đấy là một chiếc cặp gấp bìa cứng bọc giả da màu nâu. Lòng bìa bên trái chiếc cặp dán ni lông trong suốt, phần dưới cài một tờ giấy gấp nhỏ, phần trên cài một tấm ảnh đen trắng cỡ 10x15 chụp chân dung ba người. Mặc dù tấm ảnh bị nhìn ngược, nhưng mình vẫn nhận ra người đàn ông là tướng Huỳnh Bổn, ở giữa là một bé gái chừng ba bốn tuổi. Người vợ ông - hẳn phải là như thế - đang âu yếm ôm cháu bé, và cả hai cùng ngả người vào vai ông. Người phụ nữ nở một nụ cười kín đáo, tuy là nụ cười nhìn ngược, nhưng mình vẫn nhận ra nét quen thuộc của nụ cười ấy. Định thần lại, mình đau đớn nhận ra rằng, người phụ nữ trong ảnh chính là Quỳnh Hương! Nói thì lâu, nhưng tất cả sự phát triển của câu chuyện diễn ra chỉ trong vòng một hai tích tắc. Tận đáy lòng mình, sự tự ti mặc cảm thuở thiếu thời, bỗng chốc thay hình đổi dạng vụt trở thành sự tự ái thoảng chất kiêu bạc. Chỉ một khoảnh khắc trôi qua cũng đã đủ để mình bình tĩnh tự nhủ lòng, trong bất cứ tình thế nào thì cũng không được để lộ ra sự yếu đuối, thảng thốt bên trong, nhất là vào lúc này, ở nơi đây, trước mặt tướng Huỳnh Bổn! Với một sự tập trung cao độ, mình đã làm được điều kỳ diệu đó. Báo cáo của mình trôi chẩy và đầy đủ ý tứ như đã chuẩn bị theo đề cương. Chắc hẳn thần thái và giọng nói của mình khi đó cũng đủ mức tự tin bình thản, nên đã nhận được sự hài lòng của thiếu tướng. Ông khen ngợi những nội dung phong phú mà bản báo cáo đề cập, cũng như sự chuẩn bị chu đáo thể hiện qua chất lượng trình bầy.

Chưa bao giờ mình thấy khát khao làm việc, học tập và nghiên cứu như giai đoạn này. Làm việc để thể hiện phẩm chất và năng lực, làm việc cũng là để quên đi nỗi trống trải khôn cùng. ở cơ quan Bộ Tổng, hôm nào cũng phải sáu, bẩy giờ tối mình mới về nhà. Đêm nào cũng cứ một, hai giờ sáng mới lên giường ngủ. Nhịp điệu này kéo dài hàng nửa năm trời, chất lượng công việc cũng vì thế mà được nâng cao rõ rệt. Một số đề xuất của mình được Hội đồng khoa học quân sự chấp thuận cho ứng dụng, đã góp phần đem lại hiệu suất chiến đấu cao cho bộ đội. Tướng Huỳnh Bổn ngày càng tỏ ra quý mến và tin tưởng. Đã có lần ông gợi ý muốn chuyển mình sang biên chế quốc phòng để trở thành sĩ quan chuyên nghiệp. Mình đã cảm ơn về sự tin cậy đó, nhưng nguyện vọng riêng là khi chiến tranh kết thúc thì xin được trở về cơ quan cũ. Có lần ông lại còn mời mình về thăm gia đình, và cả lần đó, mình cũng khéo léo tìm cách từ chối.

