Ảnh minh họa - Internet
THẢN NHIÊN ANH
Trần Mai Hường
Nước mắt âm thầm chảy
Đưa tiễn những ngày trong trẻo ấy
Em vẫn thế
Ngàn sau vẫn vậy
Nguyên vẹn lửa tình
Như thuở mới đôi mươi
Tháng năm trôi
Năm tháng dần trôi
Vẫn bên nhau mà lạc mất nhau rồi
Đêm
Từng đêm
Đếm tiếng mọt gồng mình trong thớ gỗ
Tiếng tích tắc giọt thời gian bỏ ngỏ
Và đếm thản nhiên anh
trước rạn vỡ chúng mình
Nép vào khuya đợi một bình minh
Trốn chạy khổ đau
Tưởng thoát vòng tục lụy
Nhưng trốn đời đâu dễ
Em ngậm ngùi
đối diện thản nhiên anh
Thôi
Mặc sương níu mây xanh
Mặc sóng khát bên bờ cuồng vọng
Quanh ta- khoảng trống
Lấp đầy bởi những…
thản
nhiên
anh.
THẢN NHIÊN ANH… CHUYỆN CỦA CẢ MAI SAU…
Lời bình Nguyễn Thanh Tuyên
Chậm rãi, thật trầm tĩnh ngẫm ngợi rồi tự nối kết các đoạn cách lớp trong thi phẩm "Với thản nhiên anh” của Trần Mai Hường ta sẽ hình dung ra tình trạng khó dung nạp tại một không gian bé mọn- Nơi từng được mang cái tên yêu thương "tổ ấm”. Nhiều năm ở đó đã tồn tại cặp "cộng sinh" đúng nghĩa vợ-chồng. Cuộc đời vốn muôn nỗi "Bát đũa còn có khi xô", mấy ai tránh khỏi. Mà hạnh phúc thì luôn bao hàm những nhu cầu thiết yếu cả vật chất và tinh thần. Song, bài thơ lại không hề đề cập đến bất cứ sự đòi hỏi nào dù rất nhỏ về vật chất, mà hé lộ trên trang giấy điều thấm kín khó nói rất đời thường; Chuyện ấy… ẩn tàng sự quên lãng, thiếu hụt trường diễn, rạn nứt, hình thành hố cách ngăn mà hai bờ mỗi ngày mỗi xa, khó bề níu kéo… Người đọc cảm thấy nỗi day dứt, chịu đựng khá nhọc nhằn trong tâm trạng người vợ đêm đêm:
"Nước mắt âm thầm chảy
Đưa tiến những ngày trong trẻo ấy”
Hậu quả đã được khẳng định, dùng làm tiền đạo trực diện dẫn đề, chẳng e dè dấu diếm. Hai câu thơ vắng chủ ngữ lại chứa những thán từ, nên càng u ám, trĩu nặng. Cuộc "Đưa tiễn” tại đây có cả "nước mắt" kèm theo! Thế là ngọt ngào trăng mật vĩnh viễn chia ly! Không khí ấm áp nồng nàn của thời hấp dẫn trẻ trung giờ sắp nguội tàn hoá thành niềm đau âm ỉ. Bản thân thì chưa mãn chiều xế bóng nên người vợ chẳng kìm nổi thở than:
"Nguyên vẹn lửa tình
Như thuở mới đôi mươi”
Cơ thể trong thơ vẫn hừng hực, dồi dào sung sức, vẹn toàn yếu tố nội sinh.Vì thế người đọc cảm thông nỗi khát khao bỏng cháy bản năng đang bị kìm nén- Một nhu cầu quan trọng dường như không thể thiếu trong đời sống khoẻ khoắn lành mạnh của lứa đôi.
