Vào đây! Vào đây! và không đợi tôi kịp trả lời, anh bạn đã lôi tuột tôi vào quán bia hơi, ấn tôi vào chiếc ghế bỏ trống giữa một đám người đã biêng biêng hơi men.
- Nào! nâng cốc để mừng người ở chiến trường về.
Thế là hàng chục nắm đấm thuỷ tinh sủi bọt chạm choang choang và dốc cạn. Ngớ người ra giây lát, sau vài dòng giới thiệu có cánh của anh bạn, tôi mới hiểu rằng mình ở Nga trở lại Hà Nội, có nghĩa là từ “chiến trường về” như thể là từ Irắc, hay Ápganixtan gì đó. Cả một giàn đồng thanh tường thuật lại các kiểu hồi ức, kể lại các chứng cứ, trích đoạn trong báo chí, nghe qua lời của bà con… tuôn xối xả, nói về nước Nga, về nạn khủng bố, về cách hành xử của công an, về cuộc sống người xứ ta trên miền băng tuyết. “Rằng hay cũng thật là hay”, nhưng nghe ra cũng có nhiều điều chưa ổn lắm. Không thể đính chính, không thể thanh minh, không thể cải hoán, đành viết lại mấy dòng như là một người trọng tài vô tư của một người yêu mến nước Nga đến tận đáy lòng, kể về những điều mắt thấy, tai nghe sau hơn mười lăm năm trôi nổi giữa nước Nga dâu bể, ngõ hầu bổ sung, góp thêm một chút chuyện nhân những cuộc tương phùng.
Sống ở Nga sau những năm 90
Ông Chutchev, nhà thơ trữ tình cỡ lớn của nước Nga thế kỷ XIX, thế kỷ mà sách giáo khoa gọi là thế kỷ vàng của văn học, đã nói một câu bất hủ: “Làm sao hiểu nước Nga bằng trí tuệ”, càng ngẫm càng thấy đúng, để hiểu nước Nga thì dùng trực quan, xem xét là chưa giải quyết hết được vấn đề, mà phải huy động cả trái tim, cả tình cảm của mình vào nữa mới nhận thức nổi.
Về Hà Nội được ít hôm, vì lý do công việc, tôi đến thăm một nhân vật có cỡ, anh ta cũng chu du qua vài chục nước. Khi tôi mời anh quay trở lại thăm nước Nga, anh hết hồn và từ chối thẳng thừng:
- Sang mà chết à! thôi ông ơi, thừa tiền thì đi Thái, đi Xinh mà nghỉ ngơi, qua Nga tôi khiếp lắm rồi!
Tôi sực nhớ ra chuyến đi Nga của anh năm chín tám, khi anh sang dự một cuộc Hội nghị về Hợp tác đầu tư. Hai tuần ở Nga, ngoài thời gian họp hành, anh đã tranh thủ đi thăm các bảo tàng, thăm vành đai vàng các thành phố và ngoại ô Matxcơva, ngắm những cánh rừng bạch dương bạt ngàn của nước Nga, đi tàu thuỷ trên dòng sông êm đềm chảy qua thành phố; gặp gỡ những người dân Nga hiền lành, chất phác… anh xúc động đến ứa nước mắt. Nhưng sau hai lần bị cảnh sát bắt đưa về đồn, mặc dù xuất trình đủ các thủ tục giấy tờ hợp pháp, anh vẫn bị “làm tiền” như một công dân hạng ba. Thế là bao nhiêu điều tốt đẹp, bao nhiêu niềm hứng khởi về một nước Nga anh từng tiếp xúc qua sách vở, nhường chỗ cho một nỗi sợ và niềm mặc cảm về một tình yêu bị tước đoạt!
Tôi chống chế nói với anh là nỗi đau này không của riêng ai. Không chỉ người Việt Nam bé nhỏ mà ngay cả anh Đại quốc Trung Hoa, anh Belarus láng giềng, anh Ucraina thân cận, và đã có bao nhiêu vị chức sắc ở châu Âu văn minh sang có vấn đề về giấy tờ vẫn bị công an Nga tóm cho vào cũi.
Cái kiểu của anh công an Nga là giơ tay qua vai một chút: Chào! Giấy tờ!
Mà công an Nga vào những năm 90 đã hỏi giấy tờ thì y như bác sĩ xem bệnh, luôn đầy vi trùng và mầm tai hoạ. Đã có tới hàng ngàn bức thư, lời kêu cứu của công dân nhiều quốc gia, kể cả của Đại Sứ quán ta (năm 1998 sau vụ ốp Xokol) gửi quan chức các cấp ở Trung ương và địa phương Nga về việc đòi hỏi các cuộc kiểm tra người nước ngoài phải nghiêm minh, thực thi theo luật pháp; và các câu chuyện muôn hình, vạn trạng về những “người nhà nước” này đăng đầy trên báo chí, nhưng rồi vẫn nguyên hiện trạng.
Các vị công quyền đi làm nhiệm vụ thường xem đi xem lại visa, dấu ra vào; đăng ký hộ khẩu; vặn vẹo hỏi nơi cư trú đầy quyền uy và hách dịch. Mà có phải ai cũng thông thạo tiếng Nga đâu, thế là phải tìm đến ngôn ngữ chung là đồng rúp. Dạo năm 2000 trở về trước mức phạt do UVIR (Cơ quan quản lý người nước ngoài) quy định là 30 rúp, sau đó tăng lên 50 rúp; từ đầu năm 2004 đến nay là 500 rúp. 28 rúp ăn 1 đô, vị chi là tương đương 18 đô la cho một lần phạt. Có tới 99% các vụ phạt đều không nộp tiền qua nhà băng mà là phạt trao tay. Người Việt Nam loại đi chợ phọt phẹt, mỗi ngày bị phạt một lần thì coi như ngày đó húp cháo.
Tính sơ sơ ở Matxcơva có tới mười sáu loại công an: công an khu vực, công an dã chiến, công an giao thông, công an hộ khẩu, công an thuế vụ, công an tuần tiễu, công an kinh tế, công an phản ứng nhanh, công an công nghệ cao, công an Liên bang, công an bảo vệ, công an thi hành án... Theo một sắc luật mới ra ngày 28 – 4 - 2005 của Giám đốc Sở Công an, tướng Prônhin, thì có ba bộ phận công an không được kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của người nước ngoài là Công an giao thông, Công an chiến đấu cơ động và Công an bảo vệ, còn lại thì loại công an nào cũng có quyền kiểm tra hộ chiếu.
Ở một đất nước rộng lớn, đầy hiểm họa khủng bố, lưu lượng người vãng lai dày đặc, việc các lực lượng công an luôn kiểm tra để bảo vệ an ninh thì không cần phải bàn cãi. Nó cần thiết và cần phải tăng cường mức độ tuần tra của lực lượng công an, nhất là ở Thủ đô. Có điều là họ hơi ưu ái, dành cho dân Việt Nam mình một sự "quan tâm" thường xuyên thái quá. Năm 2003, Ký túc xá Xaliut 2 nằm trên phố Đôbrôliubôv, nơi cư ngụ người Việt thuộc vào loại đông nhất đã hết hạn hợp đồng, hạ cánh. Nhưng ai đã từng ở tại đó lại làm sao có thể quên những cảnh lùng sục khủng khiếp như trong phim hình sự của lính OMON.