Trong suy nghĩ của mình, tướng Huỳnh Bổn là một con người tài đức song toàn. Sự toả sáng của ông dường như đã giúp cho mình vượt qua được sự chật hẹp và đố kỵ của tấm lòng đàn ông. Tận nơi sâu kín trong lòng, mình đã phải thừa nhận rằng, cuối cùng thì những mẫu đàn ông như thế, thường lại là tiêu điểm hướng tới của những người phụ nữ đẹp trên đời. Tuy rằng nỗi buồn tâm khảm cũng thấy dịu đi được phần nào bởi điều tâm niệm đó, nhưng rồi chẳng biết vì đâu, ý nghĩ về một sự thương tổn bỗng xuất hiện trong lòng. ý nghĩ đó đã được kích hoạt bởi tính hiếu thắng của tuổi trẻ, đến độ mình không sao kiềm chế nổi một suy nghĩ lạ lùng, cứ ngày càng lớn dần lên trong tâm thức. Giờ đây, tướng Huỳnh Bổn bỗng trở thành một đối thủ trong mình. Dẫu vẫn biết không thể nào tiếp cận được ông bởi tầm vóc lớn lao bao trùm, nhưng cũng không vì thế mà mình phải lùi ra quá xa. Bụng bảo dạ, phải luôn luôn giữ vững khoảng cách vừa đủ giữa hai người, để từ khoảng cách hợp lý ấy, mình sẽ ngấm ngầm quan sát và học lấy tất cả những gì là vượt trội ở ông. Mình nghĩ, chỉ có cách học lỏm như thế, hoạ chăng mới có thể mau chóng san lấp được cái khoảng cách tầm vóc giữa hai người. Đơn phương thầm lặng trong cuộc tranh đua này, không phải là để giành lại Quỳnh Hương, mà mình chỉ muốn để chứng tỏ được một điều. Rồi đến một lúc nào đó, Quỳnh Hương sẽ phải nuối tiếc vì đã chối bỏ một tình yêu chân thành và đẹp đẽ mà mình đã dâng hiến!

Cậu có nghe không đấy, làm sao mà có vẻ uể oải thế? Nhưng mà có lẽ cậu chán là phải. Đến ngay như mình lúc này đây, kể lại cho cậu nghe về những ý nghĩ bốc đồng và kỳ cục ở cái tuổi hăm bẩy, hăm tám ấy, mình cũng còn muốn tự cười vào mũi nữa là. Nhưng mà thôi, thời gian đã trôi xa, chúng ta nay đã già, chuyện của ba mươi năm ấy xin đừng chấp làm gì bạn nhé!

Cậu hỏi về các đoạn sau thế nào ư? Khi chiến tranh kết thúc, Ban dự án giải thể, mình trở về công tác tại Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, rồi được cử sang Liên Xô làm tiếp chương trình tiến sĩ, rồi làm việc ở Đúp Na([1]) vài năm, rồi về nước, rồi lấy vợ có con, và đến đoạn sau thì cậu biết cả rồi đấy.

Cứ tưởng đã có thể quên được mối tình đầu đời thơ dại ấy, thế mà không ngờ, hôm gặp lại Quỳnh Hương ở hành lang Lãnh sự quán, chẳng hiểu sao chuyện cũ bỗng dưng sống lại trong lòng, và thế là mình muốn được kể lại để cậu cùng nghe.

Giờ đây, mình và Quỳnh Hương đang cùng xa nhà, và lại đang sống trong cùng một thành phố. Đã có lúc mình muốn tìm đến gặp Quỳnh Hương. Tuy không biết được là nàng đang làm gì, ở đâu. Nhưng chắc rằng nàng sang đây hẳn phải trên cương vị của một khách VIP, vậy thì chỉ cần lên Sứ quán là người ta sẽ có đủ thông tin về nàng. Nghĩ thì như thế, nhưng lại không thể làm được như thế. Hơn ba mươi năm không gặp lại nhau, liệu sự xuất hiện đột ngột của mình có làm cho câu chuyện trở nên khiên cưỡng, tẻ nhạt? Thôi thì cứ cách xa như số phận đã an bài, như thế sẽ hay hơn, cả cho hai người.

Cậu cho rằng mối tình này quá lãng mạn chứ gì, và rằng làm sao mà nó sống lâu trong lòng mình đến thế ư? Mình phải giải thích thế nào cho cậu hiểu đây? Nhưng có giải thích cách nào thì cậu đều có thể tin rằng, mối tình ấy, dù có quan niệm thế nào và gọi là gì đi chăng nữa, mình phải thú thật rằng, mặc dù nó đã từng mang lại cho mình không ít khổ đau, thậm chí thất vọng trong nhiều năm tháng, do vậy mà cũng có khi mình đã suy nghĩ, hoặc tìm cách suy nghĩ chưa đúng về nó, nhưng có một điều mình chưa bao giờ hoài nghi rằng, mối tình này đã từng là động lực của đời mình. Động lực đó luôn thắp sáng như một ngọn lửa chưa bao giờ nguội lạnh trong tim, kể cả lúc mình say đắm trong tình yêu một chiều ngộ nhận, hoặc khi mình đau khổ vật vã vì biết nàng đã lấy chồng. Trong tâm hồn mình, mối tình ấy và người phụ nữ mà mình tôn thờ như một tín ngưỡng ấy, đã luôn luôn là nguồn cảm hứng vô tận để mình học tập, làm việc và sáng tạo trong hàng chục năm qua. Có được những gì ngày hôm nay, tận đáy lòng, mình luôn mang ơn mối tình đầu thánh thiện ấy.

