Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  VUI BUỒN NHỮNG CHUYẾN BAY (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng VUI BUỒN NHỮNG CHUYẾN BAY (ĐẾM BƯỚC CUỘC HÀNH TRÌNH) - Ký sự của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

         Ảnh minh họa - Internet


 Vào giữa mùa thu năm 2005, hãng Aeroflot, hãng hàng không có thâm niên kỳ cựu nhất nước Nga, đường đột ra thông báo, chuyến bay thường kỳ Matxcơva – Hà Nội và ngược lại sẽ tạm dừng một thời gian để sửa chữa hệ thống phanh máy bay đường trường IL 96-300. Thế là hành khách đổ dồn vào hãng Vietnam Airlines mới khai trương đường bay chưa được bao lâu, tạo nên một sự quá tải trước thời vụ.

  Ở Hà Nội, tôi trả lại vé cho hãng hàng không Nga, sau đó năm lần, bảy lượt ra Văn phòng Vietnam Airlines tại phố Quang Trung mới đặt được vé một chiều bay sang Matxcơva chuyến cuối tháng chín.

Chẳng muốn làm phiền ai vào đêm hôm khuya khoắt, tôi gọi điện đặt một chiếc xe Matit bình dân, một mình rời nhà lên sân bay lúc 11 giờ đêm. Đến Nội Bài, một cảnh tượng hãi hùng, ban đầu làm tôi choáng váng, vì nó lặp lại nguyên xi hình ảnh của thời kỳ 80, 81, những năm có hơn hai trăm ngàn người Việt rời quê hương đi xuất khẩu lao động ở xứ sở bạch dương, cũng cơm nắm, cơm đùm tiễn đưa nhau tại sân bay này.

Tại sân bay tối hôm đó, ngoài một số hành khách đi công tác, thăm thân và mươi người khách Nga, số còn lại là sinh viên từ khắp các miền đất nước sang Nga du học. Hầu như mỗi học sinh xuất dương, gia đình đều thuê một xe loại 12 hoặc 18 chỗ đủ cho “tứ đại đồng xa” lên sân bay quốc tế đưa chân. Cứ tính đổ đồng một ông cử tương lai rời Tổ quốc có 6 người thân tay xách, nách mang, thì khoảng không gian làm thủ tục bay sang Nga của phi trường Nội Bài nhỏ bé đã có ngót nghét một ngàn nhân khẩu. Âm thanh loa phóng thanh, tiếng í ới gọi nhau rõ to làm cho sân bay trở nên huyên náo. Tôi chắc rằng trên thế giới chẳng có phi trường nào náo nhiệt và sinh động hơn ở đây. Những ông Tây, bà đầm mồ hôi, mồ kê nhễ nhại hết lắc đầu đến tròn mắt trước sự bịn rịn, lưu luyến tự nhiên của cả ngàn con người trong buổi chia ly.

Dẫu sao thì trong sự đông đúc, phấn chấn hồ hởi này vẫn có vẻ nên thơ của nó. Những người nông dân từ nhà quê xa lơ, xa lắc lần đầu tiên được tới Thủ đô, và cũng lần đầu tiên được hãnh diện tiễn con cái đi xuất ngoại. Cái sự nói, cười chân chất; cái sự tất tả mộc mạc đồng quê với bộ cánh hàng chợ dù không ăn nhập gì với chốn này của những bậc phu huynh tiễn người thân đi xa là dễ thông cảm và cảm động.

