Suốt chặng đường học hành, làm việc và mưu sinh đầy gian lao ở xứ người, đời tôi đã trải qua muôn vàn thăng giáng. Và trong cuộc hành trình hơn hai chục năm xuyên qua hai thế kỷ, qua hai thể chế chính trị ở nước Nga, tôi đã được gặp nhiều phụ nữ Nga bình dị, đầy lòng nhân ái.
Vào đầu những năm chín mươi, thời mà sách vở vẫn gọi là hậu Xô Viết, thành phố Matxcơva rơi vào cảnh hỗn độn khủng khiếp. Nạn trấn lột, cướp bóc, lừa đảo và hành hung người nước ngoài xẩy ra như cơm bữa.
Vào cuối những năm tám mươi, đầu những năm chín mươi, hàng chục ngàn công nhân Việt Nam lao động xuất khẩu từ các nhà máy khắp Liên bang Xô Viết ùn ùn trở về nước. Cả Liên Xô hồi đó, duy nhất chỉ có mỗi sân bay Seremetievo 2 thực hiện hành trình bay về Hà Nội, mỗi tuần hai chuyến.
Rất tiếc, những năm này, phương tiện nghe nhìn còn chưa phát triển và cảnh sát sân bay cấm không cho chụp ảnh, quay phim, nếu không, bây giờ trong tay tôi sẽ có những thước phim vô giá về cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật; những hành động ngạo ngược, nhẫn tâm của đội quân cò dịch vụ sân bay, sự thẳng tay của cảnh sát dã chiến OMON và nỗi khổ khôn tả xiết của những người lao động Việt Nam chân chất.
Hành trang của công nhân Việt Nam về nước sau những năm lao động trong các nhà máy Liên Xô chỉ là chiếc va li, hoặc hộp bìa các tông loại dùng đựng giấy toilet và chiếc túi lưới nhựa chất đầy ắp những vật dụng sinh hoạt rẻ tiền, dây chằng kín xung quanh, vì hồi ấy chưa có băng dính loại scott như bây giờ.
Từ thành phố xa lên, những khuôn mặt bơ phờ, hốc hác, ngơ ngác chân thấp, chân cao bước vào sân bay; và đại đa số đều bị dạt ra khỏi quầy làm thủ tục, bởi muôn vàn lý do do dịch vụ sân bay và những nhân viên thiếu thiện tâm sáng tác, mặc dù trong tay họ có sẵn vé và hộ chiếu.
Đám cò Việt được thế gian phong hàm sĩ quan sân bay ngang nhiên đi lại, móc ngoặc với cảnh sát, tha hồ vặt tiền trên mồ hôi, nước mắt của những người đồng hương.
Dạo đó, tuần một vài lần, với tư cách là "người địa phương" tôi lại phải ra sân bay "xông pha trận mạc” để tiễn anh em, bạn bè thực tập sinh ở Viện Puskin, MGU về nước. Nhiều chuyến họ về trót lọt, nhưng không ít lần thất bại thảm hại, tôi lại phải đưa số người kém may mắn đi tìm chỗ tá túc, chạy vạy, cậy cục đổi vé đợi tiếp chuyến sau.
Trong cảnh bình địa ba đào đó, tôi thường thấy một người phụ nữ Nga vóc dáng cao, rất đẹp, tuổi trung niên, khi thì dẫn sinh viên, khi thì dẫn công nhân Việt Nam xuyên qua rừng dùi cui của lính OMON để vượt cửa ải trở về cố quốc.
Đó là cô giáo Inna Mankhanôva, Phó Giáo sư Khoa Tiếng Việt của trường Quan hệ Quốc tế (MGIMO).
