Tôi cứ tiếc những năm trước đây do đắn đo mãi, không quyết định trang bị được cho mình một máy ảnh kỹ thuật số loại đa tính năng, nếu không thì bây giờ tôi đã có trong tay khối ảnh tư liệu có giá trị.
Mấy ông báo Lao động, Thanh niên, Đất Việt... thỉnh thoảng gửi thư sang xin một vài tấm ảnh về một số mảng đời sống của cộng đồng người Việt thời ốp chợ. Khi tôi trả lời là không có, thì họ nghĩ rằng tôi là anh bủn xỉn, giấu của chìm, không cung cấp vô tư cho họ. Thực tình là tôi không có lấy một cái nào nên hồn, có chăng thì toàn những thứ vặt vãnh không có mấy giá trị, nên không muốn gửi.
Tôi tiếc nhất là hồi các ốp Việt lúc đang thịnh vượng cũng như lúc ở tình trạng đã phải dùng kháng sinh liều cao, có những cảnh, những chi tiết mà bây giờ có đem vàng, đem xanh ra mà đổi cũng không thể nào có được.
Chẳng hạn, lúc đó vào bất cứ một ốp nào, từ Sông Hồng 1, Sông Hồng 3, Sông Hồng 5, Xaliut 2, Xaliut 3, Xaliut 5, Tôgi, Phương Đông…, án ngữ ở cổng ra vào bao giờ cũng là một bảng tin như một màn hình phẳng bằng gỗ khổng lồ và đầy giá trị thông tin. Giá như có chủ ý chụp những cái ảnh loại này thì sẽ có tư liệu đầy ấn tượng.
Trên cái màn hình đó dán chi chít các loại thông báo, có cái in ấn đàng hoàng, có cái viết tay nguệch ngoạc đầy đủ các loại hình nội dung: thông báo vệ sinh, cứu hỏa, nộp tiền, tìm vật dụng, tìm hộ chiếu. Phong phú nhất là hàng chục tấm quảng cáo dịch vụ luôn in đậm, trình bày bằng máy tính, choán hết cả mọi chỗ trống, giới thiệu phòng uốn tóc, thẩm mỹ, chụp ảnh, phôtô, lòng dồi tiết canh, taxi sân bay, tìm người trông trẻ, giấy tờ các loại, chuyển quà về nước...
Mặc dù trên các tờ báo phát hành trong ngày bằng tiếng Việt tại Nga đều có tám đến mười trang quảng cáo, thì những quảng cáo trên màn hình gỗ vẫn giữ nguyên giá trị và mang tính thời sự rất cao.
Hầu như các hạng mục dịch vụ được đăng tải trên báo đều đáp ứng được tương đối đủ đầy những nhu cầu của mọi tầng lớp người Việt đang có mặt ở nước Nga này. Có thể liệt kê một cách đại thể những lĩnh vực dịch vụ đa dạng như chính bản thân cuộc sống: giấy tờ, bất động sản, hải quan, vé máy bay, bảo hiểm ôtô, phiên dịch, y tế, viễn thông, máy tính, học hành, trông trẻ, du lịch… Nó giống như những biểu đồ, chỉ dẫn những mảng hoạt động nhiều chiều của người Việt, là biểu hiện rõ ràng nhu cầu của một cơ thể sống. Chỉ trong cơ chế thị trường thì hệ thống dịch vụ mới nẩy nở, sinh sôi với tốc độ tỉ lệ thuận với thời gian và sự phát triển muôn mặt của thương trường.
Tôi còn nhớ như in vào mùa thu năm 1989, trước khi năm học mới ở Nga bắt đầu, tôi có việc về gấp Hà Nội để làm việc với Trường Đại học Tổng hợp một vài thủ tục cần thiết cho việc chuyển tiếp sinh.
Mặc dù không phải ở thời điểm Tết nhất gì, nhưng tôi phải ngược xuôi bằng tàu điện ngầm và xe điện tới thủ phủ của hãng vé máy bay độc quyền Aeroflôt đóng gần metrô Đôbrưnhinkaia tới năm lần, xếp hàng gần cả ngày đến sưng vù chân như chân voi mà vẫn không mua được vé.
Nghĩ cái thời đó cơ khổ quá chừng. Bây giờ chỉ cần ngồi quán, vừa nhâm nhi cà phê vừa gọi điện cho một trong gần hai chục số dịch vụ vé máy bay của người Việt tại Thủ đô Nga, thì chỉ nội trong vòng một tiếng, nếu không bị tắc đường, thì nhân viên dịch vụ sẽ mang vé đến cho anh tại địa điểm yêu cầu.
Có lần, chuẩn bị cho một đoàn cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi Xanh Pêterburg, tôi bèn lên khách sạn nơi các vị ở, thu gom hộ chiếu để tính chuyện phi ra ga Lêningrat để mua vé trước. Thấy vậy, đứa em họ lái xe đưa tôi đến, cười khẩy mà rằng, anh ở đến mốc đầu trên nước Nga mà mãi không tiến bộ lên được, cứ như gà công nghiệp. Ngoài nhà ga, để mua vé bắt buộc phải mang theo giấy tờ, hộ chiếu, còn qua dịch vụ thì chỉ cần đọc tên qua điện thoại thôi, họ sẽ mua giúp cho anh, giá chỉ nhỉnh hơn với giá gốc một chút, chưa bằng tiền xăng xe để đi đến nhà ga đâu!
Quả thế thật. Tôi gọi điện, xưng danh và thể hiện một vài yêu cầu về chuyến đi như giờ xuất phát, loại tàu, loại ghế… là từ phía đầu dây vang lên một tiếng dạ rõ to như hô khẩu hiệu thực hiện mệnh lệnh, tức là nguyện vọng được thực thi.
Đối với dịch vụ vé tàu xe, máy bay, nếu anh không có xe riêng, thì họ sẵn sàng điều xe đến khách sạn đón anh ra nhà ga, ra sân bay bất cứ gió mưa hay nửa đêm gà gáy.
Đại bản doanh của các Trung tâm dịch vụ thường có office hẳn hoi, nhưng mạng lưới của nó thì hoặc là nằm ở trong một ốp, một công bán hàng, hoặc một góc của quán ăn. Họ quen nhiều và năng động thực sự, như nhận xét của một anh bán hàng da có công gần một dịch vụ vé là dịch vụ biết tuốt, mọi việc đều xong tuốt. Mỗi nhân viên dịch vụ vé hầu như đều có xe hơi và luôn mang theo hai điện thoại di động, tần số sử dụng như một tổng đài, nhoay nhoáy và rõ ràng. Khi khách yêu cầu, họ sẵn sàng mua vé mới, sẵn sàng nâng cấp vé, sẵn sàng trả lại vé không bay, sẵn sàng đổi ngày, đổi chuyến. Dịch vụ vé không phải là hai, ba sẵn sàng mà là hàng chục sẵn sàng!