Ở nước ngoài hay các vị trong nước chưa từng sang, chưa từng được chứng kiến, cứ cho viết thế này là phóng đại. Hoàn toàn không, sự thật còn rùng rợn và kinh hãi hơn nhiều. Những nhà báo kỳ cựu của tờ An ninh Thế giới, Lao Động, Tiền phong, như Hữu Ước, Xuân Ba, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Sỹ Đại... đã viết hàng loạt bài khá xác thực để miêu tả cảnh kiểm tra của các loại công an ở khu Chợ Vòm và các nơi họ được nghe và mục sở thị. Nhiều đoạn phim trên truyền hình Nga như Petrovka 38, Cứu nạn... chiếu lại cảnh lục soát các ốp Việt Nam không kém gì phim hành động.
Một báo cáo của phía cơ quan quản lý thị trường Mátxcơva trong buổi họp với các chủ doanh nghiệp, tháng 12 - 2004, cho rằng người Việt Nam sống tại Nga có tới 75% bất hợp pháp. Một vị chức sắc của ta ở Bộ Ngoại giao khi đọc bài báo của Nga về người Việt có hỏi tôi, tại sao người Việt ta lại lắm người bất hợp pháp như thế! Tức là vị đó nghe từ "bất hợp pháp", nó kinh hãi quá, nó đồng nghĩa với tội phạm. Về điều này cần phải thanh minh cho đồng bào ta ở bên ấy, để những người quan tâm được rõ ngọn cành.
Về nguyên tắc, người nào ra nước ngoài cũng mang hộ chiếu, có visa. Những thứ đó khi công an kiểm tra mới chứng tỏ được một điều, anh là người nước ngoài thôi. Ở Matxcơva, cái quan trọng nhất là phải có hộ khẩu, thiếu hộ khẩu đăng ký trong hộ chiếu thì việc bị phạt, bị bắt, bị trục xuất là tai hoạ được báo trước. Để đi bán hàng, ngoài các thứ đó ra anh phải có giấy phép kinh doanh; phải có giấy xuất xứ hàng hoá; phải có giấy khám sức khoẻ định kỳ; phải có máy tính tiền thuế. Khi công an kiểm tra tại chợ, cứ thiếu đi một trong những thứ giấy đó, thì coi như là bất hợp pháp. Mà lo cho đủ ngần ấy giấy, đâu phải là đơn giản. Vì vậy dân ta cứ quen sử dụng lối ứng xử nhanh gọn nhất “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” với công an biến chất. Chính việc này cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, người mình dường như cũng đã góp phần làm hư một bộ phận những người công quyền của họ.
Ở các nước châu Âu, luật Ngoại kiều của họ rất rõ ràng, rành mạch. Đặc biệt là ở Đức, một nước có hơn tám chục triệu dân mà có tới 11 triệu người ngoại quốc. Người ngoại quốc cứ sống ở Đức 8 năm, ở Mỹ 6 năm, họ hiểu biết ngôn ngữ, phong tục tập quán, có các quan hệ thương mại và xã hội là được xét để nhập quốc tịch. Một số nước thì nhân ngày Chúa Giáng sinh, nhân dịp năm mới, nhân dịp Quốc khánh đều có thông lệ xét cho một số người nước ngoài trở thành công dân nước họ.
Còn ở Nga thì nới một cách văn hoa là điều đó còn đang ở phía trước, ở phía chân trời. Ba năm trước, trong một đề nghị gửi Hạ viện, Tổng thống Nga đã đặt vấn đề hợp pháp hoá cho người nước ngoài đã từng sống và làm việc ở Nga từ năm 2002 trở về trước, bất kể người đó biết tiếng Nga hay không biết tiếng Nga, miễn là người đó không phải là tội phạm và có công ăn việc làm. Đề nghị này của Tổng thống nhằm đối phó với nạn thiếu hụt sức lao động ở nước Nga, bởi theo Uỷ ban Dân số Nga cho biết, cứ mỗi giờ, nước Nga chết mất 100 người, mỗi ngày chết mất một làng, vị chi là một năm mất đi hai triệu. Năm 2000, dân số toàn Nga là 148 triệu, thế mà đến cuối năm 2004 chỉ có chưa đầy 142 triệu nữa!
Theo thông báo của bà Ekaterina Lakhôva, Chủ tịch Uỷ ban Phụ nữ của Đuma Quốc gia Nga, hơn một phần ba trong số 42 triệu gia đình ở Nga không có con cái. Bà nói rằng, “tình hình dân số của chúng ta rất đáng lo ngại. Chúng ta hiện nay dang khan hiếm tình yêu Tổ quốc, tình cảm gia đình, bức tranh dân số quả là bi thảm. Nếu chính quyền không có một chính sách rõ ràng về vấn đề gia đình, thì tình hình dân số hoàn toàn không được cải thiện”.
Để cụ thể hơn về vấn đề này, chúng ta hãy cùng đi sâu vào ý kiến cúa người phụ trách thống kê Liên bang, ông V. Sôlôkhin. Ông đưa ra một số thí dụ, nửa năm 2005 ở nước Nga có 750 000 đứa trẻ chào đời, nhưng số người từ giã cõi đời này đi vào cõi vĩnh hằng là 1181 000 ! Muốn duy trì mức cân đối giữa sinh và tử, mỗi phụ nữ Nga phải lĩnh trách nhiệm trước dân tộc, là phải sinh 2,13 đưa con! Nhưng phụ nữ Nga có thể nói là lười, ngại, hoặc không muốn đẻ! Vì vậy rất có thể trong thời gian tới Đuma sẽ có sắc luật về việc hợp pháp hoá người nước ngoài tại Nga, một trong những biện pháp góp phần gia tăng dân số và củng cố nguồn nhân lực tại Nga.
Nghe tin này, dân ngoại quốc, đặc biệt là dân Việt ta phấn chấn lắm, nóng lòng chờ đến ngày được cầm VIT NA JITELXTVO (thẻ xanh) và các chú công an ăn bẩn hết đường vặt lông, trói cánh! Nhưng chờ mãi, cho đến bây giờ cũng chưa thấy động đậy.
Mà dân ta ở Nga cũng không phải là ít ỏi gì. Trước đây, thời lao động theo Hiệp định vào lúc cao nhất, có tới 210 ngàn người. Khi Liên Xô tan rã, một bộ phận về nước, một bộ phận dạt ra các nước châu Âu, số còn lại sống rải ra các tỉnh lẻ. Quãng cuối năm 1997, trước khi xảy ra khủng hoảng một năm, dân làm ăn kéo về thủ đô cuồn cuộn. Các báo của Nga khi thì đưa tin người Việt ở Nga tới 120 ngàn; khi thì 75 ngàn, con số chính thức chẳng ai công bố được!
Thời Xô Viết, học ở Liên Xô việc ăn, ở, đi lại đều vô cùng rẻ; còn bây giờ thì ngược lại hoàn toàn: vô cùng đắt. Một bát phở ở ốp Xaliut 3 có giá 4 đô, tương đương với tám bát phở chín ở Hà Nội; cắt một mái tóc ở chợ KT giá 7 đô, ở vỉa hè đường Láng cắt được mười lăm lần! Giá thuê mỗi phòng 18m2 trong ốp mỗi tháng theo giá hiện thời chừng 700, 800 đô la. Mật độ cư trú tại đây thì phố cổ Hà Nội phải phải quỳ xuống mà sụp lạy. Bà con ta phải ở chật để giảm bớt số tiền hàng tháng, chứ ai thích ở chật làm gì. Có những phòng ở đông đến mức ngủ thành dãy như xếp cá. Ban ngày bà con đi chợ từ 4, 5, giờ sáng, tối mịt mới về, phòng chỉ để ngủ là chính. Có người kể một cách hài hước khi trả lời về số lượng người ở trong phòng là, đông hay thưa chẳng rõ, chỉ biết là mỗi ngày dùng hết một hộp thuốc đánh răng!
