Đó là khoảng thời gian tôi xa và trở lại Vacsava, quê hương của Sôpanh, của Mikievits và vô vàn danh nhân văn hóa khác.
Suốt hơn chục năm qua, cứ mỗi độ thu về là lòng tôi lại khôn nguôi nhớ lại chuyến đi thăm Vacsava cuối tháng 9 năm 1991. Chuyến đó, tôi cùng đi với con gái. Chúng tôi hòa vào dòng người tay xách nách mang, những người hối hả lên chuyến tàu quốc tế buổi trưa để kịp đến Ba Lan trước khi trời sáng. Họ phải nhanh chóng giải quyết xong việc mua hàng hóa trong ngày tại Ba Lan, nếu ở lại thì lại phải tìm chỗ qua đêm, vừa tốn kém, vừa phiền toái.
Mỗi chuyến tàu sang Ba Lan vào lúc cao điểm có tới trăm người, đại đa số đi theo tiếng gọi của sự nghiệp thương mại, còn một vài người thì thuần túy đi theo niềm say mê, khát vọng du lịch. Các doanh nhân đánh hàng theo dạng này, về sau báo chí Nga có một thuật ngữ khá ấn tượng: con thoi.
Mật độ con thoi dày đặc nhất là cuối năm 91 đến gần hết năm 92. Thời đó đã áo gió Khâm Thiên đánh sang Nga đã tơi tả quá rồi, hàng trăm kiện gầy, tức là loại áo không có lớp lót; và hàng trăm kiện béo, loại có lót thường là lông hóa học, thậm chí bằng bèo tây phơi khô rồi cán mỏng, đã quá ế ẩm ở thị trường, nằm chất đống tại Đôm 5. Bà con ta ào ào như thác lũ qua Ba Lan, mảnh đất sớm khai minh ra cơ chế thị trường.
Điều kiện Tây du vô cùng đơn giản. Ai không có hộ chiếu công vụ thì dùng hộ chiếu dịch vụ. Chỉ cần trao hộ chiếu phổ thông của mình cho một nhóm chuyên gia công nghệ Đôm 5, chuyển khoản trực tiếp vào tay họ hai vé là có ngay hai chữ AB đỏ chói. Thời đó, hộ chiếu phổ thông, chỉ cần mỗi thế là đủ tư cách dông qua biên giới.
Có AB rồi, ra ga Bêlôrutxki xếp hàng đến bủn rủn chân tay, mua vé hai chiều, leo lên cuppe đánh một giấc đến ga Bretxk là được Hải quan và công an đồng thanh đánh thức dậy. Tại Bretxk, tàu phải dừng hai tiếng để tháo toàn bộ hệ thống trục bánh sắt để lắp chuyển sang trục bánh cỡ châu Âu. Hệ thống ray của Liên Xô cũ kích cỡ khác với phía Ba Lan, nghe mấy kỹ thuật gia nói phải làm đường tàu như vậy để đề phòng chiến tranh!
Một trăm phần trăm quân ta ra đi đều mang ngoại tệ vì cái thời xa lắc, xa lơ ấy, không ai có thẻ tín dụng, kể cả những phú hộ Đôm 5. Dịch vụ chuyển tiền hãy còn ở kỳ thai nghén, do vậy ai giấu được cứ thoát, ai không giấu được thì sẽ bị tịch. Bị tịch thì phải chuyển tàu quay trở lại, phải chạy chọt hải quan để thu hồi một phần vốn liếng. Không có xanh, không có đỏ thì sang Vacsava bằng thừa, ít ai dư hơi đi chơi, đi du lịch thời chạy chợ. Chẳng biết dân quân du kích ta có biệt tài gì mà chuyến đi nào cũng mang trót lọt, họa hoằn mới có vài chiến sĩ bị thương nhẹ, tức là bị hải quan thu xong, cò kè rồi làm luật chia đôi, papalam.
Sang Vacsava, hàng chục, có khi cả trăm người lũ lượt đổ về chợ Torgov, một chợ bán sỉ có tiếng một thời để mua hàng. Hàng Thái lúc này được ưa chuộng nhất, áo cành mai và cá sấu vẫn còn thoi thóp, áo chấm Thái thì sống khỏe; còn quần bò và đồng hồ điện tử có nhạc đang rất thịnh hành.
