Ảnh nguồn - Internet
Chúng tôi, những bạn già, chẳng hiểu sao, không công to việc lớn gì mà ai cũng bận. Hẹn Café vỉa hè Hà Nội tặng sách, mấy lần không thành. Nhà thơ Nguyễn Khôi đành gửi bưu điện từ Phố Vọng lên phố Hai Bà Trưng tặng Mai Thục- Tiễn dặn Người Yêu (NXB Văn Học- 2011).
Gặp Nguyễn Khôi trong ảnh bìa sách bên đồng lúa xanh ngút ngàn Kinh Bắc, ngỡ ngàng khi biết anh có hai mươi mốt năm trầm mình cùng hương sắc Mường bản, để nhập hồn vào những câu thơ Thái đẹp tựa hoa Ban, duyên dáng làn môi thiếu nữ.
Bản dịch Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu) của thi sĩ Nguyễn Khôi được đánh giá là “Sự sáng tác lại, kế thừa bản dịch nghĩa của Cẩm Cường và hai bản dịch thơ của Điêu Chính Ngâu và Mạc Phi, nhưng bằng sự sáng tạo hoàn toàn mới mẻ với thể thơ song thất lục bát của dân tộc” (Quang Hoài).
Theo Nguyễn Khôi từ “Son” vừa có nghĩa là “Dặn” nhưng còn có nghĩa là “Sự Học- Bài Học”, nghĩa “Bài Học” là chính.
Tôi đọc Tiễn dặn người yêu ngây ngất trước Bài Học làm người hòa thiên nhiên kỳ thú. Ngây ngất trước bản trường ca bất tận dạy con người khôn ngoan sống hòa cùng Đất Trời vạn vật thắm tươi làn điệu dân ca Thái lả lướt tình tứ, trong âm hưởng nồng nàn bi thương bay bổng tình yêu.
Với chừng bốn trăm câu thơ, mượn tâm tư sâu sắc của người yêu cũ đã trải nghiệm qua một cuộc tình đầy bi thương, mà dạy con người cách vui sống với thiên nhiên, với gia đình và cộng đồng.
Sống chụ son sao không là “Văn dĩ tải tạo” mà là “Tình tải đạo”. Nguyễn Khôi đã hòa cảm cái tình của mình vào cái tình lớn lao của dân ca Thái, đưa chúng ta về với cõi người nguyên sinh, tinh khiết “Người là hoa của đất”.
Sống chụ son sao là nghệ thuật hòa quyện giữa truyện thơ dân gian và thơ dân gian, thành điệu hát khắp- loại hình hát thơ rất phổ biến của các dân tộc Thái Sơn La- Tây Bắc Việt Nam.
Nguyễn Khôi - thi nhân Kinh Bắc tâm hồn thắm đượm tình ca quan họ óng chuốt đẫm tình, đã bắt gặp men nồng tình Thái say đắm lả lơi của điệu hát khắp những đêm trăng buông đầu núi, để chuyển Sống chụ son sao thành thể thơ đặc trưng tâm hồn Kinh Bắc, tâm hồn đồng quê Việt.
Dân ca quan họ và điệu hát khắp rất gần nhau trong vẻ đẹp tình yêu thánh thiện. Lời ca thánh thiện, hình ảnh thánh thiện, âm nhạc thánh thiện mà gần gũi đời sống và tâm tình. Tình yêu bi kịch, không bi sầu. Tình yêu thiết tha, nồng cháy, không trần tục. Những câu thơ như nhạc như tranh, như nhịp đập trái tim yêu thánh thiện hòa cảm cùng Đất Trời.
