Mái đình làng Sừng – Lăng Thành - Nghệ An
Mái làng! Khi ngước ống kính máy ảnh lên mái đầu đao ngôi đình Sừng tọa lạc ngay đầu cái làng mở vào xã Lăng Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), cũng là khi nơi ngực trái tôi bỗng như như cùng lúc thoát lên hai từ Mái Làng- khởi đầu cho hai câu thơ “vịnh” mái đình Làng thay cho chú thích ảnh:
Cúi đầu bái lạy Thành Hoàng
Xa quê vẫn một mái Làng trong tim
Thấy tôi cứ vần quanh mái đầu đao, “dom” cận những họa tiết rồng phượng, sóng trên các gác kèo, đầu đao ngôi đình… Lân một chiến sỹ cũ của tôi, với tư cách “người làng” khoe: Cái đình làng nom cũ kỹ, nhưng các nhà báo, nhà văn từ tỉnh đến trung ương mỗi khi về xã, chỉ dăm câu ba điều gì đó rồi ra đình thăm thú, chụp ảnh, ghi ghi chép chép. Có mấy anh chị họa sỹ còn vác nguyên cả giá vẽ về vần quanh cái đình cả mấy ngày, tỉ mẩn vẽ từ cả cái đình, đến cái đầu đao, và tỉa tót từng cái hình chạm khắc long phượng chầu nhật nguyệt. Lân bảo, em lớn lên thì đã thấy cái đình cũ kỹ lắm rồi, và cũng như em, cả làng ai cũng chỉ biết tự hào làng mình có cái đình làng thuộc hàng… lâu đời, nơi xuân thu nhị kỳ, các hào lão tề tựu bàn việc làng, việc xã, sửa lễ dâng cúng , bái tạ thành hoàng có công khai khẩn, hộ trì, ban giữ sự phúc thảo, an lành cho con dân họ mạc trong làng ngoài xã. Vui nhất là vào cữ giêng hai, ngày rằm, tháng tết, các họ mạc trong làng chung lòng sửa lễ dâng phẩm vật một năm cấy hái, nuôi trồng để cúng cầu quốc thái dân an, khai mở hội làng mừng xuân với những trò chơi dân gian, bịt mắt bắt dê, kéo co…đặc biệt là hội vật cù náo nức tiếng hò reo… Nhưng phải đến khi cái đình làng được các “nhà văn, nhà báo ” về chụp ảnh, đưa lên sách báo thì mới biết nó quý báu thế nào? Rằng thì là … những cái hoa văn rồng chầu nhật, nguyệt cùng mây trời, sóng nước, động vật, hoa lá cây cỏ tự nhiên được thể hiện cách điệu trên cái đầu đao đình làng không chỉ để trang trí mà còn “gửi gắm” những những tâm tư, tình cảm, cách nhìn, cách thấy đầy mỹ cảm của cả cộng đồng làng xã sau lũy tre làng…
Mái chùa làng đảo Song Tử Tây
Đất nước nhìn từ Trường Sa
Mái Làng ! Tôi đã thêm một lần đặt tay lên ngực trái, nơi con tim khi ngước nhìn cái đầu đao ngôi chùa trên làng đảo Song Tử Tây thuộc huyện Trường Sa (Khánh Hòa). Vẫn như cái mái đình làng vòm cong như ôm ấp, chở che những con dân quần cư trên mỗi làng đảo Việt. Nhưng giữa bốn bề sóng nước khơi xa, trong mỗi cái nhà Việt với đủ những thế hệ con cháu trẻ già trên đảo, thì cái vòm đầu đao ngôi chùa mềm mại vút lên giữa đêm trăng, ăm ắp những ríu rít tiếng trẻ nô đùa dưới tán cây phong ba, trầm ấm những ầu ơ không chỉ đủ làm nghiêng cả đêm làng đảo giữa miền sóng nước... mà còn gợi những bâng khuâng, hào nhớ một thủa tiền hiền An Tiêm gieo hạt, trồng dưa , lập làng mở cõi giữa ngàn khơi.
Một trong những lớp chuyên, lớp chọn tại Trường Sa
Những hậu duệ của An Tiêm trên làng đảo
Mái làng! Là khi ta ngước nhìn lên đầu đao ngôi chùa làng làng đảo, vẫn trong cái dáng đầu đao đình làng trong bờ, ngàn đời cuộn lên như mũi con thuyền rất đỗi thân thương … Nhưng giữa ì ầm sóng nước biên đảo xa bờ, cái đầu đao mái chùa bỗng như con thuyền lớn rẽ sóng vượt trùng khơi mở về hướng biển, ăm ắp khát vọng khơi xa với lời nguyền giữ đất, giữ nước.
Mái làng! Là khi kết thúc chuyến thăm làng đảo, khi rời bền đảo lên ca nô ra tàu, ngoái nhìn về phía đảo, bất chợt nhận ra vầng mặt trời ban mai au đỏ như đậu trên mái đầu đao tạo mái chùa làng trong thế “long chầu nhật/nguyệt" đầy sức mạnh của thần quyền, chở che những con dân Việt Nam nơi cuộc đất cha ông ngàn đời dâu bể dưới một Mái Làng!
Và vẫn như lúc ngước vọng về phía mái đầu đao đình sừng phía bờ… ngước nhìn lên mái đầu đao ngôi chùa làng đảo vươn vọng giữa đất trời Trường Sa, tôi đã lại đặt tay lên ngực trái mình, và trong từng nhịp con tim vọng giữa ngàn khơi mà: Cúi đầu bái lạy thành hoàng/Đảo xa vẫn một Mái Làng trong tim
Lê bá Dương
|