Cha con tôi gặp ở chợ bao nhiêu là người quen, từ vị giáo sư già đáng kính sang hợp tác khoa học; từ mấy anh cán bộ giảng dạy đang làm luận án đốctơ, mấy em anh cấp Bộ sang Nga công tác có hộ chiếu công vụ tranh thủ cải thiện thêm chút đỉnh… cho đến chị công nhân cùng đường, thôi việc nhà máy, vừa đóng được con dấu miễn thị thực. Ra chợ, bà con ta loại loai xoai mua vội, mua vàng trung bình mỗi người ba, bốn kiện; hạng cầu thủ con thoi thì phải tám, mười kiện, xong rồi tất tả ra tàu, chất hàng lên đầy các toa, bất chấp những lời ca thán, kêu trời của hành khách, miễn là nhân viên nhà tàu chịu nhận chút bồi dưỡng, cho phép là xong. Tàu liên vận quốc tế trông chẳng khác gì tàu chợ Hà Nội - Nam Định.
Hàng về Nga được đổ vào Đôm 5 và ốp Zin, sau đó theo chân những con thoi nội địa, chảy tuôn về những thành phố xa xôi. Rồi những người công vụ, AB lại tất bật ra ga mua vé cho chuyến đi ngày mới... Mỗi chuyến như vậy, nếu không gặp trở ngại gì, con thoi cũng để ra được không dưới ba vé. Có người đi nhiều đến nỗi không còn chỗ để biên phòng đóng dấu xuất nhập cảnh nữa vì thời ấy hộ chiếu Việt Nam chỉ sản xuất có mỗi 24 trang!
… Ở Ba Lan được ít ngày, hai cha con chúng tôi dong tàu điện đi khắp thành phố, ngắm công viên thu sang đang ngả vàng như một chiếc thảm len bát ngát. Những ngôi nhà thờ khiêm tốn nhưng uy nghi và sang trọng của Vacsava được coi là viện bảo tàng tính cách thánh thiện của người dân nước này, đã làm cho tôi xúc động. Tôi chỉ có đủ vốn thời gian nho nhỏ để có một khái niệm về Vacsava cùng với một vài bức ảnh để khẳng định với mọi người là tôi đã đến, đã yêu mến xứ này.
Rồi sau đó, tôi có hai lần đến hụt. Một lần, người anh họ chạy vạy làm giấy mời gửi sang, nhưng tôi bị từ chối ngay từ phút đầu tiên ngay tại bàn số 13 của phòng lãnh sự Ba Lan, với lý do có giấy trắng, mực đen là tạm ngừng cấp thị thực cho người Việt Nam, người Apganixtan và Trung Quốc.
Ấm ức nhất là mùa hè năm 1999, khi một người bạn thơ bậc vong niên, nhà thơ Tạ Minh Châu sang làm Đại sứ đã dành cho tôi một sự ưu ái đặc biệt. Anh chỉ đạo cho Văn phòng Sứ quán, Chủ tịch Hội Đồng hương Việt Nam tại Ba Lan lo giấy tờ cho tôi cùng mười hai anh em trong một đội bóng đá Cộng đồng có hạng tại Matxcơva sang thi đấu giao hữu với đội bóng đá người Việt ở Vacsava. Cấm giấy mời, công hàm Sứ quán ta tại Ba Lan cùng công hàm Sứ quán ta tại Nga, tôi hý hửng ôm cả tập hộ chiếu của đội tuyển bóng đá lên Lãnh sự Ba Lan nằm gần phố Bônsaia Grudinxkaia.
Trải hết mọi thủ tục từ kê khai, nộp ảnh xin visa phía Nga, nộp tiền theo tarip lấy nhanh và lấy giấy hẹn, chúng tôi sốt sắng báo tin mừng cho anh em ở Ba Lan. Sau ba lần hẹn, đến xếp hàng từ mờ sáng, chờ đến lượt, được hứa là sẽ nghiên cứu, tôi cầm lòng về tay không. Lần đến cuối cùng ngài Trưởng phòng Lãnh sự với bộ mặt cực kỳ trịnh trọng theo kiểu ngoại giao, mời anh Nguyễn Thăng Long và tôi vào phòng và thông báo rằng, rất lấy làm tiếc vì “Bộ ngoại giao thì ủng hộ, còn cục Biên phòng thì họ không chấp thuận”.