Những chiêu ngoạn mục nhất dịch vụ vé thường tung ra vào thời kỳ Tết. Do số lượng người thường vượt 30 đến 40% so với giai đoạn trung bình, chủ yếu dồn vào quãng từ 20 đến 29 tháng Chạp ta. Mặc dù số chuyến bay được tăng cường, nhưng vé luôn luôn ở tình trạng sốt hầm hập. Ra quầy vé chính thức của Hãng thì cầm chắc một điều là tay không trở về, nhưng qua dịch vụ thì muốn bay ngày nào họ cũng cố thu xếp được chỗ. Nếu khách chấp hành theo giá thời chiến, nhân viên dịch vụ sẽ nhiệt tình như chiến sĩ thi đua.
Dù các Trung tâm dịch vụ cạnh tranh nhau âm thầm, khốc liệt, nhưng cực kỳ thống nhất trong mặt bằng giá của từng giai đoạn, không một ai dám tự ý phá luật chơi từ một sở chỉ huy nào đó phát ra.
Những đoàn du lịch nào đã thành lập xong, đã đưa ra lịch trình rồi; hay những chuyến công tác của một công ty nào đó đã ấn định thời gian rồi mà vé chưa có trong tay thì coi như là cá đã rửa sạch, nằm trên thớt, chặt cắt thế nào là tùy dao dịch vụ.
***
Guồng máy hoạt động có công suất lớn nhất, liên tục nhất, có thâm niên lớn nhất phải kể đến mảng giấy tờ và các vệ tinh ăn theo. Dịch vụ này manh nha vào khoảng năm 89, 90 khi cơ chế bao cấp đang thở hắt ra ở Liên Xô, còn cơ chế thị trường Nga hãy còn phôi thai trong ống nghiệm.
Dù Liên Xô lúc ấy đang ở cảnh chợ chiều đi chăng nữa, sang được Matxcơva thời điểm này cũng là một cuộc đổi đời nho nhỏ, văn minh, không phải vác khuân, ngược xuôi lam lũ ở quê nhà mà còn cao sang nữa. Những cán bộ nào mài quần lâu năm trên ghế văn phòng mà chưa được trên nhòm ngó tới, muốn sang Nga một chuyến thì phải xuất ra trình cho Phòng Tổ chức cái Giấy mời đi trao đổi hoặc dự Hội nghị Khoa học, lo được từ cửa nào thì không cần biết!
Cơ chế nước ta lúc này cũng đã hơi thoang thoáng, chỉ cần mỗi cái tiền đề kia, Phòng Tổ chức sẽ cấp giấy giới thiệu lên cơ quan chủ quản để đi làm hộ chiếu, đồng thời được ưu tiên ra Cửa hàng Bách hóa Bông Vải Sợi sau Bách hóa số 5 Nam Bộ cho mua rẻ một bộ comlê mốt năm 60 và hai chiếc sơ mi. Giày và cà vạt thì xem trong nhóm đồng nghiệp, anh nào từng ở Tây về thì mượn tạm. Còn trong nhà xem có nuôi được lợn tăng gia thì cho ra chợ, hoặc đưa cái xe đạp đẩy đi với giá rẻ; nếu không thì giật nóng lấy hai chỉ vàng để mua vé phi cơ hai chiều. Tạm ứng được lương thì ra ngay Hàng Đào sắm năm áo phông nữ cành mai, hay phông nam cá sấu; hai quần bò, ba áo băng đạn Khâm Thiên, một đồng hồ citizen mặt lửa theo tiêu chuẩn truyền khẩu, không văn bản nào quy định. Tất cả tài sản đó cho vào hộp giấy, dùng thừng bó nghiến lại và lên đường xuất ngoại đi dự Hội nghị Khoa học! Ba tuần sau ra về, thay vào hộp giấy nhỏ sẽ là hộp giấy lớn bên trong nhồi đủ thứ: may xo, bàn là, lật đật, túi lưới, bàn chải răng, xà phòng 72%... phích đá và pê đan xe đạp.
Địa chỉ lo những loại giấy mời này vẫn là Đôm 5 Viện Hàn lâm, nơi giữ cúp luân lưu vô địch về tinh thần xung kích trong cơ chế thị trường.
Công lao đưa những dòng người sang như thác lũ vào những năm 92 đến hết năm 96 thuộc về những nhà Du-Giáo, như những anh hay hài hước vẫn hay nói rút gọn chữ Du lịch và Giáo dục thời đó. Những năm này, Hiệp định lãnh sự cũ của hai nước Việt - Xô vẫn còn hiệu lực, hộ chiếu phổ thông vẫn có đủ tư cách qua biên giới, chỉ cần có vé trong tay là đã nhìn thấy cửa Đôm 5 và ốp Búa Liềm rồi.... Còn đăng ký hộ khẩu những năm hoàng kim này không phải là một năm mà là ba năm hay năm năm tùy theo nơi mời đến.
Khi ở Nga cửa thị trường mới hé, thì ở Ba Lan, cửa ngõ buôn bán tự do đã mở toang từ lâu rồi. Hàng trăm người Việt ở Nga đều muốn có hai chữ AB đóng vào hộ chiếu để xuôi ngược mươi chuyến, hòa nhập vào dòng con thoi trẩy hội đánh hàng từ Vacsava về Nga để góp phần cải thiện thêm cái tủ lạnh, điều hòa Mônđavia vào tài sản gia đình một cách nhẹ nhàng nhất. Cứ mở hú họa hộ chiếu của nhiều công nhân, nghiên cứu sinh, đặc biệt là thực tập sinh thời đó là thấy hai chữ AB đỏ thắm, khẳng định quyền qua lại Bretxt của Belorus để đi thăm thành Vacsava cổ kính. Sau hai chữ đầu tiên trong bảng chữ cái la tinh đó, thấp thoáng bóng dáng bàn tay của các nhà dịch vụ!
Thời tờ Vạn sự, ông tổ hệ thống báo lá cải của người Việt tại Nga thời mới chào đời, chưa có một dòng quảng cáo nào, nhưng các lớp cháu con kế cận như For you, Nhân hòa, Thời mới, Tin nhanh, và đặc biệt bây giờ là Nhật báo, Tin tức, Thời báo… thì trong suốt sáu chục trang, luôn có tới gần chục trang quảng cáo, trong đó về mảng dịch vụ giấy tờ chiếm non một phần ba.
