Mùa thu mới là mùa đẹp nhất, đáng yêu nhất của Hà Nội. Có lẽ thế. Đúng thế. Năm nay rét muộn, bởi vậy giữa tháng mười ta mà những vòm cây dọc phố nắng vẫn còn vàng tươi như tranh vẽ. Dùng dằng thu gợi những chập chờn xưa xa trong lối xưa xe ngựa hồn thu thảo của Bà Huyện Thanh Quan và gần hơn là gió thổi mùa thu hương cốm mới của Nguyễn Đình Thi...Đã là những ngày của tháng cuối năm dương lịch rồi đó.Tháng 12. Hà Nội bừng lên hồi ức kỳ vĩ của một trận đánh huyền thoại, siêu huyền thoại trên bầu trời Thăng Long cách đây bốn mươi năm về trước. Bốn mươi năm, vâng, bốn mươi năm đi qua rồi mà dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không vẫn không phai nhạt đi chút nào, trái lại càng lùi xa cái thời điểm khốc liệt và hào hùng ấy thì ánh hào quang của nó càng rực rỡ thêm.
Tôi không nhắc lại những gì đã xảy ra, ví như bao nhiêu nghìn tấn bom đã được pháo đài bay Mỹ rải thảm xuống mảnh đất nghìn năm văn hiến, bao nhiêu con ngáo ộp B52 đã bị tên lửa, pháo cao xạ, MIG của ta vít cổ xuống châu thổ sông Hồng, bao nhiêu máu và hoa đã thấm xuống và bay lên trong và sau cuộc đọ sức có một không hai trong lịch sử chiến tranh nhân loại này vì trong mấy ngày qua báo chí nói đến không ít. Tôi chỉ muốn nói thêm rằng: trận đánh vĩ đại này là minh chứng hùng hồn cho sức chịu đựng, lòng quả cảm, sự sáng tạo tuyệt vời của Hà Nội, của Việt Nam. Chỉ có Việt Nam, mới có Việt Nam bắn cháy, bắn rơi tại chỗ Boeing B52 Stratofortress,pháo đài bay chiến lược của Mỹ.
Đêm mùa đông se se. Khối không khí lạnh mới mon men chạm vào cực Bắc nước ta. Ra phố, chưa phải áo khăn lớp trong lớp ngoài sù sụ. Dẫu thế, vẫn không dửng dưng bỏ qua được ánh than hồng hồng bên vệ đường của cô gái bán ngô nướng. Ngô nếp. Nướng trên than hoa. Thơm dẻo. Vừa ăn vừa nhấm nháp cái rét nhẹ nhàng Hà Nội, vừa tận hưởng sự thanh bình giản dị tưởng chừng rất dễ có này.
Không dễ đâu, bốn mươi năm trước, vào những đêm thế này, Hà Nội nhoáng nhoàng ánh lửa. Những hàng rào lửa chết chóc được dựng lên ở Khâm Thiên, ở Bạch Mai, ở Mễ Trì và rất nhiều nơi khác nữa đôi bên sông Hồng. Lửa bom B52 rải thảm. Những ánh lửa thần diệu từ mặt đất mịt mù lao lên bầu trời Thủ đô, tiêu diệt máy bay Mỹ. Lưới lửa phòng không nhiều tầng cao thấp khác nhau của Hà Nội, hừng hực tinh thần quyết chiến quyết thắng vây bủa đốt cháy lũ giặc bay. “Lúc đó em chưa chào đời, đúng không?”. “Em sinh năm 1975, vào đúng ngày 30 tháng 4, thế nên bố em mới đặt cho tên là Thắng. Trần Thị Chiến Thắng, anh thấy có oách không nào”.
Năm Mỹ đem B52 rải thảm Hà Nội tôi mới mười sáu tuổi. Những ngày Mỹ tập trung đánh Thủ đô, vùng trời ở Quảng Bình quê tôi thưa vắng hẳn tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom đạn nổ ùng oàng. Sau giờ đến lớp, chúng tôi có nhiều khoảng bình yên để bày trò đùa nghịch như đánh khăng, đá võ gà, chơi ù mọi, không mấy để ý tới nỗi lo âu hiện lên trên gương mặt người lớn. Mười lăm, mười sáu tuổi, chưa đủ khôn để hiểu thấu đáo tầm quan trọng của trận đọ sức 12 ngày đêm Hà Nội ấy. Chúng tôi đâu hiểu tường tận ý nghĩa to lớn của trận đánh vĩ đại này; từ trong đổ nát rồng lửa Hà Nội bay lên như là sự tiếp nối Thăng Long linh thiêng của gần thiên niên kỷ trước, khẳng định khí phách Việt Nam, minh chứng chính nghĩa Việt Nam, dự cảm toàn thắng Việt Nam trở thành hiện thực sau đó 3 năm.