Sau lần đầu tiên tiễn sinh viên Việt Nam về nước năm 1990, cô được tận mắt chứng kiến cảnh ngoài sự tưởng tượng ở sân bay quốc tế. Cảm thông với những người Việt nhỏ bé, không nơi bấu víu, với tư thế là cán bộ giảng dạy trường Ngoại giao, với giấy tờ hợp thức, những lần không có giờ lên lớp cô thường ra sân bay gặp những người chỉ huy nhóm trực ban cảnh sát trình bày cho họ biết hoàn cảnh những người Việt Nam ở thành phố xa lên, giúp dẫn nhiều, rất nhiều đoàn công nhân an toàn trở về nước. Cô thường dẫn mỗi nhóm từ năm đến chục người, đưa qua cửa Hải quan, làm giúp thủ tục cân hàng ở cửa Thương vụ. Đến đó, coi như công nhân Việt Nam đã vào được máy bay!
Hầu hết những người được cô giúp đều không kịp biết tên cô và không biết cô là ai. Song hình ảnh người phụ nữ Nga hiền từ, đôn hậu, nói tiếng Việt như người Việt thì ai cũng nhớ. Cô không hề lấy của ai một rúp, tiền ôtô buýt và tiền metrô thì cô tự bỏ ra.
Tôi còn biết cô qua một câu chuyện cực kỳ cảm động.
… Ở Hà Nội vào thời còn xe điện, có nhiều người nghe đến vụ em Nguyễn Hồng Lĩnh. Năm 1980, khi còn là cậu bé 6 tuổi, trong một lần mẹ đưa đến nhà trẻ, Hồng Lĩnh đã bị một tai nạn rất thương tâm. Xe điện đã nghiến nát hai tay tận nách và chân phải của em, biến em thành một đứa bé tật nguyền, tàn phế.
Năm 1981, Hội Chữ thập đỏ Liên Xô nhận Hồng Lĩnh sang chữa chạy, điều trị, cung cấp toàn phần gồm vé, các tiêu chuẩn sinh hoạt. Còn mẹ Hồng Lĩnh thì được sang theo, nhưng theo dạng tự túc, phải thuê nhà ở bên ngoài. Hồng Lĩnh được đưa về thành phố Zvenhigorot, cách thủ đô Matxcơva chừng 80km.
Ban đầu, Hồng Lĩnh còn thỉnh thoảng gọi điện được với mẹ, nhưng sau đó thì mất liên lạc hoàn toàn với mẹ và người thân vì phải chuyển trại nhiều lần, vả lại, phương tiện truyền thông hồi đó chưa phát triển. Muốn gọi điện phải ra phòng Thường trực xin phép, mà không phải lúc nào gọi cũng được, vì chỗ mẹ Hồng Lĩnh ở nhờ không có máy điện thoại, trong khi đó, tiếng Nga của cậu mới bập bẹ. Mẹ Hồng Lĩnh vì sinh kế, không thể ở mãi nước Nga khi không có công ăn, việc làm, không có giấy tờ cư trú. Lúc này Liên Xô đang đứng trước những thử thách rất lớn và những khó khăn bội phần về kinh tế, để tồn tại được ở Matxcơva không phải là việc dễ dàng. Một người quen xin cho sang lao động ở Tiệp, tiếng Nga không biết, thư gửi không hồi âm, nên chị bặt tin con.
Sống giữa những đứa trẻ mồ côi, bệnh tật, tội phạm, thiếu thốn trăm bề, Hồng Lĩnh đã vượt lên sự tật nguyền, vượt qua sự cô đơn và tủi cực, cố gắng học xong phổ thông trung học và thi đậu vào Đại học Luật Matxcơva. Hàng ngày, Hồng Lĩnh phải vượt một chặng đường gần 80km, phải chuyển 4 lần các phương tiện giao thông: ôtô buýt, metrô, trolaybuyt, đi bộ, đeo một túi xách nặng qua vai, trong khi không có hai tay và mang một chân giả, biết bao nhiêu là khó nhọc.
Biết được điều này, cô Inna Mankhanôva đã tự viết đơn gửi trực tiếp cho Thị trưởng Thành phố. Để lá đơn có hiệu lực, cô vận động xin chữ ký của các danh nhân văn hóa, các nghệ sĩ Nga nổi tiếng, nhờ Quỹ Hòa bình Matxcơva góp cùng tiếng nói. Cuối cùng, Thị trưởng thành phố Matxcơva đã quyết định đề nghị Nhà trường đồng ý cho Hồng Lĩnh có chỗ ở miễn phí trong ký túc xá tại Trung tâm thành phố. Trong những năm Hồng Lĩnh theo học, cô đã tìm cách quyên góp, giúp đỡ áo quần, tiền bạc, phương tiện học tập cho Hồng Lĩnh. Hồng Lĩnh đã tốt nghiệp ra trường và được một công ty mời về làm việc.