 

3. Được sự đồng ý của Duy, tôi đã kể lại câu chuyện về mối tình đầu của anh để các bạn cùng nghe. Câu chuyện đáng lẽ đã kết thúc ở đây. Nhưng trong những ngày tiếp theo ở Praha, chúng tôi lại gặp một vài sự việc có liên quan, tôi thấy cần bổ sung vào phần tiếp theo, và do vậy, có thể coi đây là phần kết của câu chuyện này.

Ở phần trên đã kể, Duy muốn tôi khi nào có thời gian thì cho anh cùng đi chơi thăm thành phố. Chỉ đơn giản như thế mà tôi không lúc nào dứt ra khỏi công việc được. Ngày lại ngày, tôi phải tha thếch hết chợ này đến chợ khác để thu nợ, một công việc mà tôi cho rằng, nó thuộc nhóm những việc làm khó khăn, nặng nhọc nhất trên đời này. Đợi tôi mãi chắc cũng sốt ruột, cuối cùng Duy đề nghị cứ để anh cùng theo xe tới các chợ, anh bảo, đi thăm chợ người Việt Nam ở xứ Tây, có lẽ cũng là điều thú vị, mà không mấy ai sống trong nước được thưởng thức!

Thế là ngay sáng hôm sau, Duy theo anh em chúng tôi lên đường đi chơi chợ. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là một ngôi chợ nằm ở vùng Praha 4. Chợ xây trên một khoảng đất rộng chừng 2 hecta. Đây là một khu chợ đẹp đẽ, ngăn nắp. Toàn khu có 8 khối nhà lớn, tường gỗ, mái tôn, trần gỗ. Mỗi khối nhà lại ngăn ra chừng năm chục gian nhỏ, mỗi gian rộng khoảng ngót hai chục mét vuông, do một chủ người Việt thuê bán hàng.

Người Việt Nam buôn bán ở Séc gọi các ngôi nhà bán hàng như thế là "Bâu", nó bắt nguồn từ chữ Bouda, tiếng Tiệp nghĩa là ngôi nhà gỗ. Dân ta phiên luôn là Bâu, nghe xuôi tai dễ nhớ.

Chúng tôi đi một vòng chợ theo lối cuốn chiếu. ở bâu số 1, anh em tôi gửi hàng cho hai chủ thì chỉ đòi được một. Qua bâu số 2, tình hình cũng tương tự. Đến bâu số 3 thì gặp rắc rối lớn. Khi đến gian hàng số 318 của một chủ tên là Cang, cũng là nơi chúng tôi ký gửi một lượng quần áo khá lớn, thì thấy gian hàng đóng cửa. Ngoài cái khoá thông thường gian nào cũng có, cửa gian hàng còn bị một cái xích cuốn hai vòng và một cái khoá to tướng khoá chặt. Giữa hai mép cửa, mấy tờ giấy niêm phong dán chéo chữ thập. Rầy rà to rồi! Tôi nhìn trước nhìn sau không thấy Cang, hỏi thăm chủ gian bên cạnh thì được biết, Cang thiếu nợ lâu ngày, chủ chợ đã ra lệnh niêm phong sáng nay. Vừa mới rồi chú còn đứng đây, có lẽ bây giờ đang ở trong văn phòng Ban quản lý, hoặc quanh quẩn đâu đấy.

Một hồi sau, chúng tôi tìm thấy Cang trong quán giải khát ở bâu số 6. Thấy chúng tôi, Cang vội đứng dậy mếu máo:

- Em chết đến nơi rồi các anh ơi!

Tôi hỏi làm sao lại nên nông nỗi này, Cang mới trần tình kể lại, đã từ nửa năm nay, hàng họ ế ẩm quá, đã thế đứa con gái nhỏ ở quê nhà lại bị viêm màng não, Cang phải gom góp gửi về cho vợ hơn nghìn Đôla lo chữa chạy cho con. Con vừa nhúc nhắc được một tí thì ông bố lại bị ngã gẫy chân. Thật là hoạ vô đơn chí. Buôn bán đã chẳng ra gì mà chủ chợ lại còn đòi tăng giá thuê gian từ 300 lên 350 Đô Mỹ một tháng. Bĩ cực quá, Cang đành khất nợ. Được một tháng, hai tháng, hết tháng thứ ba chủ đòi lại gian hàng, chú chưa thu xếp xong thì sáng nay, họ cho đầu gấu đến niêm phong.