Nói có sách, mách có chứng, trên tờ Nhật báo có tới 21 ô quảng cáo về dịch vụ giấy tờ. Quảng cáo không hề dùng lời hay, tiếng đẹp mà đanh, ngắn và nội dung rất khúc chiết: “Chuyên Giấy tờ, quyền lao động, khẩu mọi tình trạng - Đổi hộ chiếu lấy trong ngày - Visa mở, giấy mời các loại - Chuyển quà không phần trăm. Điện thoại… Gặp anh A, chị B”. Có những địa chỉ đã thành thương hiệu độc quyền truyền miệng hàng chục năm nay. Phải là người sống ở Nga mới giải mã hết những cụm từ giống như thuật ngữ chuyên môn kia.
Nhưng cũng xin thưa, những địa chỉ trưng lên mặt báo chỉ là những đại lý, những phân nhánh của một tổng hành dinh đầu mối điều khiển. Đại lý nhận giấy tờ, chuyển tới một đại lý gần tổng hành dinh hơn, mãi sau đó qua một vài cầu nữa mới đến trung tâm. Kết cấu theo kiểu hình piramit - kim tự tháp này là hình thức phổ biến của các loại hình dịch vụ.
Từ năm 95 thế kỷ trước, UVIR (cơ quan quản lý người nước ngoài) chỉ đóng hộ khẩu năm một và visa một lần ra vào. Quy định còn chỉ rõ là muốn gia hạn hộ khẩu tiếp tục thì thể nhân phải rời Nga trở về nơi xuất phát, phải có dấu vào Nga. Thế mà trong một số năm, các nhà dịch vụ giấy tờ của ta đã giải quyết vẻ vang việc đột phá khâu khúc mắc đó. Họ giúp cho các nhà sáng tác ra quyết định hiểu ra sự phi lý và tốn kém của visa một lần. Về sau, việc gia hạn hộ khẩu không phải vượt qua một thôi đường gần hai chục ngàn cây số cả đi lẫn đến nữa mà chỉ đi bốn, năm cây số ra chợ, gặp địa điểm dịch vụ cũ là việc gia hạn dễ như trở bàn tay. Visa chục năm nay được cấp loại ra vào nhiều lần, anh nào bố mẹ già yếu phải thăm nom; anh nào có vợ ở nhà canh giữ cơ đồ, muốn thỉnh thoảng về thăm mẹ hĩm, thì cứ việc lấy vé bay về, không phải xin visa ta lẫn tây nữa.
Trong nội tộc nhà tôi, có đứa cháu con ông anh cả thi năm lần, bảy lượt vẫn không bén được cổng trường Đại học. Ông anh gọi điện cho tôi, tưởng tôi thông minh, rành rẽ về các loại thủ tục lắm, nhưng anh hỏi câu nào, tôi cũng ậm ờ ghi nhận rồi trả lời sau, như mẹo của các bác ngoại giao. Tôi vác vở lên gặp một ông bạn quen làm dịch vụ, nhờ ông chỉ cho đôi đường để giải thích cho ông anh biết các thang bậc, ngõ ngách chuẩn bị cho con sang xứ bạch dương làm thợ.
Nhà dịch vụ cao niên cho hay là, “việc đầu tiên của mọi công đoạn là phải có hộ chiếu, việc này nhỏ hơn con muỗi. Sau đó, phải phôtô coppy bốn trang đầu, gửi qua meo sang đây. Sau khoảng ba tuần phía dịch vụ sẽ lo cho Giấy mời, Quyền lao động, chuyển phát nhanh cho nhà dịch vụ phía Hà Nội. Họ sẽ mang lên Lãnh sự Nga cạnh Trường Đại học Giao thông Cầu Giấy nộp lệ phí để có visa, nhanh hay muộn là tùy ở cách đối xử và quan hệ của mình. Công đoạn cuối cùng là tới phố Quang Trung lấy vé, có người đưa ra sân bay, an toàn tuyệt đối. Sang Nga thì đã có người đón tận cửa Biên phòng như là đón cán bộ nhà nước sang công tác. Còn hỏi gì nữa không?”
Tôi ghi ghi, chép chép, thực sự là sáng mắt, sáng lòng, và cao giọng gọi về cho ông anh biết và yên tâm về chặng hành trình trong tương lai của con trai dưới sự cầm lái chỉ đường của các nhà dịch vụ.
Nhưng đã hai năm nay, việc tuyển quân sang không đơn giản như trước nữa. Các nhà dịch vụ giở văn bản ra cho hay là công ty nào muốn đưa người sang, phải được cấp côta, theo tiếng bản địa gọi là kvôta. Số lượng người mời phải tương ứng với số lượng côta cho phép. Công ty nào mời phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những đối tượng được mời, không được mang con Việt bỏ chợ Nga. Kiểu thế này thì các công ty một ngày, loại công ty lập nên, làm xong việc thì xóa, khó mà múa theo bổn cũ.
Trong khung cảnh nhiêu khê, phiền toái đến không giấy mực nào tả xiết của các thủ tục hành chính Nga, nếu không có các nhà dịch vụ thì có khi rơi vào cảnh sống dở, chết dở. Tôi xin hầu kể một chuyện nhỏ xẩy ra cách đây không lâu để một vài bạn, nhất là các bạn sinh viên hay ca thán trên blog về các chuyến bay sang Nga và sự rắc rối không có điểm dừng khi làm giấy tờ, vẫn thấy mình được chia sẻ.
Con gái của bạn tôi đang làm nghiên cứu sinh tại Kiev, vốn học ở Nga từ nhỏ. Trong những lần các phái đoàn cán bộ cao cấp của ta sang Ukraina, cô bé đều được mời phiên dịch trong các cuộc gặp không chính thức.
Mùa xuân năm 2007, cô bé qua Matxcơva để dự lễ bảo vệ luận án của một người bạn, tiện thể đi thăm lại Thủ đô Nga, nơi cháu từng sinh sống.
Visa vào Nga của cô bé chỉ có hạn mỗi một tháng. Nếu khi rời Matxcơva đi bằng máy bay thì vừa đúng juyt hạn cuối cùng, nhưng vì cô bé đi tàu hỏa, nên khi đến ga Brianxk, biên giới hai nước Ukraina và Nga, thì đêm đã chuyển sang ngày khác, có nghĩa là đã quá đi những ba giờ! Cô bé hết năn nỉ, xin xỏ, khóc lóc, nhưng những người lính biên phòng Nga mẫn cán vẫn một mực lắc đầu.