Điều bất ngờ đối với tôi là sau hơn ba chục năm sử dụng quyển Từ điển Nga- Việt hai tập, mãi gần đây, tôi mới biết cô Inna Mankhanôva là tác giả của nó.
Bản quyền tác giả quyển Từ điển này thuộc về Nhà xuất bản Tiếng Nga. Ba chục năm trôi qua, nhiều từ đã cũ, nhiều từ mới xuất hiện. Nhưng không một tác giả nào dám đầu tư thời gian và có đủ năng lực để bổ sung, nhuận sắc lại.
Và đầu tháng giêng năm 2009, quyển Từ điển đó đã được cô và đồng nghiệp bổ sung hơn 25% số từ mới, được tái bản tại Liên bang Nga. Khối lượng công việc đồ sộ đó, cô hoàn thành khi ở tuổi 70, và giờ đây, cô là người nắm giữ bản quyền.
***
Ở Đại Sứ quán ta tại Matxcơva, bảng tin tầng một của Phòng Lãnh sự thường hay đăng các thông báo về các vụ việc trong Cộng đồng. Một lần vào tháng 5 - 2001, tôi ghé qua, tình cờ có một mẩu tin làm tôi chú ý. Đó là Thông báo của Phòng Lãnh sự về việc một bà già Nga ở khu Yaxennhevo tìm mẹ của cháu Nguyễn Thi.
Tôi gặp ông Trưởng Phòng Lãnh sự Trần Duy Thi, ông cho biết, theo câu chuyện bà già người Nga kể, năm ngoái mẹ cháu Nguyễn Thi (chắc là Nguyễn Thị… gì đấy) đã gửi con gái nhờ bà làm nhũ mẫu. Những tháng đầu, người mẹ đều đặn đến thăm, mang tiền, thức ăn đến cho con, công xá cho bà, nhưng bẵng đi suốt gần nửa năm, không thấy mẹ của cháu đến nữa, bà nhũ mẫu người Nga tìm đến gõ cửa Sứ quán Việt Nam.
Mẹ cháu là ai, hiện ở đâu, làm gì thì không ai biết; rất có thể, biết đâu, bị sa cơ, lỡ vận, hay chẳng may bị một tai họa nào đó không kịp nhắn lại cho bà.
Chờ mãi, không có hồi âm, bà già nghèo đó đành đưa cháu bé đến Trại Trẻ mồ côi ở khu vực Yaxennhevo.
Tôi đem câu chuyện này kể cho nhiều người biết, ngõ hầu tìm ra tung tích mẹ cháu. Có một chị làm Kế toán ở Trung tâm Thương mại Xaliut 5 động lòng trắc ẩn, rất muốn nhận cháu làm con, nhờ tôi liên hệ với Trại Trẻ mồ côi. Khi tôi lặn lội tìm đến nơi, bà Giám đốc cho biết, bà già Nga đã quay trở lại Trại để đón cháu Nguyễn Thi về.
Theo lời bà Giám đốc kể, bà già nói rằng, tôi dù nghèo, nhưng tằn tiện vẫn nuôi nổi cháu. Nó không có ai, tôi muốn nó có một người bà. Hơn nữa, tôi sống với cháu quen rồi, bây giờ tôi không thể sống thiếu cháu được. Tôi sẽ xin các cơ quan chính quyền nhập hộ khẩu cháu vào nhà tôi và nhận nó làm con nuôi".
Một thời gian dài, tôi luôn nghĩ về người phụ nữ Nga và cháu bé Việt đáng thương đó. Bây giờ chắc cháu đã lớn rồi, một điều chắc chắn là cháu sẽ không cô đơn, vì bên cạnh cháu luôn có một người mẹ, một người bà Nga có tấm lòng bao dung, đại lượng.