Mặt mũi Cang gầy rộc và nhợt nhạt như người ngã nước. Chú mệt mỏi kể lại câu chuyện, cuối cùng đề nghị với chúng tôi cho khất nợ tiền hàng một thời gian nữa, để lo chuộc lại gian hàng. Chú hứa một đôi tháng sẽ thu xếp gửi tiền về nước thanh toán sòng phẳng với chúng tôi. Cùng cảnh áo rách với nhau, gặp hoàn cảnh như thế, chúng tôi chỉ còn biết động viên, an ủi Cang cố gắng vượt qua cái đận sao Thái Bạch này mà thôi.

Chúng tôi ngồi uống nước chè nghe Cang kể chuyện về cuộc sống của những người đồng hương ở Séc và Đông Âu. Theo Cang thì chẳng riêng gì ở đây, mà ngay cả ở Nga và các nước Đông Âu khác cũng thế thôi. Sự phân hoá giầu nghèo trong cộng đồng Việt diễn ra ngày một khốc liệt. Trong khi đại đa số dân buôn bán vặt ngày một nghèo đi, nghèo đến mức có người phải đi ăn xin, phải đi ăn cướp, lại có người hàng chục năm ròng không dám nghĩ tới chuyện về nước thăm gia đình vợ con, phần vì không có tiền, phần vì cảm thấy tủi nhục trong ngày trở về. Thì ngược lại, một số dân buôn bán lớn ngày một trở nên giầu có. Nhiều người Việt ở đây giầu tới mức đã đủ sức mở siêu thị, xây khách sạn, mở ngân hàng, kinh doanh xuất nhập khẩu, xây chợ cho thuê... Cũng lại theo Cang, hầu hết các kiểu kinh doanh của các đại gia Việt ở đây đều tài giỏi và anh hùng cả. Họ dám đối mặt với xã hội Tây, dám móc tiền từ túi người Tây, dám trốn lậu thuế qua mắt hải quan Tây, dám Mafia ăn chia với chính quyền các cấp ở đây. Cách buôn bán làm ăn của họ nhiều khi cũng làm mở mày mở mặt cho dân Việt xứ này. Trong khi đó, chỉ riêng cách kinh doanh xây chợ cho dân Việt thuê thì lại là một cách kinh doanh bóc lột, làm giầu trên lưng những người đồng hương, tàn nhẫn không để đâu cho hết!

Cang kể rằng, cách đây ba năm khi chú trốn từ Nga sang đây, giá thuê chợ ví như ở Praha 4 đây, lúc ấy cũng chỉ mới khoảng một trăm Đô Mỹ một tháng. Giá thuê như thế là chủ chợ đã ăn đủ rồi. Nhưng khốn nỗi, người mình trong nước sang đây cứ như đi trẩy hội. Một trăm người thì cả một trăm linh một đều lao vào buôn bán. Các tướng soái đua nhau bỏ vốn xây chợ mà vẫn không đủ chỗ cho thuê. Giá chợ được dịp mặc sức leo thang. Trăm rưởi, rồi hai trăm, rồi hai trăm rưởi... Giá lên cứ như nước lên, mà nhiều lúc cung vẫn không đủ cầu. Nếu anh chê giá cao thì đã có người khác. Còn anh đã thuê mà chậm trả thì chủ chợ đã có bộ máy đầu gấu xử lý. Tùy mức độ mà có thể bắt hàng, niêm phong, đuổi chợ... Ngay ở Praha 4 đây, không tháng nào là không xẩy ra những cảnh tương tự.

Do nghề nghiệp và công việc mà tôi cũng đã có nhiều dịp tiếp xúc với những người Việt buôn bán ở các chợ xứ Đông Âu, thậm chí cũng đôi ba lần gặp gỡ các tướng soái chủ chợ. Cũng có thể do chưa nắm được đầy đủ thông tin từ nhiều chiều khác nhau, nên tôi chưa thấy được hết thực chất của vấn đề. Nhưng quả thật, chưa khi nào tôi nghĩ là các chủ chợ người Việt ở đây lại lạnh lùng, vô cảm đến thế trước những nỗi khổ hạnh, lầm than của những người đồng hương. Thành thử khi nghe chuyện Cang kể, tôi cứ thấy bán tín bán nghi, nên mới lựa lời cắt ngang câu chuyện:

- Nghe chú nói thế thì mới hay rằng cánh chủ chợ ở đây cũng tệ thật. Nhưng có lẽ trong một chừng mực nào đó, họ cũng có những đóng góp nhất định cho cộng đồng Việt Nam đấy chứ. Chúng ta mới từ quê hương chân ướt chân ráo sang đây, tiền bạc không nhiều, nghề nghiệp không có, ngôn ngữ cũng không. Hỏi rằng còn ở đâu tốt hơn các ngôi chợ Việt, để mà tá túc lập nghiệp, lập thân lúc ban đầu? Tôi nghĩ cái đó chú cũng nên...

Cang như bị chạm vào một nỗi đau sâu kín nhất trong lòng, nên đã có phản ứng tức thì:

- Nghe anh nói thì họ có công thật đấy. Họ bỏ tiền xây chợ, thu hút và tạo việc làm cho hàng nghìn, hàng vạn người đồng hương thất nghiệp. Họ còn tài trợ tiền túi cho Hội này Hội nọ trong nước. Công đức và tên tuổi họ được nhắc tới như những người anh hùng. Nhưng anh! Hỏi rằng anh đã khi nào bị rơi vào cảnh bĩ cực không có đường lùi, ví như cảnh vợ con bị ốm thập tử nhất sinh, mà lại không còn một xu dính túi chưa? Họ đã xuất hiện đúng lúc như một bà tiên nhân từ, giang rộng hai tay làm phúc cho anh vay tiền để anh lo việc cứu chữa vợ con. Phúc đức quá, nhân từ quá, đúng không nào? Lại biết anh đang khó khăn, lại nghĩ tới tình đồng hương, nên bà tiên nhân từ chỉ lấy lãi anh có dăm chục phần trăm mỗi tháng thôi, người khác thì phải hơn thế kia. Đấy! Công lao và lòng nhân từ của các chủ chợ mà các anh ca ngợi là thế đấy. Tôi nói thật với các anh nhé, nếu không có bọn áo rách cùng đường hết lối như chúng tôi, mà bằng bất cứ giá nào cũng phải lao vào chợ, thì bọn họ có khối ra mà có tiền, có khối ra mà thành tướng thành soái, nên ông nên bà. Cho nên, ai khen thì cứ việc khen, còn tôi, tôi cứ là nhổ toẹt vào cái công lao kiểu bà Tú Đễ của họ.

Tất cả nỗi bức bối trong lòng Cang, đến độ này hình như cũng đã truyền dẫn đầy đủ sang người Duy, cảm thấy như Duy cũng bức bối không kém và anh đã lên tiếng:

- Tôi cũng thấy ở đây có vấn đề không ổn. Đã đành là đi buôn thì phải có lãi, nhưng lãi đến thế thì không khác gì cho vay nặng lãi, là kiểu độc quyền bắt chẹt khách hàng. Tôi biết ở nhiều quốc gia họ có luật chống độc quyền, anh nào mà lợi dụng độc quyền để nâng giá kiếm lời bất chính, họ đánh thuế cho phá sản ngay. Trong ý thức và tình cảm người dân những nước ấy, họ luôn coi sự độc quyền là biểu hiện vô lương tâm, không thể chấp nhận được. Vả lại ở đây, bắt chẹt ai chứ bắt chẹt những người đồng hương không có lối thoát thì thật là không phải đạo chút nào. Nhưng mà anh Cang này, tôi nghĩ một chuyện tầy đình như thế, tại sao không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra dàn xếp, giúp đỡ, mà cứ để tồn tại kéo dài mãi như thế nhỉ? Tôi được biết ở tất cả các nước hiện nay, tổ chức của người Việt mình mạnh và chặt chẽ lắm cơ mà. Đại sứ, Lãnh sự, Tham tán, Tuỳ viên... Rồi lại Hội người Việt Nam yêu nước, chẳng lẽ không ai can thiệp hay sao. Nếu cần thiết, tôi sẽ gặp các anh ấy đề nghị xem xét giúp đỡ.