Thời ấy, không phải không có người lo Hà Nội sẽ tan nát mất. Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, cầu Long Biên, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn...sẽ thành những đống gạch vụn. Nếu như ta không đánh giỏi bắn trúng, nếu như tầm cao Sam 2 không được nối cao thêm, MIG 21 không dám bay lên trên đầu pháo đài bay Mỹ để bắn rụng, bắn rơi chúng và những con mắt thần ra đa không tinh tường tóm tín hiệu B52 trong dày đặc những sọc những chấm nhiễu do địch gây nên thì sự thật kinh hoàng kia có thể xảy ra lắm chứ.
Một trong những bài thơ viết về Hà Nội hay nhất, giản dị mà mới mẻ, u hoài và lắng sâu đã ra đời trong những ngày bom đạn dữ dội ấy. Em ơi, Hà Nội phố! của Phan Vũ. Có lẽ, trái tim đầy nhạy cảm của thi sĩ đã rung lên với những thắc thỏm âu lo nào đó cho một Hà Thành cổ kính mảnh mai trong sự tàn phá thô bạo của bom đạn, của chiến tranh. Bài thơ như muốn ghi lại những vẻ đẹp, nét đẹp đời thường của Hà Nội để nếu như, nói dại, thành phố nát tan thì vẫn còn đây, trong thi ca những thổn thức trầm vọng: Em ơi, Hà Nội phố!/ Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa/Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ/Ai đó chờ ai/Tóc xõa vai mềm...
Tôi nói với cô gái bán ngô: “Chắc em biết bài Em ơi, Hà Nội phố ?” Cô gái cười cười: “Biết chứ anh, bài hát tình cảm như thế mà”. Tôi giúp cô trở mấy bắp ngô cho chín đều, ngẫu hứng đọc cùng ánh lửa hồng ấm áp. Em ơi, Hà Nội phố!/Ta còn em cây bằng lăng mồ côi/Mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi/Mùa đông/Ta còn em mảnh trăng mồ côi/ Mùa đông...
Rưng rưng.
Mùa đông năm 1972, Hà Nội trắng khăn tang. Hàng trăm người dân vô tội bị chết vì bom rải thảm của Mỹ. Hàng trăm đứa bé mồ côi mẹ cha. Hàng trăm người vợ mồ côi chồng. Hàng trăm người chồng mồ côi vợ. Hàng trăm tình yêu mồ côi tình yêu. Hàng trăm ngọn lửa mồ côi ngọn lửa. Mồ côi, cái điệp khúc ấy là một phía của 12 ngày đêm Hà Nội, Hà Nội mất mát đau thương, Hà Nội nước mắt mặn mòi, Hà Nội đầm đìa máu chảy. Đừng quên cái giá phải trả cho chiến thắng vĩ đại này. Hà Thành đã thành chiến địa tàn khốc trong 12 ngày đêm khói lửa cuồn cuộn ấy. Nếu ai đó có nói rằng, trước khi tổ chức đại lễ chiến thắng ta cần phải làm chu đáo một đại lễ cầu siêu, trước khi xướng lên khúc khải hoàn ca hoành tráng ta phải tấu lên bài hồn tử sĩ thống thiết, chắc ta cũng không cho rằng ủy mị yếu đuối. Hiểu đúng cái giá của chiến thắng càng tôn vinh chiến thắng cao hơn. Kẻ thù mạnh giàu hơn ta, hiện đại hơn ta bội phần thế mà người chiến thắng không phải là họ. Chiến thắng là Hà Nội, là Việt Nam, là lương tâm, là chính nghĩa, là tinh thần: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất đinh không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Cuộc chiến đấu không cân sức này bắt buộc ta phải chấp nhận nhiều mồ côi, không thể nào khác được, dẫu chúng ta hoàn toàn không muốn.
Rất nhiều công dân Hà Nội hôm nay không biết mùi B52. Biết làm gì cơ chứ. Càng đẩy xa chiến tranh, xung đột ra xa bao nhiêu càng hạnh phúc cho dân tộc bấy nhiêu. Không ai muốn có chiến tranh để gặt hái vinh quang cả. Phần thưởng lớn nhất, thành quả lớn nhất của một dân tộc, một đất nước trước hết là hòa bình. Loạn lạc, binh đao muôn thuở làm cho đất nước tan hoang, chia ly, tao tác. Nhìn ra thế giới đó đây hôm nay ta thấy quá rõ điều không tốt lành ấy. Không phải ngẫu nhiên Hà Nội yêu dấu của chúng ta được gọi là thành phố Hòa Bình.
Không còn ánh chớp đạn bom. Không còn lưới lửa phòng không vạch ngang dọc trên bầu trời. Trong quầng sáng thành phố, ta thấy bầu trời Hà Nội lãng đãng mây bay, những vì sao lấp lánh sáng. Yên bình. Bên tôi, quầng lửa hồng nhỏ nhoi của bếp than, vầng trán lấm tấm mồ hôi của cô thôn nữ, những bắp ngô nướng thơm thơm cũng là những minh chứng nho nhỏ về một Hà Nội thanh bình.
Hà Nội sau bốn mươi năm làm nên Điện Biên Phủ trên không có những vầng lửa ấm áp giữa mùa đông như thế...
Theo Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý