Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Những kẻ dở hơi - Truyện ngắn của Phạm Quang Đẩu Những kẻ dở hơi - Truyện ngắn của Phạm Quang Đẩu , Người xứ Nghệ Kiev
 

        Ảnh minh họa - Internet

 

Hình như sự bực mình càng làm mái tóc ông Trần Vinh mỗi ngày thêm đỏ quạch ra. Ông bực vợ, bực con, bực hàng xóm. Cái xóm Do Hội quê ông có một nhúm người chưa bằng biên chế đủ của lữ đoàn công binh ông chỉ huy trước đây, mà vào thời cơ chế thị trường nẩy nòi khối chuyện nhiêu khê.

Hôm nay thời tiết thay đổi, làm viên bi cư trú lén lút trong lá phổi trái của ông do bị thương từ thời chiến tranh đã mấy chục năm nay lại động cựa, ông ngồi thừ, đau vã mồ hôi hột. Không được khỏe thì tạm dừng cái việc đại sự kia lại vậy. Ông quyết định chuyển “giờ G” vào sáng mai.

Nhớ lại ngày đầu về nghỉ hưu, bà xã đã mua sẵn một chai nước màu đen sóng sánh dán nhãn ngoại, bảo:

-Bao năm, quân đội quản ông, giờ đến lượt tôi quản. Trước tiên phải làm công tác trẻ hóa cán bộ đã.

Ông cười xòa: do máu xấu tóc bạc, chứ lục phủ ngũ tạng của tôi còn dùng tốt. Dù sao ông cũng chiều bà, ngay ngày đầu về sống với gia đình ông nhuộm tóc đen nhánh.

Bà công tác ở văn phòng Huyện ủy, về hưu trước ông, da dẻ hồng hào, béo đẫy, có lần cô con gái trêu “Mẹ đang hồi xuân”. Nhưng sức khỏe bà lại có vấn đề, huyết áp cao, mỡ máu cao, thoái hóa mạch vành tim, bác sĩ bảo phải hết sức tránh làm quá sức, lo âu phiền muộn. Bởi thế bà đã giao hẹn với ông:

-Tôi, ông đều hoàn thành nhiệm vụ với đất nước rồi. Nhà mình tuy không giàu, cũng đủ ăn, lại chỉ có mỗi một con vịt giời, nay mai là nó bay. Chả tội gì. Cuối đời, vui là chính, cấm có dính đến những chuyện nhiễu nhương ngoài xã hội cho mệt óc!

Thời chống Mỹ ông cứ đi biền biệt. Sau ngày nước nhà thống nhất, ông có dịp gần nhà, trục trặc mãi ông bà mới có được cô con gái rượu Thu Hằng. Con bé đang tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, tính lại hiếu động như con trai, đang chuẩn bị thi đại học. Từ ngày hưu, bà lấy vui là chính, hội hè đình đám quanh vùng đều có mặt, đi đâu cũng cố kéo ông theo bằng được. Ông chiều bà bấm bụng mà đi, chứ những thứ phù phiếm đó mất thì giờ vô ích. Ông là người tham công tiếc việc. Hồi ở đơn vị có mấy khi ngơi chân ngơi tay, hết giờ hành chính không tăng gia trồng rau nuôi gà cũng kỳ cạch chữa giúp anh em cái xe máy, cái đài bán dẫn hay đồng hồ. Chiều hôm ấy ông khoác tay bà đi dạo dọc bờ biển. Biển yên ả. Mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ đang lừ lừ chìm xuống mặt nước xanh thẫm. Gió thổi mát rượi, ông bà đều cảm thấy trong người sảng khoái lạ thường. Vui chân, hai người đi thêm vài cây số, sắp đến khu vực bãi Công Chúa, bỗng bà giật tay ông, đứng khựng lại: đằng sau quay! Ông ngạc nhiên. Trước mặt, bãi biển mang cái tên thơ mộng không biết có từ bao giờ, vắng tanh vắng ngắt. Ông nhớ hồi bé hay ra đây trèo bám vào vách núi đá tìm tổ yến. Cảnh vật vẫn như xưa. Phía chân dãy núi ấy lô nhô những tảng đá nhẵn nhụi màu gan gà bao đời bị sóng gió bào mòn, nhìn xa giống hệt một đàn voi con, mỗi khi triều xuống chúng như đang  lững thững thả vòi trên bãi cát sát mép nước, triều lên thì ngụp lặn vào sóng biển để hở những cái lưng nâu bóng. Sát bên bãi Voi là thế giới của những hòn cuội trắng muốt hình trái xoan, như ổ trứng còn sót lại của loài khủng long bay khổng lồ từ thuở hồng hoang. Xa xa mấy chục sải nước còn cảnh đẹp nữa, nhô lên hai quả núi nép sát vào nhau, dân địa phương gọi là “Hòn Chồng vợ”, đã có khối chuyện huyền thoại xung quanh hòn núi ấy. Để đến được bãi Công Chúa, phải vượt qua một dải đồi thấp thoai thoải chạy dài sỏi đá trơ cằn, cây bụi mọc hoang vu. Có một tấm biển hình vuông khá to án ngữ, buộc du khách dừng bước: “Khu vực nguy hiểm-có mìn”, phía trên dòng chữ vẽ cái đầu lâu vắt chéo hai khúc xương. Bàn tay ông đã từng bóc gỡ hàng vạn quả mìn đủ loại trong chiến tranh, chữ “có mìn” bỗng kích thích máu nghề của một thời chinh chiến chưa nguội trong ông. Về tới nhà, bãi biển hoang vu ấy vẫn ám vào tâm trí, một nơi nhiều phong cảnh đẹp thế mà bỏ phí hoài! Ông định hỏi thêm bà về bãi Công Chúa, liền bị gạt phắt, bà luôn tuân thủ nguyên tắc vui là chính. Nhưng tính ông đã thắc mắc điều gì là quyết tìm bằng được câu trả lời. Sau bữa đó, ông lẳng lặng một mình lên ủy ban huyện chất vấn: Tại sao không tận dụng một thế mạnh dịch vụ du lịch biển tại quê nhà?

Chủ tịch huyện còn trẻ, trưởng thành từ cán bộ văn nghệ phong trào, niềm nở tiếp vị cựu chiến binh Do Hội. Nghe câu hỏi, anh ta không vào đề ngay mà nói vòng vo Tam Quốc về chiến lược phát triển, mũi nhọn kinh tế đã được đại hội đảng bộ huyện kỳ vừa qua xác định là công- nông nghiệp, chứ không phải dịch vụ du lịch. Dịch vụ du lịch nếu có thì xếp sau. Hơn nữa, quê ta mới thoát ra sau cuộc chiến, mặt bằng đời sống văn hóa còn thấp, lo ăn, lo mặc còn chưa đủ, lấy đâu kinh phí cải tạo cả một khu vực lớn như bãi biển Công Chúa. Ông Trần Vinh khó chịu ra mặt, khi phải ngồi nghe những chuyện con cà con kê, bàn lùi như vậy. Vị quan huyện trẻ nói chán chê, bỗng dừng đột ngột mà dò hỏi khách:

- Vậy ý bác nên giải quyết bãi Công Chúa thế nào?

- Trước hết phải có mặt bằng sạch. Nếu huyện không đủ kinh phí thuê gỡ mìn, thì tôi xung phong làm việc ấy giúp địa phương. Ông nói thẳng băng.

- Hoan nghênh!- Quan huyện giơ cả hai tay lên trời, vẻ mặt đầy hoan hỉ-Nhưng đồng chí cũng có yêu cầu hỗ trợ nào đó về vật chất chứ.

-Trước mắt tôi không yêu cầu gì-Ông Trần Vinh nói-Dụng cụ dò mìn thủ công tự tạo được. Chỉ yêu cầu huyện ủng hộ trước hết về chủ trương, về tinh thần thôi. Khi giải phóng xong khu đệm thì có chỉ đạo bắt tay vào cải tạo bãi tắm ngay.

Ông cũng không ngờ mình nhận việc dễ dàng, chóng vánh đến thế. Đấy không phải là điều ông dự liệu lúc lên đây. Vậy là máu nghề nghiệp đã làm ông thêm một lần tự chuốc lấy cái sự bận rộn, nguy hiểm. Ra khỏi ủy ban, ông chậc lưỡi: thôi, phải coi đây là trận đánh cuối cùng của đời lính công binh già và phải thắng!

Ngày ra quân hôm nay đã có trục trặc. Mệt thì nghỉ cho khỏe, chậm bao năm còn được, vội gì. Ông tự an ủi, vắt tay lên trán nằm dài trên ghế đi văng. Nhưng, sáng nay muốn nghỉ ngơi, muốn tĩnh tâm cũng không yên. Tiếng huyên náo từ nhà bên vọng sang, nhất là những lời phỉnh phờ của anh chàng võ sư Nguyễn Cương qua micro đập vào tai ông, nghe tức như bò đá: “Khè khè. Buổi tập bắt đầu. Tôi nhắc lại, buổi tập bắt đầu. Hãy quên mình đi. Hãy hòa đồng vào vũ trụ đi. Hãy vô ngã đi. Cuộc đời như gió thổi mây bay, rồi cát bụi lại trở về cát bụi thôi mà. Bạn đừng bao giờ nghĩ mình là quan trọng. Hãy buông lơi cơ bắp, để mặc tay chân tự do. Tôi phóng điện lần thứ nhất đây. Nhanh lên. Mạnh lên. Nhanh lên. Mạnh lên. Tôi phóng điện lần thứ hai. Khè khè…”

Đến nước này nằm cũng không yên, ông vục dậy ngó sang sân hàng xóm. Khoảng hơn một chục người đang múa may quay cuồng theo lời dẫn dụ của tay võ sư, giống như đồng cô, đồng cậu cả, trong số ấy có bà xã béo trục béo tròn cùng cô con nhẹ dạ cả tin của ông. Thôi thì cứ để bà và con gái lấy vui là chính! Ông nhớ, Nguyễn Cương sinh vào cái năm ông lên đường nhập ngũ, vậy là năm nay cậu ta đã ngoài bốn mươi rồi. Ông thân sinh ra Cương hơn ông vài tuổi, là người chất phác, lành như đất, cũng đã mất sau ngày giải phóng. Lạ là cậu này ngày ấy đã cứng tuổi mà mãi chưa thấy lấy vợ, một lần về phép, nghe bà mẹ Cương kể là cậu đang học thiền ở một ngôi chùa trên thành phố. Vậy cậu ta quyết chí đi tu ư? Nhưng chẳng phải. Cậu học thiền một thời gian về lấy vợ, vợ chồng sống với nhau được vài năm, chưa thấy có con thì cô vợ đổ bệnh, rồi mất. Đã mấy năm nay, cậu ta ở nhà dạy võ, chưa thấy đi bước nữa. Thu Hằng bảo: Anh ấy tinh thông thập bát ban võ nghệ, tay không có thể địch lại dăm bảy người đấy ba ạ. Ông cười nhạt bảo cô con hiếu động: Có giỏi bằng Lý Tiểu Long không, mà cũng bị đối thủ ngầm hại chết nghẻo đấy. Do thời trẻ đoạt được liên tiếp huy chương vàng, bạc, đồng trong mấy kỳ thi võ toàn tỉnh, mà Cường được phép mở lò võ. Nghề ấy cũng lương thiện, vả lại làm hàng xóm với anh giỏi võ bọn du thủ du thực cũng kiềng mặt không dám bén mảng trộm cắp ở khu vực nhà ông. Cậu ta lần nào gặp ông cũng lễ phép chào hỏi, thưa gửi, dần dần ông cũng có chút thiện cảm. Buổi đầu Thu Hằng xin phép sang nhà cậu học võ, ông suy nghĩ giây lát rồi gật đầu, thời nay thiếu gì con gái học võ, giỏi võ. Thế rồi đúng cái ngày ông lĩnh sổ hưu, trên đường từ huyện về nhà, ông bắt gặp Nguyễn Cương đang ngồi xếp bằng giữa sân, hai ngón tay xỉa ngược lên đỉnh đầu, tay kia vặn thế quyền, miệng thì phun phè phè như rắn hổ mang bành. Hắn nghĩ được một trò gì mới nữa đây? Ông không hiểu, thì cô con gái ham võ nghệ giải thích: “Ba ạ. Anh ấy luyện đã đạt được công phu, có thể phát công chữa bệnh. Mỗi lần như thế, huyệt ấn đường giữa hai chân mày anh phồng lên, có luồng thanh khí như dải bạc phát ra.” Toàn chuyện nhảm nhí! Ông gạt đi, chẳng thèm nghe cô con nhẹ dạ cả tin nói nữa. Thế rồi mấy ngày gần đây, trong làng ngoài ngõ bàn tán xôn xao về chuyện võ sư Nguyễn Cương phát công chữa được bệnh cho nhiều người cùng một lúc. Một đồn mười, mười đồn trăm. Sáng nào cũng râm ran, rậm rịch tiếng dép guốc bên ngõ nhà hàng xóm. Già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có, ngày càng đông, đều nhất nhất tuân theo sự điều khiển từ những lời phỉnh phờ của tay võ sư. Bà vợ ông với phương châm vui là chính, đi tập về hồ hởi khoe, mới có mươi bữa mà huyết áp từ một trăm sáu mươi tụt xuống còn một trăm bốn mươi, cứ cái đà này, chỉ cuối tháng là huyết áp đạt chuẩn như thanh niên. Ông bán tín bán nghi. Song nghĩ lại, thì cũng nên coi đây như câu lạc bộ sức khỏe ngoài trời, mặc xác mọi người! Sự việc càng đẩy lên “nghiêm trọng” hơn dưới con mắt ông, khi thấy hắn đã kê giữa sân cái hòm gỗ to tướng gọi là hòm công đức, ai tập bỏ tiền vào đấy, tùy tâm. Khi bà cùng cô con đi tập về, ông bảo:

-Cậu ta lợi dụng lòng tin ngây thơ của mọi người để làm tiền chứ làm phúc chữa bệnh quái quỷ gì đâu.

Bà không chịu:

-Người ta tu luyện bao năm nay, giúp đời cũng phải được đời trả công chứ.

Con gái cũng hùa vào:

-Có bệnh thì vái tứ phương. Ba xem nhiều người bệnh hiểm nghèo, bán cả ruộng vườn chữa không khỏi, nay mất có chút xíu mà bệnh thuyên giảm, chẳng hơn à.

Thuyết phục thế nào được những kẻ “mù quáng” kiểu như vậy! Mà quê ông sao lắm kẻ mù quáng như kiểu ấy thế không biết! Do Hội- có thật ông bà ta đặt cho rẻo đất hẹp ven biển này cái tên ban đầu như vậy không? Một hôm ông bỗng nảy ra nghi vấn về sự liên quan giữa tên gọi của miền đất quê ông với tính cách dân sở tại. Phải rồi, đây từ xửa xưa vẫn là vùng đất nghịch, sinh ra nhiều kẻ dở hơi như thế này và nếu mang cái tên “Dở Hơi” thật chẳng đẹp đẽ gì. Về sau người ta mới gọi trệch “Dở Hơi” thành “Do Hội”, gọi mãi thành quen, thành mặc nhiên, hầu như không ai còn nhớ đến cái tên nguyên thủy của nó nữa. Ông bỗng thấy tâm đắc với “phát kiến” độc đáo mà có lý ấy của mình!

                                                          #

                                                       #    #

Ngày hôm sau. Giờ G. Ông lặng lẽ xuất kích. Đầu chụp cái mũ cối, tay cầm bó thuốn tre, xẻng công binh, cờ hiệu, vị cựu lữ đoàn trưởng lầm lũi bước nhanh qua cổng nhà võ sư Cương, chủ ý không để bà xã và cô con kịp nhận ra. Hướng bãi Công Chúa thẳng tiến. Nhưng đến đầu xóm, ông sực nhớ vội đi quên cả ăn sáng, mới dừng bước trước quán “Bún riêu Xuân Tố”. Anh chủ quán này thời trẻ vốn có tài hát chèo, từng là diễn viên chính trong đội chèo tỉnh, nhưng thời mới mấy ai nghe hát í ới kiểu ấy, đội chèo do đích thân ông chủ tịch huyện thành lập rồi cũng mau chóng phải giải tán, diễn viên “sô-lô” Xuân Tố về mở quán bún riêu, hóa ra lại trúng. Nhưng nếu chỉ có vậy thì có gì đáng nói đâu. Gần đây anh ta lại nẩy thêm nghề mới là viết cách ngôn. Cách ngôn, nôm na là những câu răn dạy đời, thứ ấy phải phát ra từ mồm vĩ nhân chứ. Trái khoáy làm sao khi có anh bán bún riêu lại chuyên sản xuất “danh ngôn” thế này! Anh chàng có cả cuốn sổ khá dầy ghi toàn những câu do mình chế ra và cứ trích mỗi bận vài chục câu gửi cho báo tỉnh, không ngờ được đăng cả. Có điều anh khiêm tốn không dám đứng tên tác giả, chỉ ghi “Xuân Tố sưu tầm”. Ai dè, vào dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tình cờ mua về cái lốc lịch do một tờ báo ở trung ương đứng ra làm, tờ nào cũng cho vào một câu danh ngôn không của lãnh tụ trong nước, quốc tế thì cũng là văn hào hay nhà khoa học nổi tiếng phát ra. Ấy vậy mà có tới dăm bảy tờ lốc lịch có ghi câu đích thị là của anh ta từng được đăng báo, chỉ không ghi tác giả là “Xuân Tố sưu tầm” mà lại ghi “Khuyết danh”. Dù sao cũng sướng rồi! Hỏi trên đời này có ai được như hắn, ngồi cùng chiếu với các bậc vĩ nhân ?!Gặp ai, anh ta cũng chỉ vào lốc lịch treo trang trọng giữa nhà mà khoe: “Bác lưu ý cho, không có chuyện khuyết danh đâu. Bản quyền thuộc về Xuân Tố tôi đấy, bằng chứng rành rành là trong sổ tay ghi chép của tôi còn ghi rõ ngày tháng, địa điểm chế ra câu này đấy.” Khối kẻ mắt tròn mắt dẹt tán thưởng, riêng với ông tuy bề ngoài không muốn làm mất lòng anh ta, song trong bụng thì coi thường: mấy câu mách qué của anh dạy được ai cơ chứ!