Cực chẳng đã, cô đành quay theo chuyến tàu ngược lại Matxcơva để xin gia hạn tiếp visa. Ôm hộ chiếu như ẵm con nhỏ thiếu sữa đến ít nhất là ba cửa, có hai cửa to đùng là Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nga và Sứ quán Ukraina, nhưng kết quả đều giống nhau, không ai giải quyết.
Vợ chồng bạn tôi ở Kiev hốt hoảng gọi điện hàng ngày đến mọi chốn, mọi nơi có thể; còn cô bé đến nhà mếu máo và hỏi tôi có cách nào cứu khổ, cứu nạn? Về Việt Nam cũng không được, vì không thể ra khỏi sân bay; ở lại Nga thì lại càng không thể vì không có đăng ký tạm trú. Tôi cũng ù tai và buông tay bất lực, nhưng không để cháu thất vọng, tôi bấm máy gọi cho gần một chục địa chỉ dịch vụ và cuối cùng bài toán đã có được lời giải. Bằng cách gửi hộ chiếu về thành phố xa, dịch vụ sẽ đăng ký hộ khẩu ba tháng và đương nhiên xin được visa.
Với chiến thuật này, cô bé ung dung đi qua những người trước đây từng bắt cô quay lại, mà không vấp phải một sự cản trở nào. Khi về đến Kiev, cô thề là không bao giờ trở lại Nga nữa! Tôi bảo thế là cực đoan, vì Biên phòng họ máy móc, nhưng làm rất đúng, nên sang Nga trở lại để biết mình dũng cảm đến mức nào!
Nếu không có dịch vụ thì quả này xuống đất hay lên trời cũng không xong.
Đã qua dịch vụ thì dĩ nhiên là phải có chi phí và công xá. Cứ hình dung ra cảnh tắc đường trong thành phố; cảnh đứng xếp hàng cả ngày ở các cơ quan hành chính Matxcơva; cảnh nhân viên công quyền hạch đủ các loại giấy và chữ ký thì ai cũng phải đồng thanh nhất trí rằng, mỗi hộ khẩu, dịch vụ ăn ra dăm, bảy chục đô là hoàn toàn xứng đáng.
Đáng phàn nàn nhất là các dịch vụ bé lương tâm và thiếu trách nhiệm, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi. Làm xong hộ khẩu rồi, nhận tiền xong rồi, khi xảy ra sự vụ cần giải đáp, cần bổ sung hoặc hỏi han điều gì, gọi đến năm lần, bảy lượt thì máy Trung tâm dịch vụ đã đổi sim, thay số, bà con chỉ mỗi nước kêu trời.
***
Trong một cuốn sách viết về giáo dục, nhà sư phạm Xô Viết lỗi lạc Xukhômlinxki có kể về câu chuyện một ông già đã ở tuổi thất thập mà mỗi lần ngồi vào ghế cắt tóc là run bắn lên sợ hãi. Nguyên do là từ hồi còn bé, khi cắt tóc, một phó cạo nhà quê đã vô ý cắt mất một mẩu tai của cậu, máu chảy đầm đìa. Việc đó đã gây xốc và ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.
Tôi thì không bị xẻo tai, nhưng ấn tượng về lần làm giấy tờ đầu tiên trong đời để xuất ngoại đã làm tôi hãi hùng đến mức cứ nghe nói chuẩn bị đi làm một thủ tục gì đó, tôi cũng không khỏi rùng mình khiếp đảm.
Từ bấy về sau, có việc gì liên quan tới chữ ký, dấu má, đơn từ, trích lục, tôi đều nhờ người quen làm hộ.
Còn hai chục năm ở Nga, mọi thứ giấy tờ tùy thân tôi đành phó thác cho dịch vụ lo cho, chỉ trừ những việc bắt buộc mình phải chứng minh bằng người thật, tên thật, bằng xương, bằng thịt như làm công chứng hay nhận chứng chỉ thì tôi đành phải lộ diện.
Trước đây, cái xe già nua tôi chạy, phải sử dụng đoverennoxt - giấy uỷ quyền của ông chủ người Nga, loại giấy mà luật cho phép, cứ sau ba năm thì ông ta ra công chứng gia hạn cho ba năm tiếp theo nữa. Nhưng sau khi sang tên tôi, hàng năm, tôi lại phải ra phố Rađiannaia cách xa nhà ba chục cây số để đăng ký lại một lần theo hộ khẩu. Kể ra việc này cũng không phải khó khăn gì lắm, chỉ cần đi từ mờ sáng như thời bao cấp hay nói là xếp gạch, chờ đến lượt, ghi tên tuổi, công an Giao thông duyệt qua, cho phép đến nhà băng trả tiền, chờ giám định số máy, số khung. Họ sẽ thu lại toàn bộ hồ sơ, hẹn lên tầng hai ngồi đợi. Khi được xướng tên, được phép vào phòng kiểm tra lại tên thật, người thật một lần nữa, thì lại ra ngồi ngoài hành lang chờ tiếp. Khi xong mọi việc, qua loa phóng thanh, họ mời vào phòng nhận.
Kể một thôi một hồi các bước đi của một cuộc hành trình vĩ đại, nghe đã thấy ù tai lên rồi. Nhưng đi sâu vào chi tiết thì quả là mới thấm thía hết khổ nạn tích lịch trình, cái con đường đau khổ. Nộp tiền nhà băng không phải là ngay trong khu vực, mà đến chỗ gần nhất cũng hơn bốn kilômét, cũng lại phải sắp hàng như chờ phát chẩn. Khi kiểm ta số khung, số máy, bao giờ cũng phải đánh sạch dãy chữ số trong thân động cơ đầy bụi, dầu mỡ phủ kín. Việc này không một ai làm được vì nó nằm trong hốc sâu, không có đồ chuyên dụng, lại phải nhờ đến một công nhân thường trực chuyên nghiệp. Và dĩ nhiên lại phải trả ngoài hóa đơn một khoản. Các chú công an giám định thì khề khà, có lúc xe xếp hàng dài, song song bốn, năm dãy, nhưng họ vẫn nhởn nhơ ngồi hút thuốc, tán gẫu. Khu vực đăng ký xe 100% là người ngoại quốc, các ông lớn Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Đức… mặc dù cũng chịu chung cảnh đại quan liêu về nạn giấy tờ, nhưng so với người Việt hay Trung Hoa thì còn sướng chán vạn lần. Họ không bị mè nheo, hách dịch, không bị vòi vĩnh hoặc làm khó dễ. Riêng người Việt nếu không chịu hiểu, không biết ý, là lập tức kiểm tra viên khệnh khạng phán một câu vàng khè là, số máy có dấu hiệu không bình thường! Thế là phải hiểu ngay, bằng không thì phải lên tới Cục giám định kỹ thuật ở tít mù khơi mất thêm hai ngày để rà soát lại. Mà ở đó cũng phải hiểu, cũng phải trả bài!
