Nhà văn Tạ Duy Anh - Ảnhnguồn Internet
Nguyên tên khai sinh của ông là Tạ Viết Đãng, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1959. Quê ông ở thôn Cổ Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay là huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai. Sau đó Tạ Duy Anh tham gia học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Trải qua 4 năm học, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên. Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1993.
Tác phẩm
- Bến thời gian
- Gã và nàng
- Bố cục hoàn hảo
- Ngày hội cuối cùng
- Quả trứng vàng
- Ba đào ký
- Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh
- Đi tìm nhân vật (tiểu thuyết)
- Thiên thần sám hối (tiểu thuyết)
- Những truyện không phải trong mơ (truyện vừa)
- Bức tranh của em gái tôi
- dưới bàn tay vô hình(tự truyện)
- Quả trứng vàng
- Vó ngựa trở về
- con dế ma
BBT Nguoixunghekiev.vn trân trọng giới thiệu cùng độc giả nhà văn Tạ Duy Anh và truyện ngắn của ông!
Suốt nhiều năm hắn mắc một thứ bệnh quỷ quái gì đó mà hắn không thể tả lại hiện tượng cho bác sỹ mỗi khi đến phòng khám. Lần nào hắn cũng cố gắng hết mức, huy động tối đa vốn ngôn từ, khả năng diễn đạt bằng thao tác với mong muốn bác sỹ có thể hiểu hắn đang nói gì. Nhưng cả trăm lần như một, cả trăm ông bác sỹ đủ loại tuổi tác, trình độ chuyên môn, tại cả trăm bệnh viện, cơ sở y tế... đều có một phản ứng giống nhau, đó là lắc đầu ngán ngẩm tỏ ý rất tiếc là họ không hiểu bệnh nhân định mô tả điều gì đang xảy ra với anh ta. Trong chẩn đoán bệnh thì việc hỏi bệnh nhân là điều vô cùng quan trọng. Vậy mà nay anh ta không sao kể lại được tình trạng cơ thể của anh ta nên rất khó đưa ra bất cứ kết luận nào. Ở một vài nơi, người ta bèn áp dụng phương pháp gần giống như hỏi thi trắc nghiệm, có nghĩa là người hỏi đưa ra tình huống giả định, còn người nghe, ở đây là bệnh nhân, tức là hắn, thì chỉ việc trả lời có hoặc không, thậm chí lắc đầu hay gật đầu. Trong trường hợp những khả năng trên gặp trở ngại thì hắn chỉ việc ngồi im, được hiểu là đồng ý, còn nếu hắn có biểu thị như rụt cổ hay nhún vai, coi như câu trả lời là không. Sau đây là một vài cuộc trắc nghiệm như vậy được tổng hợp lại:
- Anh ăn uống có ngon miệng không?
- Có.
- Tốt lắm. Anh ngủ thế nào, dễ không?
- Có.
- Ăn được ngủ được là tiên, rất tuyệt. Anh có bao giờ khó thở không?
- Không.
- Tức là hô hấp bình thường. Thế còn vấn đề tiêu hoá, anh có táo bón bao giờ không?
Hắn lắc đầu.
- Anh có hay uống rượu không?
- Không.
- Một người đàn ông lý tưởng cho bất cứ bà vợ nào. Thế còn trà và thuốc lá, anh có dùng không?
- Không.
- Anh có hay bị hồi hộp hoặc tâm trạng giống như bồn chồn lo lắng về điều gì đó không? Có thấy bao giờ khó thở không?
Hắn khẽ so vai, tức là không vấn đề.
- Vậy là tim bình thường. Anh có thấy thỉnh thoảng bị choáng không?
Hắn khẽ nhún người xuống.
- Huyết áp như vậy là không có vấn đề gì. Anh thấy khoản ấy, tức là tức là... cái món mà cánh đàn ông chúng mình ưa thích, thôi, nói thẳng nhé, chuyện chăn gối ấy mà, anh thấy có vấn đề gì không?
Hắn úp tay lên mặt, ngón tay trỏ chĩa ra thẳng vào mặt người hỏi.
- Tôi hiểu rồi, tức là tốt. Ăn tốt, ngủ tốt, ấy... tốt, về nguyên tắc thì anh xứng đáng là một người khoẻ mạnh trên mọi phương diện. Vậy mà tại sao anh không tin vào điều ấy nhỉ? Có chuyện gì khó nói không? Tôi muốn hỏi, vì sao anh cứ muốn đến phòng khám? Anh có bị ám ảnh gì trong cuộc đời không?