 Nhắm mắt lại, tôi liên tưởng tới bức tranh sống động đến rợn người của sân bay Seremetievo 2 vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX. Thời xa xăm đó, Vietnam Airlines chưa có mặt tại Nga; hãng Aeroflot độc quyền đảm nhận việc chuyên chở người Việt từ Tổ quốc sang và ngược lại. Các nhà máy khắp Liên Xô, những nơi có người Việt lao động hợp tác đã tìm mọi cách liên hệ mua vé cho công nhân về nước trước hàng tháng trời khi các nhà máy chấm dứt hợp đồng lao động. Gần đến ngày bay, nhà máy cho cán bộ phòng Đối ngoại mang theo công văn dẫn công nhân lên ăn chực, nằm chờ sẵn ở sân bay. Thời đó, mỗi tuần chỉ có hai chuyến bay loại IL 86, có sức chở 340 hành khách, rời Matxcơva vào lúc 16 giờ và đến Nội Bài vào 10 giờ trưa hôm sau. Không hiểu do trục trặc ngẫu nhiên hay tất yếu, mà cứ mỗi chuyến thường bị rớt lại tới hai, ba chục người. Thế là cảnh chạy vạy, chen chúc, lạy lục cửa trước, cửa sau xảy ra là lẽ đương nhiên như một phản ứng dây chuyền. Đến ngày bay, hành khách  phải ra sân bay có lúc trước 4, 5 tiếng để xếp hàng như ta đặt thúng mủng, gạch đá xí chỗ đi mua gạo thời tem phiếu ở Hà Nội.

Sân bay Seremetievo 2 có hai khu vực, rộng mênh mông, chẳng biết làm thủ tục phía nào, thấy đâu đông người thì khách ào về giành chỗ phía đó. Bảng điện chỉ hiện lên chừng trước vài chục phút báo cửa làm thủ tục. Đứng mỏi nhừ chân cả ngày, hành khách chỉ thấp thỏm, lo lắng với cả đống hàng hoá to đùng chất lên xe đẩy che ngang tầm mắt, đủ trăm thứ lỉnh kỉnh từ nồi hầm, ấm điện, phích đá, búp bê, lật đật, túi lưới, dây may xo...

Ngày nay, nhắc đến những mặt hàng chiến lược này, ai cũng cười khẩy, nhưng cái thời đói khát đó, có được những thứ này không phải dễ dàng gì, phải chạy ngược, chạy xuôi tìm khắp các cửa hàng khazai (hàng dân dụng), phải  nhục nhã hứng chịu những câu phủ đầu tức tối của những người bán hàng vốn chẳng hề có thiện cảm với công nhân lao động chuyên lùng hàng độc với số lượng lớn, mới mua về được. Những của này đưa về được đến nhà là cả một sự kiện trọng đại. Không chỉ ở nhà quê mà ngay cả ở Hà Nội, người ta đều nhìn chủ kiện hàng từ ngoại quốc gửi về như là một  yếu nhân, có đủ tư cách cao cả về mặt tài chính. Chính vì vậy, phải vào được cửa làm thủ tục, phải qua được hải quan, thương vụ, biên phòng bằng mọi giá. Phía trước là quê nhà, sau lưng là Matxcơva, không thể có đường lùi.

Nhưng không phải lúc nào xếp hàng theo đám đông cũng chuẩn. Có những hôm, gần tới giờ, bảng điện lại thông báo làm thủ tục ở khu vực khác, phía đối diện, cách khoảng 250m. Ngay tức thì, hàng trăm xe đẩy ào ạt quay đầu lao thục mạng như chạy loạn, hàng ngàn người vừa hành khách, vừa bạn bè đưa tiễn ùn đẩy nhau về một phía, người nước ngoài đi các tuyến khác ngớ người ngạc nhiên nhảy dạt sang bên để tránh tai bay, vạ gió!

Những ai có con nhỏ, hay những người ốm yếu, những người mang hàng họ cồng kềnh thì giữa cảnh đám đông như vỡ trận, thì cơ khổ hết chỗ nói.

 Từ mùa thu năm 1991, lần đầu tiên sân bay huy động cảnh sát  OMON (cảnh sát đặc nhiệm) duy nhất trực riêng ở cửa tuyến bay về Việt Nam. Một tiểu đội mười một cảnh sát, trang bị súng ngắn, áo chống đạn, dùi cui, bình xịt hơi, như sắp sửa ra chặn biểu tình của lực lượng chống đối. Họ đứng vòng tròn quanh các lối dẫn người Việt vào bàn làm thủ tục. Họ chỉ cho phép những ai có vé bay lọt vào vòng trong, còn tầng tầng, lớp lớp người đưa tiễn nhấp nhô như sóng thì stop ngay ở mép vạch mà chiếc gậy cao su bọc lõi sắt chỉ cho. Chỉ cần lấn thêm, bước qua “vòng phấn kapkaz” là bị túm cổ lôi ra trong nháy mắt, nặng hơn một chút thì ăn một quả  dùi cui thọc vào bụng, đủ để nằm liệt chiếu cả tuần.

