Thăm thẳm phương Nam có một bóng người áo bà ba, khăn rằn làm cho tôi nhớ mãi. Em ra Hà Nội dự hội nghị những người viết văn trẻ, giữa muôn áo xống tân kỳ vẫn khăn rằn áo bà ba châu thổ Chín Rồng, nhỏn nhoẻn chào người mới gặp, chỉ vậy thôi, không dám hay không muốn nói năng chi nhiều. Đêm giao lưu những nhà văn trẻ, mọi người đề nghị em tham gia một tiết mục, gương mặt trái xoan ửng hồng cất bài vọng cổ góp vui: Ơi câu hò bình dị đơn sơ của những con người luôn thật thà chân chất.Miền Tây ơi, miền Tây ơi, tình người nghĩa đất sâu nặng tự ngàn xưa cho đến tận bây...giờ. Chẳng biết có phải vì bâng khuâng với bà ba khăn rằn không mà tôi phải mải miết đi tìm vọng cổ để có chút vốn liếng dân ca phương Nam “dắt tim” phòng khi giao lưu đâu đó: Nghe câu hò giao duyên bên cầu ao bến nước. Bầy đom đóm say tình kéo nhau mở hội hoa đăng. Hò...ơ...Thuyền ai trôi trước cho anh (nguyên bản là em, tôi đổi lại) lướt theo cùng. Chiều đã xuống rồi trời đất mông lung. Phải duyên thì mình xích lại, mình xích lại rồi mình thủy chung trọn đời...Còn nhớ, hôm bế mạc hội nghị, lập thu, trời se se lạnh. Hình như, tôi đã mượn cái se se ấy để làm cớ tặng em hai câu thơ bất chợt nảy ra khi tiễn Người đẹp Tây Đô ra ga Hà Nội: Em về mang rét về không?/Để anh cởi áo sông Hồng gửi theo.
Rồi một ngày xuôi về miền đất phương Nam, qua Cần Thơ, ghé lại thăm một người bạn lính họ Hồ, cũng là dân viết báo làm văn tì tạch, điện cho em. “Ủa, anh zô thiệt hà?”, giọng con gái miền Tây dịu dàng. “Anh mới đến trưa nay, đang ngồi với Hồ Kiên, em có rảnh không?”. “Anh nè, em đang xuống Cái Tắc lấy tư liệu viết bài cho Văn nghệ trẻ, chiều em đến gặp anh nghen”. Tôi nói cho em địa chỉ mình ở và khấp khởi mong chiều...
Vùng châu thổ này tôi mới đến đôi lần và thời gian ở cũng ngắn ngủi nhưng không mấy xa lạ, bởi từ thời con nít tôi đã đọc đi đọc lại đến nhàu cả cuốnĐất rừng phương Nam của ông Đoàn Giỏi. Thế mới là văn chương thứ thiệt chứ, đọc một lần muốn đọc lần hai và dư âm của những con chữ vẫn còn đọng lại trong tôi đến bây giờ. Đọng lại những sắc màu, hương vị, khí chất, tâm hồn của cảnh vật và con người nơi đây; một Nam Bộ chân chất mà sâu lắng, chật vật mà phóng khoáng, lam lũ mà can trường, ham vui mà dũng cảm, yêu ghét rành rọt, thương giận thực lòng, ít đãi bôi màu mè...Thời chín mười ấy, tôi đã theo cậu bé An (nhân vật trong Đất rừng phương Nam) ngang dọc khắp kênh rạch Cửu Long, với bao lo âu hồi hộp, buồn nản mừng vui trên miền đồng bằng muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy...
Tuy nhiên, muốn có một hình dung xa hơn nữa, từ những bát ngát hoang vu, trùng điệp hiểm nguy của hơn ba trăm năm trước thì tôi phải lần giở nhiều trang lịch sử đã ngã sang màu vàng ố để thấy lấp lánh dòng tên của Người đi mở cõi đất phương Nam Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đức Ông sinh năm 1650 tại Quảng Bình. Tổ tiên của Đức Ông chính là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc, một vị tướng tài ba dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Cha của Nguyễn Hữu Cảnh là Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, một người có công lớn với Chúa Nguyễn. Lớn lên trên vùng đất Ô châu ác địa, trong thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hữu Cảnh chuyên tâm luyện tập võ nghệ và theo cha đi chinh chiến rất sớm và đã lập nhiều chiến công khi tuổi còn rất trẻ. Ông được phong chức cai cơ lúc 20 tuổi và được người đương thời gọi là Hắc Hổ. Người có công lớn trong việc bình định an dân đất Chiêm Thành, xác lập chủ quyền vùng đất mới: Đồng Nai, Sài Gòn – Gia Định, đồng bằng sông Cửu Long. Khai mở rộng dài nghìn dặm đất đai, chiêu mộ lưu dân, lập ấp dựng thôn, chuyển lưu văn hiến Thăng Long, hoạch định cương vực ở vùng giang sơn phía Nam có phần đóng góp vô cùng to lớn của Đức Ông. Nhiều đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở đồng bằng sông Cửu Long đã treo hai câu đối này: Công cao vạn đại lê dân hàm cảm thính Nam Châu – Đức trọng thiên thu hộ quốc an khang khai biên thổ ( Dịch nghĩa: Công cao muôn thuở, toàn dân vọng tưởng đất Miền Nam – Đức nặng ngàn thu, cả nước vui trông trời giới cảnh).
Dừng chân ở Tây Đô, nghe tiếng Việt, ăn món Việt tôi bồi hồi ngẫm suy và muôn đỗi tự hào về cha ông, những người nhìn xa trông rộng, dám nghĩ dám làm. Cái đáng trân trọng nhất là trong những cuộc di dân gian truân gập ghềnh như thế và qua bao loạn lạc binh đao, cốt lõi hồn vía tinh túy văn hóa Việt vốn khởi thủy từ cái nôi sông Hồng vẫn được tàng lưu, gìn giữ trong máu thịt, từ đời này qua đời khác. Bởi thế, từ chóp nón Hà Giang đến ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm Đất Mũi Cà Mau như Nguyễn Tuân ví von không chỉ liền mạch non sông mà còn thống nhất về văn hiến Việt. Quả là diệu kỳ, quả là thiêng liêng không tả hết. Chỉ riêng mỗi âm tiết Cái đứng trước những tên gọi địa danh vùng đất này như Cái Răng, Cái Tắc...cũng đã ẩn giấu những tình ý sâu xa về nguồn cội. Âm tiết ấy, xét về mặt ngữ nghĩa gần với Mẹ biết bao. Dù ở đâu, làm gì thì chúng ta cũng đều là con cái Mẹ Việt, đơn giản vậy mà bao hàm bao ý nghĩa sâu xa về tính thống nhất dân tộc.
Tôi đem những suy nghĩ này nói với anh bạn Hồ Kiên của tôi trong cuộc nhậu ở “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Hồ Kiên chia sẻ với tôi: “Em thấy điều anh nói quá đúng. Thống nhất về văn hóa là cội rễ gắn bó dân tộc. Không có nó, đất nước sẽ không tồn tại bền vững”.