Với số lượng xấp xỉ một triệu người nước ngoài và gần ba trăm ngàn xe của dân ngoại quốc tại Thủ đô mà chỉ có một chỗ duy nhất đăng ký, thì nhân viên ở đây tự ban cho mình đủ mọi quyền. Vì thế, bao giờ đến kỳ phải tái đăng ký, tôi cũng chuyển giao đôi quang gánh không mấy thoải mái này sang đôi vai dịch vụ.
Bên dịch vụ, họ làm chuyện này gọn nhẹ lắm. Cũng ngần ấy công đoạn, cũng qua ngần ấy cửa, nhưng đối với họ việc này giống như là những cuộc giao lưu hữu nghị với các nhân viên. Thường việc khó khăn đối với họ là những vụ mất giấy tờ cần hồi phục lại; những trường hợp số khung một đằng và số máy một nẻo, những số xe đang bị truy nã… Để giải quyết những ca này cần phải có thời gian, có quan hệ với những xếp lớn và không phải ai cũng làm được. Sơ sơ trong người Việt ta có tới gần chục người làm dịch vụ xe, có người thừa thời gian phục vụ để nhận sổ hưu non, vì đã trên mười lăm năm có lẻ hành nghề.
Đi theo dịch vụ xe là dịch vụ bảo hiểm. Từ năm 2005, người chạy xe phải mua bảo hiểm bắt buộc, có bảo hiểm toàn phần và bảo hiểm trách nhiệm. Việc sử dụng bảo hiểm là một bước ngoặt văn minh trong lịch sử sử dụng xe cộ. Những năm trước đây, hàng loạt vụ gây tai nạn ăn vạ xẩy ra liên tục, trong số đó, người Việt dính đòn không ít. Bọn ăn vạ thường đi những chiếc xe hiệu sang có tuổi đời vài, ba chục năm có lẻ như BMW, Metxeđec, nhưng sơn sửa rất bắt mắt. Chúng thường có hai ba xe cùng lượn song hành, khi nhắm con mồi rồi, chúng cho một chiếc xe ép con mồi vào phía bất lợi và con mồi sẽ húc vào chiếc xe chủ ý sẽ làm tang vật. Chiếc xe bị húc thường bị bật bampe, vỡ đèn hậu, móp cánh cửa. Chúng sẽ dừng xe lại và đe dọa, nếu con mồi khôn hồn nộp một số tiền do chúng yêu cầu thì được giải phóng. Bằng không, chúng sẽ gọi điện cho công an giao thông đến, mà vị công an mang sắc phục này lại là người của chúng. Trước sau, con mồi cũng ăn đòn tài chính nặng. Những con mồi chúng nhằm, than ôi, cũng toàn là người Việt thấp cổ, bé họng.
Từ hồi công an khám phá ra những tổ chức ăn vạ, cộng với việc mua bảo hiểm, những vở kịch loại này hầu như không diễn nữa. Khi lỡ có tai nạn xẩy ra, nếu không có ai bị thương vong, cả hai bên ngồi vào xe hút thuốc, chờ công an đến khám nghiệm hiện trường. Mọi thiệt hại do va chạm sắt thép đều do bên bảo hiểm chi phí.
Nhưng nếu người Việt mua bảo hiểm tại các đại lý tây, khi có sự, gọi mỏi mồm, chờ dài cổ, tây mới đến. Nếu mua của ta thì khi động sự, những người bán bảo hiểm còn đến hiện trường cả trước khi công an đến giám định và họ không để cho vụ việc nhiều khi bị đổi trắng thay đen.
Căn cứ theo các quảng cáo đăng trên báo, thì bên ta có sáu chỗ bán bảo hiểm xe. Mỗi nơi bán cho một công ty bảo hiểm, họ được một ít phần trăm theo hợp đồng với công ty đó.
Tiền nong thì những người làm dịch vụ xe cũng kiếm được không đáng gì với anh đi chợ hạng một, nhưng không kém phần vất vả. Đi sâu vào ngạch này có nhiều điều thú lắm, ví dụ như làm giấy kiểm định kỹ thuật hàng năm, bằng lái, giám định tai nạn, xe nghi vấn…kể hết cũng phải có thời gian như nàng Xêhêrazat, mất một nghìn lẻ một đêm.
***
Có một lần, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội 22 - 12, nhóm anh em cựu chiến binh từng tham gia chiến trường C có mời chúng tôi tham dự cuộc vui. Chúng tôi đi trên hai xe đến nhà hàng, đường tắc và tuyết rơi mù mịt, rốt cuộc là hai xe lạc hướng mất nhau. Để mọi người đến nhà hàng trước, tôi và một anh bạn xuống đứng đợi xe mất hướng để chỉ đường. Điện thoại di động lạnh cứng như một cục sắt, phải ủ ấm trong túi ngực kẻo bị mất tín hiệu. Trên người tôi đã huy động hết cả kho nhu liệu dự trữ, nào là mũ lông dày, hai áo len, khăn lù xù như một chiếc riđô quấn lại; bên ngoài khoác một chiếc pantô nặng hơn hai ký, thế mà vẫn rét run lập cập. Anh bạn tôi cũng vậy, mặc đủ thứ trên người rồi, vẫn cứ nhảy xuýt xoa vì chân buốt cứng và thở dài buông một câu đầy thông cảm giống hệt một lãnh tụ cộng đồng: “có thế này mới biết được nỗi khổ của bà con mình đi chợ!”.
Mà thế thật, chúng tôi mới đứng hơn nửa giờ mà người cứ như hóa đá, huống hồ bà con ta đứng suốt ngày dầm tuyết ngoài chợ. Cách bà con đi chợ đối phó hữu hiệu nhất với sáu tháng mùa đông là khi rời nhà chỉ ăn mặc như người đi đường thôi, nghĩa là mang áo khoác, mũ ấm, giày đông bình thường. Nhưng khi đã lâm trận, tức là đứng trong lãnh thổ chợ, thì trong công đã sẵn cả một hệ thống quân trang, quân dụng: giày nỉ nện cao đến gối, thường dùng số to để còn chứa vừa ba đôi tất; áo suba hoặc áo lông dày đến mức ngã xuống là nằm lăn như một bịch hàng; còn mũ thì trang bị loại có lông và có tai che đề phòng bỏng tuyết.
