Xưa và nay, chợ Tết thường mang trong nó những sắc màu, âm thanh tươi tắn, nhộn nhịp trước thềm năm mới. Từ giữa Chạp, dẫu vẫn còn đấy mưa phùn gió bấc ẩm ướt lạnh lẽo song lòng người đã lao xao chộn rộn với những dự tính lo toan Tết. Tạng người Việt Nam là vậy, đau đáu cội nguồn, giữ gìn truyền thống, dẫu chỉ là bình hoa, chén nước, ly rượu, nén hương con nhà khó thắp trên bàn thờ tiên tổ. Chợ Tết phản ánh nhiều nét văn hóa phong tục của xã hội Việt Nam từ nơi thôn mạc đến chốn thị thành. Trong thơ ca Việt, hình ảnh chợ Tết được lưu giữ khá nhiều.
Trước tiên, xin được nhắc lại bài thơ Chợ Tết rất nổi tiếng của Đoàn Văn Cừ. Bài thơ hội tụ đặc sắc các yếu tố tả-kể, họa-nhạc trong thi ca. Nhờ thế, mà bức tranh “sơn mài thơ” ấy vẫn còn rực rỡ, tưng bừng đến hôm nay. Miêu tả sự nhộn nhịp đông đúc của phiên chợ Tết, nhà thơ viết: Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết./ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc,/ Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,/ Vài cụ già chống gậy bước lom khom/ Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ...Hình như cả làng xã, thôn mạc đã kéo về đây, mỗi người một vẻ, chen vai thích cánh trong phiên chợ cuối năm này. Chợ Tết ấm cúng màu sắc của các sản vật đồng quê: Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/ Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết./ Con gà sống mào thâm như cục tiết...Không gian chợ sáng lên những mảnh ghép văn hóa truyền thống mà thiếu nó thì chẳng còn cái Tết Việt nữa: Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,/ Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/ Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản,/ Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân./ Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ...Chợ Tết vừa có cái để ăn vừa có cái để xem, để đọc, để chơi và mang dấu ấn của nền văn minh lúa nước rất đậm đặc.
Nhắc đến câu đối đỏ, ta không thể không bâng khuâng nhớ lại Ông đồ của Vũ Đình Liên. Mới thấy hết những giá trị văn hóa lành mạnh ẩn chứa trong cái Tết cổ truyền của dân tộc: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bầy mực tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài/ “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay...”
Người mẹ trong thơ Nguyễn Bính từ phiên chợ Tết về mang cho các con mình những thứ thân thuộc dễ thương của tuổi nhỏ: Không như mọi bận người mua quà,/ Chỉ mua pháo chuột và tranh gà,/ Cho các em tôi đứa một chiếc/ Dán lên khắp cột, đốt inh nhà (Tết của mẹ tôi). Nhu cầu và niềm vui của trẻ thơ ngày ấy xem chừng cũng đơn sơ và giản dị biết bao. Chẳng như bây giờ, các loại đồ chơi điện tử đắt tiền mới là ước mong của chúng nhưng hồn nhiên vui vẻ thì chắc không bằng xưa. Đó là tôi nói con cái nhà khá giả ở thành thị hay một ít ở nông thôn chứ trẻ em vùng núi, vùng sâu vùng xa thì phần lớn vẫn còn cơ cực đấy.
Trong vườn thơ Việt có những bài thơ về chợ Tết thời kháng chiến đầy chất lính. Người lính Cụ Hồ cũng lây không khí Tết nhộn nhịp của nhân dân. Đây là phiên chợ Tết thời chống Pháp ở Nhã Nam (Bắc Giang) qua cái nhìn trong sáng, lạc quan của người Vệ quốc quân: Phiên chợ rừng quanh rộn rịp người/ Hồng, cam đỏ chín, chuối vàng tươi/ Bên kia lồng vịt, đây đường đậu/ Bột quấy chè lam mật mía lùi/ Gạo nếp trắng tinh mềm gạo dự/ Bốn năm đời lính chửa ăn qua/ Nồi cơm mở nắp vung lên khói/ Phảng phất mây che bóng cửa nhà...(Vân Đài-Tết giữa rừng xuân). Miền Bắc được giải phóng, từ năm 1956, Bàng Sĩ Nguyên đã có bài thơ Vợ chồng đi chợ xuân rất chân thực, sinh động và dí dỏm với các hình ảnh: Vợ chồng xuống núi đi chợ xuân/ Sương sớm còn che như lấp lối/ Vó ngựa cuốn nhanh chồng ríu chân/ Vợ thương ghìm cương dừng ngựa lại/ Vào chợ đổi hàng, mua vải muối/ Mắt đưa nhìn quanh thấy rượu nồng/ Chồng ghé vào hàng, say mấy chén/ Vợ đổi hàng xong dắt ngựa đến/ Gió mát nằm lâu chưa hết say/ Nâng chồng lên ngựa hàng chất đầy/ Vợ đi thong thả theo sau ngựa/ Về núi tay cương, chồng lỏng tay. Cô dân quân vùng cao sau phiên trực chiến máy bay Mỹ đi chợ Tết lòng vui như hội: Bản Sán Dìu xanh hơi khói lên/ Sương ủ cành xoan, đất ẩm mềm/ Hôm nay xuống chợ như đi hội/ Khi chị cài hoa lên tóc em/...Bản Sán Dìu thắng xong, trẻ quá! Vồng cải vàng hoa tươi tắn lạ./ Em xuống triền núi dốc như say/ Mùi cúc thơm khi nào không hay (Bằng Việt- Đi chợ Tết).
