Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  TÔI ĐẾN VỚI NƯỚC NGA TRONG TUYỆT VỌNG VÀ TRỞ VỀ TRONG HẠNH PHÚC (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng TÔI ĐẾN VỚI NƯỚC NGA TRONG TUYỆT VỌNG VÀ TRỞ VỀ TRONG HẠNH PHÚC (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

 

 

Mẹ tôi kể lại với mọi người rằng, không hiểu tại sao, tôi là một đứa bé cứng cáp, nhưng khi tôi chập chững biết đi thì luôn bị ngã. Đặc biệt là khi tôi gần ba tuổi, tự xúc cơm cho mình, thì việc làm đổ cơm, sữa lênh láng ra sàn nhà là chuyện bình thường. Sau này mẹ tôi đưa tôi đi bệnh viện, bác sĩ mới cho hay rằng, thị lực của tôi rất yếu.

Tôi phải đeo kính cận thị từ năm ba tuổi. Độ cận tăng lên vùn vụt, từ năm độ, lên bảy độ và cho đến điểm cực đại là 18 độ. Cặp kính cận của tôi nặng trịch, mắt kính dày đến 1cm, khiến đôi tai và sống mũi của tôi lúc nào cũng chịu đựng như mang hai chiếc gạt tàn thuốc lá, khiến đầu tôi lúc nào cũng phải cúi xuống. Tôi đi lại hoàn toàn mất tự tin, trước mặt là những khối sáng vào ban ngày, còn ban đêm, dĩ nhiên là một màn đen kịt. Cơ cực nhất là những lúc lên xuống cầu thang, hay đi qua đường, lúc đó, tôi như một cụ già thực thụ, phải nhờ người dắt theo giữa dòng xe cuồn cuộn.

Những người thân đến chơi, khi được giới thiệu, tôi khó lòng nhìn thấy họ, cứ luôn hình dung ra nét mờ hình khối và tưởng tượng. Lúc đó, tôi rất xúc động và thương thân mình khi nhớ những câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu viết về một bà cụ mù lòa… "Biết bao năm chẳng được trông mặt trời … Lòng già thương cháu nâng niu - Chỉ nghe thấy tiếng sớm chiều mà thôi".

Tôi rất ngại tiếp xúc với bè bạn vì trong lòng đầy mặc cảm và luôn sống trong sự cô đơn. Mặc dù tôi rất cố gắng, nhưng không vì thế mà học lực được khá lên, tôi đọc sách cứ như ngửi vào sách mà những dòng chữ vẫn  thấp thoáng ở một nơi xa xăm nào đó. Đêm đêm, trong giấc mơ tôi mong có một phép thần cho mắt tôi được sáng như những người bình thường, dù cuộc đời tôi có rút ngắn lại bao nhiêu, tôi cũng cam lòng.

Bố mẹ tôi rất thương tôi, qua những tiếng thở dài và sự chăm sóc ưu ái dành cho tôi, tôi cảm nhận ra điều đó. Còn bà con, nhiều người thương và ái ngại cho tôi phải mang  một số phận hẩm hiu.

Bố mẹ tôi đã đưa tôi qua hàng chục bệnh viện mắt trong nước, nhưng sau khi khám xong, các bác sĩ đều chỉ đưa ra những lời khuyên và kê đơn để mua những loại thuốc bổ đắt tiền.

Những người ruột thịt đã bằng mọi cách góp tiền cho tôi sang chữa ở Xinhgapo theo những lời quảng cáo về các phương pháp tối tân, cực kỳ hấp dẫn. Tôi cùng gia đình ra đi mang theo một số tiền lớn với bao niềm hy vọng. Nhờ có tiền, tôi được bố trí ăn, nghỉ rất tốt, được hỏi han và chăm sóc. Nhưng sau nhiều lần kiểm tra thực trạng của tôi, bệnh viện mắt lớn nhất của Xinhgapo cũng không hề đưa ra được một phác đồ chữa trị nào. Tôi xót xa cho số tiền của bố mẹ bỏ ra; ngậm ngùi cho số phận nghiệt ngã của mình và im lặng trở về Hà Nội trong nỗi buồn vô hạn.

