Trong cuộc đời của một con người, tôi nghiệm thấy rằng, ai cũng vấp phải những chuỗi ngày khó khăn, phải trải qua nhiều thử thách cam go không lường trước được. Trong những thời khắc hoạn nạn đó, nếu một bàn tay đầy thiện chí chìa ra cho chúng ta, một cái nhìn nhân hậu, một sự khích lệ, động viên đều có ý nghĩa như là một sự cứu cánh. Những con người có tấm lòng ưu ái trong cơn bĩ cực như thế, nhiều lúc trở thành ân nhân.
Ông Iuri Pêtrôvits Đubyaghin và bà Ôlga Đubyaghina đối với gia đình tôi là những người như vậy.
Mùa thu năm 1993, con gái đầu lòng của tôi bị lạc ở thành phố Xôchi, cả gia đình chúng tôi rơi vào tình trạng điêu đứng. Vợ tôi vốn đã yếu, ốm kiệt sức, nằm liệt giường trong suốt một thời gian dài; thầy giáo hướng dẫn luận án của tôi bị mất đột ngột, ngay cả vấn đề sinh kế hàng ngày tôi cũng phải trông cậy vào việc trợ giúp của bè bạn, anh em. Tôi bỏ mặc tất cả, suốt hơn nửa năm trời lặn lội xuống Xôchi tìm ngóng tin con.
Trở lại Matxcơva trên chuyến bay đêm, tôi ngồi thui thủi một mình trong tâm trạng khổ đau và tuyệt vọng. Giữa lúc đó, cô chiêu đãi viên đẩy chiếc xe nhỏ mang báo chí cho hành khách. Cô trao cho tôi một tập báo và một quyển tạp chí nhỏ có tên là “Kric”(Tiếng kêu cứu). Tôi miễn cưỡng, thờ ơ giở mấy trang, rồi bắt đầu bị cuốn hút bởi nội dung trùng hợp với tâm trạng và hoàn cảnh của tôi. Những dòng chữ mang đến cho tôi một cái tên, một sự cứu vớt và nhen lên trong tôi ánh lửa hy vọng. Quyển sách viết về ông Iuri Pêtrôvits Đubyaghin, Đại tá Công an Nga, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Luật học, Tiến sĩ khoa học Triết học, Nhà hình sự huyền thoại của nước Nga.
Về Matxcơva buổi tối, ngay sáng hôm sau, vợ chồng chúng tôi mạnh dạn gọi điện cho ông Đubyaghin ngay, chúng tôi không dám nghĩ là sẽ được ông tiếp kiến vì đã không có người giới thiệu đã đành, chúng tôi lại là người ngoại quốc. Nhưng điều không ngờ tới, sau khi nghe chúng tôi trình bày tình cảnh của mình, ông đã mời chúng tôi đến và thu xếp công việc dành cho chúng tôi một sự thông cảm và sự quan tâm rất cảm động.
Ông cho thư ký mời phóng viên Đài Truyền hình NTV, kênh độc lập nổi tiếng nhất của nước Nga, đến ghi lại chương trình về con gái của tôi và phát ngay trong đêm hôm đó. Ông trực tiếp gọi điện cho Trưởng Công tố thành phố Xôchi và tỉnh Kraxnôđar đề nghị về việc hợp tác tìm kiếm cháu. Ông viết thư cho Interpol và các Tổ chức Quốc tế gửi các thông tin về con gái tôi cho họ. Thậm chí trong một lần đi công tác tại tỉnh Axtrakhan, ông đã đặt vấn đề để Đài Truyền hình khu vực phát hình ảnh cháu và những tư liệu của gia đình tôi.
Tất cả các quyển sách của ông viết về đề tài trẻ em bị thất lạc, những bài trên tạp chí chuyên ngành của ông đều cho đăng tải những thông tin về con gái tôi, lấy số điện thoại của gia đình ông làm địa chỉ liên lạc. Sau giờ làm việc, rất nhiều lần, ông cùng các cán bộ của ông đến nhà ở của tôi trong Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva để thăm hỏi, động viên gia đình tôi.
Tất cả những việc làm của ông đều xuất phát từ sự thông cảm đến tận đáy lòng với gia đình tôi của một người công an Nga mẫn cán, một nhà khoa học tài năng và một nhà nhân đạo cao cả. Ông không hề nhận của chúng tôi dù là một kôpếch, mặc dù chương trình truyền hình Nga từ lâu đã thương mại hoá, để có một phút trên truyền hình cũng phải trả một khoản tiền không nhỏ. Ông dùng uy tín của mình và Trung tâm của ông để giúp tôi một cách vô tư. Thỉnh thoảng ông chỉ nhận một, hai gói chè xanh Thái Nguyên tôi biếu, mà ông cho là để thức đêm rất tốt.
Sau này, khi đã gần gũi, thân thiết, qua chúng tôi, ông gửi tặng sách các vị lãnh đạo công an Việt Nam. Ông viết thư, tặng sách cho Bộ trưởng Bộ Công an Lê Minh Hương. Trong lần gặp nhân dịp kỉ niệm 170 năm thành lập tỉnh Hà Tĩnh, Bộ trưởng cho tôi biết, Bộ Công an có ý định mời ông I. Đubyaghin sang Việt Nam dạy về chuyên đề “Tìm tội phạm khi không để lại dấu vết”. Gần đây nhất, qua hộp thư điện tử, ông viết thư cho Nhà Xuất bản Tư pháp, bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ giúp hệ thống hoá những tác phẩm sách pháp lý của Nga.