Đối với lính OMON thì đừng xin xỏ, giải thích dài dòng, họ bảo Nazat nghĩa là xéo; bảo Ukhozi  là  lập tức phải chuồn. Tính nghề nghiệp quen thực thi mệnh lệnh, cộng với sự ngứa tai, gai mắt bởi ngày nào cũng mục kích hình ảnh dân ta người thì hàng hoá chồng cao ngất, kẻ thì lồng chó, kẻ thuốc tây, kẻ mang theo về những thứ hiếm hoi, thứ mà thời bao cấp người Nga bình thường khó lòng kiếm được, tạo ra cho lính dã chiến, công an, hải quan một phản xạ như là dị ứng.

Nhưng có lẽ điều mà họ khó chấp nhận nhất là sự mất trật tự, chen lấn ồn ào và cái sự nói to quá cỡ, thái quá của bà con ta. Đông đúc hàng trăm người thì khả dĩ bỏ qua được, nhưng nhiều khi chỉ có mấy chục người chờ bay cũng ào ào hốt hoảng, tranh nhau, xô đẩy như chạy hoả hoạn. Có lẽ sự bất an và nỗi lo lắng cố hữu thấp thỏm sợ mình bị rớt lại tự ngày xửa, ngày xưa hồi bao cấp đã đẻ ra căn bệnh mãn tính này. Nhiều năm thiếu thốn, xếp hàng mua gạo cũng sợ bị hết; xếp hàng mua thực phẩm cũng sợ không còn; xếp hàng mua vé tàu cũng sợ không đến lượt, người Việt Nam ta không thành bệnh chen lấn mới là chuyện lạ.

 Còn cái tật nói to là nếp thâm căn, cố đế. Chỉ cần hai người đồng hương chúng ta gặp nhau hàn huyên trên tàu điện là toàn bộ hành khách phải ngạc nhiên, trố mắt ra nhìn, họ không thể giải thích được tại sao những người dáng dấp khiêm nhường là vậy, mà âm lượng lại lớn nhường kia! Đấy mới là chỉ hai người thôi nhé, huống hồ là cả hàng trăm người ở sân bay, người gọi, kẻ chào nhau í ới; người bắc loa tay dặn dò, làm cho cả sân bay náo loạn như một cuộc mít tinh.

Việc lính OMON giữ trật tự trong các chuyến bay về Việt Nam tạm chấm dứt vào cuối năm 1992, khi anh em lao động hết hợp đồng, các cuộc hồi hương vơi đi đáng kể. Nhưng chẳng biết xuất phát từ một quyết định, hay một mệnh lệnh nào của ai, bắt đầu từ tháng 11-1992, những người Việt Nam bình thường, duy nhất là người Việt Nam, ra sân bay đi tiễn thân nhân, bạn hữu, phải đứng ở ngoài cửa, không được vào trong khu vực chờ đợi và khu dịch vụ. Nói vô phép, ai muốn đi vệ sinh cũng phải tìm một chỗ khuất nẻo, hoặc ra bìa rừng cách chừng nửa cây số để giải quyết nỗi buồn. Chỉ cách mỗi tấm kính, bên trong là những người đủ màu da, quốc tịch, đi lại nhởn nhơ giữa không gian ấm áp, nhiệt độ 25, 27 độ; còn bên ngoài là những đồng bào của chúng ta đứng như hoá đá trong cái rét mươi, mười lăm độ âm cắt da, cắt thịt, mặt áp vào cửa kính dõi theo bóng người thân. Chỉ ai có vé, trùng tên với hộ chiếu, đúng ngày bay, lính gác mới cho phép vào được hưởng đặc ân như người nước khác.