Đọc câu thơ trên có thể nhận ra yếu tố nóng đối diện với yếu tố lạnh, nghịch chiều:
"Tháng năm trôi
Năm tháng dần trôi
Vẫn bên nhau mà lạc mất nhau rồi”
Ba dòng thơ buồn thườn thượt như tiếng thở dài, lại có sự lặp từ nghịch đảo "tháng năm” và "năm tháng" nhằm nhấn mạnh sự mất mát triền miên trôi vào quá khứ.Tâm lí, tình cảm, sở thích, nhu cầu cuộc sống đang xa dần, lắng vào quên lãng. Cận kề nhau mà ân ái chẳng được rót đầy, trái lại tích tụ sự lệch hướng, gây "Stress" tiềm tàng.
Và đây nữa: "Đêm…từng đêm" nhịp thơ tuần tự chảy xuôi hệt "Tháng năm trôi, năm tháng dần trôi " ở khổ trên, cho thấy chủ điểm bài thơ xoáy vào khoảng tĩnh lặng của bao đêm trắng.Ta biết, trong chu kì nhật nguyệt, thì đêm chiếm tới nửa phần. Dường như Tạo hoá cố tình ưu ái, dành đêm cho thư giãn, nghỉ ngơi hồi sức và ấp ủ sinh sôi…? Chính bóng tối thuận lợi cho cơ hội gần gũi, làm lành. Từ đó nảy sinh chất xúc tác gắn kết, xoá ranh giới cách ngăn… Nhưng tại căn phòng này thì ê ẩm đêm dày.Tiếng mọt nhởn nhơ, gồng lên đục khoét tàn phá giữa đêm thanh. Khuyết rỗng hình thành từng giây từng phút.Tiếng tích tắc như có trọng lượng, có kích thước hình hài, liên tưởng thành những "giọt" hẳn hoi. Nó rơi tõm xuống rất rõ- rơi liên tiếp từng giây, thẳng góc vào khoảng trống hun hút, khôn cùng. Càng khuya khoắt dàn tích tắc càng hoà cùng tiếng mọt, đồng thanh gậm sâu, buốt óc .
Mà thật lạ, dữ kiện thì quá nghèo nàn? Cảm nhận thiếu thốn chỉ đơn phương phía nữ, còn thái độ rất hờ hững, lạnh nhạt lại hiện rõ phía tương quan? Rõ ràng không phải là cá tính vô tâm hiển nhiên, thiên bẩm của phu quân. Bởi họ từng say sưa thụ hưởng "những ngày trong trẻo ấy"… Ở khổ thơ này xuất hiện động từ "đếm" ở hai câu thơ "Đếm tiếng mọt…” rồi "đếm thản nhiên anh". Giúp ta nhận thấy thần kinh phụ nữ khá nhậy cảm, họ đo đếm được sự thản nhiên…ấy, qui ra hao khuyết từng giai đoạn, và liệt kê con số nứt rạn cụ thể trong đời.
Đối mặt với mất mát, người đương thời càng thấm thía sự hoang lạnh giữa đêm trường, rất muốn trốn chạy nỗi niềm khổ đau, muốn nhắm mắt ngủ quên đi cái sự đời bất hạnh. Cứ tưởng có thể úp mặt ẩn náu vào góc tối để tránh nỗi đau, song đâu thoát! Đêm trở nên đáng sợ nhường nào:
"Nép vào khuya đợi một bình minh
Trốn chạy khổ đau
Tưởng thoát vòng tục lụy
Nhưng trốn đời đâu dễ”
Đúng, trốn đời chẳng hề dễ, vì "Em vẫn nguyên vẹn lửa tình như thủa mới đôi mươi”. Tại căn phòng quen thuộc ấy, vẫn hai người, đêm vẫn nặng nề trôi. Tâm tư thì đắng chát thường trực. Nhưng duy chỉ có một người đối diện với khoảng trống không ấy. Gần mặt cách lòng… nên lời than vãn thành thực buột ra:
"Em ngậm ngùi
Đối diện thản nhiên anh ”
Mãi rồi cường độ chịu đựng cũng chạm ngưỡng tột đỉnh:
"Thôi
Mặc sương níu mây xanh
Mặc sóng khát bên bờ cuồng vọng"
Khát vọng bay bổng thăng hoa bị chùng bõng, mất cảm xúc, rã rượi đến nhược cơ. Chán ngán, rời rã đành "Thôi- Mặc”. Điệp từ đơn "mặc ” đặt đầu câu thể hiện sự bất lực, vô vọng và cuối cùng là cam chịu.
