Thường, ngày tết người ta rủ nhau đi thăm bạn bè, người thân, đi chơi lễ hội. Riêng nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại "Về vườn chơi tết" để "Ta về nhú lại chồi tơ đầu đời"...
Về vườn chơi Tết
Tết này ta hóa trẻ con
Mê ngồi xem Kiến xưa còn hài nhì
Nghỉ hưu từ lúc bò đi
Đã như hạt bụi cần gì vểnh râu
Về vườn hỏi Kiến đi đâu
Xem cô Bướm trắng làm dâu Cải ngồng
Một mình rước cả đám đông
Thương con Kiến gió sang sông chạy trời.
Đã bò qua biết bao thời
Có khi từ kiến sang người tử sinh
Hòa bình Kiến vẫn nhà binh
Dắt ta về kịp đội hình tuổi thơ?
Trả trời mấy tóc bạc phơ
Ta về nhú lại chồi tơ đầu đời
Được cùng con Kiến đi chơi
Kéo quân lên tít đỉnh trời cành đa...
TRẦN MẠNH HẢO
|
Thơ Trần Mạnh Hảo có những nét hồn nhiên rất tươi trẻ, hồn nhiên đến nhi nhiên mặc dù trong sâu thẳm tâm hồn ông lại rất lão thực phương Đông. Lấy chiêm nghiệm sống từng trải để hóa thân vào con trẻ thời "dung dăng dung dẻ" là một cách thơ độc đáo phát huy được thế mạnh trường liên tưởng nhiều chiều của thi sĩ. "Về vườn chơi tết" là một cách chơi, một ứng xử văn hóa với thiên nhiên khi đời sống xã hội văn minh đô thị hóa đã chứa trong đó những nghịch lý.
"Tết này ta hóa trẻ con"- Mê ngồi xem Kiến xưa còn hài nhi". Chọn Kiến làm đối tượng (hay đối trọng) để giải bày chia sẻ là một cách chơi rất thông minh và ngộ nghĩnh. Chính yếu tố này làm cho không khí thiêng liêng ngày tết cân bằng lại với đời sống thường ngày.
Kiến là một loại côn trùng có tổ chức cao, là một cộng đồng có vương quốc riêng của nó. Ngụ ngôn đã có chuyện "Voi thua Kiến", ca dao cổ cũng từng luẩn quẩn "Con kiến mà leo cành đa...". Như vậy, "Về vườn chơi tết" nhưng ít chú ý đến những sắc màu, những hương, những hình thức phô trương dễ thấy mà đồng cảm ngay với cái sinh linh bé nhỏ dưới chân mình nhưng cũng đầy cá tính: "Đã như hạt bụi cần gì vểnh râu". Thân phận của Kiến cũng đầy bất trắc: "Thương con kiến gió sang sông chạy trời".
Hai câu thơ sau viết như không, tưng tửng mà sâu sắc, đã dựng dậy không khí vốn tưởng như rời rạc của bài thơ hướng tới lõi nhân bản con người: "Hòa bình Kiến vẫn nhà binh - Dắt ta về kịp đội hình tuổi thơ". Chữ "dắt" ở đây vừa khiêm nhường, vừa kiêu hãnh. Nếu thay bằng chữ "dẫn" hay chữ "chỉ" sẽ không nặng ký.
Thơ Trần Mạnh Hảo thường phát triển theo mạch cảm xúc đa tuyến, ngôn ngữ chọn lọc, gây ấn tượng mạnh bằng hình ảnh, có khi tưởng như phi lý tạo thế tương phản trong các tình huống, cung bậc đan xen của tâm trạng. Ví như câu thơ sau: "Xem cô Bướm trắng làm dâu Cải Ngồng" vừa lạ vừa lộng lẫy. Lạ mà hay đó là phẩm chất thi sĩ của Trần Mạnh Hảo.
Bài thơ thoạt nhìn không thấy không khí Tết nhưng lấp lánh đằng sau đó là sự trỗi dậy như nhú lộc đâm chồi của thiên nhiên, của sự hồ hỡi lòng người trước đổi thay thời gian mới có được cái tư thế: "Được cùng con Kiến đi chơi - Kéo quân lên tít đỉnh trời cành đa". Một hướng xuất hành cao sang và tự tin đầy bản lĩnh xông đất tới một miền cao vọng của lý tưởng và khát vọng.
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Theo báo hà tĩnh
|