May thay, tình trạng này cũng sớm qua đi, đến đầu mùa hè năm 93 thì dân ta cũng có quyền ngang như dân Lào, Cămpuchia, Nigiêria...cũng được vào cửa thản nhiên, cũng được tự do đến các quầy ăn uống và các cửa hàng lưu niệm!

và đầu gấu sân bay là một vấn nạn kéo dài suốt từ những năm 1988, đến nay dường như chưa hề dứt. Sân bay Seremetievo 2 và Đomođođevo là hai đặc khu kinh tế của những đội quân này. Lực lượng sân bay điểm mặt có chừng một tiểu đội làm đủ mọi công việc liên quan tới vận chuyển người và hàng hóa bằng phương tiện hàng không. Hồi kinh tế Liên Xô xập xệ, nhiều người trong họ được phong danh hiệu bàn chân vàng, mặc dù họ không phải là cầu thủ bóng đá. Họ không đá bóng, nhưng họ đá hàng và… đá người. Ai cần chuyển một vali hàng có giá trị, chỉ cần ngã giá với họ, là vali sẽ lên băng chuyền cùng với chủ. Ai cần giải quyết thêm cân, giảm cước, chỉ cần nói với họ một câu là được xé vé, xếp chỗ và cho hàng đi  trong nháy mắt. Ai cần mang lồng chó cảnh về mà không có giấy kiểm dịch, xin một sự thỏa thuận với các là các chú khuyển được xuất cảnh về với quê huơng mới! Nhiều khi khách không mua được vé, dù không có vé trong tay, nhưng họ cũng giải quyết xong, êm thấm và nhanh chóng như là cán bộ điều phối chuyến bay vậy.

Khu vực làm thủ tục Hải quan, Biên phòng chỉ có mỗi cán bộ Sứ quán có thẻ vàng kèm theo hộ chiếu đỏ hoặc công vụ mới vào được; còn thì ra vào như đến nhà hàng, thản nhiên, tự do không khác gì nhân viên sân bay. Theo dư luận cũng như sự đánh giá một cách khách quan là họ đã góp phần to lớn trong việc tha hóa những nhân viên sân bay và công an biến chất. Họ gây ra sự náo loạn trong sân bay bằng các thủ pháp và kịch bản do họ dàn dựng để tạo ra một lãnh địa làm ăn. Trong số các , không ít kẻ làm chỉ điểm cho những người muốn biết về các phương thức kinh doanh của cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà lính biên phòng thoái hóa biết rõ ngọn nguồn, biết cách ra tay với những người lao động mới sang Nga lần đầu để moi ở họ những đồng tiền cuối cùng phòng khi cơ nhỡ.

Mỗi khi có người mới sang, biên phòng sau khi liếc qua hộ chiếu mới tinh chưa có dấu ra vào, yêu cầu đứng sang một bên. Đợi đấy! Khi mọi người đã vào hết, anh nhà quê run lên như dẽ, thì sẽ đóng vai nhà đạo đức hỏi thăm và hứa sẽ tìm cách giải quyết. Họ đưa tiền qua cò, cò sẽ ra hiệu cho lính biên phòng, tức là đã làm việc xong, anh nhà quê lập cập xách chiếc túi du lịch toong teng bên trong chỉ có cái sơmi Tàu, hộp thuốc đánh răng, vài bộ đồ lót bước qua barie biên giới.

Chưa đủ, lợi dụng việc những người mới sang, một chữ Nga bẻ năm cũng không biết, các thầy thể hiện đạo đức cao bằng cách giúp viết hộ bản khai hải quan. Anh nhà quê đưa vé ra để thầy xem khai tên tuổi. Xong rồi nhé, này cầm lấy, đây là hộ chiếu, đây là vé, mất là gay đấy! Khốn nạn, chiếc vé mà trả lại cho anh nhà quê là vé một chiều bỏ đi, còn chiếc vé hai chiều đã nhanh tay đánh tráo, để sáng ngày mai, qua dịch vụ trả lại, đút túi ba, bốn trăm đô!