Ở đắt là thế, ồn ào là thế, nhưng dân mình ở Matxcơva vẫn sống bám vào ốp, vì ba lẽ: thứ nhất là tiện trong sinh hoạt, bán mua, giao lưu; thứ hai là tương đối an toàn, tránh được bọn côn đồ và thứ ba là nếu công an đến kiểm tra thì Ban Quản trị ốp cũng che chắn cho rất nhiều. Ốp giống như một làng Việt thực thụ.
Tại Matxcơva từng có các ốp to vật vã như Xôkôn, Xaliut 2, Sông Hồng, Xtuden, Nagor, Thăng Long,Thuỷ Lợi, An Đông, Sài Gòn, Xirenhevui Bulva, Rư bắc, Phương Đông, nhưng dần dần các ốp Xôkôn, Nagor, Xtuden, Xaliut 2… hết hợp đồng đã bị phía Nga lấy lại.
Một số gia đình do những lý do riêng, không sống co cụm mà thuê căn hộ ở. Vào đầu năm 1991, một chị nghiên cứu sinh (hiện là Giáo sư Trường Đại học Sư phạm Vinh) nhờ tôi thuê giúp căn hộ một buồng ở Đại lộ Lênin nhà số 197 với giá 20 đô la một tháng, thì bây giờ, sau 13 năm, căn hộ ấy mỗi tháng phải trả 650 đô la. Các căn hộ 2 buồng, 3 buồng, tuỳ theo vị trí, đều có giá dao động từ 800 đến 1200 đô la. Căn hộ ở Nga có kết cấu thoáng, tiện; điện và ga đun thả cửa và có thể nói trước năm 2000 giá rẻ như bèo; suốt năm đều có nước nóng lạnh và lò sưởi nhiệt phục vụ suốt cả mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Còn bây giờ, giá điện nước vừa tăng 35%, mỗi căn hộ mỗi tháng cứ phải ra thêm chừng 70 đô nữa. Ở thuê với giá cao, vẫn không yên với công an. Theo một sắc luật mới, ai ở đâu, phải có hộ khẩu đăng ký vào đấy. Mà có phải chủ nào khi mình thuê cũng cho phép mình đăng ký hộ khẩu vào địa chỉ căn hộ đâu. Thế là mỗi lần công an khu vực đi kiểm tra lại phải làm động tác “ngoại giao nhân dân” mới yên thân.
Những người Việt sáng giá nhất ở Nga là những người có đủ tiền tậu căn hộ. Là thành phố đắt đỏ đứng vào thứ hạng không biết nhường ai của thế giới, dĩ nhiên giá mua căn hộ ở Mátxcơva cao chót vót chín tầng mây. Nội thành Mátxcơva được tính trong khu vực vành đai thứ 4 (MKAD) rộng 1.091km2, các khu nhà chọc trời mới xây trong nội đô trong khoảng thời gian 2004 đều có giá từ 8.000 đến 15.000 đô la một mét vuông. Các vị trí quanh đồi Lênin (bây giờ gọi là đồi Chim sẻ), Mitrurin, Konkovơ, Kovchevơ… có khá nhiều người Việt mua căn hộ 3 buồng, 4 buồng; còn khu sang trọng như Alưie Paruxa (Cánh buồm đỏ thắm), mỗi căn hộ 5 buồng, có thẻ thang máy riêng, lối ra bến du thuyền riêng, có gara ôtô riêng… với giá xấp xỉ hai triệu đô, thì cũng đã có tới mấy vị gốc gác Văn Lang tậu!
Số người Việt mua đất xây nhà riêng tại ngoại ô Matxcơva trên đại lộ danh giá Rublovxkoe cũng có, nhưng chỉ tính trên đầu ngón tay của một bàn tay, vì chỉ những ai có tài sản khổng lồ mới nghĩ đến chuyện ấy. Mức sống, vốn học vấn, sự hội nhập với dân sở tại, điều kiện ăn ở đã phản ánh khá rõ nghề nghiệp, thành phần với mức thu nhập. Sự phân biệt giàu nghèo của người Nga thật ghê gớm, và của người Việt cũng chẳng khác gì. Không thiếu người thu nhập hàng tháng thừa mua vài căn hộ và vài ôtô đời mới, nhưng cũng vô khối người Việt sống ngáo ngơ hàng chục năm không đủ lo tấm vé về thăm quê hương, bản quán. Những người Việt có căn hộ riêng, có một mái ấm của mình, đặc biệt những người xây biệt thự riêng thì khoảng cách đến với tấm thẻ định cư và cuốn hộ chiếu Nga gần hơn rất nhiều đối với những người khác. Luật Nga mới cho phép những người có chỗ ở và tài sản có quyền định cư dễ dàng hơn.
Những phen dâu bể
Đại đa số người Việt Nam sinh sống ở Nga đều gắn với việc mưu sinh ở chợ, nói một cách mỹ miều là chung thân với thương trường. Ở Mỹ, ở Pháp, ở Úc, bất kể người ngoại quốc nào có năng lực đều có thể trở thành cảnh sát, thẩm phán, thị trưởng, trong đó có khá nhiều người Việt. Vào thời điểm này chính quyền Praha vừa có chủ trương tuyển một số công dân Tiệp gốc nước ngoài vào phục vụ trong ngành cảnh sát. Nhưng ở Nga thì chuyện đó đừng có mà mơ, hiện thực nhất, sờ nắn được, thấy được, sống được, chỉ có việc đi chạy chợ.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, vào thời hậu Xô Viết thiếu thốn, hễ một ai đi công tác sang Nga đều cố mang cho được dăm cái áo phông cá sấu, áo cành mai của Thái; vài lố son xanh xanh, đỏ đỏ; mươi cái đồng hồ điện tử… để khi về nước chuyển ra thành bàn là, nồi áp suất. Trong một bản trường ca dân gian có nhan đề “Thư cha gửi con” có những đoạn chỉ đạo về thông tin hàng hoá hay đáo để:
Cần gì ghi thật rõ ra
Đồng hồ, áo chấm hay là áo phông
Áo thêu ở ngực có rồng
Hay là quần lót có bông hồng cài
Áo da rởm, xuyến đeo tai
Nữ hoàng lộng lẫy còn xài tiếp không?
Bây giờ đang giữa mùa đông
Con xem loại tất xù lông thế nào?
Áo ren các kiểu ra sao ,
Kimonô đã đi vào sử xanh
Cá sấu một thuở tung hoành
Tepe nay đã trở thành thiên thu.