Hắn lại rụt cổ, lắc vai, thêm động tác nhếch mép, tức là không và không biết.
- Hỏi nhỏ nhé, có cải thiện thêm không, cái trò mèo chuột ấy mà, tôi muốn biết kỹ hơn một chút?
Hắn im lặng khiến ông bác sỹ cười rất tinh quái.
- Tốt rồi, có câu hỏi tiếp đây, có bao giờ anh cảm thấy bị cô nàng nào đó “đá” không? Hay nói trắng ra, anh có bị thất tình bao giờ không?
Hắn lắc đầu.
- Thế còn vấn đề cắm sừng, chị nhà có một lòng một dạ với anh không? Anh có ghen tuông, kể cả có cớ cũng như vô cớ, với ai không?
Hắn không lắc, không gật, không trả lời có hay không, cũng không rụt cổ, nhún vai... mà mắt cứ mở trừng trừng nhìn tay bác sỹ khiến ông ta quên cả việc đang chờ nghe câu trả lời để loại trừ nguyên nhân từ sự ẩn ức tình cảm sau khi đã gạt đi nguyên nhân về ẩn ức tình dục, cứ nghiêng ngó nhìn sâu vào mắt hắn, có lúc hai cặp mắt gần dính vào nhau. Mẹ kiếp, tay bác sỹ nghĩ thầm, không biết anh ta có phải là người không. Nhưng rồi, có lẽ đã đủ thời gian để hắn nghĩ ra câu trả lời, tay bác sỹ thấy gã bệnh nhân nhếch mép, một ám hiệu phát sinh đã được sử dụng và đã được thống nhất cách hiểu là thay cho câu trả lời không biết. Đúng, làm sao mà biết được lòng dạ sâu hun hút của đàn bà-thái độ của tay bác sỹ như muốn bảo vậy, tức là anh ta tin hắn trung thực. Kinh nghiệm của một bác sỹ phòng khám đa khoa cho anh ta khẳng định ấy. Một khi người đàn bà đã rắp tâm qua mặt người đàn ông thì gã đàn ông khi đó chả hơn gì một con cừu con miệng còn hơi sữa. Tức là gã bệnh nhân này còn có chỗ phải tìm hiểu kỹ hơn. Tuy thế, những tờ kết luận đều có một nội dung na ná giống nhau là hắn chẳng có vấn đề gì đáng phải lo lắng về mặt sức khoẻ, ngoại trừ hắn đang ủ một căn bệnh mà y học hiện đại chưa lường tới để đưa ra những triệu chứng lâm sàng. Sau đây là bảng ghi lại các chỉ số thân thể cũng như cảm nhận bằng mắt về hắn, tổng hợp từ những mô tả khác nhau nhưng lại khá giống nhau về nội dung.
Bệnh nhân H
45 tuổi
Chiều cao: 1m72
Cân nặng: 63 kg
Phát triển cân đối.
Không có tổn thương bên ngoài.
Mắt phải: 10/10.
Mắt trái : 10/10.
Thính lực: Tốt.
Khứu lực: Tốt.
Các chỉ số về nội quan đều đạt ở mức tốt.
Ngoại quan: Da dẻ sáng màu, tóc đen, dày, răng chắc, bụng thon...
Ăn, ngủ, sinh lý đều ở mức tốt.
Triệu trứng lâm sàng: Không rõ, tự bệnh nhân không mô tả được, bệnh nhân cho biết luôn có cảm giác không tồn tại, hoặc như đang lao đầu xuống vực thẳm nhưng căn cứ vào khả năng hành vi thì cũng loại trừ nghi vấn mắc bệnh hoang tưởng hay bị ám ảnh về tai hoạ nào đó.
Kết luận: Không tìm ra bệnh. Tiếp tục theo dõi, chú ý những biến đổi về tâm lý.