Ở các quốc gia khác, chỉ cần Bộ Ngoại giao đồng ý là đủ, còn Ba Lan những năm ấy, không có ý kiến của Cục Biên phòng là coi như cáo phó niềm hy vọng. Họ sợ cho người sang Ba Lan rồi trốn ở lại, không chịu trở về nơi xuất phát. Chúng tôi chỉ có một niềm an ủi rất AQ khi biết được rằng, không chỉ có những anh người Việt thấp bé, nhẹ cân mà cả anh Trung Hoa khổng lồ cũng khó lòng qua vòng chung kết. Tôi đã coi đây là thử thách giống như một cuộc thi sát hạch để từ bỏ giấc mộng đến Vacsava.
Nhưng ở đời, thường những niềm vui đến với người ta lúc bất ngờ lại là điều kỳ diệu nhất. Tháng 8 vừa rồi, mới chân ướt, chân ráo từ Hà Nội sang Matxcơva, giữa đêm khuya khoắt, bạn tôi gọi điện từ Vacsava thăm hỏi và báo cho tôi hay rằng, có người sang Nga “muốn gửi anh chút quà nhỏ”. Sau vài câu, đường đột cậu ta hỏi:
- Anh có định sang Ba Lan chơi không?
- Muốn quá đi chứ, nhưng tớ sợ vãi linh hồn ra rồi! Và tôi tường thuật sơ bộ cho anh nghe những lần cắp ô đến hầu cửa Lãnh sự Ba Lan.
- Yên tâm đi, lần này chúng tôi sẽ lo cho anh kín kẽ.
Thế là chỉ sau hai tuần, tôi đã có cả tập giấy mời, công hàm trong tay và hiên ngang như đi khám nghĩa vụ quân sự. Hóa ra mọi việc xuôi chèo, mát mái hơn là tôi tưởng. Sau màn kê khai, đến màn nộp lệ phí, không ai cật vấn một lời những tình huống mà tôi suốt đêm chuẩn bị kịch bản. Cầm giấy hẹn trong tay, tôi thì vẫn đầy ắp sự nghi ngờ, biết đâu cái cô nàng tóc óng vàng làm thủ tục kia lại tiếp tục tặng mình món bánh vẽ mà mình đã từng được nếm? Mãi đến một tuần sau, khi nhận lại hộ chiếu có dán tờ visa vàng lung linh, tôi mới tin là thật. Ngay lập tức tôi phi thẳng đến phòng bán vé hãng Aerophlot đặt vé hai chiều.
Khác với chuyến bay theo tuyến về Hà Nội, chuyến bay Matxcơva – Vacsava, Hải quan, Biên phòng không một chút hoạnh họe, không “làm luật” và còn tỏ ra lịch sự là đằng khác. Vẫn bay đi, bay lại các đường bay nội địa và ngoại bang liên tục, nhưng lần này tôi vẫn cứ bị tâm trạng hồi hộp hành hạ. Chắc là nghe quá nhiều các câu chuyện người nước Nam ta sang đến Vacsava bị đuổi ngược trở lại, cộng thêm những lời khuyên không lấy gì làm dễ chịu của các bậc tiền bối từng bị ngồi bắt muỗi chán chê ở sân bay, tôi luôn bị ám ảnh và hồi hộp.
Đứng trước cửa Biên phòng sân bay Ba Lan, tôi cũng đã chuẩn bị các câu trả lời mạch lạc, sẵn sàng ứng đối như thể cho một cuộc vấn đáp trước tòa. Thế nhưng, chỉ nhìn qua visa, anh chàng sĩ quan biên phòng im như thóc, đóng con dấu sáng loáng hình chữ nhật đánh “cộp” và mở cửa cho tôi vào chạm ngõ châu Âu! Nhiều anh em thân quen đã có mặt ở sân bay từ trước khi máy bay hạ cánh để đón tôi.
Hơn một thập kỷ trôi qua, Thủ đô Ba Lan đã khiến cho chúng tôi bàng hoàng khi bách bộ phía trên nhà ga ngầm. Trước đây, quanh nhà ga chỉ có vẻn vẹn hai ngôi nhà cao tầng, đó là khách sạn Mariot và ngôi nhà tháp nhọn kiểu Xtalin do Liên Xô xây dựng năm 1950 làm quà kỷ niệm.