***
Quãng cuối tháng 12 năm 1999, nhân kỷ niệm Ngày Quân đội và chuẩn bị đón chào Thiên niên kỷ mới, Tổng công ty Bến Thành tại Matxcơva tổ chức một buổi mặt gặp long trọng các Cựu Chiến binh từng công tác tại Việt Nam.
Theo danh sách mời, nhiều tướng lĩnh cao cấp như Đại tướng Guvorov, Đại tướng A.Khiupenhen, Anh hùng X. Xomov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt E.Glazunôv, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga và chuyên gia từng công tác tại Việt Nam N. Kôlexnhic… sẽ có mặt.
Đại tá Đinh Nho Hồng, lúc đó là Trưởng phòng Tùy viên Quân sự, khi biết tôi tham gia Ban tổ chức buổi lễ này, đã gọi điện cho tôi, nhờ tôi cố gắng liên hệ được với bà Dôia Nguyễn.
Ông đưa cho tôi số điện thoại (số 313 4056), tôi liên hệ được với hai người con của bà Dôia Nguyễn, ở gần Metrô Prajxkaia, còn bà thì không sống với họ, mà sống ở tận Tula, cách Thủ đô gần 200 km. Theo tinh thần lúc trao đổi với ông Đinh Nho Hồng, tôi đã thuyết phục được hai người con bằng mọi cách đón được bà đến dự buổi gặp mặt…
… Năm 1959, anh Nguyễn Văn Định được Bộ Quốc phòng cử sang học tại Học viện Quân sự mang tên Phrunze. Học viện nằm bên bờ sông Matxcơva trên phố Prunzenxkaia Naberejnaia, quãng gần cầu Krưmxki, đối diện phía bên sông với công viên Văn hóa mang tên Gorki, một vị trí rất trang trọng và nên thơ. Tại đây, anh đã gặp cô thiếu nữ Nga Dôia nhỏ nhắn, xinh đẹp, và cả hai đem lòng yêu nhau say đắm, bất chấp những mặc cảm nặng nề của một thời. Những ngày tháng trước khi anh Nguyễn Văn Định sắp về nước là quãng thời gian rất đau khổ của Dôia, vì cô đã hình dung ra một cuộc chia tay không biết bao giờ gặp lại.
Không ngờ số phận lại chuyển sang một hướng khác. Trong dịp ấy, Bác Hồ sang dự Hội nghị của Đảng Cộng sản Liên Xô. Chuyện kể lại rằng, trong lần gặp gỡ thân mật, Chủ tịch Vorosilov có hỏi Bác là, có phải ở Việt Nam, người ta cấm thanh niên sang học bên này lấy vợ Liên Xô không? Bác Hồ lắc đầu cười và phủ nhận điều đó. Vorosilov rút trong túi ra bức thư của Dôia kể lại câu chuyện tình yêu giữa cô với anh Sĩ quan quân đội Việt Nam Nguyễn Văn Định trao cho Bác. Dĩ nhiên cuộc tình duyên tốt đẹp giữa anh Nguyễn Văn Định và Dôia coi như được định đoạt.
Khi trên xe tiễn bà về, tôi đem câu chuyện này hỏi, bà Dôia cười hồn hậu và không trả lời, nhưng trong ánh mắt của bà, tôi đọc ra sự lặng im thừa nhận.
Trở thành người con dâu Việt Nam, bà về Hà Nội làm công nhân dệt ở Nhà máy 8-3 trên phố Nguyễn Thị Minh Khai vào đầu những năm 60. Bà là người phụ nữ đầu tiên đứng 8 máy, dũng cảm cùng với gia đình nhỏ vượt qua mọi thiếu thốn và khó khăn của thời bao cấp.
Sau ngày anh Nguyễn Văn Định lên đường vào mặt trận phía Nam, bà cùng hai người con trở lại Liên Xô. Ngày 28 - 7 - 1972, Thiếu tá Nguyễn Văn Định hy sinh ở chiến trường và tin đau xót này mãi bốn năm sau bà mới biết.