-Sếp Trần Vinh, mời…

Xuân Tố đon đả từ trong quán chạy ra. Anh ta chẳng có lần đã bảo, hai cuộc chiến tranh Do Hội có hàng trăm người nhập ngũ, chỉ có bác phẩm tước, quân hàm cao nhất. Và anh ta luôn nhìn ông với con mắt trọng thị, câu cửa miệng lúc nào cũng “sếp”, “sếp”.

Ông vừa ngồi vào bàn, chủ quán đã tót ngay đến bên, rồi cứ thế trầm bổng tuôn ra một thôi một hồi, bất cần khách có muốn nghe hay không:

-Năng người nhớ là ngọc, năng kẻ quên là đất. Người tốt cả làng được hưởng, người xấu cả họ phải gánh. Người già mọi cái đều co lại, riêng cái miệng lại rộng ra. Có người chân đến nhà ta mà lòng không đến, có người lòng đến mà chân không đến được nhà ta. Đấy, sếp thử bình luận xem sáng tác mới nhất của em thế nào?

Trước mặt ông là bát bún riêu cua tú ụ khói bốc nghi ngút, béo ngậy, còn tỏa ra mùi mắm tôm đồng thơm ngào ngạt đến ứa nước miếng. Khách nghe câu được câu chăng, cứ việc gật gù cho qua chuyện:

-Tốt! Tốt!

Đoạn ông cầm đũa gắp thêm ít húng, mấy sợi rau muống chẻ xoắn xuýt, lát nõn chuối mỏng, rau diếp thái nhỏ bỏ cả vào bát. Ngon! Cách ngôn của hắn có thể xoàng, chứ bún riêu của hắn thì quả độc nhất vô nhị.

Ăn xong, ông xỉa tiền trả, Xuân Tố ân cần đưa ông chén nước trà nóng hổi, còn tỏ ý muốn nghe thêm vài câu tán dương của sếp về sáng tác mới toe vừa rồi. Nhưng ông lại bất ngờ đưa ra một “chủ đề” mới:

-Anh hay triết lý, suy ngẫm sự đời, thử bình việc cậu võ sư Cương cạnh nhà tôi bầy trò tập khí công lấy tiền, xem có trúng vấn đề không nào?

Biết khách muốn thử tài, Xuân Tố vỗ tay lên trán ra chiều suy nghĩ rất lung, rồi è hèm một tiếng, bắt đầu nhả ngọc phun châu:

-Đến với nhau thì hãy tìm điều hay trước. Yêu ai chớ yêu hết, ghét ai chớ ghét cùng. Trách người càng giảm thanh thản càng cao. Luôn thấy cái mới ở nhau thì ít khi chán nhau. Cây mới trồng chớ vội tính quả, ao mới đào chớ vội đếm cá, thưa sếp.

Ông Trần Vinh nghe mà lộn cả ruột, với cái tăm bật tanh tách trong mồm, rồi xúc òng ọc nước trà, nhổ toẹt ra ngoài cửa sổ. Được dịp, hắn lại mượn gió bẻ măng, muốn giáo huấn mình về cách đánh giá con người cần thận trọng đây. Ông cầm bó đồ nghề lên, nhìn hắn gật cho qua chuyện:

-Tạm được.

