Ảnh minh họa - Internet
Tây Bắc đi dễ khó về.
Tốt nghiệp đại học sư phạm tôi tình nguyện lên miền núi cho “biết đó biết đây”, kì thực do hoàn cảnh rách rưới, để được tăng lương, phụ cấp khu vực.
Đến Hòa Bình
Lúc trước mắt tôi được mở rộng hết tầm nhìn trước những cánh đồng bao la bát ngát thẳng cánh cò bay của đất Tiền Hải - Thái Bình, nay núi tiếp núi rừng lấn trùng trùng điệp điệp như bịt mắt lại.
Tại cửa ngõ Tây Bắc tôi phải chờ xe mười sáu ngày vì chớp biển mưa nguồn, lũ lụt phá hết cầu cống, núi lở tắc đường từng đoạn dài gần nửa cây số.
Với đồng lương còm tôi đành ngoạp ngô, nhá khoai luộc. Sau hai ngày thử sức tình cờ gặp hai anh bộ đội lên Sơn La là Đỗ Trọng Hùng, dáng cao to, bước đi chững chạc, ăn nói vững vàng rành mạch, tính tình khí khái vui tươi. Anh này hết thời gian nghỉ phép, bây giờ lên đơn vị nhận giấy tờ đi học ở Liên Xô.Chàng thanh niên chưa có người nâng khăn sửa túi. Gia đình dạm sắn một cô nhưng anh xin hoãn để tập trung học tập.
Người thứ hai là Đinh Văn Khái chính trị viên đại đội, người tầm thước đôi mắt linh lợi, nói năng thao thao bất tuyệt.
Thỉnh thoảng họ đàm đạo lẽ sống trên đời. Vốn “nghề” chính trị viên Khải thường có giọng kiểu “thầy đồ” mới: “ngang lưng thì thắt phương châm, đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương”.
Anh ta nói:
Cậu Hùng được đi học Liên Xô thoát cảnh thắt lưng buộc bụng lúc đất nước đang chống giặc ngoại xâm thật là sung sướng tuyệt vời. Sau này về còn được đề bạt vượt cấp.
Hùng đáp:
Mọi nhiệm vụ đều có trọng trách như nhau. Cây cao gió dữ. Vinh hoa nào chả như sóng giữa dòng. Đời người sống được mấy nả. Sau khi nhắm mắt không ai dè bỉu là điều khó.
Khái nói thêm:
Việc này ban chỉ huy bàn cãi so sánh giữa cậu và Lê Văn Hậu cán bộ tổ chức. Đôi bên thành tích, công tác như nhau. Hậu hơn cậu về mặt chính trị, xoay xở giỏi, ngược lại kém kiến thức văn hóa.
Qua câu chuyện đó tôi biết nếu anh Hùng không đi Liên Xô, sẽ làm giám đốc Nông Trường, trường học tôi đến nhận công tác nằm trong đó. Việc hai người bàn cãi tôi nhận xét lời anh Khái rất tâm lý. Tôi tình nguyện lên Tây Bắc, ngoài mặt thì vui vẻ theo lời động viên của cán bộ phòng giáo dục, vì hoàn cảnh quá khó khăn đành nuốt nước mắt. Trên chỉ định, anh Hùng xin ở lại chuyển sang nông trường ai nỡ ép buộc. Người bạn đường đi Liên Xô đưa lí lẽ về danh vọng, về kiếp người, tôi nghe lộn ruột như đang đói nuốt phải củ khoai hà. Bản thân tôi nếu nếu được cử đi nước ngoài thấy còn sướng hơn nhiều lần trúng xổ số độc đắc. Về mặt lý luận tôi chịu lời anh Khái nhưng trong tiếp xúc hằng ngày tôi thấy anh Hùng tính rất phóng khoáng dễ mến dễ gần một phần vì trình độ văn hóa. Lý lẽ của anh tôi cũng bán tín bán nghi, mang nhiều nỗi bâng khuâng vì anh được đi Liên Xô và hình như thâm tâm đã bị chập mạch... Có lẽ đúng, vì nhân duyên rất lắt léo, tôi đã thấy nhiều hoàn cảnh như vậy. Nghĩ tận cùng là chớ nên mơ mộng hão huyền cho khổ tâm. Hình ảnh cuộc sống sôi nổi của anh Hùng hằng ngày khiến cho lòng tôi cứ hồi hộp, ngày đêm chờ xe mang nỗi nhớ nhung. Nói xin lỗi cứ như cá treo mèo nhịn đói biết không bao giờ với tới như chó sói trước giàn nho...