Có lẽ chưa chính xác về thông số lắm, nhưng chắc không sai là mấy, ấy là có hơn tới chín chục phần trăm hành khách bay từ trong nước sang, ai cũng muốn mang vài cân hoa quả, dăm gói rau thơm, một ít đặc sản vùng nhiệt đới sang làm quà cho anh em, bè bạn ở bên này. Hải quan Nga thấy món này, sẽ có cảm tưởng giống hệt dân nghiền món mộc tồn khi lên Quảng Bá thấy biển: "thịt cầy bảy món"!  A, rau quả Việt Nam đây rồi! Ngài Hải quan chỉ tay và sẽ làm việc cần làm. Không một vị khách nào thoát được. Họ cho lên máy soi va li và bắt mở ra ngay lập tức. Họ sẽ giữ hộ chiếu và giam những chiếc vali can tội mang rau quả đến chừng nào các ông chủ, bà chủ của nó dúi vào những bàn tay chờ sẵn của 500 hoặc 1000 rúp tuỳ theo số lượng và trọng lượng hàng có ở vali. Nếu anh không đáp ứng, những bó rau xanh, những túi xoài, túi vải thiều và có lúc chỉ là những túi sấu xanh sẽ được thu gom lại. Mỗi chuyến, một người vài cân, nhưng trăm người là vài tạ; nhiều chuyến sẽ lên tới cả tấn. Mặt hàng tươi sống này được mang một cái tên tội nghiệp là: "hàng chưa kiểm dịch". Thứ hàng chưa kiểm dịch mang từ các đầu mối chợ rau quả trong nước sang sẽ được chất thành đống, và chờ đến khi hành khách Việt cuối cùng rời khỏi sân bay, nó sẽ được gom thu lại và lại sẽ xuất hiện ở các quầy hàng khô trong các chợ và các ốp Xaliut 2, Xaliut 3. Hoá ra mánh lới này đều do những ông Nguyễn Văn nào đó bày ra và đạo diễn hàng chục năm nay, có thay đổi chút ít từng giai đoạn thực ra cũng là bổn cũ soạn lại!

Còn có hàng chục chiêu ngoạn mục và nhẫn tâm khác nữa mà các đã tung ra và thu nhập hiệu quả trong suốt hơn hai chục năm qua, không kể xiết. Công an Nga, Ban 5 ta cũng nhiều phen ra tay, bọn đã không dám trắng trợn, ngang nhiên khi có chiến dịch, tạm rút vào những tấm bình phong chờ dịp.

Chỉ những ngày giáp Tết thì máy bay kín chỗ, chật cứng, những tháng còn lại, đặc biệt là tháng 4 và tháng 5, khi người sang không nhiều nữa, các doanh nhân đã ấm chỗ túc trực ngoài chợ chuẩn bị hàng mùa hè, thì vé máy bay không còn căng thẳng, có lúc số ghế trống gần một nửa. Vì vậy, vào thời điểm đó, Aeroflot lại mở ra hình thức khuyến mại vé 21 ngày, giá vé hai chiều giảm đi còn một nửa, chừng 390 đô đến 420 đô. Đó là thực tế những năm cuối thế kỷ XX, còn bây giờ không còn như thế nữa.

Bây giờ đi Nga, ta bay máy bay ta mua, Boing 777, sang như quý tộc. Hãng Vietnam Airlines khai trương tuyến bay sang Nga từ giữa năm 2003, hạ cánh xuống sân bay tư nhân Đomođeđovo, phía Tây - Nam thành phố. Không như ở sân bay Seremetievo 2, cách làm thủ tục của họ rất kín kẽ, nên trong mấy tháng đầu, đám “bộ đội sân bay” không thể lọt vào phía trong tung hoành được, nên sự lộn xộn hạn chế đi trông thấy. Thoạt tiên, Hải quan, Thương vụ, Biên phòng của họ, những người chưa tiếp xúc nhiều với người nước Nam nên vẫn dành cho hành khách ta một sự ưu ái ngang bằng những người nước khác. Nhưng không lâu sau, họ đối xử khác đi ngay, vì của đáng tội, dân ta lại tiếp tục diễn lại cảnh chen lấn muôn năm cũ. Đã có thẻ bay trong tay, thì việc lên được máy bay, có chỗ ngồi là chắc chắn 100%, thế mà vẫn cứ ào ào xông lên, đến mức ngoài  tấm biển “xếp hàng một” dựng ở cửa soát thẻ, nhân viên sân bay lại phải chăng thêm dây để chỉ có thể vào từng người một. Nói xấu hổ thì hơi quá, nhưng quả thật là buồn, vì không biết đến thập niên nào của thế kỉ 21 thì cảnh tự phát tập thể này mới lùi vào quá khứ. Còn giờ đây, trong số hơn một trăm cửa làm thủ tục tại sân bay rộng lớn này, duy nhất cửa làm thủ tục về Việt Nam có cảnh sát trực!