Tôi đã là vậy, con gái người cậu ruột của tôi, cũng chẳng may mắn hơn gì. Là một cô bé hồn nhiên, khỏe mạnh và nhân hậu, bỗng nhiên em bị cận nặng. Oái ăm thay ở chỗ, một mắt của em bị cận 12 độ, còn một mắt cận một độ, nên góc nhìn của em bị lệch. Từ đó dẫn đến chỗ mắt bị lác, nhìn rất khó. Tôi là con trai, hình thức chẳng có gì là quan trọng mấy, nhưng đối với em, con gái, thì nó quan trọng vô cùng. Trong khi đó khả năng cận tăng thêm vẫn rất tiềm tàng.

Hầu như không có bệnh viện, cơ sở mắt có tiếng nào trong nước là gia đình cậu không đưa em đến và cũng như tôi, cậu thu nhận được rất nhiều lời khuyên và sự giả định vô thưởng, vô phạt, còn việc phẫu thuật thì không có ai gật đầu.

Nhân chuyến đi công tác tại Pháp của ông ngoại tôi, một nhà hoạt động nhà nước có tên tuổi, trợ lý của Tổng thống Pháp Mittrăng đã giới thiệu em con cậu tôi tới một bệnh viện mắt tốt nhất tại Paris. Sau hơn một tháng được tận tình chữa trị, hai mắt của em họ tôi vẫn hoàn toàn nguyên trạng. Cả đại gia đình tôi sống trong một nỗi buồn triền miên và lặng lẽ, tôi nghe mọi người vẫn nói nhỏ với nhau, là đã gắng hết sức rồi, đã đến cả hai nơi có khoa học hiện đại nhất không ăn thua gì, thì đành cam phận vậy.

Sự việc tưởng dừng tại đó, tức là tôi và em họ sẽ mang theo mình bóng tối đến suốt cả cuộc đời, thì bỗng một ngày cuối hè, cậu tôi quyết định đưa hai anh em tôi sang Nga chữa trị, vì sau khi tiếp xúc với một số người và nghe một số thông tin, dù bán tin, bán nghi, cậu tôi hé ra một chút hy vọng. Cậu tôi xin  nghỉ phép và buộc mẹ tôi cũng xin nghỉ để theo sang. Trước khi đi sang Nga, mẹ tôi cho tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh để tôi được nhìn bà con lần cuối khi mắt còn phân biệt được, vì sợ nhỡ ra không chữa được, tôi bị mù hẳn thì mẹ lại ân hận suốt đời.

Tôi lên máy bay trong một tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng.

Sang Nga, tôi và em tôi được đưa và Bệnh viện Mắt mang tên Pheđorov, bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng toàn thế giới.

Sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ cho rằng, việc chữa trị mắt tôi rất phức tạp vì cả hai mắt đều bị long võng mạc, do đó phải mất một thời gian gia cố lại võng mạc, rồi mới giải quyết. Nghe nói thế, tôi lại càng hoang mang và cho rằng tình trạng này là vô phương cứu chữa, mặc dù họ hết lòng động viên tôi.

Còn em họ tôi, ngay từ đầu, bệnh viện đã cho vào ở nội trú và đưa ra một phác đồ điều trị cụ thể.

Trong bệnh viện còn có hàng chục bệnh nhân đến từ Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Trung Quốc...

Sau một tuần chữa trị, khi khẳng định võng mạc của tôi đã ổn, chuẩn bị cho việc phẫu thuật, thì cả mẹ và cậu tôi rụt rè đề nghị là chỉ phẫu thuật một con mắt. Để trả lời cho sự ngạc nhiên tột cùng của các bác sĩ, cô phiên dịch truyền đạt lại sự nghi ngờ của cậu tôi là, ”đề phòng một mắt cháu bị hỏng, thì còn có một mắt để làm người”.