Sự đời nghĩ cũng phù du
Mốt này, mốt nọ tít mù cung mây
Mới vừa nhũ hổ, bướm bay
Bướm kia rã cánh, hổ quay về rừng
Hươu đang khí thế bừng bừng
Nay đang ôm hận giữa rừng áo da
Mèo vừa mới ló sang Nga
Chịu không thấu lạnh, vọt qua Pôlần (Ba Lan)
Ào ào áo gió ra quân
Hỏi xem sống được mấy tuần nữa đây…
Các thứ hàng hoá này từ Hà Nội, Sài Gòn sau khi lọt cửa hải quan Seremetievo 2 (khi đó Đôm 5 mới trên phố Aminhevxkoe chưa ra đời), chủ yếu sẽ được tập kết vào Đôm 5 cũ, nơi các bậc sĩ phu, thức giả ta trú ngụ. Rồi từ đó, hàng vải sẽ được phân phối tới tay người dùng khắp Liên bang. Mô hình của Đôm 5 cũ được nhân rộng và phát triển cả về số lượng và chất lượng khắp toàn cõi Matxcơva và nhiều thành phố khác. Thoạt tiên là ốp Zin, ốp Giầy, ốp Lốp, Ốp Đinh, Nagor, Kajukhov, Búa liềm cũ, Búa liềm mới, Đôm 5 mới, Ruxtaveli… Mỗi một cái tên là cả một trường thiên tiểu sử đầy ái, ố, hỉ, nộ. Các hình thức buôn bán được chuyển hóa dần dần, và sau khi Đôm 5 Mới bị sập, “Thủ đô” của người Việt được chuyển lên phía Bắc với sự ra đời của Thương xá Bến Thành, chợ KT, Togi, Vôicôp, Thuỷ lợi… Người Việt từ các thành phố xa theo ô tô buýt, xe gazen bán tải lên lấy hàng, rồi toả đi khắp ngả. Nhiều người may mắn thành đạt, nghĩa là có tiền rủng rỉnh mua đất, sắm nhà, lên giai cấp, nhưng biết bao người đã nằm lại vĩnh viễn do tai nạn, do bị cướp giật, do bệnh tật… như những tử sỹ thương trường, hoặc thành những “phế binh” không một xu dính túi.
Các chợ ở Matxcơva và các thành phố khắp nước Nga của dân ta mở ra cứ na ná như nhau. Các Công Việt ty thuê những khu nhà cũ, hoặc nhà máy phá sản, sửa sang, làm vách ngăn ra thành hàng trăm quầy, mỗi quầy chừng 10 đến 14m2 và cho các chủ nhỏ gọi là doanh nhân, thuê lại. Rất nhiều buổi phát hình, rất nhiều bài báo có chụp cả ảnh đủ các góc độ nói về sự lộn xộn, nhếch nhác của các chợ dạng này. Hoặc là các nhà báo Nga không thèm hiểu, hoặc cố tình không hiểu một điều rằng, 100% các chợ Việt Nam tại Matxcơva đều được cải tạo, xây dựng lại từ những nhà máy công nghiệp phá sản, từ những đống hoang phế nên khó mà tránh khỏi được sự cũ kỹ, thiếu văn minh.
Cứ điểm mặt cụ thể ra thì rõ: Xaliut 3 được thuê lại từ một nhà máy sản xuất bột làm ăn thua lỗ; Xaliut 5 mua từ một nhà máy công cụ đã hoàn toàn phá sản; Sông Hồng 1 thuê Nhà máy quốc phòng sản xuất linh kiện máy bay đã nhiều năm nằm đắp chiếu; Sông Hồng 5 cũng mướn một nhà máy từng là nơi sản xuất phụ tùng cơ khí; Bắc Hà thì thuê một nhà máy đinh đã từ lâu đóng cửa vì không có hợp đồng. Còn hai dãy nhà chợ Tôgi thì đã có trên trăm tuổi, vốn là nhà máy sản xuất sợi bông, nhưng từ những năm 90 thế kỷ trước đã thành khu chứa đồ thải...
Hàng hoá ùn ùn chở về từ Trung Hoa, Thái Lan, Đức, Thổ, Ba Lan… tập kết lại đây, kẻ bán, người mua thế là thành chợ. Thuở sơ khai, lúc mà làm ăn còn “tít”, mỗi phòng 14m2 tầng 3 ở Xaliut 2 bán áo da có giá kịch đường tàu là 150.000 đô la sang nhượng; còn giá trung bình ở các chợ khác cũng 5 đến 7 ngàn đô. Dần dần giá cứ rớt xuống, đến mức như hiện nay, giá vào phòng một vài chợ là 0, người bán chỉ phải nộp tiền kinh doanh hàng tháng. Trước đây, hàng hoá Việt Nam đánh từ Hà Nội, Sài Gòn sang còn chiếm mươi phần trăm thị phần, nay thì khó nói cụ thể được con số, nhưng chắc chắn rằng, nó rất nhỏ nhoi. Các loại áo quần thể thao, áo phông, dép tắm, sơ mi ngày xưa còn có chỗ đứng, nhưng năm năm trở lại đây, hàng Tàu giá rẻ tràn ngập Mátxcơva, hàng hoá của ta lui vào kho hoặc chỉ bày ra lấp chỗ trống.
Các đại gia người Việt bay tíu tít sang Bắc Kinh, Quảng Châu, đánh hàng trăm côngtenơ hàng đa chủng loại về Thủ đô Nga. Khốn nỗi là hàng Tầu giá thì rẻ, mà chất lượng dân Nga chấp nhận được, thế là các chủ quầy Việt Nam đều trở thành đại lý bán hàng, chào mời, quảng cáo hàng hộ nhân dân Trung Hoa vĩ đại. Kiểu này thì chẳng bao lâu nữa, Bộ Thương mại Trung Quốc phải mang cả chuyến tàu chở đầy huân chương về Nga trao cho các chủ hàng người Việt! Có người nói một cách không úp mở rằng, người Việt thì khai hoang, còn người Tàu gặt hái!
Tình hình buôn bán, mưu sinh của người Việt mỗi ngày mỗi khó khăn hơn. Cái thuở hàng khan hiếm, người Nga kéo nườm nượp đến chợ Việt Nam. Ở đó, họ mua được hàng hoá tầm tầm giá rẻ, họ lại được thưởng thức các món ăn Phương Đông. Còn bây giờ, chợ ở Mátxcơva mọc lên như nấm; thành phố to rộng này hiện có hơn chín chục siêu thị bề thế, rộng ba, bốn chục ngàn mét vuông: cỡ như Ramxtor có tới 14, Metrô có tới 5, Perekrextok gần ba chục, Tvôi Đôm 4 cái, Ikeia 4 cái… Vào siêu thị Nga có thể mua được từ cái kim đến cái ô tô; có thể mua từ chiếc bánh mì còn nóng hổi tới mớ rau còn tươi roi rói; có thể ăn bất cứ món ăn Âu, Á nào trong số hàng chục quầy ăn rực rỡ; có thể cho con cái vào phòng chơi giải trí, có thể xem phim nổi; xem dự báo thời tiết, có thể đổi tiền và sử dụng các loại hình dịch vụ. Thêm vào đó là giá cả rất phải chăng, chất lượng đảm bảo. Thế là các chợ phọt phẹt của chúng ta gặp phải các đối thủ khổng lồ, đành chấp nhận phận con nhà khó.
Vào thời điểm này, đang còn lại chợ KT là nơi kinh doanh sầm uất của người Việt. Chợ KT thu hút tới hai phần ba dân ta ở Mátxcơva đến làm ăn. KT chỉ là một phần trong tổng thể của một vùng lãnh thổ kinh doanh rộng lớn gồm 18 chợ khác nằm trong và quanh Trường Thể dục, Thể thao Mátxcơva gọi là Chợ Vòm. Khi một cán bộ quê Hà Tĩnh sang công tác, hỏi về chợ Vòm, anh ta ngớ người khi được giới thiệu là chợ to… gần bằng trung tâm thị xã Hà Tĩnh vì mỗi chiều rộng hơn 2km. Chưa một ai dám dũng cảm huênh hoang nói rằng đã đi khắp hết các quầy của chợ Vòm rộng lớn. Mức độ kinh doanh thì khá, nhưng độ hiểm nguy và rủi ro thì cũng tỷ lệ thuận với khả năng thu nhập.