Bên cạnh sông Hậu nghiêng nghiêng lấp loáng nắng trời, Hồ Kiên bất chợt hỏi: “Nè anh, có muốn zề chốn gạo trắng nước trong không zậy?”. Tôi nâng ly, đánh cách một cái sóng sánh vào ly người bạn kém mình chục tuổi, giọng mê mê: “Ai mà chẳng muốn nhưng có ai mà về”. Hồ Kiên: “Ai nữa. Em mang rét zề thì sao?”. Hắn nhắc tới câu Em về mang rét về không?của tôi đó. Tôi cười to. Thú vị thật. Cười rồi im lặng. Bỗng nao nao nhớ khăn rằn áo bà ba mặc cho thằng bạn của tôi đang ngẫu hứng cất tiếng ca: “Hò ơ...Trai nào bảnh bằng trai Nhơn Ái. Đầu thì hớt chải tóc tém bảy ba. Mặc piyama khăn rằn quấn cổ. Thấy cô em gái Ba Xuyên ngồ ngộ. Muốn cùng em thổ lộ đôi lời. Cấy cày cực lắm em ơi. Theo anh về vườn ăn trái mà sinh đời ấm no”. Cái kiểu bộc bạch thẳng thớm ít úp mở này cũng là một phần tính cách nam nhi miền Tây chằng chịt kênh rạch chăng? Liệu nó có thỏa lòng những người đẹp Tây Đô không-những người cùng thế hệ hay em út của Hoa hậu báo Tiền phong năm 2012 Đặng Thu Thảo? Dù thiên hạ có chút lao xao về học vấn của nàng nhưng tôi thấy vẻ đẹp của Thảo rất Việt, mặt trái xoan dịu dàng, tỏa nét thôn nữ đôn hậu của miệt vườn sum suê hoa trái.
Bà ba khăn rằn đã đến với tôi như hẹn. Nhỏn nhoẻn cười: “Anh có thời gian bao lâu để khám phá miền Tây?”. Tôi gãi gãi đầu: “Chỉ còn chiều và đêm nay. Mười giờ sáng mai anh phải đi Cà Mau rồi”. Em nói: “Còn thời gian bao nhiêu ta xài nó bấy nhiêu anh nghen. Trước hết, đi ăn cháo lòng Cái Tắc cho biết đặc sản Tây Đô, sau đó em sẽ đưa anh đi xem vườn du lịch Thủy Tiên, chợ cổ Cần Thơ...Tối ta ra bến Ninh Kiều ngắm sông Hậu. Sáng mai, trước khi anh lên đường ta đi ngó qua chợ nổi Cái Răng, nó ở nơi thủ phủ cũ của Tây Đô đó anh!”.
Theo em, ngần ấy thời gian làm sao tôi khám phá hết Tây Đô lãng mạn và với miền Tây mênh mông hào phóng thì còn xa vời vợi. Thôi thì, bên cây bút trẻ xinh đẹp hiền lành của xứ sở gạo trắng nước trong tôi cũng biết cái độc đáo của bát cháo lòng Cái Tắc. Một thứ cháo gạo được nấu nhừ nhưng không đặc sệt có màu ngà ngà do huyết được làm tan ra. Bên cạnh là đĩa lòng lợn sạch sẽ, thơm phức, cùng rau ráng gia vị bày đặt khá ngon mắt. Tôi cảm nhận được phần nào nét văn hóa miền sông rạch qua lao xao chợ cổ Cần Thơ, cái mới mẻ hôm nay của thành phố khi dạo bước trong vườn du lịch Thủy Tiên và bình minh sông Hậu nhộn nhịp ghe tàu chở đầy đặc sản châu thổ Cửu Long nơi chợ nổi Cái Răng...
Và, biết nói sao đây cái đêm lộng lộng gió mát nơi ngã ba Hậu Giang trên bến Ninh Kiều. Tôi và em, bên nhau, ngó ra mặt sông, miên man là gió, miên man là thuyền, miên man là đêm, miên man Tây Đô, miên man châu thổ...Em tặng tôi chiếc khăn rằn. Tôi cầm trên tay như cầm miền Tây mềm mại dịu lành. Lại thêm một khúc vọng cổ từ dưới sông vọng vào, da diết buồn: Người ta đã có đôi rồi. Chiếu chăn đâu ấm bằng người tình chung. Để mình vác cặp chiếu bông. Đợi chờ chi nữa uổng công đợi chờ. (Lời Viễn Châu-Tình ca anh bán chiếu)
Tôi quàng chiếc khăn rằn vào cổ. Âm ấm hơi em...Tây Đô, Miền Tây nhé, hẹn ngày trở lại!
Theo Nguyễn Hữu Quý