Ở trong chợ, hơi người, mùi hàng hóa, đặc biệt là mùi hàng da bốc lên ngột ngạt, những hôm trời nóng thì chỉ há mồm lên trời mà thở như cá thiếu nước. Đa số bà con đều mang trong mình những căn bệnh tiềm ẩn, nhiều nhất là bệnh khớp, bệnh phổi, bệnh nấm…Việc sống không hợp thủy thổ, khi còn trẻ khỏe, cơ thể còn đủ sức đề kháng, thì có thể dễ dàng vượt qua; nhưng khi đã có tuổi, nó giống như chiếc xe đạp cũ, lúc thì thủng săm, lúc thì đứt nan hoa, lúc thì rão xích, không thể gồng mình lên được nữa, cần phải trung tu, đại tu lại.
Muốn đại tu lại sức khỏe, đòi hỏi phải có thời gian điều trị, phải chạy chữa, phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Người Việt ta tính thường tham công tiếc việc, nghỉ một ngày là mặt mũi nhăn nhó. Họ nói thật với tôi là, “chúng em có phải là con rôbôt đâu, cũng muốn nghỉ ngơi lắm chứ. Nhưng anh tính, tiền thuê công trả chủ chợ và tiền kênh hàng tháng ngót nghét chục ngàn đôla, nghỉ một buổi là đi đứt ba vé, em lấy đâu ra mà bù lại!”. Nói như thế là gan ruột lắm.
Hơn chín chục phần trăm dân ta không mua bảo hiểm y tế, ngoại trừ sinh viên, cán bộ đi theo con đường quốc gia và các cháu học sinh phải mua bảo hiểm bắt buộc. Bà con ta công tác ngoài chợ thường tặc lưỡi một cách đơn giản là mua làm gì, có phải lúc nào cũng ốm đâu. Có nghĩa theo cách tư duy giản đơn là gặp đâu hay đấy, khi nào ngã bệnh thì lúc đó lại lo sau.
Không có bảo hiểm, cứ vào bệnh viện Tây, mỗi lần khám, mỗi lần tiêm cũng phải mất nửa vé. Còn trọng bệnh, phải thử máu, chụp phim, chụp cắt lớp, thì nói như cụ Nguyễn Du là “Tam xuân tích bệnh bần vô dược - Trấp tải phù sinh hoạn hữu thân”, ba năm mang bệnh, nghèo không thuốc, có thân thì phải lo thôi.
Cách lo của bà con là tìm đến các Trung tâm Y tế của người Việt đăng nhan nhản trên các báo khổ A4.
Cứ đọc quảng cáo trên các báo này thì các bác sĩ hói đầu làm việc tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và Sài Gòn cũng phải phủ phục xuống lạy. Tay nghề của các bác sĩ tại đây đạt đến mức Hoa Đà, đảm nhận được từ việc giải quyết nóng cho phụ nữ đang có thai thành không phải mang thai, cho đến việc giúp có thai cho người không có khả năng mang thai; từ việc tiểu dắt cho đến đái tháo đường..., không dám kể ra nhiều, chỉ thử chép ra, xin lỗi, chép lại hai trong số 17 quảng cáo trên báo cộng đồng ở thời điểm này để thấy dung mạo kỳ vĩ của nền Y học ta xuất ngoại.
“… Nhận chữa các bệnh đau đầu, đau cột sống, thoái hóa đĩa đệm, vôi hóa cột sống, đau thần kinh tọa, thần kinh bại liệt, liệt mặt, méo mồm, lưỡi ngắn, đau gan, đau mật, đau thận, đau dạ dày, đái đường, bệnh tiểu đường, bệnh tiết niệu, bệnh sỏi bàng quang…”.
“… Nhận khám và điều trị đa khoa cho mọi dân tộc, đất nước với phương pháp hiện đại, với đội ngũ các bác sĩ đầu ngành”.
Các bác sĩ đầu ngành đó làm việc trong các Bệnh xá kiốt ngoài chợ rộng từ 7 đến 8m2; hoặc thuê một phòng ở trong ốp khoảng 14m2, vừa là bệnh viện mini, vừa là nơi ở, vừa là bếp núc. Bệnh nhân đến đây nhiều dạng, người thì nhờ tiêm, người thì nhờ tiếp đạm, người thì nhờ bấm huyệt, matxa lưng… Những bệnh đơn giản như đau bụng, cảm gió, bong gân, đau họng… là chuyện vặt đối với các tín đồ ngành y của ta, không phải lắm thủ tục như Tây, giải quyết ngay tắp lự. Vào Bệnh xá kiốt khám bệnh, chỉ hỏi: đau gì, uống thuốc gì rồi, sau vài thao tác là đã kê đơn và thanh toán viện phí. Một số chị em do mải vui quên hết… hay đến đây để nhanh chóng giành lại tự do, một vài bác sĩ có tay nghề cao lo chuyện này nhanh lắm. Không phải ngẫu nhiên mà có tới ba quảng cáo đăng cái sự tế nhị này ghi rất rõ tuổi tên, địa chỉ. Có bác sĩ được mang hỗn danh gắn với chuyên môn kín đáo đó.
Thỉnh thoảng vào ốp la cà, gặp gỡ và hóng chuyện, tôi được nghe bà con kể nhiều chuyện rất cảm động về những người làm nghề y trong cộng đồng. Có những ca đau nặng, không có giấy tờ, gọi 03 vào các ốp thì ít khi được đáp ứng, thế là đích thân họ lại phải bắt tacxi đưa bệnh nhân đến tận bệnh viện. Có anh cửu vạn gẫy xương, không có tiền chữa, không có bảo hiểm, một bác sĩ đành phải cho bệnh nhân điều trị, ăn uống cả tháng trời miễn phí.
Phân hội Y Dược tại Nga cũng đã dành khá nhiều thời gian đến khám, tiêm thuốc phòng dịch cho một số Trung tâm Thương mại trong chương trình hoạt động vì cộng đồng.