Còn bây giờ, quanh khu vực nhà ga có thể gọi là san sát nhà chọc trời. Song hành với những chuyến tàu điện truyền thống là hàng đoàn ôtô đời mới chạy cuồn cuộn trên đường. Dân Ba Lan dùng xe phân khối nhỏ, thường chỉ 1.2, 1.4, họa hoằn lắm mới thấy một chiếc cỡ Jeep hoặc loại xêđan hơn ba chấm phóng qua. Hỏi ra mới hay do vì giá xăng ở đây quá đắt, hơn nữa thành phố nhỏ, không dùng xe lớn làm gì. Người Ba Lan chạy xe từ tốn, không hàm hố như dân Matxcơva. Ở Nga cái gì cũng cồng kềnh hơn ở Ba Lan, từ vóc dáng người, đường sá, nhà cửa, cầu cống… và thậm chí cũng vượt trội dân Ba Lan về ý thức đại quốc.
Vacsava đang ở cữ thu sang. Những dải rừng đang dần nhuốm vàng, chen giữa màu xanh bất tử của những khoảnh thông non tạo nên một bảng màu huyền diệu của thiên nhiên. Dòng sông Vixla hiền hòa chảy xuôi ngang thành phố mềm như một lọn tóc xanh dài. Nóc nhà thờ xám trầm tư vút lên trời những cây thánh giá gầy guộc bao đời nay vẫn là niềm thiêng liêng của người Ba Lan hiền lành, mộ đạo.
Đẹp nhất là những quảng trường và con đường đá lát. Tôi có thể đứng hàng giờ ở một hẻm phố để tưởng tượng về những thời hưng phế đã trôi qua.
Không dư dật thời gian, tôi chỉ đến thăm được một vài siêu thị và Viện bảo tàng. Chưa đủ bề sâu của sự thấu hiểu để nhận định, tôi tạm nhận xét là ngày nghỉ, người Ba Lan thích đến nhà thờ, đến bảo tàng, công viên và nhà hát, ít đi thư giãn chơi bời.
Mọi điều kiện của đất nước này cho phép người dân hưởng thụ những phúc lợi đủ đầy của xã hội. Chỉ cần một thời gian ngắn nữa, Ba Lan sẽ trở thành một thành viên của Cộng đồng châu Âu, mọi thứ đang được chuẩn hóa, từ đường sá, chung cư, các loại phương tiện phục vụ xã hội… đến cách quản lý con người. Chắc là ba bốn năm sau, đến với Ba Lan, tôi sẽ được chứng kiến những điều kỳ vĩ của một đất nước chuyển mình hội nhập vào xu thế văn minh nhân loại.
Là người hay để tâm tới người Việt tha hương, tư thế của người Việt tại Ba Lan đối với tôi cực kỳ ấn tượng. Xuất phát điểm của người Việt ở Ba Lan là những anh em sang du học. Sau ngày không còn Liên bang Xô Viết, với cơ chế mở, nhiều ngàn người lao động tại Nga qua biên giới làm ăn, không trở về Nga nữa. Cái may nhất của người Việt tại đây là việc chính quyền tạo mọi điều kiện để được cư trú. Dân tại đây thì phải dùng chữ đại lượng thì mới diễn đạt hết phẩm cách của họ. Họ khâm phục sự cần cù của người Việt Nam; họ thông cảm với những khó khăn mà người xa xứ nào cũng phải đương đầu như cảnh xa nhà, ngữ ngôn bất đồng và thời tiết không phù hợp. Có thể nói ngắn gọn là người Việt ở đây được tôn trọng, che chở, thương yêu.
Đa phần anh em bè bạn sống ở Ba Lan đều có nhà cửa sau hơn một thập niên vất vả, có được sự công nhận về quốc tịch và được hưởng mọi quyền lợi giống như dân chính quốc.
Cũng chẳng muốn so sánh làm gì, nhưng vì mọi người hay hỏi đến, tôi không thể không nói về tình cảnh của bà con ta ở Nga. Hàng chục vạn người Việt hiện sống ở Nga đã phần tư thế kỷ và ba thế hệ, vẫn trôi nổi, tạm bợ và chẳng thấy đâu là bến bờ của sự ổn định.
