Ảnh minh họa - Internet
EM LÀ
Em như giọt nắng khí trời
Anh thở gấp, ngập ngừng trôi ráng chiều
Biển đời ngợp sóng thương yêu
Có em xanh biếc bao điều trong anh
Em là hạt mẩy hồn anh
Một ngày vỏ tách mầm xanh nõn nà
Một ngày ướm nụ khai hoa
Một ngày ngan ngát hương xa gọi mời
Em như giọt nắng khí trời
Anh thở gấp, ngập ngừng trôi ráng chiều
Biển đời ngợp sóng thương yêu
Có em xanh biếc bao điều trong anh
Nguyễn Thanh Tuyên
Là Em
Hoa Lư
Trả anh về với thế giới của riêng anh.
Em là vậy - giọt thiên hà - mắt bão
Trong gió giông, cành ngả nghiêng chao đảo
Biết bao giờ mưa giã bão, đền cây?
Trót nao lòng, bất tận ngây say
Nhành lá biếc đu mình trong giá buốt
Dẫu biết lắm, không thể nào giữ được…
Ngác ngơ buồn đem giấu biệt vào thơ
Nhân xưng hay nhắc nhủ?
Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên
Ai có thể tính xuể được chuyện tình tại chốn trần gian, nơi - đã trải qua hàng vạn năm của sự sống, cõi người? Tình yêu- hai từ thường gặp như muôn vàn từ vựng khác, sao lại đựơc diễn đạt đa dạng trên mọi thể loại Văn học vượt xa các từ loại khác đến thế? Phải chăng nó phản ánh tình cảm riêng của bao số phận cả ở bề nổi tới tận đáy sâu của phần chìm, hình thành hẳn một chủ đề Tình yêu, nên mới phong phú đến vậy chăng?
Tại miền khuất lấp, tình cảm ém sâu, khó giãi bày giữa thanh thiên bạch nhật. Bởi thế nó thường được ẩn dụ gửi gắm qua thơ, cư trú tại nhiều tầng vỉa nông sâu, để tự sự, cũng như giải toả niềm riêng. Ý thơ dù mã hoá đến đâu vẫn dễ du nhập tới trái tim đối tượng trực tiếp gửi trao. Với bạn đọc, họ sẽ tâm đắc thú vị khi thấy có bóng hình mình thấp thoáng ẩn hiện trong thi phẩm tình yêu giầu nhạc điệu buồn, vui.
"Là em”, đầu đề bài thơ của Hoa Lư cùng vài chi tiết trong thơ giống lời tự bạch cá nhân song sơ lược, ẩn ý, mơ hồ. Anh - nguời sẽ nhận bức thơ tình này, cũng không cụ thể. Nhận xét trên cho thấy bề dày thời gian mối quan hệ hai người có lẽ chưa nhiều. Hơn thế, họ lại ở trong hoàn cảnh không thuận chèo, mát mái… vấp phải sự ngăn trở "gió giông”.
Xin đừng vội phân tích tình cảm, mà hãy định vị nhân vật trước. Trong thơ, em là "giọt thiên hà" và vị trí đang tồn tại của em tại nơi "mắt bão". Còn anh, thì như cây lá "cành ngả nghiêng chao đảo” và "Nhành lá biếc đu mình". Độc giả nhận ra nhân vật trữ tình (anh) đang khắc khoải, chưa thể định tâm dọc vệt đi của luồng gió xoáy. Muốn tới gần em" mắt bão ”- nơi có một khoảng trời tròn, quang đãng, giảm gió, ít mây … thì anh phải thắng lực ly tâm, phải vượt qua nhiều cấp độ gió siết khác nhau, có khi chạm mức siêu cấp, khó lường …
Trắc trở là vậy, nhưng thuộc tính của tình yêu thì muôn đời lãng mạn. Người trong cuộc mấy ai tỉnh táo nhận ra khi đang đắm mình rung động phút giây "Trót nao lòng bất tận ngây say”.
Không nên dễ dãi với mình, nguyên tắc với người! Bởi chỉ có người lãnh cảm mới không xao động trước vẻ đẹp hình thể cũng như tính cách của con người? Khuôn mặt khả ái, dáng dấp thanh cao, sắc da trắng trẻo, giọng nói khéo léo có duyên, tiếng cười khúc khích hồn nhiên… của phái đẹp bao giờ mà chẳng hấp dẫn, ngợp hồn giới mày râu. Nào mấy ai tự nói ra, nhưng thế gian luôn tồn tại những giây phút xao lòng… ngoài chồng, ngoài vợ. Tiếng chim còn hót trong bụi mận gai! Huống hồ…?
