Ảnh nguồn - Internet
Tặng: Pgs.Ts Vũ Nho
-------------------
Đại thi hào Đỗ Phủ (712-770) là vị Thi Thánh bên Trung Hoa xưa. Ông là một nhà thơ đã dày công lao động sáng tác, thể hiện ở các câu như:
-Làm người tính thích câu văn (thơ) đẹp
Đọc chẳng kinh người, chết chẳng thôi.
-Tóc tơ không đáng tiếc
Sửa xong thơ mới tự ngâm hoài.
- Sách đọc vỡ muôn quyển
Hạ bút như có thần. V.v...
Chính nhờ cố gắng cần cù như thế nên về nghệ thuật Thơ thì dù thể thơ nào vào tay ông đều được tôi luyện rất công phu và trở nên tuyệt tác.
Sinh thời, tuy danh tiếng lừng lẫy, nhưng Đỗ Phủ rất khiêm tốn học hỏi "không khinh người nay, yêu người xưa", "học được nhiều Thầy ấy mới hay".
Thơ ông kế thừa và phát huy truyền thống hiện thực của văn học Trung Hoa đã đạt đến mức xưa nay chưa từng có.
Đỗ Phủ để lại trên 1400 bài thơ, tuyệt đại đa số là thơ trữ tình.
Giới làm thơ nước ta xưa nay truyền tụng câu thơ "Văn chương thiên cổ sự..." vốn xuất xứ ở bài thơ của Đỗ Phủ như sau:
CẢM TÁC
Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác giả giai thù biệt
Thanh danh khởi lãng thùy.
Dịch nghĩa: LÀM THƠ NHÂN CẢM XÚC
Văn chương là sự nghiệp muôn đời
Được hay mất chỉ tấc lòng biết thôi
Mỗi tác giả đều khác nhau (về phong cách)
Đừng để danh tiếng lưu truyền khinh xuất.
Dịch thơ:
*Văn chương việc muôn thuở
Riêng lòng biết mất còn
Người nào phong cách ấy
Sao giữ trọn danh thơm.
*Văn chương là chuyện muôn đời
Có chăng được mất lòng thời tự "hay"
Mỗi người một vẻ giãi bày
Tiếng thơm cố giữ, chớ "bay" theo thời...
Với quan niệm như vậy, thơ ông đã đạt thành tựu đột xuất về mặt sáng tạo những hình ảnh thi vị: rõ ràng, sinh động mà lại hết sức mới lạ, độc đáo với một sức truyền cảm mãnh liệt... thật đúng là "ngữ bất kinh nhân tử bất hưu" là thế.
Góc Thành Nam Hà Nội 15-12-2011
Nguyễn Khôi