Lúc này, bà đang ở tuổi bốn mươi, vào những tháng năm xuân sắc, nhưng bà cam lòng ở vậy, chấp nhận biết bao nhiêu gian truân và khó khăn vật chất khi một nách hai con, đồng lương ít ỏi. Cả hai người con bà đều mang họ Nguyễn, đã trưởng thành, có công ăn, việc làm, chỉ tiếc là không biết tiếng Việt.
Trong các buổi gặp gỡ với cộng đồng người Việt Nam, ai cũng tranh nhau xin được chụp ảnh chung với bà Dôia Nguyễn, còn bà thì hoàn toàn im lặng, không phát biểu, không đăng đàn, thói quen của một người suốt cả cuộc đời âm thầm chịu đựng. Trong năm đó, tôi đã tìm gặp đặt vấn đề với các doanh nghiệp tại Matxcơva như anh Võ Văn Hồng, Nguyễn Văn Niên, Phạm Dũng Tiến... các anh ấy đã thịnh tình hỗ trợ, giúp đỡ bà những vật dụng cần thiết và ý nghĩa. Còn Đại tá Đinh Nho Hồng, với cương vị của mình, đã báo cáo về Bộ Quốc phòng xin truy lĩnh tiền trợ cấp Gia đình Liệt sĩ trong suốt thời gian 31 năm, được gần 1100 đôla trao lại cho bà.
Có một người phụ nữ Nga khác mà tôi không thể nào không nhắc đến. Đó là bà nhũ mẫu của gia đình tôi Anna Alecxanđrovna, người mà con gái tôi coi như bà nội.
Năm con gái thứ hai của chúng tôi chào đời, lúc đó tôi và vợ tôi đã viết được chừng một nửa luận án. Không thể để cháu ở trong ký túc xá chật chội, và để hoàn thành luận án kịp thời hạn, tôi đã nhờ gửi con gái cùng đến ở với bà. Bà đã nuôi dạy cháu bằng tấm lòng của một người mẹ Nga thực thụ. Bà dạy cháu từ nết ăn, nết ở, đọc truyện cổ tích, đọc thơ và dạy những nét chữ đầu tiên. Chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi cháu ở với bà.
Buổi sáng, khi hay tin con gái đầu lòng của chúng tôi thất lạc, bà đi ôtô buýt một mạch đến phòng tôi ở trong trường, nước mắt chứa chan, tưởng chừng ngất đi bên cạnh người vợ tôi đang kiệt sức.
Trong những ngày đi tìm cháu, một lần nghe nói ở Kiev có một nhà ngoại cảm Digan giỏi có khả năng giúp tìm cháu, tôi bay thẳng 2000km từ thành phố Xochi lên Matxcơva, rồi ra thẳng nhà ga luôn trong đêm đó. Bà Anna cùng đi với tôi. Không mua được vé tàu, suốt đêm, tôi trải tờ báo ngồi cạnh toilet, mệt mỏi thiếp đi vì một thời gian dài ăn ngủ bất thường và đau khổ. Bà ngồi bên tôi, thức trắng đêm đỡ cho tôi như một bà mẹ. Lúc gần sáng, có một hành khách xuống tàu, bà xin trực toa được chỗ đó và ép tôi phải nằm nghỉ, còn bà vẫn ngồi tựa vào thành tàu canh giấc.
Tôi chú ý nhiều năm, hễ ai xúc phạm đến Việt Nam, hễ trên đài trên báo có những thông tin không đúng về người Việt Nam, bà đều phẫn nộ và bênh vực người Việt đến cùng.
Khi chưa qua Nga, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học ca ngợi thiên nhiên Nga và những phẩm chất tuyệt vời của người Nga. Sau gần một phần tư thế kỷ sống xa nhà, có điều kiện qua lại rất nhiều nơi, nhiều nước, tôi nhận thấy ở đâu cũng có người tử tế và tốt bụng; nhưng điều may mắn nhất là tôi đã được gặp, được biết những người phụ nữ cao quý và nhân hậu ở đất nước Nga, nơi mà tôi vô cùng mến yêu và gánh chịu biết bao nhiêu thử thách.
2008
Nguyễn Huy Hoàng
|