Từ phòng khám trở về hắn lại nghĩ ngay là phải tìm những phòng khám khác. Bởi vì mặc dù luôn nhận được kết luận không tìm thấy bệnh, sức khỏe tốt nhưng thực tế bản thân hắn thì lại không phản ánh điều đó. Hắn cứ thấy mọi thứ trước mắt lộn xộn, không hình thù cụ thể, những ký hiệu đều trái chiều và do đó hắn đi lại, cử động, thậm chí đứng ngồi đều vô cùng khó khăn, cứ như đang phải gồng mình trên một sợi dây bắc ngang qua một thung lũng đầy rắn rết, thú dữ đang đói khát ở bên dưới. Chỉ khi hắn nằm ngủ hay nằm chơi là cơ thể trở về đúng trạng thái bình thường, các chiều không gian đều thuận, mọi sự bức bối đều biến mất. Nhưng làm sao hắn chỉ cứ ăn rồi nằm ườn được. Biết bao nhiêu việc mà hắn không thể thoái thác. Thế là hắn lại chỉ còn biết tìm đến những phòng khám. Hắn quen mặt hầu hết các bác sỹ giỏi nhất. Hầu hết trong số họ cũng ngán ngẩm hắn. Nhưng hắn không ngại đến và làm phiền họ. Dù sao tại đó hắn cũng còn bám được chút ít vào ảo tưởng có thể người ta sắp tìm ra bệnh trạng của hắn. Nhưng tình trạng của hắn vẫn hoàn toàn bế tắc.
Cho đến khi tại một trong những phòng khám ấy, bác sỹ khám là nữ và còn khá trẻ. Đáng lẽ cô theo nghiệp văn chương, tức là cũng một kiểu bác sỹ nhưng chỉ phải mổ xẻ trong tưởng tượng, vào những cơ thể vô hình, tìm và chữa chạy những căn bệnh cũng vô hình. Nhưng rồi ông trời tiếc đã cho cô đôi bàn tay khéo léo mà không dùng đến một cách đích đáng thì phí quá, đành tặc lưỡi pat-sê cô sang nghề y, để cô mổ xẻ thật. Tuy vậy cái máu lãng mạn cứ còn rơi rớt lại khiến cô luôn nảy ra trong đầu những cách thức khám và chữa bệnh chẳng giống ai, cũng chẳng có trong tài liệu y học nào mà người ta đã dạy cho cô hoặc do cô tự mày mò đọc được. Trong trường hợp của hắn, ban đầu cô cũng chẳng có cách gì hơn là làm giống như những đồng nghiệp của cô đã làm. Và nó lại cho ra những con số, những chỉ số, những mô tả, những chẩn đoán y như hàng trăm lần trước đó mà hàng trăm đồng nghiệp của cô đã thuộc lầu. Điều đó khiến cô vừa bực mình vừa cảm thấy như vừa phát hiện ra một đề tài thú vị. Không mất nhiều thời gian để cô đi đến quyết định sẽ tiếp cận tay bệnh nhân kỳ lạ này theo cách mà các đồng nghiệp trước không có ưu thế và cơ hội để làm. Của đáng tội, nếu hắn không đến phòng khám của cô như một con bệnh, thì với chút máu nghệ sỹ, cô khó mà không run lên khi nhìn thấy hắn, sờ tay vào các bộ phận trên cơ thể hắn. Tất cả đều nuột nà, rắn chắc, nhạy cảm. Một kiệt tác của tạo hoá xét ở mọi phương diện. Hãy thử hình dung đang nằm gọn trong tay hắn, gắn cặp môi vào môi hắn... đã muốn ngột thở rồi nói chi đến những việc khác. Nó hơn đứt khi làm những việc như vậy với chồng cô là cái chắc. Nhưng không sao, mọi việc vẫn đang trong tầm tay cô cơ mà. Thế là cô hẹn hắn cứ cách ngày lại đến gặp cô, bằng vẻ mặt không có chút gì của một thầy thuốc. Hắn đương nhiên là làm theo. Hắn làm theo mọi chỉ dẫn của cô. Thường khi đó, cô khéo léo đuổi hết bệnh nhân ra ngoài để được tự do áp tai vào ngực hắn, nắn bụng hắn, bí mật quan sát những phản ứng của hắn do va chạm da thịt. Tất cả đều cho thấy hắn không chỉ có một thể trạng tốt, mà còn hoàn toàn là một người tình tuyệt vời. Điều đó thì chỉ vài tháng sau cô đã có cơ sở thực tế để khẳng định phỏng đoán của mình. Hắn rất khoẻ, và dai, lại khá mỹ miều trong từng động tác. Tức là