Tan buổi chợ, hàng trăm ngàn người cuồn cuộn đổ về Metrô Cherkizopxkaia,Pođbenkovo và Parchizanxkaia. Dân Việt khác với trước đây, đi Metro rất ít, chủ yếu là đi xe. Ai không có xe nhà thì thường thuê tắc xi tháng. Đi xe nhà thì chọn lấy một lối an toàn nhất kể cả phải đi đường vòng, để sau một ngày bán hàng vất vả trở về tránh được những cuộc mai phục đón lõng của công an.
Chẳng ai thống kê dân ta ở Nga có bao nhiêu ô tô, nhưng qua những đại lý bán bảo hiểm thì tổng số ước tính trên ba ngàn chiếc. So với gần 4 triệu ôtô của dân Mátxcơva thì đó là một con số nhỏ nhoi, nhưng tính trên đầu người Việt đang có mặt ở thủ đô Nga thì đó là một con số đáng nể. Những người làm ăn nhỏ, tích cóp hàng xén thì chủ yếu đi các loại xe cũ, xe Lada đời 4 và đời 7 với giá từ 1.000 đến 2.000 đô. Loại bậc trung thì dùng các loại xe ngoại, chủ yếu là xe Đức và xe Nhật mua ở chợ bãi với giá dao động từ 5 tới 7.000 đô la. Những con xe này đưa về ta đều có thể bán ngay với giá hai chục ngàn đô không mặc cả vì xe ở Nga giá rẻ đến không ngờ. Còn các đại gia thì đương nhiên là mua xe mới ở các salon. Đến dự các buổi tiệc cưới, quanh nhà hàng tràn ngập những chiếc BMW X5, X6, Mécxeđec E240, E420, S500, S600, Audi A6, A8, Volvo 80, Jeep, Lexus 470, 570… bóng lộn. Từ trong xe bước ra là những doanh nhân thành đạt, mặc những bộ complê Ý hảo hạng, trong số đó có không ít người chưa rành thắt cravat, còn khó phân biệt được chữ “l” và “n” khi phát âm. Nhưng những chiếc xe mới đã thay thế điều đó, đã nói lên tất cả, đã chứng minh hùng hồn được sự “rũ bùn đứng dậy”.
Ở Matxcơva đã xuất hiện một vài đại phú sắm xe có kính chống đạn, mặc áo chống đạn, thuê bảo vệ mặc áo rằn ri, súng lăm lăm, xe trước, xe sau, để bảo toàn thân thể và chiếc túi ngàn vàng; đồng thời giải quyết khâu oai như các nhà tài phiệt của Nga chính hãng!
Tất cả xe của dân ta đều mang biển trắng, biển xe thuần khiết của người Nga. Trước đây, người nước ngoài sử dụng biển số màu vàng; các nhà ngoại giao biển số màu đỏ; xe công an biển màu xanh có số đăng ký vùng, còn xe chính phủ thì phía cuối có hiệu quốc kỳ, mang đèn ưu tiên và còi hú, nhưng hiện nay, biển số màu vàng gần như không đưa vào sử dụng nữa.
Khổ nhất là việc đăng ký xe của người nước ngoài phải tương đồng với việc đăng ký hộ khẩu. Mà hộ khẩu chỉ đăng ký năm một, vì vậy chủ xe năm nào cũng dành vài ngày cơm đùm, cơm nắm lên Trung tâm đăng ký dành cho người nước ngoài ở tận phố Rađianaia gia hạn lại. Nếu quá hạn, không có phiếu kỹ thuật, công an giao thông tóm được thì chỉ có mà thanh minh bằng tiền.
Vì đi bằng xe an toàn về nhiều phương diện nên bà con ta ai cũng cố sắm lấy một chiếc. Được cái ở Mátxcơva, xe khoá lại, đậu dọc đường phố qua đêm, qua ngày rất vô tư, hầu như chẳng ai sờ đến gương, kính, đèn hậu, chỉ hãn hữu ở một nơi vắng vẻ nào đó, mấy chú nhỡ nhỡ, rượu vào, thử tay đập vỡ kính. Do dịch vụ quanh chiếc ôtô khá phát triển, nào là làm đăng ký, làm bảo hiểm, làm phiếu kỹ thuật. Nhiều lái xe có khi khi chỉ mới tập ngồi sau tay lái đã phóng xe ra chợ, như thế thì tránh sao khỏi va quệt xảy ra dọc đường. Đường sá Mátxcơva suốt chục năm qua không ngừng nâng cấp, tốc độ xe chạy ở đường vòng tròn MKAD ở các làn 1, 2, 3, 4 phải tới 120 km/giờ.
Nhìn trên bản đồ trước năm 2000 thì chỉ thấy đường vành đai quanh Kremli, sau đó là đường Xatdovoi và cuối cùng là đường MKAD, vòng tròn ngoài. Từ năm 2002 đến 2005, chỉ trong ba năm thi công, xây dựng, đường vòng tròn thứ 3 được hoàn thành, có thể nói là con đường vĩ đại, không chỉ vì nó dài hơn 50km, rộng tới chục làn đường, có những đoạn ngầm dài gần 3km chui qua sông, có những đoạn vượt cao tương đương những ngôi nhà 7 tầng; mà còn là ở chỗ nó được làm quá nhanh và chất lượng. Việc giải phóng mặt bằng diễn ra mau lẹ, lặng lẽ, không phải đao to, búa lớn, cứ theo luật mà làm. Những đoạn đường đi qua các cánh rừng, người ta không chặt phạt trụi đi mà cho máy xúc bứng từng gốc cây trồng đi chỗ khác. Vành đai 3 có tới 8 đoạn đường ngầm, có những đoạn dài hơn 2km và sâu thăm thẳm như quãng qua Xusovxki Val tiếp giáp Entuziaxtov.
Còn đường MKAD, vành đai ngoài thì chỉ có thể dùng từ hoành tráng mới có thể diễn tả hết được. Dài 109km, mười hai làn đường, không hề có đèn đỏ, hơn 40 nút cầu vượt của các đại lộ xuyên về trung tâm, hơn 30 cầu bộ hành hiện đại qua đường, nó được coi là động mạch chủ của thành phố. Đường này người ta hay gọi là đường Lujkov vì ông thị trưởng bốn nhiệm kỳ này là người ký quyết định xây dựng và hoàn thành con đường thế kỷ quanh thành phố.
Những ngày đầu tháng mười một năm 2006, một đường vòng tròn mới, gọi là đường tròn thứ tư, chạy song song với vành đai đường sắt được khởi công theo kế hoạch, và con đường hiện đại Leningatxkoe sẽ được nâng cấp, nó sẽ giúp giảm bớt sự ách tắc giao thông thê thảm hiện thời. Chi phí cho hai con đường này dự toán khoảng 550 triệu đô la.