Nghe Duy nói vậy, Cang tròn xoe mắt, nhìn Duy như nhìn một vật thể lạ, hồi lâu chú mới bật ra một chuỗi cười, giòn tan như điệu cười con trẻ:

- Ô hay! Thế anh có biết đây là đâu không mà lại nói đến cơ quan với lại tổ chức? Cộng đồng người Việt ở đây là gì anh có biết không? Đây là nơi tập hợp những con người bị lãng quên, những kiếp người bị ruồng bỏ, những số phận nằm ngoài vòng pháp luật. Đi lao động hợp đồng thì trốn ở lại. Người được Nhà nước cử sang học hành, hy vọng nay mai thành tài trở về xây dựng quê hương thì đồng loạt trốn ở lại làm giầu cho bản thân. Người trong nước sang đây, phi tham nhũng chạy tội thì cũng là lậu liễm giấy tờ. Cộng đồng như thế hỏi làm gì có luật pháp. Luật chi phối ở đây là luật rừng, là cá lớn nuốt cá bé. Không ai có thể giúp, và cũng không ai muốn giúp họ. ở đây, từng người, từng người một đều phải tự hiểu như thế, và chỉ có họ mới tự cứu nổi họ mà thôi. Rất cảm ơn anh vì đã có ý tốt và cảm thông với chúng tôi. Nhưng ngoài đồng tiền ra, không gì có thể làm thay đổi số phận chúng tôi ở đây được hết...

Câu chuyện kiểu này giữa chúng tôi có lẽ sẽ không có hồi kết thúc, nếu như lúc đó bên ngoài cửa không có tiếng người đi lại rầm rập và những tiếng nói lao xao xa gần. Không ai bảo ai, chúng tôi đều nhìn ra hướng cửa. Có hai thanh niên người Việt ăn mặc đồng phục, quần đen, áo sơ mi đen cộc tay, tóc cắt ngắn kiểu đầu đinh và đều mang kính đen. Hai người này kẻ trước người sau cách nhau khoảng chừng hai, ba mét, và ở giữa là một người phụ nữ. Cách đi theo đội hình như thế, dễ gợi cho ta liên tưởng tới cách đi của một yếu nhân, đang được hai vệ sĩ mở đường, khoá đuôi bảo vệ. Các bạn có thể đoán được người phụ nữ đi giữa là ai không? Người đó chính là Quỳnh Hương! Nhưng nàng đang làm gì ở đây, nơi chỉ toàn những cảnh xô bồ chợ búa, hoàn toàn xa lạ với phẩm hạnh và vị trí xã hội của nàng? Lại còn hai gã áo đen sau trước, chúng có liên quan gì tới nàng, hay chỉ là những bước đi ngẫu nhiên của những khách đồng hành trong chợ? Tôi như không làm chủ được mình, bất giác kêu lên: "Quỳnh Hương!". Và khi tôi quay sang Duy thì thấy anh đang trong trạng thái bất động. Chắc hẳn anh cũng đã trông thấy những gì mà tôi trông thấy. Nhưng có lẽ, người bị ngạc nhiên nhất lúc này lại là Cang. Nghe tôi kêu tên Quỳnh Hương, Cang cũng sửng sốt kêu lên:

- Ơ! Thế ra các anh cũng biết Quỳnh Hương à?

Tôi và Duy còn chưa kịp bừng tỉnh sau một thoáng ngỡ ngàng, thì Cang đã lại mau chóng trở về với sự bình thản đời thường:

- Các đại ca đây cũng gớm thật đấy. Quen biết đến cỡ bố già mà cứ ngây ngây, hiền khô như những chú cừu đội nón. Thế quen biết đến mức nào, kể cho thằng em này nghe, xem có nhờ vả được chút ít nào không đây?

Nghe Cang cười cợt như thế, Duy mới nghiêm nét mặt hỏi dồn:

- Anh bảo bố già là thế nào, ở đây ai là bố già?

- Như thế này thì các đại ca chắc cũng chỉ mới biết mặt biết tên Quỳnh Hương thôi, chưa thể gọi là quen biết được. Vì thế mà cũng chưa thể hiểu được Quỳnh Hương là ai phải không? Nếu các đại ca vui lòng, em xin kể hầu các đại ca  nghe về bố già của chúng em.