không chê vào đâu được. Nhưng cô làm thế với hắn như một sự hy sinh vì khoa học, của nhà chuyên môn chân chính, để khám phá một loại bệnh mới, giống như hành vi nuốt vi trùng tả hoặc tự tiêm vi rút bệnh dại vào người mà cô luôn ghi nhớ như một biểu hiện lớn lao của y đức. Vì thế ngay cả khi quên hẳn ông chồng của cô thì cô vẫn nhớ phải quan sát xem hắn có biểu lộ ra bên ngoài triệu chứng gì khác thường. Và Thượng đế đã không phụ lòng kẻ tuẫn tiết cho khoa học: Trời ơi, cô muốn kêu to lên cho cả thế giới biết, ít ra là cho những kẻ phục vụ nhà nghỉ đang thích thú nghe trộm từng tiếng động do cô và hắn làm phát ra, hắn làm mọi thao tác đều ngược lại. Chỉ khi hắn làm ngược mặt hắn mới trở về trạng thái của một kẻ bình thường. Nhưng cô sẽ không vội nói ra bí mật này. Cô muốn tận hưởng điều trái khoáy, vì nói thật, nó cũng rất thú vị. Thế là mỗi lần hò hẹn với hắn, vui vẻ với hắn - giờ đây ngang nhiên là người bước vào cuộc đời cô, bất chấp kẻ canh gác nghiêm ngặt và không biết tha thứ là chồng cô - cô lại hưởng trọn vẹn một niềm vui kép: Hạnh phúc của một người tình không có chỗ nào đáng phàn nàn và niềm sung sướng của một kẻ đang gặt hái thành công trong nghiên cứu khoa học. Cả hai thứ đó đều khiến cô cứ trẻ trung ra, đầy hưng phấn và nó ngầm tố cáo cô với ông chồng vốn chưa bao giờ tin hẳn vào bà vợ thỉnh thoảng vẫn đóng cửa thổ lộ tình cảm của mình với một người tưởng tượng thông qua những bài thơ ướt đẫm. Vài lần anh ta vớ được, vừa đọc vừa bịt mũi, miệng không ngớt gầm gừ, rồi sau đó đặt xuống dưới gót di cho đến khi gã người tình tưởng tượng của vợ nát vụn mới hạ hỏa. Nhưng anh chồng của cô luôn tỏ ra yếu thế, chưa bao giờ dám công khai nhận là thủ phạm của những vụ huỷ diệt ấy khiến một và nhiều bài thơ nào đó của cô mất tích. Bây giờ cô ta lại cứ hơn hớn thế kia là đáng phải để mắt lắm. Vốn là một chuyên gia chuyên tạo ra các loại văn bản, nghĩ ra các quy định quản lý ý nghĩ của người khác, chưa bao giờ anh tỏ ra hoang mang đến thế trước trường hợp của vợ anh. Giá mà biết nàng toan tính điều gì nhỉ? Ước muốn không bao giờ thành ấy khiến anh đâm ra luôn như người ngồi trên đống lửa và những văn bản anh soạn thảo đều cứ như còn thiếu một điều gì đó không thể chấp nhận được. Anh ta rơi vào tình trạng y hệt như gã bệnh nhân kia là không thể mô tả cảm giác bất an do thiếu công cụ đảm bảo. Mà những công cụ đó do anh ta tạo ra. Thế này thì điên thật. Anh ta rất muốn nói thẳng với vợ về nỗi hoang mang của mình. Nhưng thay vì làm điều đó, anh ta làm một việc đơn giản hơn là bám theo vợ mỗi khi cô ta ra khỏi nhà. Tất nhiên là cô ta đến chỗ làm việc, một phòng khám tư toạ ngay ở giữa chốn thanh thiên bạch nhật. Cuối cùng một hôm anh tự cho phép mình xộc thẳng vào phòng khám của vợ khi một gã đàn ông, chỉ nhìn qua đã thấy vô cùng nguy hiểm, vào rất lâu mà không thấy trở ra. Trong đầu anh chưa đến nỗi hiện lên hình ảnh tồi tệ vẫn ám ảnh anh - chả nhẽ họ lại ngang nhiên đến thế - nên khi anh nom thấy vợ anh ấp mặt vào ngực hắn khi hắn đang nằm dạng háng trên giường khám - thì anh bèn ý tứ quay ra. Sau đó anh lại lập tức xộc vào và lần này tiếng anh oang oang từ cửa:
- Để anh cho anh ta một công án...
Vợ anh chỉ kịp quay ngoắt lại, mặt hơi tái đi trong khi hắn chưa kịp ngồi dậy và đương nhiên là chưa biết kẻ vừa bước vào là ai.