Chính vì vậy, khi bước một cách tự nhiên quanh chợ ASG, khu Thương mại đồ sộ của người Việt nằm sát cạnh quần thể Thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, tôi vừa sung sướng, vừa không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ tới dân tình người Việt chạy chợ ở Nga.
Hàng trăm quầy hàng, kho bãi đuợc thiết kế theo quy hoạch rất hiện đại nhưng lại phù hợp với cung cách làm ăn của bà con ta. Ở Nga, tôi thấy Xaliut 5, Sông Hồng 1 đã oai rồi, nhưng không thể nào so nổi với ASG của Ba Lan. Sự thuê mướn thì làm gì có được tư thế chủ quyền; chỉ có mua đứt, bán đoạn, có đất đai, thiết lập quyền sở hữu thì mới nói đến việc đầu tư.
Tôi cũng lượn lờ qua chợ Sân Vận động và một chợ xép, cũng hao hao như một số chợ ở Nga, cũng hàng Tàu, hàng Thổ, cũng sạp bày ra, cũng chào mời. Nhưng người bán hàng ít khi mày la, mày lét, dỏng tai lên ngóng hơi công an vào chợ như những thương xá ở Nga. Nghe bà con nói, ở chợ cũng có khi cảnh sát viếng thăm, nhưng không hề có việc thọc dùi cui vào bụng, hay thử sức người đi chợ bằng nắm đấm.
Sau một ngày tất bật với việc chợ búa, dân Việt chúng ta lục tục trở về nhà chủ yếu bằng xe hơi, một số ít đi bằng phương tiện công cộng. Hầu như nhà nào ở đây cũng sử dụng máy tính, tin tức luôn cập nhật. Người Việt ở Vacsava không có báo ngày, không có các tờ như dạng Tin tức, Nhật báo, Nhân hòa, Ngày mới, thay vào đó là bốn tờ tạp chí nguyệt san tương đối có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của dân chúng.
Vì lắm trí thức cũ, nên những sinh hoạt văn học nghệ thuật được tổ chức thường xuyên. Cũng là tín đồ văn chương, biết sự này, tôi xúc động lắm. Chỉ ở được một tuần mà tôi cũng đã hầu chuyện với gần hết những cây bút thi văn tại đây.
Người Việt ở Ba Lan khó được phong danh chiến sĩ thi đua như ở Nga, bởi vì một năm chỉ có 365 ngày, 24 tiếng, chứ nếu có gấp đôi, thì cũng ngần ấy ngày dân ta ở Nga đứng chợ. Còn tại Ba Lan thì những ngày nghỉ, chúa nhật, nhiều bà con vẫn chọn cho mình một hình thức nghỉ ngơi, thư giãn, không lầm than, vất vả như ở Matxcơva.
Hôm tôi chuẩn bị ra về thì có một Đoàn Ca nhạc từ Sài Gòn sang biểu diễn. Hội Người Việt thuê hẳn Cung Đại hội cũ ở trung tâm thành phố có sức chứa tới ba ngàn người. Nếu ở Matxcơva thì những đêm hội thế này cũng phải huy động anh em bảo vệ ta, bảo vệ Nhà hát và không thể nào thiếu một lực lượng nòng cốt là công an. Việc này đương nhiên tối cần thiết vì ai biết được những gì sẽ xẩy ra. Côn đồ, đầu trọc và những tên dân tộc chủ nghĩa quá khích luôn là hiểm họa đối với những người Việt đi lại trong thành phố ban đêm. Không có công an bảo vệ vòng ngoài thì Ban tổ chức đêm biểu diễn chưa thể yên tâm.
Nhưng ở Vacsava, trong đêm ca nhạc đông đảo này, ngoài hai nhân viên thu vé và hai người đeo băng đỏ trật tự, tuyệt nhiên không có bóng một người nào mang sắc phục đi lại. Điều đó, muốn nói rằng an ninh của thành phố này tốt đến mức nào. Những từ phân biệt chủng tộc, trấn lột, lưu manh ..thật xa lạ với người dân xứ đạo.
Tôi không hề quá lời, đại ngôn làm một bản tụng ca về một đất nước thanh bình.
Khi đã về Nga, bỗng nhiên tôi nẩy ra một ý nghĩ là, nếu ai cho tôi một điều ước cho người Việt ở Nga, thì tôi chỉ ước mong cho họ có được một cuộc sống như bà con ta ở Ba Lan.
2005
|