Thường thì nhà thơ khi đi chợ Tết ngày nay hay có những hoài niệm thương nhớ về dĩ vãng và gửi gắm nỗi niềm về nhân tình thế thái. Ngô Văn Phú sau khi phác họa phiên chợ Tết thời nay: Hàng nước ngoài, nhãn mác đỏ xanh/ Quầy điện tử xập xình băng nhạc mới/ Hàng tò he, vây quanh đám trẻ/ Ông lão lắng nghe, vê bột, nặn luôn tay thì chợt bâng lâng hồi hướng về quá khứ: Chợ Tết thời nay khác hẳn thời xưa/ Lắm thứ quá, nhìn lâu đâm rối mắt/ Quay trở lại với hàng tranh Tết/ Mua mấy nàng Tố nữ về treo! (Chợ Tết thời nay). Những giá trị văn hóa đích thực của dân tộc bám rễ rất sâu trong tâm hồn con người và đó là điều đáng cho ta suy nghĩ. Hướng Tết cổ truyền về cội nguồn với sự tri ân, biết ơn các thế hệ đi trước, gìn giữ phong tục tốt đẹp lành mạnh, hài hòa giữa hiện đại và dân tộc, giữa “ăn Tết” với “chơi Tết” là điều nên làm trong toàn xã hội và mỗi dòng họ, gia đình.
Tết đến, dù được sum vầy đoàn tụ vẫn có những thảng thốt trống vắng đối với thi nhân. Sự nhạy cảm tâm hồn thường hướng họ về những kỷ niệm vui buồn của thời xa xưa. Vọng tưởng tuổi thơ cũng là nhớ lắm, thương nhiều về mẹ của ta: Mẹ xưa đi chợ ngày giáp Tết/ Bán lá thu vàng, bán gió đông/ Mẹ mua chút nắng mùa xuân mới/ Đọng trên gò má thắm tươi hồng.( Nguyễn Phan Hách-Sắm Tết tuổi thơ). Vũ Duy Thông đi chợ Tết ở Hà thành đâu chỉ để Người ta đi sắm, mình đi ngắm/ Mắt thỏa thuê nhìn hoa với hoa mà còn muốn Tôi xin được cỗi như đào gốc/ Để làm bạn cũ của mùa xuân. Cây đào gốc mỗi bận xuân về lại nở hoa bất chấp sự già cỗi của mình như một tâm giao bền bĩ với mùa khai niên.
Cũng dễ hiểu, không phải lúc nào cuộc đời cũng bằng phẳng êm dịu với những đoàn tụ, sum vầy. Vẫn còn đó những chia phôi, xa cách, cô đơn. Bởi vậy, khi lang thang đi sắm Tết, Hữu Thỉnh băn khoăn day dứt với bao điều không dễ bán mua trong chợ đời rộng hẹp, nông sâu: Chợ gần vòng chợ xa/ Bán mua toàn thiên hạ/ Chợ mỗi ngày mỗi giá/ Giá nào cho chia phôi/ Biết sắm Tết gì đây/ Cho người đang xa cách/ Mua gì cho đỡ rét/ Bán gì với cô đơn...(Sắm Tết).
Chợ Tết đâu chỉ có âm thanh mua bán rào rào mà luôn đầy vơi những cung bậc bổng trầm của cuộc sống. Nhưng phần chủ đạo của nó là tình thân thiện và niềm hy vọng về một năm mới tốt lành. Nơi sắm Tết thời hiện đại có thể là các siêu thị bóng lộn ngăn nắp nhưng dễ chi quên được bấy nhiêu màu sắc âm thanh của phiên chợ Tết xưa cũ ồn ã bộn bề đã được tàng lưu trong thơ ca.
Nguyễn Hữu Quý
|