Các bệnh nặng thì tại các Bệnh xá kiốt cũng xem xét, kê đơn, nhưng chủ yếu là chuyển sang tuyến trên, tức là các bệnh viện Tây. Theo thống kê trên danh bạ điện thoại Những trang vàng mục Bolnhisa, thì Matxcơva có tới 134 bệnh viện lớn, 27 bệnh viện trẻ em cấp thành phố và hơn 1100 Trung tâm y tế tại các Trường học, cơ quan; còn ngoại ô thành phố (tỉnh Matxcơva) có 236 bệnh viện lớn. Nhiều bệnh viện của Thủ đô có các phân viện ở khắp Liên bang và đạt tầm cỡ thế giới. Các bệnh viện đều nằm trong khuôn viên rộng lớn, có tới cả chục khu nhà chín, mười tầng, có Hội trường, phòng họp, câu lạc bộ, nhiều nhà ăn, hiệu thuốc và dĩ nhiên là có sân vườn lớn như công viên và bãi đậu xe. Trước mỗi bệnh viện điều bắt buộc theo quy định là phải có bến ôtô, hoặc tàu điện. Hiện nay, các bệnh viện đều thực hiện chế độ trả tiền đối với người không có bảo hiểm, nên việc phục vụ rất chu đáo.
Hồi còn nhỏ, tôi đã từng thấy một khẩu hiệu thường được vẽ dưới các tranh cổ động: “đẹp như công viên, sạch như bệnh viện”. Câu đó hoàn toàn đúng với các bệnh viện Nga. Hành lang bệnh viện rộng rãi, mỗi đơn nguyên luôn có hai thang máy, một dành cho bệnh nhân và khách, một dành cho vận chuyển xe chuyên môn và các băng ca. Bất cứ bệnh viện nào, ai đến thăm cũng phải đi tất nilông sạch để sẵn ngoài cửa ra vào. Tất cả các hành lang đều có ghế bọc da cho bệnh nhân ngồi đợi.
Lắm người Việt ta ở ngoài chợ thì tuôn tiếng Nga như máy khâu, nhưng khi đến bệnh viện thì không biết từ nào, hóa ra giữa chợ thì vốn ngôn ngữ chỉ thu hẹp trong phạm vi mặc cả, đo đếm và thỉnh thoảng chen đôi chữ chửi thề phụ họa. Vì vậy mỗi khi họ đến bệnh viện Nga lại phải có phiên dịch.
Dịch vụ phiên dịch này xuất hiện đầu năm 2000, bởi vì khi có người nhờ tôi mang hộ quảng cáo cho tờ Nhật báo đăng tin này thì chị chủ báo vẫn còn ngạc nhiên lắm. Sau đó, giống như hội chứng đám đông, các quảng cáo tương tự lần lượt ra đời, với nội dung "nhận phiên dịch, đưa người đi khám ở bệnh viện và mua hộ biệt dược”. Có người có xe thì thêm dòng “có xe đưa đón”. Cũng vài trường hợp thì thêm vào chữ “chu đáo, tận tình” cho nó văn hoa, mỹ lệ.
Những người làm dịch vụ này chủ yếu là người biết tiếng Nga, có người được đào tạo cơ bản, có người là công nhân trưởng thành phiên dịch ở các ốp lao động. Mỗi ngày, một phiên dịch thường đưa đi được hai, ba ca, bởi vì đường sá không phải lúc nào cũng thông thoáng, vào các bệnh viện không phải có tiền là được chen ngang. Nếp sống Xô Viết còn sót lại bằng hình ảnh xếp hàng trật tự chờ đến lượt. Các bác sĩ Nga không bao giờ khám qua chuyện, y đức Hipôcrat không cho phép họ làm điều đó, nên nhiều khi phải chờ hàng tiếng để đợi đến lượt mình.
Về mảng này cũng không ít chuyện bi hài do trình độ tiếng Nga lùn của người dịch. Nhiều từ chuyên môn nó không giống với lời ra lệnh cụt lủn của đốc công, nhưng một vài thông ngôn vẫn phán bừa không cần tra cứu lại. Có trường hợp dịch sai be bét làm cho bệnh nhân lo sốt vó tưởng mình mắc bệnh nan y thế kỷ, trong khi chỉ là viêm họng hạt bình thường!
Hồi tháng 10 - 07, một cháu bé ở Hà Nội, nhà trên phố Hàng Than, chưa đầy ba tháng tuổi bị long võng mạc nặng, có nguy cơ bị mù, bố mẹ tình cờ đọc một bài viết về một người bệnh mắt từ cõi tuyệt vọng đã được các bác sĩ Nga chữa thành công, đã viết cho tôi năm lá thư có đầu đề: "Chú ới, cứu cháu với" để nhờ giúp đỡ. Tôi cho bố mẹ cháu hay là, tôi chỉ làm mỗi nghề văn chương, không biết gì đến y học. Tôi đã hỏi chị phiên dịch ca mổ đó và chị nhận lời.
Bố mẹ cháu đã liều đưa con sang giữa ngày đông tháng giá. Một công ty du lịch đã lo giúp giấy tờ, lo chỗ ở; còn chị phiên dịch thì lặn lội đưa mấy buổi tìm đến khu khám mắt dành cho trẻ em ở Kraxnưie Vôrôta gặp các bác sĩ đầu ngành (đầu ngành thực!) để khám và chẩn đoán. Chị không hề lấy một đồng thù lao chỉ vì thương đứa bé. Khi bé cần chuyển về Xanh Pêterburg, tôi đã giới thiệu và nhờ một chị giáo viên đang giảng dạy ở Đại học Tổng hợp, vợ của Giáo sư Kolotov, giúp dịch và lo chỗ ở cho trong suốt ba tháng trời. Cuối tháng 12, cháu được đưa về Việt Nam với đôi mắt trẻ thơ lành lặn trong sáng, các bác sĩ bảo không cần phẫu thuật lại.
Có thể nói nghề này quá vất vả, một chị kể với tôi là nhiều khi giữa đêm hôm, có người đau đẻ, hoặc có người đau ruột thừa cấp gọi đến là phải lọ mọ theo xe đi để dịch vô điều kiện. Có trường hợp các doanh nhân chợ vui vẻ dốc rượu quá đà, vác dao bầu tâm sự với bạn nhậu, người nhà gọi, đưa vào bệnh viện lại phải khai là bị bọn trọc nó đâm, hoặc bị tai nạn… để tránh công an đến điều tra rách việc.
Có chị xuất thân là nghiên cứu Nga ngữ, nhưng đi dịch nhiều, tra cứu thuật ngữ y học nhiều, tiếp xúc với bệnh nhân nhiều, trở nên có kiến thức giống như một bác sĩ chuyên khoa.