Những người từ châu Âu về, khó tính, thường vẫn có những lời nghịch nhĩ về Matxcơva, nhưng khi đã bước vào Metrô của thủ đô Nga La Tư thì mọi định kiến đều chấm dứt. Vào những năm 1980, hệ thống tàu điện ngầm Matxcơva có 156 ga, còn lúc này là 175 ga chạy trên 5 tuyến, mỗi ga tàu điện ngầm là một cung điện, một công trình kiến trúc ngoạn mục. Đường Metrô toả ra khắp thành phố rộng lớn với tổng chiều dài gần 320km. Dự kiến trong mười năm tới, Matxcơva sẽ có thêm 20 ga tàu điện ngầm nữa, nối dài ra quá vành đai ngoài thành phố. Những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam trước đây đi đâu, rất ít khi dám bắt tăcxi, mà thường cưỡi Metrô, vừa rẻ, vừa an toàn, vừa đúng giờ. Cứ bỏ 20 kôpếch, 10 kôpếch vào máy đổi tiền ra 5 xu, cho vào cửa soát vé là cả ngày ung dung đi khắp thành phố trong lòng đất. Bây giờ người ta không dùng xu nữa mà dùng thẻ. Giá vé thống nhất cho một lần đi là 17 rúp, gần hai phần ba đô, so với Pháp, Anh thì rẻ chán. Khách đi Metro chưa bao giờ ngưng giảm, vì đi phương tiện này rất thuận tiện, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ. Ai thuê nhà được gần Metrô coi như được tăng phụ cấp.
Còn xe điện trôlâybuyt (ở Hà Nội cũng hồi năm 81 đã từng trình xuất hiện loại này chở khách trên phố Huế, có một người thò đầu ra phía sau luôn cầm dây điều chỉnh để rulô khỏi trượt khỏi cáp điện, dân ta gọi là xe có cần) thì chỉ đưa ra vài thông số đã đáng nể: Matxcơva có hơn 1500 xe loại này, tổng số chiều dài các tuyến đường nối lại khoảng 1470km, dài hơn đường chim bay từ thủ đô Nga tới thủ đô Vacsava!
Trong vòng 4 năm (2002 - 2006), Matxcơva khánh thành bốn đường tàu siêu tốc chạy từ ga Kiev, Kurxki và Paveletxki đến các sân bay Vnukôvô, Đômôđeđôvô và đường từ Xavelovxkaia đến Seremetievo 2 và mới thêm một đường cao tốc trên không chạy từ Trung tâm Triển lãm thành tựu kinh tế (VĐNKH) đến Timiriazevxkia. Xung quanh Matxcơva có 7 sân bay, 9 nhà ga lớn trong thành phố và gần 120 bến tàu Electronika. Từ trung tâm tới sân bay đi bằng tàu siêu tốc giá 120 rúp (4,3 đô) chỉ trong khoảng 40 phút là hành khách đã có mặt ở phòng chờ máy bay rồi. Ngồi tàu thì không lo tắc đường, nhưng người Việt khi ra sân bay đồ đạc lắm thứ, vẫn thích đi ô tô hơn.
Trong số gần một trăm cửa làm thủ tục bay toả đi khắp thế giới, thì nơi làm thủ tục cho chuyến về Việt Nam hai chục năm qua vẫn là nơi sôi động nhất.
Chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi nhiều bài báo và dân ta gọi sân bay là cửa ải. Ở Hà Nội, Thành phố Hò Chí Minh sang, xuống máy bay, qua cửa biên phòng là tim thắt lại. Những cái nhìn săm soi, những sự lục vấn và những khuôn mặt lạnh toát của người làm công vụ; và những vụ việc bất minh của một số phần tử dịch vụ người Việt là hình ảnh nổi trội ở nơi đây. Đã bao năm nay Sứ quán nhiều lần kết hợp với các bộ phận chức năng của Nga ra tay dẹp sự tiêu cực và lộng hành của một bộ phận công an Nga mất chất và số người Việt làm ăn trái phép, nhìn chung thì tình hình đang có những dấu hiệu tốt lên.
Nhịp sống của một xã hội Việt Nam thu nhỏ
Khác với người Việt ở châu Âu, chủ yếu sống trong căn hộ, thì người Việt ở Nga phần lớn sống trong các ký túc xá, từ hai chục năm nay một danh từ mới ra đời và mặc nhiên tồn tại gọi là “ốp”.
Ốp của người Việt vừa là xã hội thu nhỏ, vừa là "căn cứ địa" của dân ta. Các ốp này được các ông chủ người Việt lập Công ty thuê của Nga, sau đó cho bà con ta thuê lại. Hầu hết các phòng trong ốp rộng chừng 14 đến 18m2, công trình phụ chung ở cuối hành lang. Trong ốp có đủ các loại dịch vụ từ hàng khô, hàng phở, karaoke, điện thoại, xe đưa đón sân bay, làm giấy tờ, chuyển quà cáp…, nghĩa là muốn gì, có nấy. Chục năm trước, trong ốp chỉ có hai thế hệ, nhưng nay có tới ba thế hệ cùng chung sống, thế hệ ông: làm ăn; thế hệ cha: làm ăn; thế hệ con: đi học, và trong tương lai chờ một công ty nào tiếp nhận lại lao vào công cuộc làm ăn!
Từ Việt kiều đối với người Việt ở Nga không phù hợp lắm. Cho đến lúc này, Ông Trương Quang Giáo cho hay, là chỉ mới có khoảng hơn hai trăm người lấy chồng Nga, vợ Nga trong Hội Người Việt định cư. Nó chỉ là một phần sáu mươi, phần bảy mươi số người Việt đang mưu sinh tại Nga. Số còn lại, vẫn là hộ khẩu tạm trú, là người Việt chính cống.
Có thể khẳng định rằng, không ở đâu, người Việt lại dành cho quê hương một tình cảm yêu thương như người Việt ở Nga. Họ chắt chiu từng đồng, làm ăn lam lũ, nhưng bất cứ một đợt quyên góp nào ủng hộ đồng bào trong nước bị bão lụt, thiên tai, các hoạt động từ thiện, thì người Việt ở Nga đều hưởng ứng đầu tiên.
Ngoài ốp, chợ là nơi tụ hội, làm ăn và giao lưu của người Việt ta, thì nhà hàng, khách sạn lại đóng một vai trò rất lớn trong việc tự giới thiệu và lưu giữ văn hóa Việt. Khách Nga người nào đã quen với món ăn Việt Nam ở Hương Giang, Sông Lam, Hà Nội, Nems… thì sao nhãng với các tiệm ăn khác, mặc dù thủ đô Nga san sát các cửa hàng ăn châu Á, châu Âu.
Đa phần các đám cưới người Việt đều tổ chức tại nhà hàng. Nơi tổ chức đám cưới nhiều nhất là nhà hàng Bích Câu ở Vôikôvxkai và nhà hàng ở ốp Xaliut 3, Sông Lam vì các nơi ấy có đông người Việt ở và có bãi đậu xe rất rộng.
Các đám cưới bắt đầu từ việc cô dâu chú rể và đoàn anh em, bằng hữu đi đặt hoa tại tượng đài liệt sỹ vô danh ở Kremli, tượng đài Bác, lượn qua trường MGU, vòng về quảng trường Chiến thắng trên đại lộ Kutuzov. Đoàn xe đi đặt hoa có khi lên tới chục chiếc, trang hoàng lộng lẫy bất chấp mọi sự tốn kém, thường xuất phát từ quãng hai giờ chiều và trở về chừng 6 giờ chiều. So về mặt số lượng, các đám cưới của Nga chỉ có dăm, bảy người, thường chỉ có hai, ba xe, một bó hoa… thì đội ngũ của ta phải nói là trùng trùng, điệp điệp, có khi ngót nghét trăm người với hàng chục bó hoa cao giá.