Cũng chẳng cần phải xác định lại những điều mình nhận xét có đúng hay không, cũng chẳng cần phải đợi xem mọi người có muốn nghe chuyện của mình hay không, Cang cứ thế thủng thẳng kể:

- Quỳnh Hương là một phụ nữ Việt Nam đẹp nổi tiếng trong cộng đồng các xứ Đông Âu, chồng là một cậu ấm người Séc, nên đã đổi sang tên Tây là Êlêna Pêtrôva. Nghe nói hồi còn trong nước, người chồng đầu tiên của chị ta là một sĩ quan cấp tướng trong quân đội. Khi miền Nam giải phóng, ông chồng được điều về làm Chủ tịch một tỉnh ở miền Trung, Quỳnh Hương chuyển công tác theo chồng. Ngay từ đầu, chị đã giữ chức giám đốc Sở Thương Nghiệp của tỉnh. Hơn chục năm giữ cương vị không để xẩy ra chuyện gì, cho đến khi ông chồng già yếu quá phải về hưu, mọi chuyện mới bung bét ra từ đấy. Những vụ tuồn hàng cung cấp với khối lượng lớn ăn chênh lệch giá, những vụ hợp thức hoá giấy tờ để chiếm hữu những biệt thự và những cửa hàng kinh doanh có vị trí đắc địa, những vụ buôn lậu thuốc lá, vải vóc, bột ngọt từ Campuchia... do các đệ tử ruột thực hiện dưới cái ô bảo kê của người đẹp Quỳnh Hương, dần dần được lôi ra ánh sáng. Người ta còn đồn đại rằng, trong những tội trạng của chị ta, có một tội lớn nhất không được đem ra xét xử công khai, đó là tội chị ta đã cả gan đứng đằng sau các vụ tổ chức cho người trong nước vượt biên trái phép vào những năm đầu thập kỷ tám mươi. Nhưng chỉ với những tội tham nhũng công khai cỡ đó, Quỳnh Hương đã phải kỷ luật cách chức và lãnh án ba năm tù treo. Sau cái vụ kỷ luật của vợ, ông chồng tội nghiệp cũng chỉ sống thêm được nửa năm. Chôn cất chồng xong, Quỳnh Hương đem con quay ra Hà Nội, rồi từ Hà Nội lại thu xếp sang cư trú tại Cộng hoà Séc. Giầu có, lịch lãm, có học thức và đặc biệt có sắc đẹp nghiêng thành, một cậu ấm cả trai tân người Séc, con một gia đình có thế lực chính trị, kém người đẹp Á Đông tới 5 tuổi, vẫn một lòng xin chết. Và thế là như rết thêm chân, rồng thêm vẩy, Êlêna bắt đầu nhẩy vào lĩnh vực kinh doanh. Với người khác, đất đai là cả một vấn đề nan giải, nhưng với Êlêna thì dễ như trở bàn tay. Xin chỗ nào được chỗ đó, mà giá thì rẻ như cho. Sau 5 năm nhẩy vào thị trường bất động sản, Êlêna hiện là bố già có thế lực lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh chợ. Hiện nay chị ta ít nhất phải có tới 5 khu chợ Việt rải rác khắp Cộng hoà Séc. Tiền từ túi dân nghèo Việt Nam chẩy như suối về tài khoản của Êlêna. Khi sức mạnh kinh tế kết hợp với sức mạnh chính trị thì sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều, nó đủ sức vượt qua mọi rào cản để vươn tới mọi lĩnh vực. Từ bất động sản, người đẹp của chúng ta lại bắt đầu đi vào một số trận địa khác như vui chơi giải trí, hộp đêm và sòng bạc, những lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận, mà chỉ có các Mafia thế giới ngầm mới đủ sức mạnh điều hành.

Người Việt Nam ở đây phong hàm, phong cấp cho những người đồng hương giầu có theo khối lượng tài sản mà họ sở hữu. Giầu có nhất là tướng là soái, giầu ngoại hạng là đại soái. Nhưng Êlêna Pêtrôva không nằm trong đẳng cấp đó. Đã hình thành một đẳng cấp của một số rất ít người Việt Nam, giầu có siêu hạng nhưng đồng thời cũng có thế lực chính trị nhất ở xứ này. Đẳng cấp như thế được gọi là đẳng cấp bố già, và Êlêna Quỳnh Hương là đại diện sáng giá trên chiếu bố già ở đây. Nhưng người Việt xứ này gọi riêng trường hợp Quỳnh Hương là bố già mặc váy, để phân biệt với các ông bố già khác...

Câu chuyện của Cang cứ rỉ rả tiếp nối như một cuộn phim, đến đoạn này thì có vẻ như Duy không còn chịu nổi, anh ôm đầu vật vã, rồi giơ cả hai tay lên trời đau đớn kêu lên:

- Thôi đi! Đừng có kể ra cái câu chuyện bịa đặt này nữa. Tôi không bao giờ tin đó là sự thật. Quỳnh Hương không bao giờ là người như thế được. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ!