Ông bà Đubyaghin tham gia các Hội thảo Khoa học của Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, cho dịch và đăng các bài viết của ông trên các báo của người Việt tại Nga như: "Khoa học và Cộng đồng”, “Đồng Hương”, “Thông tin và Thời đại”, tạp chí “Đất nước”.
Vợ ông, bà Ôlga Đubyaghina vốn là một nhà sư phạm ngành tâm lý học. Bà là thư ký của “Trung tâm tìm kiếm trẻ em thất lạc toàn Nga" (ROĐERO), nơi ông làm Giám đốc. Khâm phục tài năng, trách nhiệm và lòng nhân ái của ông, bà trở thành vợ ông, trở thành một nhà tâm lý, một nhà hình sự. Mặc dù rất bận bịu, nhưng cả hai ông bà đều sẵn lòng ngồi hàng giờ để nghe nói về văn hoá và cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Có một lần, hai ông bà mượn của tôi tấm chứng minh thư nhân dân, và sau đó không lâu, trên chương trình truyền hình ORT1, ông đã giơ tấm chứng minh thư đó trước màn ảnh đánh giá rất cao tầm quan trọng của những thông số, dấu tích vân tay mà công an Việt Nam dùng để quản lý con người, khám phá tội phạm. Ông cho đó là mô hình của một tấm hộ chiếu thông minh trong tương lai. Cả hai ông bà khâm phục và quý trọng những người Việt tài năng đang sống và làm việc ở nước Nga. Vào các kỳ nghỉ hè, thấy vợ tôi đau yếu, bà Ôlga đều tha thiết mời vợ tôi cùng về thành phố biển quê ông để nghỉ ngơi, nhưng quá giữ ý, sợ phiền đến ông bà, vợ tôi cố tìm các lý do để từ chối.
Ngoài việc giảng dạy tại Trường Công an Kovchepxki, nơi trước đây đã đào tạo nhiều Nghiên cứu sinh và học viên cảnh sát Việt Nam, Trường Đại học XH&NV Matxcơva, Khoa hình sự Trường MGU, ông bà Đubyghin còn tham gia khám phá nhiều vụ án nổi tiếng của Nga, điển hình như vụ tên manhac giết người hàng loạt Chicachilô, vụ chôn sống các khách hàng để cướp ôtô, vụ đầu độc các cụ hưu trí để chiếm căn hộ...
Với hơn bốn chục đầu sách, trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần như Mày là nạn nhân tiếp theo!, Hình xăm nhìn dưới góc độ tội phạm, Tìm tội phạm khi không để lại dấu vết, Từ điển tiếng lóng tội phạm Nga hiện đại, Cuộc đời làm quà tặng, Tìm trẻ thất lạc, Giáo trình tội phạm hình sự, ba bộ tiểu thuyết và truyện ngắn về đề tài an ninh..., hơn 300 bài báo công bố ở Nga và nhiều nước, ông Đubyaghin được coi là một trong những tác gia lớn nhất của ngành tội phạm học của Nga và thế giới. Ông Đubyaghin là người Nga duy nhất ở thời điểm này được tặng mề đay vàng của ngành Hình sự Mỹ.
Cách đây không lâu, ông được mời sang Mỹ theo chương trình phá án tội phạm cuồng dâm với mức lương 80.000 đô la một năm (Tạp chí Ngọn lửa nhỏ, 2 - 2001 trang 67), nhưng vì vào thời điểm ấy, ông bận nhiều việc ở Nga, nên đã không nhận lời.
Quyển sách 56 biện pháp bảo vệ trẻ em trước tội phạm, dày 392 trang, là tác phẩm tâm huyết của ông Đubyaghin và bà Ôlga. Quyển sách được viết ra bởi bề dày của hàng chục năm kinh nghiệm điều tra, nghiên cứu và bởi tấm lòng nhân ái đối với con người. Các tác giả đưa ra những tình huống cụ thể, xác thực, phân tích lôgích từng dữ kiện và hướng dẫn các biện pháp đối phó có hiệu quả nhất. Sau mỗi bài viết, các tác giả bao giờ cũng tổng kết lại như một bài giảng bằng một thứ ngôn ngữ khúc chiết và trong sáng. Quyển sách này, không chỉ dành cho các bậc làm cha, làm mẹ, mà dành cho tất cả mọi người, nhất là các cháu mới lớn như một thứ cẩm nang.
Vừa ra đời, quyển sách đã được tái bản và dịch ra các thứ tiếng trong các nước SNG, dịch sang tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Bungari, tiếng Pháp. Khi được biết quyển sách đã được dịch và sẽ giới thiệu ở Việt Nam trong những ngày gần đây, ông Đubyaghin và bà Ôlga Đubyaghina rất phấn khởi. Hai ông bà lập tức viết thư cho dịch giả Đoàn Tử Huyến đồng ý để Nhà xuất bản Lao động ấn hành tác phẩm với một điều kiện đơn giản là "...sau khi in xong, nếu có thể thì chuyển cho chúng tôi 10 quyển để làm kỉ niệm và tặng thư viện".
Hy vọng rằng, tác phẩm sẽ góp phần vào việc bảo vệ trẻ em Việt Nam trước hiểm hoạ của nhiều loại hình tội phạm. Cả hai ông bà đều muốn trẻ em và bạn đọc Việt Nam coi họ là những người bạn chân tình nhất .
Dù chưa một lần đặt chân đến Việt Nam, nhưng bà Olga nói, chắc là kiếp trước tôi sinh ở đó, bởi tôi thấy Việt Nam đối với tôi thân thiết và gần gũi vô cùng.
|