Do nhu cầu đi lại phát triển, số lượng người sang, người về gia tăng đáng kể. Mỗi tuần bốn chuyến sang, bốn chuyến về cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nghe nói chừng vài năm nữa sẽ có tới sáu chuyến, đó là sự tăng trưởng ngoạn mục. Ngoài lý do giao lưu mở rộng, còn một lý do khác cũng được tính đến, đó là việc cấp visa đi lại nhiều lần trong năm của cơ quan Ngoại kiều Nga, đã tạo điều kiện cho người Việt tránh được những nhiêu khê về thủ tục quá cảnh, khách đi lại dễ dàng hơn. Hơn nữa, dân Nga đã nhìn thấy sự hấp dẫn của bờ biển Việt, quanh năm ấm áp, đã chọn Việt Nam làm chốn nghỉ đông, số lượng du khách Nga càng ngày càng chiếm một thị phần rất lớn trong các tour du lịch.

Hàng năm, khoảng từ tháng 12, tháng Giêng dương lịch, mua vé từ Nga về Việt Nam là cả một vấn đề. Ai làm ăn cả năm xa nhà cũng muốn hồi hương, xả hơi trong mùa Tết. Ngược lại, từ sau Tết cho đến đầu tháng 4, đăng ký được chỗ bay từ Hà Nội sang cứ như là một cuộc chiến một mất, một còn. Bà con ta, những người có tiền nay lại hình thành nên mốt đưa người thân sang Nga vào mùa hè tránh nắng. Con chưa thi xong học kỳ 2, bố mẹ đã kịp lo xong hộ chiếu, visa và vé bay trong tháng 6 để sang Nga. Nhiều chuyến bay từ Hà Nội sang dạo đầu hè, gần một nửa là trẻ em, giống như thời Xô Viết cho đi nghỉ trại hè Artếch vậy. Chỉ cần chín tiếng bay, các cháu đã để lại đằng sau cái nóng 38, 39 độ để được hưởng cái không khí 24, 25 độ giữa ngày hè, còn ban đêm cũng phải đắp lên người một cái chăn mỏng! Các ông bà lắm tiền cho rằng, mọi thứ ở Việt Nam đều mua được, trừ thời tiết, vì vậy đành phải bỏ tiền đi trốn nắng. Phải nói là sự cách ngăn về biên giới quốc gia ở một mặt nào đó trong kỷ nguyên thông tin và tốc độ này là hết sức mỏng manh.

Thủ tục đăng kí  bay ở Hà Nội mau lẹ chừng nào, thì ở Matxcơva lại lắm lúc hoàn toàn ngược lại. Nhiều khi thay vì mở chục cửa biên phòng làm thủ tục, thì tại sân bay Nga chỉ mở hai, ba cửa trước lối ra vào, một tấm biển dựng lên ghi một dòng chữ oai vệ: "Lối dành cho công dân Nga!". Hành khách các nước không phải Nga đi vào lối khác. Nhân viên biên phòng đủng đỉnh, lúc thì ra ngoài một chút, lúc thì gọi điện, lúc thì trao đổi chuyện trò cùng đồng nghiệp, bỏ mặc đám con dân ngoại quốc xếp hàng rồng rắn chờ đợi.

Chính điều này là một trong ba chục nguyên nhân mà các Công ty Du lịch Nga đưa ra khi ngậm ngùi nói tới số lượng ít ỏi khách du lịch tới lai vãng nước Nga. Trong khi một đất nước nhỏ bé như Hungari mỗi năm có tới 13 triệu du khách, nước Pháp 57 triệu... thì Matxcơva của Nga muôn phần tươi đẹp chỉ suýt soát 2 triệu. Đoạn trích sau đây dẫn từ bản tổng kết thường niên của Hiệp hội Du lịch Nga (RST).

"Trong năm 2005 RST đã cho tiến hành một cuộc thăm dò các công ty du lịch chuyên đón khách quốc tế vào thị trường Nga. Khi ấy các công ty du lịch đã nêu ra 30 nguyên nhân cản trở khách du lịch quốc tế vào Nga.