- Anh ta là bệnh nhân của em... - nàng lắp bắp - em vừa nghe nhịp tim cho anh ta.
- Anh thấy cả rồi. Anh thấy cả những thứ khác của hắn nữa... Nhưng khi anh định bỏ đi vì tôn trọng em, thì cũng vừa kịp nhớ ra gã bệnh nhân của em là ai. Bọn anh khốn khổ với gã thế là đủ rồi, cái đồ ngang ngược, gàn dở, mất lịch sự và hoang tưởng này làm bọn anh tốn bao nhiêu là giấy mực...
Và rồi, mạnh mẽ như một nhân viên bốc vác chuyên nghiệp ở các bến cảng, ông chồng đang sẵn máu ghen ngầm, tỏ ra khỏe phi thường. Hắn nặng 63 kg lúc chưa tăng cân chứ ít gì. Vậy mà anh ta bốc lên nhẹ hơn bốc một bao tải bông, không kịp cho vợ anh ta làm bất cứ động tác nào bảo vệ bệnh nhân của mình, đành chỉ biết kêu lên: Lỗi không phải ở anh ta. Nhưng mọi sự đã diễn ra trên cả mức hoàn hảo. Gã bệnh nhân bị dốc ngược đầu xuống đất, bị túm hai chân kéo thẳng lên phía trên. Ở tư thế ấy phải những người trồng cây chuối chuyên nghiệp mới không bị dồn máu làm cho mặt to bè ra và mắt hoa đom đóm. Thậm chí có người sẽ bị đứt mạch máu não mà chết tức khắc. Chồng nàng rất biết điều đó nguy hiểm thế nào nhưng anh ta đang cần nó để sử dụng như một hình phạt. Trong khi nàng cuống cuồng chỉ sợ chồng ghen quá hoá dại mà quá tay thì nàng mất đứt cả hai người đàn ông, song rút cuộc nàng cũng chẳng biết làm gì ngoài việc đưa hai tay ấp lên miệng, mắt mở to hết cỡ, thầm cầu mong mọi thứ đừng có thành ác mộng, thì chồng nàng cười ha hả, cười một cách đắc thắng, tiếng cười của kẻ nắm trong tay lợi thế tuyệt đối. Được thấy gã tình địch, mặc dù mới chỉ là tình địch giả định, trong tư thế thê thảm ấy ai mà chả sướng. Trông kìa, thật tởm quá đi mất, chẳng còn thể diện gì nữa. Chồng nàng tiếp tục cười, âm điệu có phần gằn xuống, đầy mãn nguyện trong khi vẫn kéo căng hắn ngược lên trên, đẩy cho hắn phải đi bằng tay. Sau khi có đủ cơ sở để tin chắc, loại đòn ấy chỉ mang tính tượng trưng, cốt rửa nhục chứ không thể gây chết người, nàng mới ngầm thở phào ra nhẹ nhõm. Nàng bèn nép vào bên cạnh chồng, mắt ngước nhìn lên, cái hành động khiến bất cứ ông chồng nào cũng mềm người ra vì xúc động và nàng biết rõ chồng nàng cũng thế. Nàng buộc phải diễn màn kịch bất đắc dĩ để ngăn những ngón đòn không kiểm soát được của chồng nhắm vào hắn. Cuối cùng nàng nói khẽ: Thôi, được rồi, thả hắn ra đi, mình!
- Tôi nể mình đấy nhé.