Hôm sau nhà trọ thêm một anh bộ đội cùng đi Sơn La tên là Lê Văn Hậu, là thủ trưởng nông trường.Tôi sẽ dưới quyền lãnh đạo.
Anh Khái nghỉ trọ cùng chúng tôi bốn ngày rồi bắt xe đường gần đi suối Rút.
Hàng ngày Hậu chăm chú xem sách báo chính trị, gặp bạn bè đàm đạo chuyện công tác, chuyện đề bạt cán bộ trên vùng Sơn La.
Anh Hùng và tôi đến thư viện mượn sách khoa học, văn nghệ. Anh bảo với tôi rằng miền núi rất hiếm loại này, mình phải tranh thủ đọc nâng cao nhận thức.Thông thường độ 4 giờ chiều anh ra sông cách đấy hơn hai cây số tắm mát và bơi lội vì sang bên ấy khí hậu khắc nghiệt lúc nào cũng phải mặc quần áo ấm. Một hôm anh đi tắm về gặp mưa bị cảm lạnh 3 ngày, tôi tìm lá tre, bưởi, sả, tía tô, chanh nấu cho anh xông. Khỏi bệnh vừa nhấc chân đi lại được thì ô tô xuất phát. Anh cảm ơn tôi rối rít kịp thời lên nhận hồ sơ đi công tác.Từ giấy xếp hàng ghi tên mua vé trước nửa tháng anh được ngồi hàng ghế thứ hai sau tay lái, cạnh cửa sổ, tôi giữ vị trí bên cạnh phía trong. Anh Hậu ngồi hàng ghế thứ năm gần cuối xe.
Hùng bảo với tôi:
- Vâng ạ ! đường miền núi lắm ổ gà, dốc, đèo,ta ngồi phía trên đỡ vất vả vì xe sóc nẩy người có khi va đầu lên nóc. Ta được ngồi thế này là may mắn lắm .
Xe chạy ậm ạch, hổn hển, gặp dốc rú lên như lợn bị chọc tiết, tôi ngồi lắc lư nôn nao cả ruột, qua suối Rút đầu óc lảo đảo, trời đất mờ mịt tôi chỉ mong được xuống xe ngồi nghỉ. Đường dài, nắng gắt, mồ hôi đầm đìa, đành gồng mình nuốt nước bọt liên tục cố hãm những cơn nôn đang chừng chực ào lên tận cổ, trào ra khỏi miệng. Cuối cùng không hãm được tôi đành đưa mùi soa lên hứng. Anh Hùng nhanh tay đưa chiếca ca VIỆT - TRUNG - XÔ đón ngay trước miệng. Bao nhiêu thức ăn dồn đầy cùng nước dãi. Người bạn đường đổ ra ngoài cửa sổ rồi đưa vào đón đợt khác đến ba bốn bận. Hai tay anh đỡ vào má, miệng, có lúc chạm vào răng lưỡi cho các thứ trong ruột dồn ra ồng ộc khỏi giây vào quần áo. Xe sóc ngả nghiêng, chồm lên vật xuống nhiều lúc người tôi ngã vào anh lịm đi, nước mắt ràn rụa, hơi thở thoi thóp. Tôi không tài nào gắng gượng ngồi dậy được. Người lính phải quàng tay qua lưng đỡ tấm thân mềm nhũn đang lả dần. Anh khéo léo đứng dậy bế tôi chuyển chỗ ra phía cửa sổ lấy mũ nan quạt liên tục cho giảm bớt cơn nôn .
Đến Cò Nòi trời chập choạng tối, mọi người xuống xe vào những dãy nhà lán. Anh Hùng vộ vàng chạy đến nơi bán vé nằm tìm cho tôi được chỗ rộng rãi có cửa sổ cạnh chiếc đèn dầu hỏa ám khói đỏ lờ mờ. Anh sắp xếp chăn màn trên chiếc giường dài đến vài chục thước lát bằng nứa, luồng đập dập kê trên các đòn đóng cọc cao ngang đầu gối. Giường được chia làm 3 dãy nam, nữ, vợ chồng. Anh Hùng đưa cho tôi một cái ca Việt Trung Xô màu trắng để dùng khi cần thiết. Anh hôn tôi một cái nồng nàn trên trán rồi nói :
- Vạn sự khởi đầu nan. Anh tin chắc rằng Vân sẽ vượt qua .