Hắn vẫn chưa tha. Ông vừa định bước đi, hắn đến gần ghé vào tai ông bảo nhỏ:

- Cổ nhân có câu: lửa gần rơm lâu lâu ngày cũng bén. Em thì: điều tệ hại nhất nằm ở chỗ ta không ngờ nhất. Xếp đã hỏi em về tay võ sư, em thấy cô Hằng nhà ta gần đây thân mật với tay võ sư ấy lắm đấy. Có đề phòng vẫn hơn, sếp ạ.

Ông thực sự ngỡ ngàng về câu chôm chỉa vừa rồi của hắn. Nhưng nghĩ lại, tay võ sư hơn con gái ông đến hơn hai chục tuổi, tuy hắn chưa tiếp “tập hai”, nhưng đã quá già so với cô gái rượu của ông, ông cười khẩy: chấp gì thằng dở hơi!

 

                                                         #

                                                      #   #

Đứng trước dọc bờ biển hoang vu lau lác, đối diện với cái biển hình vuông “Có mìn”, trái tim ông bỗng nhiên đập nhanh hơn lúc bình thường. Hồi hộp ư? Lâu lắm mới có cảm giác như thế. Ông sực nhớ, cũng ngày này cách đây bốn mươi ba năm, khi ông tròn mười tám tuổi, biên chế vào tiểu đoàn công binh Quân khu, ông cũng cầm trong tay cái thuốn tre và vật đầu tiên xăm được không phải quả mìn mà là trái lựu đạn mắt na. Một trái lựu câm, mà khi cầm lên trống ngực cũng gõ thình thịch. Rồi đời lính đối mặt với hiểm nguy, với cái chết như cơm bữa, ông mất dần cảm giác sợ, cảm giác hồi hộp. Tháo gỡ, vô hiệu hóa bom mìn trở thành công việc thường nhật như khi ông bóc một quả chuối tiêu. Ông trưởng thành trong chiến đấu, là cán bộ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, cuối cùng là lữ đoàn. Cái nghề tháo gỡ bom mìn đã thành máu thịt trong ông, để rồi khi đã về nghỉ cũng không thoát được nó, như một nghiệp chướng. Kể cũng lạ, cái nghiệp chướng ấy làm cho ông hôm nay có đôi chút hồi hộp như thuở là anh lính mới.

Gió lồng lộng từng đợt từ biển thổi vào, ông hít một hơi căng lồng ngực. Đã tĩnh tâm trở lại. Ông nhẩm tính: mỗi ngày khai quang được ít nhất mươi mười lăm, hai mươi mét vuông, khoảng một tháng sẽ giải phóng xong hoàn toàn khu đệm. Hôm gỡ lên quả mìn cuối cùng, ông sẽ dắt tay cô bí thư đoàn xã ra mà bảo, nhiệm vụ của người công binh già đã hoàn thành, giao lại cho các cháu đấy, hãy biến nó thành khu du lịch, dịch vụ. Đến khi đó ông sẽ thực sự rửa tay gác kiếm.

Bắt đầu. Cẩn trọng như ngày xưa, ông nằm ngả người, chống khuỷu tay trái xuống đất, bàn tay phải đỡ thuốn, ngón tay trái tì vào đầu thuốn, ấn từ từ. Mỗi khi ngập thuốn lại rút lên và châm mũi mới. Đến mũi thuốn thứ hai mươi mới gặp phải vật cản, nghe tiếng khục chững lại dưới bàn tay. Mồ hôi lấm chấm trên trán, ông cầm cái xẻng công binh nhỏ hớt nhẹ từng lớp đất mặt. Phải đến dăm bẩy phút sau ông mới moi lên được vật cản, không phải quả mìn, cũng không trái lựu mắt na, mà là cái hộp đạn đại liên rỉ mèm. Suốt buổi, ông đã thuốn kỹ hơn mười lăm mét vuông, toàn những thứ sắt vụn thời chiến: mảnh bom, mũ sắt bẹp, viên bi gang, cái kẹp đạn…