Nói dứt lời, anh ta buông hắn ra, phủi hai tay vào nhau như vừa phải bất đắc dĩ chạm vào vật ghê tởm. Cứ tưởng hắn sẽ đổ oặt xuống như đống giẻ rách rồi sau đó bẽ bàng gượng dậy, đau đến mấy cũng cố sống cố chết mà lê đi khỏi những cặp mắt đang thích thú như được xem một trò lạ, thì một điều ngoài sức tưởng tượng của bất cứ ai, đương nhiên là cả của người biết hết hắn từ trong ra ngoài như nàng, đã xảy ra: Hắn cười còn to hơn, sảng khoái hỉ hả hơn, đắc ý hơn cả kẻ vừa dốc ngược hắn xuống và nó cho thấy hắn đang sung sướng đến tột cùng, niềm sung sướng cũng không thể mô tả lại được bằng ngôn từ. Mọi người còn chưa hết ngỡ ngàng, có ý chờ xem hắn sẽ làm gì tiếp theo khi đứng dậy - bởi vì chắc chắn hắn phải nghĩ ra cái gì đó rất hay ho mới khiến hắn sảng khoái đến thế-thì tất cả lại được một phen tròn mắt: Hắn, gã bệnh nhân kỳ lạ, cứ nguyên trạng ở tư thế lộn ngược như vậy bước đi thoăn thoắt, đầy tự tin bằng hai tay. Không hề thấy hắn biểu hiện một chút gì khó khăn, ngượng ngập do tư thế trái ngược ấy gây ra như mọi người nghĩ. Thậm chí hắn đi còn tự tin, chính xác và chắc chắn hơn cả khi hắn vẫn đi bằng hai chân. Nó khiến nàng cũng há miệng ra không biết nên cười hay nên khóc cho người tình hơn cả tuyệt vời mà chắc chắn nàng sẽ còn khốn khổ vì nhớ nhung. Trước mắt những ngày tới đây nàng chưa tìm ra cách nào để có thể gần gụi được chồng mà không bị cảm giác đang phải chịu tra tấn. Trong khi đó hắn đã đi được một đoạn khá xa và đang vòng trở lại. Nàng thấy rõ cơ mặt hắn dãn ra, xoá hết dấu vết của nỗi sầu muộn thường ngày. Hai tay hắn thuần thục đặt từng bước, rất mềm mại. Thỉnh thoảng hắn còn nhún nhún như thử xem mọi chuyện có ổn không. Hắn có vẻ muốn cho mọi người cùng thấy rõ điều đó, chia sẻ niềm vui bất ngờ với hắn. Sau khi nhún thêm vài lần nữa và tin chắc là không có vấn đề gì, hắn trở lại chỗ nàng và chồng nàng-kẻ vừa cho hắn một điều tuyệt vời ngoài mục đích của anh ta và ngoài mong muốn của hắn, tất nhiên là vẫn ở tư thế lộn ngược. Hắn đặt một bàn chân đã kịp tháo khỏi giầy-vì cái thứ ấy từ nay không còn cần cho hắn nữa-vào bàn tay đang co lại hình nắm đấm của chồng nàng, thay cho động tác bắt tay, nói lời cảm ơn đầy xúc động, trước hết vì nó thốt ra từ sâu trong trái tim hắn. Tiếp đó hắn làm cử chỉ bằng đầu ngón chân cái, cái cử chỉ mà từ thổ dân cho đến những nhà tài phiệt, chính khách hay quý tộc đều hiểu là number one, ra hiệu cho riêng nàng là mọi việc giữa hắn và nàng rất tuyệt vời, chẳng ai và chẳng cái gì trên thế gian này có thể thay đổi được và hẹn gặp lại một ngày rất gần đây. Nàng hiểu còn nhanh hơn hắn tưởng. Bằng cách nép sâu hơn vào ngực chồng, nàng muốn cho hắn yên tâm rằng nàng sẽ làm tất cả vì hắn. Đầu óc hắn trở nên vô cùng nhẹ nhõm và sảng khoái. Hắn tiếp tục tận hưởng điều đó bằng cách áp má xuống sát đất, xoay mặt ra xung quanh, miệng cười rất tươi. Hắn muốn hát quá. Hoá ra cuộc đời mới tươi đẹp làm sao, an bình làm sao, nhân hậu làm sao, điều mà từ trước đến nay chỉ gieo vào tâm trí hắn ấn tượng ngược lại đến nỗi trước khi tìm đến các loại phòng khám, hắn đã từng muốn đi tự tử. Cảm ơn nhé-hắn muốn nói to lên như vậy với tất cả mọi người. Dùng chân chào xong, rất nhẹ nhàng, hắn xoay hai bàn tay lại và thản nhiên bỏ đi, hai bàn chân ve vẩy theo một nhịp điệu nào đó, chắc là để lấy thăng bằng.
Kể từ bấy không ai còn thấy gã bệnh nhân tìm đến quấy quả, tra vấn các phòng khám nữa, trừ phòng khám của nàng, mỗi tuần hai lần, sau khi chắc chắn chồng nàng đang mải đăng đàn diễn thuyết ở đâu đó. Hắn chỉ hơi bực một chút là mọi người vẫn nhìn hắn một cách hiếu kỳ mà không sao làm cho họ hiểu là hắn không hề đi lộn ngược như họ vẫn nghĩ.
(TÂN VĂN số 2 – NXB Hội nhà văn 01 / 2013)
|