Cho nên "Ngàn lẻ một chuyện tình" một tiêu đề đã gặp, thật chẳng thấm tháp vào đâu so với bao "trước tác khổng lồ” đã viết, hoặc chưa viết xuể về tình yêu. Chừng đó, càng chẳng nỡ cật vấn hay trách cứ điều vẫn đang sảy ra tại miền khuất lấp của tâm linh. Chính vì con người vốn chẳng bao giờ thoả mãn với điều đã đạt được, có hướng tính bù đắp khuyết thiếu tiến đến hoàn hảo hơn. Điều ấy ai cũng thấy, mà nó thường ẩn tàng đơn thuần nơi ý nghĩ.
Với tình yêu, anh (trong thơ) đã tới. Song, chính người mà anh hâm mộ, ưu ái sự trìu mến đợi chờ ấy lại gửi cho anh một thông điệp với lời lẽ ẩn dụ sau đây "Biết bao giờ mưa giã bão, đền cây?” Câu hỏi về thời gian, khó xác định đến băn khoăn: Biết bao giờ??? Nó khác biệt hẳn với qui luật tự nhiên của bão gió thông thường. Nếu vậy, lúc nào thì mới tái sinh búp xanh, chồi biếc? Bằng tư duy liên tưởng nối kết, người đọc suy ra hy vọng tương lai khó lòng định đoạt. Câu thơ trầm buồn, như một lời tâm sự bên tai anh, mà hình như cũng chính là tác giả đang tự hỏi lòng.
Sự thật đã đưa cô gái trở về với thực tại "Trót nao lòng, bất tận ngây say". Đó là lời thừa nhận về chao đảo tinh thần trong những tháng ngày qua. Mà nào đáng trách chi tâm hồn trót rung cảm khi "say vì nết, nể vì tài” bỗng dưng chợt gặp trong đời… Câu thơ chính là lời nói chân tâm chân cảm với riêng anh. Miền tâm tưởng đắm đuối ở thế giới tâm hồn anh, em xin trả lại. Anh nên về với thực tại "trả anh về với thế giới riêng anh” nơi đã khằng định từ lâu trong quá khứ tới giờ. Và người con gái khiêm tốn chỉ ra "em là vậy, giọt thiên hà…” bé bỏng, chẳng đáng gì trong vũ trụ bao la đâu. Anh đừng thi vị hoá, đừng cường điệu em.
Cho dù dù thế, người con gái vẫn tinh tế nhìn nhận phẩm chất đối tượng mình từng quan hệ, cô gửi gắm qua nửa câu thơ "Dẫu biết lắm”. 3 từ nghe như câu nói, biểu hiện sự hàm ơn tình cảm quí báu chân thành mà anh đã dành cho cô bấy nay. Đúng là kiệm chữ hết mức, nhưng giầu tình. Đối tượng được trao thơ dễ dàng nhận ra ngay nét sâu sắc, chất của một con người đáng mến mà bấy lâu nay mình từng mê đuối.
"Trả lại anh” và "không thể nào giữ được" cái gì? Ta cũng không khó khăn để tìm ra tân ngữ. Đó là tình yêu từng tồn tại trong tâm tưởng nơi góc khuất của hai người. Đó còn là một miền tâm linh hư ảo chứa đựng ước muốn mà khó lòng trở thành hiện thực. Hơn nữa tâm linh là phi vật chất, viết thế nhưng đâu dễ trả giao, nên sao tránh khỏi "ngác ngơ buồn đem dấu biệt vào thơ”...
Bài thơ như một lời tự xưng của đối tượng nữ, cũng là lời nhắn nhủ tới đối tượng nam trong mối quan hệ riêng tư, thầm kín của hai người. Lời thơ của Hoa Lư trong trẻo, trữ tình vừa đủ ru lòng man mác buồn. Sự tinh tế mềm mại nữ tính trong thơ giúp ta cảm nhận thêm được vẻ đẹp tình cảm hằng diễn ra giữa đời thường. Đọc "Là em” ta càng thấm thía hơn câu thơ đầy triết lí nhân sinh "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” của Cố Thi Sĩ Xuân Diệu đã đúc kết trao gửi lại Thế gian
Nguyễn Thanh Tuyên
|