Mấy ngày sau đó ông lại kín đáo ra khu đệm, gần trăm mét vuông đã được chinh phục(có lúc ngực trái ông đau nhói muốn ngất xỉu), công sức bỏ ra lớn thế mà chỉ để lại phía sau lưng toàn những thứ vớ vẩn, bán cho nhà hàng sắt vụn cũng không đắt. Vậy là xui hay hên đây? Ông tự an ủi: càng đỡ nguy hiểm và bản năng cẩn trọng của nghề luôn nhắc ông không được một phút lơ là cảnh giác! Mỗi sáng ông đều ý tứ để vợ con đi khỏi nhà xong xuôi, mới ra khu đệm, mỗi khi trở về lại tìm mọi cách rũ sạch đất, cỏ rác bám trên người, tuy nhiên sự mệt mỏi hiện trên khuôn mặt thì quả là khó giấu. Trong những ngày lê la trên từng xăng ti mét đất hoang hóa như thế, ông cũng quên mất một điều: mái tóc vừa được trẻ hóa đã phai màu nhanh hơn bình thường, trở nên lốm đốm trắng, nâu, vàng rất khó coi.

Đến ngày thứ sáu. Khi ông vừa thủ đồ nghề định rảo cẳng bước khỏi cổng, thì bất ngờ bị phục kích: cô con gái nhẹ dạ cả tin nấp trong đó từ lúc nào, nhảy ra giữ dịt ông lại. Cô nói to:

-Ba phải ở nhà! Con không để ba đi làm cái việc nguy hiểm như vậy đâu.

-Ơ hay, con bé này-Ông tỏ vẻ ngạc nhiên-Ba đi dạo ngoài bãi biển ấy mà.

-Không đúng! Ba đi gỡ mìn. Ba định mở dịch vụ thầu bãi Công Chúa chắc?

Đến nước này thì ông phải thú thật:

-Máu nghề nghiệp bốc lên ấy mà. Có gì là nguy hiểm đâu. Ngày trước, thứ mìn hiện đại nào của Mỹ mà ba chẳng tháo gỡ ngon lành.

 Thu Hằng mặt đỏ bừng, chứng tỏ nó đang bị phấn khích, lắc đầu quầy quậy:

-Con không đồng ý! Là việc của huyện, của xã. Ba già rồi không thể cứ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng thế mãi được.

Ông nhượng bộ:

-Thì để ba đi nốt lần này, ra đó dọn lại chỗ sắt vụn bừa bãi mình đào lên. Rồi thu quân thôi.

Đã thoát được, nhưng Thu Hằng vẫn còn tỏ ra phụng phịu, không chịu.

Đến nơi. Ông vừa định bắt tay vào dọn dẹp, thì bà xã béo trục béo tròn xuất hiện, sát khí đằng đằng.

-Tôi đã nói với ông rồi-Bà gay gắt- Quân đội cho nghỉ là để dưỡng già chứ không phải ra đây lê la nghịch bẩn đất cát thế này!

Ông chưa kịp thanh minh, bà đã nhảy đại vào khu đệm, tiện chân dá bung cái mũ sắt, cái vỏ đồ hộp, còn nhẩy sang cả khu chưa “khai quang” mà chẳng hề tỏ ý sợ hãi. Ông vội kéo bà lại, bà hất tay ông ra nói tiếp như tràng súng liên thanh nhả đạn:

-Nếu biết ông thậm thụt đi dò mìn thế này thì tôi đã nói ngay từ đầu cho ông rõ, đây chẳng có mìn miếc gì sất. Đúng là sót lại có nhõn một quả làm bị thương một đứa trẻ chăn trâu, rồi từ mồm người nọ sang mồm người kia thành “bãi mìn dày đặc”. Mấy ông quan huyện quan liêu thấy vậy liền cho đóng biển cấm để giữ an ninh, ổn định chính trị…

-Sao bà dám nói là không có mìn? Ông cắt lời.

-Không phải tôi dám nói, mà là anh tiểu đoàn trưởng công binh của quân khu dám nói! Anh đã cho cả một đại đội về dò kỹ khu vực rộng hàng mấy hec-ta, vẫn không phát hiện được thêm quả mìn nào nữa, đã có biên bản gửi huyện. Chuyện này đời ông chủ tịch trước biết, ông chưa kịp có kế hoạch cải tạo bãi biển thành khu du lịch dịch vụ thì bị đổ. Ông chủ tịch mới, thích diễn thuyết là chính, nghe dưới báo cáo lên, ở đây từng có người vướng mìn thì vẫn cứ để biển cấm. Ngày trước tôi bên văn phòng huyện ủy đã mấy lần sang nói lại hiện trạng khu vực bãi Công Chúa, đã được xác nhận là địa bàn sạch, mà ông ta vẫn bán tín bán nghi, sợ tháo biển đi rồi, nhỡ còn sót quả nào gây tai nạn thì phải chịu trách nhiệm.