Các bác sĩ cười vang và nói rằng gia đình cứ yên tâm và cháu sẽ được làm một người hoàn hảo hơn!

Ca mổ của tôi tốt đẹp ngoài tưởng tượng, chỉ sau chưa đầy nửa tiếng, thị lực của tôi từ cận 18 độ, giảm xuống, chỉ còn cận sáu độ.

Tôi đã nhìn rõ những người xung quanh, thấy đồ đạc trong căn phòng và thấy ngoài cửa sổ là những cánh rừng chớm thu bát ngát của thành phố Matxcơva. Mọi người đều khóc, từ mẹ tôi, cậu tôi và cô phiên dịch, chỉ trừ các bác sĩ là họ vẫn thản nhiên. Sau này, tôi mới biết rằng, với bệnh viện Pheđorov, việc phẫu thuật những trường hợp như tôi, chưa phải là nan giải. Tuy nhiên, họ vẫn đến chúc mừng tôi, chúc gia đình tôi những lời chân thành nhất.

Còn em tôi, kết quả khá hơn nhiều, không ai có thể tin nổi trước khi phẫu thuật, em là một cô bé bị khiếm thị nặng nề.

Theo kế hoạch, trước khi xuất viện, cô phiên dịch đưa tôi lên bệnh viện để lấy kết quả làm thủ tục về nước, vào buổi chiều đó gia đình tôi sẽ liên hoan chia tay cùng bè bạn.

 Nhưng một sự việc bất ngờ đối với tôi, là khi kiểm tra lần cuối, bác sĩ cho biết  với thể trạng mắt tôi bây giờ, họ sẽ nâng cao thị lực lên nữa. Quả thật, lúc đó, cô phiên dịch và tôi đã có một ý nghĩ đáng trách là, biết đâu họ lại bày đặt ra để yêu cầu mình nộp thêm tiền! Nhưng sự thật hoàn toàn không phải thế, họ không thu thêm một đồng nào!

Cô phiên dịch không cần phải đi hỏi ý kiến gia đình tôi, hối hả chạy hết các phòng xin thủ tục để tôi được phẫu thuật lại miễn phí. Và trong ngày thứ năm, với ca phẫu thuật tuyệt vời, tôi từ chỗ một người đang cận thị nặng sáu độ, trở thành cậu sinh viên cận thị mức bình thường 3,5 độ.

Ngay trong buổi chiều đó, tôi đã có thể xem tivi, bấm điện thoại di động không cần đeo kính.

Tôi chỉ ở nước Nga mới tròn một tháng, nhưng sự thực trong lòng tôi và gia đình tôi, nước Nga đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Tôi kính trọng những trí thức Nga, kính trọng nền Y học Nga vĩ đại, kính trọng nhân dân Nga. Cuộc đời của tôi rồi sẽ ra sao, nếu không có nền khoa học Nga cứu giúp?

Sang Nga, tôi càng hiểu thêm tấm lòng của những người Việt Nam xa xứ như cô phiên dịch đã theo giúp cả gia đình tôi một cách tận tình trong suốt quá trình cả tháng tôi chạy chữa; hoặc một chú làm ở Khu Ngoại giao đoàn Đôm 4 - Visnhevxkaia... và bao người khác nữa, đã quan tâm, tạo nơi ăn, chốn ở cho ngần ấy con người của gia đình tôi trong một thành phố đắt đỏ thuộc vào loại nhất thế giới để tôi đến được với ánh sáng mặt trời. Tôi sang nước Nga trong buổi chiều hè ảm đạm và tuyệt vọng, và chưa đầy một tháng sau, tôi cùng gia đình được trở về Việt Nam trong niềm hạnh phúc vô biên.

(Theo lời kể của bệnh nhân L.V.H)

2007

                         Nguyễn Huy Hoàng

 


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 5
Total: 65166459

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July