Chuyện tình được kể từ thủa hoài thai:
“Mẹ yêu đã tính từng ngày
Em nằm bên trái “cựa” hoài lớn mau
Mẹ anh yêu nhói đau bên phải
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn”
Mẹ đẻ con trai thì rơi sấp, con gái rơi ngửa:
“Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em”
Tuổi mười ba tâm hồn nảy nở:
“Óng ả lên nhóm lửa trên sàn
Đàn môi, sáo thổi chứa chan
Đôi ta như gốc cải làn tươi xanh”
Phong tục ướm duyên:
“Ngồi bên bếp lửa mặn mà trao duyên
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ”
Hủ tục ép duyên:
“Không yêu mẹ ép buộc lòng phải yêu
Ôi thương quá chim kêu mùa hạ
Lòng nhớ mong không ngả tìm sang
Tương tư những muốn tới gần
Lại e người quở, bần thần ốm ho”
Thách cưới:
“Anh đi đánh cá lưới ngoài sông
Con cá to anh đổ tràn “cong”
Lợn gà nuôi đã đầy sân đợi ngày
Tìm mua đĩa đi ngay Tạ Bú
Ra Tà Hè mua lụa, mua tơ
Trầu xanh muôn lá để nhờ “dạm” em”
Cha mẹ tham tiền, từ chối lễ dạm hỏi:
“Anh đã lo mà không lo đủ...
Tay ôm cau những rã rời
Tay xách giỏ cá lệ rơi thẹn thùng”
Chàng thất vọng ra đi, sống, lao động, sáng tạo hết mình, mơ trở lại, cuộc sống đủ đầy để chuộc lại người yêu đã lấy chồng:
“Bìm bịp mừng nhúng nhắng xun xoe
“Tực từ” kêu lộng ngoài khe
Thấy chim chót bóp bay về sánh đôi
Trời mở cửa thử coi ngựa quí
Bốn vạn trâu... lãi đẻ ngàn lần”
Chàng dặn ngưởi yêu trong cõi sống và cả cõi chết:
“ Con khóc lấy đàn môi dỗ nín
Ngày về trời theo cánh ngựa bay
Lời thương em nhớ đừng phai
Hồn thương đừng có đổi thay cõi trời
Như hóa phép vàng tươi cánh bướm”
Thiên nhiên và vạn vật, chim thú, rừng cây, suối sông, và những vật nuôi trong nhà luôn gắn với cảm xúc của chàng trong bi kịch tình yêu. Những câu thơ dạy cách làm vợ, làm mẹ làm con dâu, em chồng, dạy nấu món ăn... êm ả như ánh trăng mơ màng trong rừng khuya lá rơi:
“Nấu cơm nhặt rác ngoài sân
Ngọn chàm cứ bẻ khi cần đồ xôi
Dấm chua bỏ gừng ôi cho hỏng...
Rửa ốc rửa từng con cho tức
Rửa bát lắc cả rổ cho tan…
Rửa môi gõ sứt miệng chum
Làm ra ngang ngạnh, chồng hờn chồng chê”
Nỗi nhớ người yêu của chàng lẫn trong hình tượng thiên nhiên bi ca:
“Chẳng còn nghe em yêu cười nói
Thương khóm rau nhỏ nhói vườn to
Vừa lên đã ngắt về đồ
Đang mùa hoa gạo vật vờ bóng em
Núi tiếp núi rừng lim thăm thẳm”
Tình chàng trải rộng núi rừng, muôn màu hùng vĩ:
“Xa em lên Mường Lay núi biếc
Lối Mường So đá xếp quanh co
Cheo leo dốc dựng bên bờ
Chênh vênh suối thác sóng xô bên trời”.
Tiễn dặn người yêu- một văn bản tiếng Việt hoàn hảo, đạt tới đỉnh cao. Tiễn dặn người yêu thỏa mãn những khát khao mỹ cảm của chúng ta về: Tư tưởng, Ngôn ngữ, Hình tượng, Âm nhạc, Thơ ca, Hồn dân gian, Thiên nhiên,Phong tục, Tình yêu thánh thiện, Hồn dân tộc, Đạo làm người, Sinh học, Sinh thái… Chúng tôi mong Tiễn dặn người yêu được đưa vào dạy môn Tiếng Việt cho học sinh Việt Nam.
Hồ Gươm Mùa Hoa Ban 2013, Mai Thục
|