Thôi, không lý sự nhiều, bỏ ngay cái ý định dở hơi của ông đi. Tôi vừa nghe phong thanh được chuyện này, muốn bàn với ông đây.

Ông, bà ra chỗ bóng cây cạnh bãi biển ngồi xuống nghỉ ngơi. Ông quay sang hỏi:

-Bà muốn bàn chuyện gì?

-Có người nói bóng gió với tôi là cái Hằng nhà mình phải lòng tay võ sư. Nghe mà lộn cả ruột. Bà nói.

         -Tay chủ quán Xuân Tố chứ gì?

-Không. Các mụ buôn dưa lê cùng tập với tôi. Bảo là mấy lần bắt gặp nó trong nhà Nguyễn Cương lúc đã hết giờ tập. Chú chú, cháu cháu thân mật lắm.

-Thấy hắn chưa lấy vợ mới người ta mới dễ đặt điều -Ông nói rồi kéo bà đứng dậy- Chấp gì lũ dở hơi. Về, bà có muốn thì tôi đang sẵn sàng để “trẻ hóa”…

-Ấy là tôi nói trước với ông vậy-Bà nói trên đường về- Tin sao được những lời đồn thổi quá vô lý ấy. Nhưng tôi lại nghĩ, cái thằng võ sư ấy có tài thôi miên, bắt người ta phải làm theo ý nó. Định tối nay cũng phải gọi con bé nhà mình răn đe trước vẫn hơn.

          -Tôi không quan tâm những chuyện nhảm nhí, hoang đường. Tùy bà.

          Vừa đến cổng nhà Nguyễn Cương, đã thấy có đông người đứng túm năm tụm ba bàn tán. Hỏi ra mới biết, công an, y tế tỉnh về kiểm tra việc võ sư Cương chữa bệnh lấy tiền không có giấy phép. Ông ngó vào sân. Mặt hắn ta ỉu sìu như bánh đa gặp nước đang ngồi trước nhà chức trách mới thảm hại làm sao!

                                                #

                                            #    #

 

Buổi tối. Ông bà chờ cho Thu Hằng học bài xong, sắp đi ngủ mới gọi ra, bảo ngồi trước mặt. Cũng vì nửa tháng nay mải những trò trời ơi đất hỡi như vừa rồi, ông không có dịp ngắm kỹ cô con gái rượu, quả dạo này người nó có đẫy ra của một thiếu nữ trưởng thành. Bà ý tứ không nhắc gì đến những lời thị phi vô sở cứ, chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở: sắp tới con không nên đi tập khí công, tập võ nữa, không sang nhà chú Cương nữa, cần tập trung tư tưởng cho việc ôn thi. Hằng im lặng không nói gì. Ông thì có ý “chọc lét” nó:

-Bố đã nghe con bỏ dứt điểm dò mìn; nay con nghe bố, cũng quên cái trò khò khè phát công, phát chưởng ấy đi. Được chưa nào?

Nó chỉ cười gượng, không nói gì thêm đứng dậy chào, rồi đi vụt vào buồng.

Một tháng sau. Thu Hằng đi thi về mặt ỉu xìu bảo, bài làm không được tốt lắm. Dạo này tính nó trầm, mất hẳn sự nhí nhảnh, vui vẻ trước đây. Ông bỗng lo lắng, lờ mờ cảm thấy có điều gì bất ổn đang xảy ra với nó. Thế rồi, như lệ thường hôm nay buổi chiều, đáng lẽ hai ông bà khoác tay nhau đi dạo dọc bờ biển, nhưng bà lại nghiêm mặt bảo có việc hệ trọng cần nói ở nhà. Rồi ngồi đối diện, mặt nhợt nhạt, nước mắt vòng quanh, bà nghẹn lời:

-Không thể tưởng tượng nổi. Con Hằng vừa thú thực với tôi là nó đã chậm kinh một tháng nay rồi!

Ông bàng hoàng:

-Với ai?

-Thằng võ sư!

 

                                                   PQĐ

Nguồn Tân Văn số 2 NXB Hội nhà văn 1/2013

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 9
Total: 65165909

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July