Cang nhìn Duy rồi lại nhìn tôi, hạ thấp giọng dò hỏi:

- Anh ấy bị làm sao thế, quan hệ thế nào mà lại tỏ ra quá đau khổ về bố già của chúng tôi đến thế?

Tôi phải ra hiệu cho Cang thôi không được nói nữa, rồi nhờ anh làm giúp cho Duy một cốc nước gừng nóng pha đường. Tôi biết gừng là vị thuốc quý, tính ôn, chữa nhiều bệnh trái ngược nhau, cảm nóng, cảm hàn đều được, không công phạt gì. Cang tỏ ra hết sức sốt sắng trước đề nghị của tôi, nhưng trước khi quay đi, anh còn cố diễn giải thế này:

-  Chắc hẳn con người này phải từng có những mối liên hệ ân oán nào đó từ xa xưa với bố già chúng tôi, mà cho đến nay món nợ tình nghĩa đó vẫn chưa trang trải hết với nhau, cho nên mới có những biểu hiện bất thường đến thế. Nói thật với anh nhé, điều tôi vừa dự đoán, xin cam đoan trăm phần trăm là không có sai đâu. Có cho vào cối giã cũng chẳng thể trật đi đằng nào!

Rồi Cang chuyển sang cách nói trầm trầm giọng thổ, thoáng một chút bi hài lẫn lộn, khi anh vừa đi vừa ngâm nga một câu thơ chẳng biết đã lấy từ đâu ra:

          Nợ tiền nợ bạc nhẹ tênh   

          Nợ tình là nợ ba sinh kiếp người.

 

*                                                     

Trở về nhà khách đêm hôm đó. Duy đột ngột lên một cơn sốt cao. Tôi phải kiếm thuốc giảm sốt cho anh uống, rồi lấy khăn ướt chườm lên trán cho mau hạ nhiệt. Trong suốt thời gian trên giường bệnh, đôi lúc Duy bị rơi vào trạng thái thất thần của những cơn mê sảng. Trong cơn mê, lần nào anh cũng như ở trong tư thế đang trò chuyện trực tiếp với Quỳnh Hương. Một lần anh đã nghẹn ngào hỏi Quỳnh Hương làm sao mà lại đổi thay ra nông nỗi này, và ai đã đưa em vào con đường khổ ải đến nhường ấy? Lại có lần Duy khẩn khoản khuyên nhủ Hương hãy từ bỏ những việc đang làm hôm nay, những công việc xét về bản chất thì hoàn toàn xa lạ với sự thuần khiết và thánh thiện của con người em, để trở về với con đường mà cả thế hệ chúng ta năm xưa từng tự hào dấn bước. Rồi với một giọng đầy nước mắt, Duy nói: "Hương ơi, em có biết rằng, từ rất lâu em đã là một biểu tượng cao vời của tư tưởng và phẩm hạnh, một đức tin sâu sắc như giáo lý và tín ngưỡng, chẳng phải đối với riêng anh mà còn cho bao nhiêu người của thế hệ chúng ta. Nhưng than ôi! Tất cả nay đã còn đâu. Tất cả đều đã hoang tàn đổ nát hết rồi!". Cuối cùng, trong một chuỗi những âm thanh ngắt quãng, tức tưởi, Duy còn gắng gượng nói với người phụ nữ của mình rằng, sao mà thấy thương xót cho Quỳnh Hương đến thế, và cũng lại thấy thương xót cho tất cả chúng ta đến thế!

Tôi phải ngồi dựa lưng vào thành giường rồi kéo Duy ngả hẳn vào người mình, tay phải quàng vai xoa ngực, tay trái nhẹ nhàng vuốt tóc bóp trán cho anh. Động tác này xem ra có tác dụng rõ rệt, hồi lâu không thấy Duy vật vã và mê sảng gì nữa. Cứ thế trong khoảng nửa giờ đồng hồ. Nhịp thở của Duy đã dần trở lại đều đặn và sâu hơn. Nhưng trong những bước thở yếu ớt đó, bàn tay tôi dường như vẫn cảm nhận được từng tiếng nấc thổn thức mơ hồ, phát ra từ lồng ngực của anh.   

 


(1) Đúp Na: Tên của Viện nghiên cứu nguyên tử thuộc Viện hàn lâm khoa học Liên Xô thời bấy giờ.

                     Theo Hội nhà văn Việt Nam


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 4
Total: 65166331

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July