***
Sự năng động, linh hoạt và hữu hiệu nhất là dịch vụ thông tin. Muốn đánh giá tầm thế của mảng dịch vụ hiện đại này, thiết nghĩ nên trở về quá khứ hơi xa xôi một chút.
Vào giữa thập kỷ tám mươi, Bưu điện Bờ Hồ mở ra ba quầy điện thoại viễn thông chủ yếu dành cho những người có thân nhân gửi quà từ Mỹ hoặc Tây Âu về liên lạc. Những người trước đây còn dúm dó sợ hãi vì có người vượt biên, thì lúc này đều ưỡn ngực, tự tin bước vào tổng đài hý hoáy ghi chép số máy và hét oang oang, cười thả phanh qua ống nói.
Còn những gia đình có người nhà vẻ vang đi xuất khẩu lao động ở Nga, Tiệp... đến bưu điện gửi thư nước ngoài loại tem một đồng sáu chỉ “dám kính nhi viễn chi” há hốc mồm trước sự oai phong của một giai tầng khác.
Của đáng tội, khi đó ai dư dả cũng có thể làm một cú vài phút sang Nga. Nhưng khốn nỗi, ở Nga mặc dù căn hộ nào cũng có điện thoại riêng, khách sạn nào cũng trang bị điện thoại riêng, nhưng bà con công nhân ta ngụ trong các ký túc xá, chỉ mỗi phòng thường trực là có máy. Ở Hà Nội gọi sang, nhờ được trực tầng ới xuống, thì thầy, u ở nhà đã đi tong cả một tháng lương.
Thế rồi, như một phép màu, công nghệ truyền thông ở ta đã mở toang vách thông tin loa đài, truyền thông làng xã, ngẩng đầu lên sánh vai với bốn biển, năm châu. Ở Thủ đô, nhà nhà có điện thoại, người người có điện thoại; còn ở chốn nông quê, cũng không ít nhà đã trang bị được máy bàn. Việc thông tin giờ đây không còn là chuyện đàm đạo loại sang chỉ dành cho những ông bà có con cái ở Mỹ, hay Pháp nữa, mà là loại hình bình dân cho cả hàng chục triệu người. Đầu những năm chín mươi từ Nga gọi về Hà Nội chỉ là những người làm hàng, hồi đó chưa gọi là đánh hàng, vì họ rất cần những thông tin cập nhật. Còn loại công nhân còn dính tới đồng lương nhà máy, hay sinh viên, nghiên cứu sinh thì vẫn trung thành với loại thư mười hai kôpếch gửi theo đường máy bay về tới quê nhà, bản quán mất mỗi bốn, năm tuần!
Mấy cô sinh viên trường Giao thông hay Thủy lợi thỉnh thoảng vào Xaliut 2 mua áo rẻ tiền, thấy ông Quản ốp tóc óng mượt, một tay đút túi, một tay cầm chiếc điện thoại không dây to như chiếc chầy giã cua, thỉnh thoảng lại alô chỉ đạo nhân viên, là kính nể, ngưỡng vọng lắm. Chiếc chầy giã cua màu đen xêri 92 có giá hơn bốn ngàn đô một tý. Rồi chỉ vài năm sau, cái vật làm lóa mắt mấy cô sinh viên xài học bổng, có cho cửu vạn thì họ cũng không thèm lấy. Thay vào đó là những núi điện thoại di động từ khắp thế giới tràn ngập Matxcơva.
Liên lạc trong nội địa Nga và trong thành Matxcơva thì từ lâu không thành vấn đề, nhưng liên lạc về nước những năm chín mươi cũng là điều phải tính.
Muốn gọi về tổng đài 84 thì không phải trạm bưu điện nào cũng được vào đầu những năm 90, mà phải lặn lội lên sắp hàng ở Bưu điện Trung tâm trên phố Gorki, bây giờ là phố Tverxkaia, từ trước 7 giờ tối, vì sợ lệch giờ gọi về Việt Nam lúc gà gáy canh hai thì làm khổ người nghe. Giá cho mỗi phút gọi theo cước bưu điện Nga về Hà Nội trước chín lăm khoảng bốn đô rưỡi. Đến những đại gia mỗi ngày đều đặn thu tiền đô dày như từ điển Nga - Việt mà cũng chỉ dám nói chục phút là cùng. Còn anh chạy chợ thì có việc cần kíp lắm mới dám xài một phút.
Sau cuộc đại khủng hoảng chín tám (1998) một thời gian, trong mỗi ốp Việt thường có tới vài, ba điểm bán báo kiêm dịch vụ điện thoại. Những đại lý dịch vụ này thường trang bị một máy chủ và một máy con bấm qua tổng đài. Ai muốn gọi về nước, chỉ cần đưa số, sau hai phút, nối được với "Tổng" là có thể hàn huyên với giá một đô rưỡi, về sau là một đô hai, rồi còn một đô một phút. Các cuộc vây ráp của công an, của nhóm công nghệ cao K vào các ốp đều tập trung vào các đại lý này.
Nhưng từ đầu thế kỷ mới, với sự ra đời của hàng loạt dịch vụ thẻ card, thì cuộc cách mạng thông tin cộng đồng coi như được giải quyết. Giá của dịch vụ này rẻ hơn chính ngạch một nửa đến ba phần năm. Ngày xưa với bốn đô rưỡi nói được một phút, thì bây giờ có thể tâm sự, nỉ non được nửa giờ mà lại an toàn tuyệt đối. Sự cạnh tranh giữa các hãng nhìn chung là lành mạnh, bởi vì nó chỉ xoay quanh chất lượng tiếp nối, thời gian hao phí và giá cả. Các bác cán bộ của ta từ trong nước sang, không cần phải roming làm gì cho tốn kém, vào nhà khách Sứ quán, chỉ cần thể hiện nguyện vọng một tiếng là đã có người đọc từ đầu dây cho pin kod 50 phút, 20 phút loại card hảo hạng loại Chào Việt Nam rồi!
Nếu tôi không nhầm thì vào một dịp Tết hàng năm, Cộng đồng người Việt tại thành phố Upha đều có diễn một vở kịch hài Ông táo Upha chầu giời, trong đó có một nhân vật đặc sắc là Táo Dịch vụ. Dịch vụ đã trở thành quen thuộc, thâm nhập sâu vào mọi ngõ ngách và có tác dụng sâu rộng tới đời sống của cộng đồng.
Muốn biết Dịch vụ quan trọng như thế nào, thì có lẽ chỉ cần đặt một câu hỏi, nếu không có các mảng cung ứng dịch vụ thì điều gì sẽ xẩy ra?
2008
Nguyễn Huy Hoàng
|