Kết thúc việc đi đặt hoa, đoàn xe về thẳng phòng cưới. Đám cưới nào cũng thuê một MC dẫn chương trình chuyên nghiệp, nói những lời bay bướm, đám nào cũng như đám nào giống hệt nhau, chỉ khác tên cô dâu, chú rể; có đại diện nhà trai, nhà gái phát biểu, có các tiết mục văn nghệ do các Ban nhạc cộng đồng phục vụ, có trao nhẫn, hô vang gorko hôn nhau. Cuối cùng cô dâu, chú rể đi một vòng nhận phong bì và chụp ảnh lưu niệm. Tổ chức một đám cưới khá tốn kém vì ngoài mọi chi phí ra, chi phí ăn uống linh đình phải tới ít nhất là năm chục đô một suất, nhưng bù lại, tiền phong bì nhận lại ít ra cũng từ bảy chục đến một vài trăm đô một khách tuỳ theo quan hệ.
Cũng như ở các nơi khác, Văn hoá Việt đến Nga thoạt tiên bằng thói quen và quán tính, chưa phải bằng ý thức. Mỗi ốp ở thường có tới ba trăm đến bốn trăm phòng; nhiều như Xaliut2, Tôgi… lên tới 700 phòng; còn số lượng Kiốt ngoài chợ KT lên tới 9, 10 ngàn. Cứ ngày rằm, mồng một, tất cả các phòng ở, tất cả các kiốt bán hàng, tất cả các văn phòng Công ty đều thắp hương khấn vái. Rất ít người Việt vô sách, vô sư, không biết kinh bổn, nhưng đều có bàn thờ gia tiên, lòng thành, khấn nôm vậy. Những anh cửu vạn ở chung mươi người một phòng thì đành “Ngày giỗ bố bày mâm ra cánh tủ - Chiếc cốc con đổ gạo cắm hương thờ”. Vào những ngày sóc vọng khói hương nghi ngút đó, Ban Quản trị cứ phải luôn dùng loa đài nhắc nhở việc cảnh giác phòng chống cháy khi hoá vàng. Một chuyện nực cười là có lần công an Nga vào ốp ở, lục tìm thấy trên bàn thờ của một gia đình một bó đô la hàng mã, thế là đám phó quay đổ xô vào bấm máy, chương trình tivi "Pêtơrốpka 38" không bỏ lỡ cơ hội, phát tin cho rằng người Việt Nam làm đô-la giả!
Các ngày lễ, Tết ở xứ người được tiến hành những bản sao, mô phỏng lại các nghi lễ, tập tục ở nơi sinh ra nó. Khi cả Matxcơva ngập tuyết, thì trong các phòng ở người Việt Nam có hoa đào đỏ thắm, có bánh trái và mọi người quây quần lại hướng về nơi sinh thành, tiên tổ. Tục xông đất, lì xì, chúc tụng, thăm nhau y hệt như ở quê nhà; cũng chọn giờ xuất hành và thăm thú chẳng khác gì trong nước.
Nếu như ngày hội hè ở xứ người là ngày nghỉ ngơi, gặp gỡ, là những thời khắc vui vẻ hiếm hoi, thì những cảnh tang gia nơi xứ người bội phần chua xót. Chẳng ai tính được số người Việt trút hơi thở cuối cùng trên đất Nga là bao nhiêu, nhưng con số đó phải là hàng trăm. Kẻ thì bị bọn côn đồ sát hại, kẻ thì ốm đau, bệnh tật, kẻ thì tai nạn rủi ro… Vài ba tuần, có lúc hàng tuần, trên các báo của cộng đồng lại có một tin buồn đóng khung đen, nội dung cũng giông giống các tin cáo phó của báo trong nước.
Ngày đưa tang, bà con, anh em, bè bạn tụ tập tại nhà tang lễ, vào giờ làm lễ, quan tài được bấm nút đưa lên từ dưới tầng ngầm sau khi thi hài được trang điểm. Trên đầu quan tài có hương, hoa, rượu và có khi có cả bài vị. Nắp quan tài được mở để người thân nhìn mặt lần cuối cùng. Một vị đại diện đọc điếu văn trong tiếng nhạc tang của một người phục vụ gõ pianô ở góc phòng. Kết thúc, mọi người đặt hoa quanh quan tài và người nhà đưa thi hài lên xe tang chuyên dụng mang đi hoả táng ở tận nghĩa trang ngoại ô. Di hài được bảo quản tại nghĩa trang, khi có thân nhân về nước, thì ra đó làm thủ tục đưa “lá rụng về cội”.
Những gia đình có điều kiện thì chở thi hài bằng quan tài kẽm về cố quốc. Chi phí này vào những năm 90 lên tới 18 ngàn đô, còn hiện nay xấp xỉ 7 ngàn. Một vài điểm trong số 58 nghĩa trang rộng lớn nằm ở ngoại vi Matxcơva còn có rất nhiều di hài của người Việt vẫn gửi lại chưa được đưa về quê hương bản quán. Những đám tang không có người thân thì bà con đồng hương và các Hiệp hội phải đứng ra lo kinh phí và thủ tục.
Mười ba năm qua, có tới năm Hiệp hội đã được thành lập, đó là Hội Văn học nghệ thuật, Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Người Việt, Hội người Việt định cư, Hội Doanh nghiệp. Thoạt đầu, số Hội viên của các Hội này cực kỳ hùng hậu, đa số là trí thức tham gia. Mỗi Hội đều có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ban Chấp hành cùng với một chương trình hoạt động rất hấp dẫn. Nhưng cái khó của các Hội nghề nghiệp của người Việt ở Nga là kinh phí. Trừ Hội người Việt và Hội Doanh nghiệp có địa chỉ, có dấn vốn ra, các Hội còn lại đều không có Văn phòng, không có tài khoản, không có quỹ và không thu được một đồng hội phí. Các vị Chủ tịch cứ mỗi lần tổ chức hội họp, hội thảo khoa học, tiếp khách… đều phải xách cặp tong tả khắp các Trung tâm thương mại để xin tài trợ. Ví dụ, Hội Văn học Nghệ thuật, nay đã sang tuổi 13, nhưng không có lấy một số điện thoại riêng để liên lạc. Anh em làm văn chương nghèo kiết xác, ham muốn thì nhiều. Cuộc họp nào cũng bàn việc in sách, tổ chức đêm thơ, ra tạp chí… nhưng khi ngó vào hầu bao thì rỗng không trơ đáy. Việc xuất hiện và tồn tại của một bất cứ một Hội của người Việt ở xứ người đã như là một chiến tích, chứ chưa kể đến các công lao của nó.
Gần đây, với sự cho phép của Sứ quán, Hội Võ thuật Việt Nam, Hội Sinh viên cũng được khai sinh.
Trong khi các Hội không có cách nào kiếm ra tiền thì cánh báo chí của cộng đồng làm ăn tương đối khấm khá. Tính từ năm 1992, khi tờ “Vạn sự” in trên giấy A4 được phát hành, cho đến nay đã có tới 27 tờ báo lần lượt xuất hiện, rồi lần lượt cáo chung như For You, Thời mới, Tin Việt, Tin nhanh, Buổi sáng, Việt báo, Bưu điện... Cho đến giờ phút này, ở Mát-xcơ-va đang tồn tại 7 tờ báo: Tuổi trẻ, Tin tức thị trường, Nhật báo, Thời báo, Thời báo Matxcơva, Tin tức, Nhân hoà.