Tôi cầm bàn tay cứng cáp to lớn của người lính sắp đi nước ngoài không bao giờ còn gặp lại. Tôi muốn giữ thật lâu... giọng nghẹn ngào hòa cùng nước mắt:
- Chúc anh lên đường mọi sự bình an .
Anh Hùng đi rồi tôi mới cảm thấy bơ vơ trống trải lạnh lùng ớn cả xương sống. Nỗi nhớ nhà, quê hương tràn ngập, tôi nằm sấp xuống giường úp mặt khóc, nước mắt ràn rụa , kèm theo đó là nỗi nhớ thương người bạn đường lần đầu tiên được gặp, trai làng ưu tú khó bề sánh kịp.Tình cảm đó mỗi giờ mỗi phút cứ dâng lên như giông tố nổi dậy trong đầu, tôi cố xua đuổi cũng không được. Rồi đây vắng bóng anh tôi sẽ không sống nổi. Trước muôn ngàn gian khổ sắp tới, nếu có anh ở bên cạnh tôi sẽ vui vẻ vượt qua...
Một giờ sau, cơn mệt mỏi rút dần, nỗi nhớ anh Hùng vẫn không nguôi, tôi gắng gượng ngồi dậy chải tóc, tìm lối ra suối rửa mặt mũi tay chân. Nơi nghỉ của phụ nữ ở dãy cuối cùng , tôi phải rón rén đến cửa ra vào. Khi đi qua dãy giường nam giới tôi thấy Anh Hậu đang nói chuyện gì đó với anh Hùng có nhắc đến tên cô giáo Vân. Tôi bước ra ngoài lán, quay lại rón rén ghé tai vào liếp nghe xem họ có ý kiến gì để kịp thời sửa chữa.
Anh Hậu hỏi anh Hùng:
Tại sao đêm hôm giữa rừng núi cậu lại bỏ rơi cô ấy. Người ta rời quê hương lên đây, hoàn cảnh cô đơn chỉ biết dựa vào cậu là người yêu duy nhất lại ra ngủ riêng.
Cô ta không phải là vợ tôi .
Tại sao cậu lại nhường vị trí đắc địa nhất cạnh cửa sổ?
Cho cô ta đỡ mùi xăng, có gió mát .
Cậu dừng lí do lí trấu . Mọi người trong xe đều xì xào cậu với cô ấy là hai vợ chồng .
Đời nào “một giáo viên” tự dưng cúi đầu vào đùi “chú bộ đội” để ngủ liền tù tì. Nếu không phải vợ đó chỉ là gái làm tiền...
Tôi nghe đến đó lòng choáng váng bỏ đi ruột đau như cắt. Ngày hôm sau lên xe tôi ngồi đúng vị trí rồi trả ca cho anh Hùng. Dù bị say xe tôi có đủ khăn áo để tự vệ và ngoảnh mặt vào trong. Tôi cúi đầu lặng lẽ không dám nhìn mặt mọi người. Tôi thương cho anh Hùng, lòng đau xót vô cùng. Nay mai anh em công nhân, cán bộ trong nông trường, các bậc phụ huynh sẽ đánh giá tôi là con đĩ. Thiên chức nhà giáo mất hết. Biết bao giờ tôi xóa hết nỗi sỉ nhục. Chưa hết, dưới quyền lãnh đạo của nông trường của anh Hậu tôi ăn nói sao đây?
Nhận công tác tôi được nghỉ ba ngày. Cô phụ trách công đoàn bố trí nơi ăn chốn ở tươm tất rồi bảo đến gặp giám đốc.
Tôi đưa ra nhiều dự kiến đối phó khi gặp trục trặc nhưng tuyệt đối im lặng trước chuyện anh Hậu đã thầm thì với người bạn đường chắc chắn bây giờ đã ở một chân trời xa đầy tươi đẹp. Anh ấy đi rồi còn đâu chuyện bàn cãi, nào ai có khảo mà mình lại xưng. Tôi vờ hỏi phụ trách công đoàn :
Xin lỗi cô. Tôi vừa chân ướt chân ráo lên đây xin cô cho biết tên thủ trưởng để tiện giao tiếp .
Đáng lẽ đồng chí gặp anh Lê Văn Hậu do trung đoàn 98 cử sang nhưng không hiểu có trục trặc gì đó bên ấy bãi bỏ một người khác sắp đi Liên Xô du học về đây là anh Đỗ Trọng Hùng.
N.V.T 29/11/2010
(Nguồn Tân Văn số 1 - NXB Hội nhà văn tháng 11-2012)
|