Tôi còn nhớ ngôi nhà lợp lá tro có những cột lim đen bóng và mấy ô cửa sổ hình chữ nhật nhìn ra mảnh vườn của bà. Một phần tuổi thơ tôi ở đó cùng với tiếng vi vu của mấy ngọn phi lao giữa xuôi ngược nồm nam, mùi hoa xoan tháng hai thoang thoảng, những bông bí rực vàng trong nắng, trái bầu non treo thong thỏng dưới giàn...Mảnh vườn đất cát pha không mấy rậm rạp nhưng vẫn lảnh lót tiếng chim mỗi sớm, mỗi chiều và trong thế giới riêng ấy lũ trẻ con chúng tôi hồn nhiên trò chuyện với giun dế, chuồn chuồn, bươm bướm, bọ ngựa...bên cạnh cây chanh, cây ổi, cây mít chẳng biết bà nội trồng từ lúc nảo lúc nào.
Còn thấp thoáng trong ký ức tôi câu ca dao thơ bé: Chuồn chuồn có cánh thì bay/ Có thằng con nít giơ tay bắt chuồn. Tôi nhớ thương muôn vàn những con chuồn bầu, chuồn kim ấy bởi nó đã từng bay qua, đậu lên cây lá của bà như các nốt nhạc bé nhỏ bình yên. Đâu dễ tìm lại được không gian êm ả tinh khiết hiền hòa như thế trong cuộc sống nhiều toan tính xô bồ gấp gáp bây giờ. Trẻ con thời nay hình như cũng mất đi nhiều lắm sự hồn nhiên ngây thơ trong trẻo vốn có của nó. Cõng trên lưng chiếc cặp nặng trĩu sách vở, dán mắt vào màn hình ti vi, máy tính, quanh quẩn trong mấy bức tường, chúng thiếu mảnh vườn cây trái sum suê và cả mảnh vườn cổ tích kỳ ảo.
Bà tôi đã thành người thiên cổ. Mỗi dịp Tết đến xuân về trong ngan ngát trầm hương trên bàn thờ gia tiên, tôi lại rưng rưng nhớ những khóm sả, tía tô, bạc hà, những luống hành, luống ném trong mảnh vườn xa xưa. Bà trồng những thứ ấy, thường ngày để làm gia vị trong bữa ăn, khi con cháu ốm đau thì đó là thuốc chữa bệnh.
Thời con nít, anh em tôi thường hay bị ốm đau lặt vặt. Nhưng hầu như rất ít khi phải dùng thuốc Tây dù ba tôi là trưởng trạm y tế xã. Bà tôi thực sự làbác sĩ gia đình, ai ốm đau thông thường đều phải dùng thuốc của bà. Những món thuốc hái từ vườn và cách chữa bệnh dân gian của bà đơn giản và hữu ích. Mỗi lần chúng tôi bị cảm, bà nấu cho một nồi nước xông rõ to, nào lá sả lá chanh, nào lá tre lá bưởi...Đứa nào cũng ngại khi phải chui vào trong chiếc chăn chiên kín mít, tối om, nước bốc lên nghi ngút nóng hổi. Bà ngồi bên, cầm đôi đũa cả, vừa dỗ vừa đe: “ Chịu khó một chút con. Muốn được đi nhởi (chơi) thì phải xông. Nếu không thì phải nằm trên giường cả tháng đó”. Với trẻ con chẳng nỗi sợ nào bằng không được đi chơi, thế là chúng tôi phải cởi trần ngồi thu lu trong chăn vừa xông vừa la oai oái “Nóng, nóng chi lạ mệ (bà) ơi!” . Chưa hết đâu, bà còn nấu cháo tía tô, cháo hành cho chúng tôi ăn để giải cảm. Sau vài lần xông nước lá và sì sụp húp mấy bát cháo tía tô, cháo hành cay xè nóng bỏng chúng tôi lại mát mẻ như thường. Lại chạy nhảy, hò hét, đá bóng, đấu võ, đánh khăng. Tôi còn nhớ có những lần mình bị sốt cao bà lấy hạt ném giã ra rồi đắp lên trán tôi. Đứa nào ngủ hay giật mình bà đem con dao đặt ở dưới gối. Chắc bà nghĩ là để ma quỷ khỏi lẻn vào quấy rối cháu mình hay sao ấy. Thuốc của bà có sẵn trong vườn và cũng khá hiệu nghiệm. Ai đi đâu về bị lạnh bà tôi bắt uống nước gừng nóng ngay, đau bụng đi ngoài bà ra vườn hái bảy búp ổi (đối với nam), chín búp ổi ( với nữ) đem vào cho nhai kỹ rồi nuốt. Ai bị táo bón bà luộc rau hay củ khoai lang cho ăn nhiều vào và món chè bí ngô (quê tôi gọi bí đỏ) là thứ thuốc chữa đau đầu theo lời bà nói. Mùa hè, bà hay nấu nước rau má, râu ngô cho cả nhà dùng. Nước rau má đăng đắng, nước râu ngô ngòn ngọt, những thứ giải khát bình dân rẻ tiền ấy bây giờ vẫn được nhà tôi ưa dùng. Mỗi lần uống là mỗi lần nhấm nháp kỷ niệm xưa khi tôi còn được sum vầy bên cạnh bà nội, ba mẹ và các em. Nay, bà tôi, ba mẹ tôi đã ở cõi vĩnh hằng, anh em tôi mỗi người mỗi nơi, Bắc Trung Nam rải khắp, bồi hồi thương nhớ ngày xa.
Không ai sống bằng quá khứ nhưng với tôi hoài niệm bao giờ cũng là phần lắng đọng nhất của tâm hồn. Nó giúp tôi cân bằng và để hướng tới sự trầm tĩnh thanh đạm trong cuộc sống. Tôn giáo tín ngưỡng của tôi là ở đó, không cao xa bí ẩn gì hết, là tổ tiên ông bà cha mẹ, những hương linh ẩn hiện đâu đây, thân thuộc và gần gũi như hồi còn sống. Như điệp khúc mùa xuân, tàn rồi lại nở, đi rồi lại về, xa rồi lại gần, mãi mãi.
Tết. Đó là dịp tôi được thanh thản làm cuộc hồi hướng trọn vẹn về chốn xa xưa yêu dấu nơi mà một mảnh vườn bé nhỏ và những bài thuốc dân giã của bà cũng mang ý nghĩa nhân sinh tốt đẹp và bình dị vô cùng.
(Theo Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý)
|