Các tờ báo này đều có giấy phép của Nga, in với số lượng xê dịch từ 700 đến 1.500 bản, phát hành tại Matxcơva, Upha, Vôngagrat, Êkatêrenbua và Xamara. Các tờ đều trình bày đẹp, có nghề, in khổ A4, dày 48 trang, (nghe nói sắp tới sẽ dày hơn) có đủ tin tức Nga, thế giới, Việt Nam. Tiếp theo đó là mục văn học, thể thao, chuyện vui, ô chữ, và phần chiếm dung lượng lớn nhất là quảng cáo. Gọi là báo cho nó sang trọng, thực chất nó lấy tới 99% tin từ các báo, các mạng Internet, sau đó làm makét, in ra. Gọi là 99% bởi vì phần ô chữ và quảng cáo là của riêng bản báo. Cùng với truyền hình, các báo cộng đồng mang đến tin tức cập nhật khá trung thực, khắc phục nạn đói tin của dân ta ở ngoài nước, chỉ khốn nỗi là do chạy theo thị hiếu khách hàng, các báo khai thác ồ ạt các chuyện hình sự, giật gân và các chuyện tình ly kỳ, rùng rợn làm cho các tờ báo này giống như là bản tổng kết tội phạm của ngành công an vậy. Khi sang Balan, tôi ngạc nhiên khi không thấy ở Vacsava không có báo ngày như ở Nga, gặng hỏi thì được trả lời là, dân Việt ở Ba Lan nhà nào cũng xài Internet, chẳng ai mua báo đọc lại tin làm gì. Quả có thế thật, hiện giờ ở Nga, chắc chỉ có tới 9, 10 phần trăm bà con dùng máy tính!
Về mặt kinh doanh, các chủ báo thu nhập không đến nỗi vì mỗi tờ báo bán hơn nửa đô, trừ chi phí in ấn và phát hành, cộng thêm phần quảng cáo nữa, có thể gọi là sống được.
Tờ báo chính thống của cộng đồng là Tạp chí Đất nước. Dạo từ 1995 đến năm 2000 tạp chí hàng tháng, sau đó mỗi năm ra ba kỳ, chủ yếu vào các dịp lễ, Tết. Đây là một tạp chí chính trị, xã hội, văn học đan xen, phát hành khắp các thành phố Nga có người Việt. Vì tạp chí không có phóng viên, nên bài vở chủ yếu do anh em trí thức, sinh viên cáng đáng.
Nhân dịp các buổi họp mặt với người Nga trong các cuộc lễ, Tết, tạp chí được đem phát, tặng thoải mái. Những người Nga biết tiếng Việt thì cực kỳ phấn khởi, còn những người không biết tiếng Việt thì đón nhận như một món quà mang tính văn hoá.
Ở Matxcơva từ lâu có hai Hiệp hội Nga ủng hộ Việt Nam, yêu Việt Nam tuyệt đối. Đó là “Hội Hữu nghị Nga – Việt” do ông E.Glazunov làm Chủ tịch, bà I.Petrovna làm Tổng thư ký. Đã ngoài 75 tuổi, thời Xô Viết làm Vụ trưởng Vụ Phương Đông, từng làm Tham tán Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, ông E. Glazunôp được coi là một hình ảnh cao quý tượng trưng cho tình hữu nghị hai nước. Mặc dù Hội Hữu nghị Nga - Việt không hề có ô tô, các phương tiện văn phòng và tiện nghi rất sơ sài, không có phụ cấp, chỉ hưởng mỗi lương hưu, nhưng không hoạt động nào của cộng đồng người Việt mà lại vắng mặt ông Glazunov. Với vốn Việt ngữ thành thạo, khi nói về Việt Nam, ông không cần cầm theo “phao” mà nói vo rất hùng hồn. Các cuộc họp của “Hội Hữu nghị Nga – Việt” thường có tới trên trăm người tham dự, toàn những cụ trên 70 đã từng đến Việt Nam và hoạt động trong các phong trào vì Việt Nam. Trong số đó, có các vị đã từng làm Tổng Giám đốc Công trình thuỷ điện Sông Đà, có người từng khâm liệm Bác Hồ lúc Người mất; có người từng viết và viết rất nhiều về Việt Nam như ông E.Kobelev. Quyển Đồng chí Hồ Chí Minh của ông đã được tái bản tại Hà Nội tới lần thứ ba.
“Hội cựu chiến binh và chuyên gia Nga từng công tác tại Việt Nam” do ông N.Kolexnic đứng đầu là một tổ chức xã hội rất lớn. Lớn vì số lượng thành viên của nó đã đành, nhưng ấn tượng hơn là trong đó có những yếu nhân tham gia như Đại tướng Guvôrôp, Đại tướng I.Khiupenhen, anh hùng Gorbatkô và hàng loạt sỹ quan cao cấp khác… Cũng như “Hội Hữu nghị Nga – Việt”, Hội Cựu chiến binh hoạt động rất đều đặn, có mối quan hệ rất mật thiết với Sứ quán và cộng đồng. Mỗi khi có một chương trình phim, hay có tờ báo ủng hộ Việt Nam, ông Kolexnic gọi điện thông báo khắp nơi cho các Trung tâm người Việt được biết. Thậm chí ông còn ghi thành băng hình gửi đến cho bạn bè thân quen người Việt. Vào đầu tháng 9 năm 2002, khi hàng trăm cảnh sát dã chiến bao vây chợ Xaliut 3, ông Kolexnic và bà Irina Petrovnana cùng với nhiều cựu chiến binh Nga đã đứng ở hàng đầu tiên trước các phóng viên nước ngoài lên tiếng ủng hộ cộng đồng Việt. Bà Irina Petrovna nói nửa đùa, nửa thật là, tôi chỉ mong cho cảnh sát đánh vào tôi một cái để Hội Cựu chiến binh và Hội Hữu nghị Nga Việt có thêm lý do để ủng hộ bà con Xaliut 3.
Một lần, vào ngày 19 – 5 - 2000, trong dòng người đi đặt hoa tại tượng Bác, có một ông già Nga cao lớn chỉ mang mỗi bông cẩm chướng đỏ, đứng ở hàng sau cùng. Tôi hỏi chuyện, biết ông tên là A.Xomov(*), anh hùng Nga, phi công công huân, người đã từng lái máy bay chở Bác Hồ đi công tác năm 1961. Đến thăm nhà ông, các bức ảnh Việt Nam, ảnh Bác, các kỷ vật trong chiến tranh chống Mỹ được treo ở những vị trí trang trọng nhất. Ông còn lưu giữ những tấm cácvidít ố vàng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Văn Tiến Dũng và các tờ bưu ảnh Bờ Hồ, Bách hoá Tổng hợp Tràng Tiền… loại phát hành đầu những năm 1960. Năm nay ông 85 tuổi, ông và nhiều cựu chiến binh chỉ mơ một lần được thăm trở lại mảnh đất nhiệt đới đầy ắp kỷ niệm và tình yêu: Việt Nam. Nhiều người Việt có tâm đức rất muốn mời họ sang, cảm thấy như mắc nợ với họ, nhưng không dám hứa, bởi vì vé máy bay hai chiều Matxcơva – Hà Nội xấp xỉ 1.000 đô la…
Hà Nội, Đông 2006
_____________________
*) Anh hùng A. Xomov đã mất vào tháng 4 – 2011.
(Theo Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng)
|