Tôi không biết phải giới thiệu với bạn đọc tác giả Trần Vân Hạc là nhà văn, nhà
thơ, nhà nghiên cứu, nhà lý luận… hay nhà giáo cho đúng nên đành gọi anh là “nhà…”
vậy bởi anh xuất hiện trên quá nhiều lĩnh vực mà bài viết ở lĩnh vực nào cũng sâu sắc công phu.
Chưa đọc anh nhiều nhưng tôi hiểu anh, nhất là về góc độ thơ vì tôi yêu mến hầu hết tất cả những bài anh sáng tác. Thơ anh nhẹ nhàng, giản dị không đao to búa lớn. Tôi có cảm giác anh không chú ý đến “ngoại hình” lắm và nặng về giá trị bên trong, đó cũng là điều hấp dẫn tôi. Với xu thế thơ hiện nay nhiều người đi tìm cái mới cứ muốn tỏ ra mình có cá tính trong khi chỉ có “quái tính” mà thôi. Họ đưa người đọc vào “Thạch trận” để rồi không thấy lối ra; Họ cho thực khách thực đơn quái dị và gọi là đặc sản để phải kêu lên:“Tôi cố đọc / cố đọc / và cố đọc / đọc xong / chẳng hiểu mình đọc cái gì / hy vọng ra đi / bực mình ở lại / ghét lây thơ / thật là không phải…” “họ bảo tôi / đó là đặc sản / còn tôi / gọi là món ăn quái đản…” thì phải nói Trần Vân Hạc giữ được cái riêng đáng yêu, đáng quý cho mình và cho những đứa con tinh thần của mình. Thật là một may mắn cho người yêu thơ chỉ muốn biết rõ tác giả trao tặng mình cái gì trong bài viết.
Xin giới thiệu với bạn đọc một trong nhiều bài thơ của anh mà tôi yêu thích nhất:
BÁT CANH TẬP TÀNG
Ảnh minh họa - Internet
Chỉ là một bát canh thôi
Mà anh đi tận cuối trời không quên
Vườn quê rau rệu rau rền
Tập tàng ngọt ánh mắt hiền em tôi
Mặn mòi đất mẹ em ơi
Nuôi lúa lúa tốt nuôi người người duyên
Mang theo một nắm đất hiền
Và đôi mắt ấy trao duyên thuở nào
Vợi đi nỗi nhớ nao nao
Vợi cơn nắng lửa xối vào lòng tôi
Ước ao một bát canh thôi
Xa quê nhớ đất nhớ người tôi yêu.
Đọc câu mở đầu ta tưởng sẽ nhầm lẫn nếu gọi là thơ vì dung mạo nó quá bình thường , hay nói khác đi nó là “khẩu ngữ”. Nhưng thực chất đây lại là tài của Trần Vân Hạc, anh làm thơ dễ như nói tiếng mẹ đẻ vậy. Câu mở bình thường ấy sẽ vút lên khi được câu sau chắp cánh: “Chỉ là một bát canh thôi / Mà anh đi tận cuối trời không quên.” Một “bát canh tập tàng” nói theo kiểu dân dã là “bát canh rau láo nháo” đã được anh đầu bếp tài hoa biến thành đặc sản làm cho thực khách phải khao khát và nao nao nếu đã có kỷ niệm quê hương, có ánh mắt hiền làm người ra đi không thể không quay đầu lại. Nhưng tác giả còn khéo léo hơn nữa khi nói với người đọc về nguồn gốc sâu xa của những gì ta có được là:“ Đất mẹ”.“Đất mẹ” đã “nuôi lúa lúa tốt nuôi người người duyên” nhờ thế mà cuộc đời “vợi cơn nắng lửa xối vào lòng”.
“Bát canh tập tàng” thật là một bài thơ sâu lắng, đượm tình.
Linh Tâm
|