Năm nay một cuộc khảo sát tương tự cũng đã được tiến hành và cũng đề cập đến chính 30 nguyên nhân đã nêu ra từ năm 2005.

Cuối cùng, các công ty du lịch đã đưa ra 18 vấn đề tồn tại đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong số các vấn đề đó có: thủ tục xin visa vào Nga và thủ tục đăng kí khẩu đối với công dân nước ngoài nhập cảnh vào Nga phức tạp; khan hiếm các tàu du lịch và xe buýt du lịch hiện đại; thiếu thông tin dành cho du khách bằng các thứ tiếng nước ngoài.

Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế vào Nga rõ ràng đang bị tuột lại so với tốc độ tăng trưởng bình quân này trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới, lượng khách du lịch từ Nga vào các nước trong năm 2010 tính trung bình tăng gần 7%, còn tại Nga con số này chỉ đạt mức 2%, có tính đến sai số. Đại diện của Hiệp hội công nghiệp du lịch Nga cũng xác nhận tại cuộc họp báo rằng, lượng khách du lịch nước ngoài vào Nga đang giảm đi một cách rõ rệt. 

Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội công nghiệp du lịch Nga (RST) đã gửi công văn đề nghị Bộ Ngoại giao Nga thành lập tổ công tác nhằm bàn thảo triển vọng phát triển của ngành với sự tham gia của đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Du lịch – Thể thao, RST và các bộ ngành có quan tâm." 

Các cửa khẩu biên phòng ưu tiên săm soi hộ chiếu người Việt có lúc cả mươi, mười lăm phút, lâu gấp ba lần đối với công dân nước khác, cật vấn đủ kiểu, mặc dù hộ chiếu, visa đều chuẩn, đều do chính Lãnh sự Nga tại Hà Nội cấp. Đa số những hành khách mới sang lần đầu, hộ chiếu trắng là đều thuộc loại có vấn đề.

Lẽ ra theo thông lệ, thì ai có visa cấp tại Lãnh sự Sứ quán Nga ở Việt Nam là đương nhiên được nhập cảnh, bởi vì quy trình kiểm tra, cấp phát đều diễn ra do đại diện nhà nước Nga chịu trách nhiệm, Biên phòng chỉ có việc xác nhận nhân thân, kiểm tra độ xác thực visa, đối chiếu người và ảnh hộ chiếu là mở cửa đánh rụp cho vào. Nhưng sự đời không phải là thế, nếu đơn giản vậy thì công việc này hoá ra chẳng có giá trị bao nhiêu.

Đánh đúng vào chỗ yếu của 99 phần trăm bà con ta sang lao động, thăm thân là không rành ngoại ngữ, những nhân viên công vụ Nga hỏi đủ điều về công ty đứng ra mời là ai, địa chỉ ở đâu, ai là Tổng Giám đốc, sang với mục đích gì?..., thế là khách đành đứng đực ra như bị nuốt âm. Mà có vấn đề thì phải giải quyết vấn đề, cứ tạm đứng sang một bên, chờ đến phút cuối. Do làm thủ tục biên phòng chậm, đã không ít hành khách ra muộn, bị mất hết va li, túi xách . Rồi lại làm đơn trình bày, chờ đợi trả lời, nhưng có mục thất mới tìm được. Có nhiều người nói rằng, khi chưa qua Nga, tình yêu với nước Nga dâng cao hừng hực, nhưng khi qua cửa biên phòng, nó xẹp xuống bội phần. Tôi thách cuộc, trấn an họ rằng, cứ qua sân bay, vào đến đất Nga, thấy tận mắt thiên nhiên Nga tuyệt diệu, gặp những người Nga nhân hậu, thì tình cảm đó ngay lập tức sẽ được phục sinh!