"Xung quanh ta khoảng trống”. Trống trải bao trùm kín xung quanh, không xác đinh nổi phạm vi khoảng trống hạnh phúc của cuộc đời. Nó được lấp đầy bằng những gì chẳng có… chính xác hơn là vô cảm, dửng dưng, lạnh nhạt…của "thản nhiên anh” chất chồng, khó mà đong lường được bấy nay.
Ngẫm nghĩ về "Thản nhiên anh" người đọc nhận ra xung quanh mình cũng không ít mái nhà tưởng chừng có văn hoá nhưng đó chỉ là mẽ bề ngoài. Mà phần lõi được che đậy sau sự giả tạo ấy. Nó ủ đầy những phản xạ âm tính cay đắng về tình cảm vợ chồng, hết sức bất lợi với sức khoẻ tâm thần. Thiết tưởng thà bung nổ khoảnh khắc để giải toả có khi đỡ tồi tệ hơn sự ổn định hình thức mà choán hết cuộc đời.
Toàn bài thơ của Trần Mai Hường không thấy một lời oán thoán, trách cứ, qui kết… chỉ đơn độc cảm nhận, có thở than, và âm thầm chịu đựng nỗi buồn thân phận. Bài thơ giầu nữ tính mạnh mẽ, phù hợp hợp với tình cảm, tính cách đang phổ biến của Phụ nữ Việt hiện đại. Ta cũng không tìm được sự đối thoại, làm lành, hay van nài của cả hai bên. Có lẽ vì xa giai đoạn thanh minh, thuyết phục từ lâu.
Tôi đã đọc tập thơ "Đó là em” của Mai Hường, nhưng tôi không chịu tin "Thản nhiên anh" tồn tại trong căn phòng của chị. Bởi người đã viết nổi bài thơ khá tâm đắc này đủ thông minh hàn gắn, sắp xếp, thay đổi tình thế từ trầm cảm - tới bình thản - rồi nâng lên hưng cảm nhờ luồng hơi từ lồng ngực chính mình thổi vào lớp tro nguội tàn, cơi hồng lên hòn than tình yêu, lấy lại sự ấm áp của không gian sống. Đó còn là trách nhiệm bù đắp tình thương yêu tròn đầy, tránh mất mát cho những đứa con. Phải chăng chị đã nói thay bao người phụ nữ? Để chứng minh, tôi dành lại câu thơ "Ngàn sau vẫn vậy" ở khổ đầu, để làm luận cứ cho suy nghĩ của mình. Như vậy "với thản nhiên anh" còn là một phát hiện , cảnh báo của Mai Hường đối với tình cảm vợ chồng trong xã hội đương đại bị vội vã, cuốn hút vào nhu cầu vật chất tất bật hôm nay. Nó là vấn đề xã hội, chuyện của cả muôn sau…
"Thản nhiên anh" ba từ ấy, ngoài việc Mai Hường dùng làm đầu đề, còn xuất hiện 3 lần làm khoá đuôi kết thúc cho 3 khổ thơ. Nhưng để ý thấy "Thản nhiên anh" được kết hợp với "đếm”, rồi "đối diện” và cuối cùng là "khoảng trống lấp đầy bởi…” dụng ý tăng mức độ chịu dựng của con người trước nỗi dửng dưng, đồng thời làm căng sức nén của bài thơ. Đó cũng là kiểu cách tân hay gặp trong thơ của Mai Hường thời gian gần đây. Nhưng tôi thú vị nhất khi "thản nhiên anh"được chị cắt rời ra xếp vào 3 dòng cuối. Có khác nào động tác tay chị dập xuống phím dương cầm. Từ đó âm thanh " thản - nhiên - anh” vang lên xuyên qua hệ thống thính giác tác động tới cân não, nỗi người …!
N.T.T
|