Những năm 80, dọc chặng hành trình từ Matxcơva – Hà Nội, máy bay phải dừng ở BomBay, có khi ở Cancuta, Tasken, tổng thời gian mất hết 18 tiếng. Được sang Nga là coi như đến thiên đường. Lên chiếc máy bay IL 86 to như một quả đồi di động, bữa ăn mỗi suất là một lườn con gà, có bơ, sữa, táo tây, vừa ăn, vừa nghĩ tới vợ con hàng ngày phải nhằn bo bo, gạo kho mậu dịch mốc rêu, cổ cứ nghẹn đắng, không nuốt nổi. Gần đây, đi máy bay ta, hành khách cho rằng đồ ăn phục vụ ngon hơn gấp nhiều lần trên máy bay Tây. Điều này thì chẳng có gì lạ, ta hợp khẩu vị ta là chuyện thường, nhưng phải công nhận tiếp viên hàng không Việt Nam phục vụ tốt gấp bội so với tiếp viên Tây. Cứ nhìn những bóng áo dài màu huyết dụ kiên nhẫn hướng dẫn, sắp xếp hành lý, đáp ứng một ngàn lẻ một yêu cầu bất tận của hành khách là đã đáng nể rồi.

Các chuyến bay được tăng dần lên tuần hai chuyến, bốn chuyến và mùa đông năm 2011 lên sáu chuyến. Cộng thêm chuyến từ Xvetdlov, Vladivostoc và hai chuyến của hãng Aeroflot nữa, nhịp độ người đi ngày Tết vẫn duy trì như những ngày thường. Sự căng thẳng vé, sự vất vả đến phờ phạc  lo cho chuyến hồi hương đón xuân ngày nào đã không còn nữa.

Dịch vụ bán vé đã vươn bàn tay năng động của mình khắp Matxcơva. Có tới gần hai chục đại lý người Việt bán vé được quảng cáo trên mạng và báo ngày. Chỉ cần alo một tiếng, hoặc vào mạng đặt là có thông tin hồi âm ngay. Hoặc là đến đại lý lấy vé, hoặc là có nhân viên đưa đến tận nhà, tận chợ, tiện hết chỗ nói.

Người ta về Tết lịch sự hơn nhiều. Thay thế vào hàng đống quà cáp lỉnh kỉnh, những thứ hàng hoá tầm tầm ngày xưa, giờ là những vali gọn gàng của người xuất ngoại trở về Tổ quốc.

Trước đây, khi máy bay vừa tiếp đất, không ai bảo ai, cả hàng trăm con người ào đứng dậy để lấy hàng xuống, mặc kệ máy bay vẫn lao trên đường băng như tên bắn, và chiêu đãi viên gào lạc giọng.  Nhưng đã mấy năm nay, mặc dù máy bay hạ cánh, hành khách Việt vẫn ngồi yên vị, bình thản thắt đai an toàn chờ khi dừng hẳn mới bình thản đứng dậy lấy đồ đạc của mình.

Một sự so sánh hơi khập khiễng một chút, nhưng cũng phải đối chiếu, mới thấy được sự vĩ đại của thế kỷ văn minh. Trước đây, mỗi lần về Tết, chúng tôi chen mua vé tàu ở ga Hàng Cỏ, ngồi 22, có lúc 25 tiếng mới đến dược ga Vinh, về chưa kịp đón Tết đã nhấp nhổm lo ngay ngáy nhờ người mua vé tàu để ra kịp ngày đi làm công sở. Còn gời đây, chỉ hơn nửa ngày một chút, máy bay đã vượt gần 10 ngàn kilômét để về đến quê hương. Quê hương xa mà gần biết mấy.

Ra sân bay về nước, dân ta không còn nhếch nhác như xưa nữa, đã com lê, củ xếch, cặp da khá phong độ, nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều người vẫn thản nhiên mặc nguyên bộ quần áo đi làm, vẫn mang những đôi giày không buồn đánh rửa, nó làm cho hình ảnh của người Việt ta trở nên khác lạ với những người ngoại quốc xếp hàng một cách lịch lãm

Nói như một nhà thơ Nga, là chúng ta hãy tin vào tương lai. Chắc chắn một ngày không xa, bức tranh lộn xộn, đáng phiền lòng sẽ lùi về quá khứ, thay vào đó sẽ là hình ảnh đẹp với những nụ cười, niềm vui của dòng người Việt ở Nga ra sân bay về đón xuân nơi quê cha, đất tổ.

2007 - 2011, Nguyễn Huy Hoàng


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65220407

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July