Trong trường hợp này B52 trở thành tính từ khi nó được gắn sau một danh từ chỉ đồ vật là bát. Bát B52. Thời mới vào bộ đội tôi đã được trang bị một cái bát như thế. To, lòng bát đựng được gần 2 bò gạo, làm bằng sắt tráng men, bên trong màu trắng, ngoài màu xanh lá cây. Tiêu chuẩn lính một tháng 21 cân gạo, nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi bữa xới khoảng 3 lưng bát cơm là vừa, chiến hữu nào ăn nhanh ăn khỏe thì hơn chút ít nhưng không được lên con số 5 vì người sau mất phần. Lính hay tếu. Tếu để quên gian khổ, tếu để đỡ nhớ nhà và đôi khi tếu cũng là một cách bình thường hóa những cái to tát. Chả có chi quan trọng. B52 cũng rứa, pháo đài bay đâu đâu, ngáo ộp đâu đâu, chứ với lính tráng bọn tớ cậu cũng thường thường như cái bát quân dụng thôi. Nhớ nhé!
Đấy là đùa. Chứ nó cũng ghê gớm lắm. Thời còn học cấp 3 ở Bố Trạch, Quảng Bình tôi đã thấy nó. Ba đường khói trắng in rõ trên nền trời xanh, nếu nó bay thẳng thì người lớn cứ yên tâm mà cấy cày gặt hái, trẻ con cứ vui vẻ đánh khăng đá võ, còn khi thấy hắn cua lại hướng vào phía mình thì lo mau mau tìm nơi ẩn nấp. Bom, rất nhiều bom sắp rơi thành thảm, thành vệt đấy. Cả không gian bị dồn nén, xô đẩy, chấn động dữ dội bởi sóng xung kích được tạo ra từ hơn 27 tấn bom trút xuống từ máy bay B52. Khói lửa cuồn cuộn mù mịt, mảnh bom bay veo véo rào rào, nhà đổ cây đổ tan hoang, đất đá bị xới đào nham nhở. Thảm bom tạo ra cảnh địa hình trên mặt trăng, hơn thế nữa, vì hàng trăm cái hố lở loét xám xịt nối tiếp nhau, mùi thuốc bom đặc sệt ngột ngạt vô cùng. Máy bay B52 đã ném bom xuống Cảng Gianh, Khe Nước, đường Ba Trại, đường Hồ Chí Minh...ở huyện tôi. Có trận, hắn ném sang cả Khe Sắn, một lối mòn mà bọn học trò chúng tôi vẫn đi qua đó khi lên Trường cấp 3 Bố Trạch đóng ở xã Cự Nẫm.
Không phải không có lý khi người Mỹ đặt tên cho nó: Boeing B52 Stratofortress, pháo đài chiến lược. Nó là những pháo đài bay thực thụ, không phải con ngáo ộp dọa trẻ con, ít nhất là trong thời điểm ấy. Những chiếc B52 sở hữu kích thước của gã bay khổng lồ: dài 48,5m; sải cánh 34m, chiều cao 12,4m; diện tích bề mặt cánh rộng tới 370m2. Chưa hết, trọng lượng có tải của B52 là 120.000 kg; trọng lượng không tải là 83.250 kg; trọng lượng cất cánh tối đa là 220.000 kg. Nó có 8 động cơ; nhiên liệu dữ trữ là 181.725 lít và chở theo 27.200 kg bom đạn, tên lửa... các loại.
Tháng cuối cùng của năm 1972. Vùng trời Quảng Bình quê hương tôi thưa vắng hắn tiếng máy bay Mỹ. Quen nghe, quen sống với bom rơi đạn nổ ngày đêm nên khi thấy đất trời im ắng bỗng có cảm giác là lạ hâng hẩng thế nào đó. Hòa bình đang đến gần chăng, chúng tôi bâng lâng nghĩ tới điều này. Đúng là hòa bình đang đến gần với miền Bắc thân yêu, chỉ khoảng 42 ngày sau khi Nixon ra lệnh mở chiến dịch Linebacker dùng B52 làm nòng cốt ném bom rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức tại Paris hoa lệ, thủ đô nước Pháp. Chặng đường đi đến ngày 27 tháng 1 năm 1973 còn phải trải qua mấy khúc đầm đìa máu nữa. Đó là: 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 Mỹ dùng B52 rải thảm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên... giết chết hàng trăm dân thường và ngày 13 tháng 1 năm 1973 Mỹ dùng máy bay ném bom vào thôn Quyết Thắng, xã Thanh Trạch, tỉnh Quảng Bình giết chết 156 thanh niên xung phong và thường dân.
Trong những ngày tháng cuối cùng của năm 1972, Hà Nội đã thay mặt nhân dân Việt Nam anh hùng trả lời đế quốc Mỹ xâm lược bằng trận đánh vĩ đạiĐiện Biên Phủ trên không. Tôi dùng từ vĩ đại mà không ngại bị chê là sáo rỗng vì thực chất trận đọ sức giữa ta và địch, giữa chính nghĩa và phi nghĩa đã nói lên điều đó. Vĩ đại, bởi trước hết nó là minh chứng về sức chịu đựng huyền thoại của Hà Nội nói riêng và dân tộc ta nói chung. Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và một số tỉnh thành khác ở miền Bắc trong 12 ngày đêm khốc liệt đó đã phải gồng mình trụ vững trước sự tàn phá của 36.000 tấn bom đạn Mỹ. Hãy hình dung thế này: số bom đạn ấy còn lớn hơn số bom đạn giặc Mỹ từng thả xuống miền Bắc trong các năm từ 1969 đến 1971. Đêm đầu tiên của chiến dịch oanh kích, máy bay Mỹ đã thả xuống Hà Nội 6.600 quả bom trên 135 địa điểm, có 85 khu dân cư làm chết 300 người.Vĩ đại, bởi vì trong điều kiện trang bị kỹ thuật quân sự nếu xem xét một cách thông thường ta lép hơn giặc rất nhiều. Địch ngạo mạn cho rằng với tầm bay B52 như thế, khả năng tung nhiễu dày đặc tinh vi như thế, lực lượng pháo đài bay, máy bay tiêm kích được tập trung cao độ như thế thì cao xạ, tên lửa, MIG của ta sẽ bị vô hiệu hóa. Kịch bản có thể xảy ra đúng như vậy nếu ta không có quá trình chuẩn bị từ trước và rút kinh nghiệm kịp thời từ những tổn thất trong cuộc chiến. Có lẽ, bây giờ ta không cần phải giấu diếm điều này: có trận ta dùng mấy chục quả tên lửa vẫn không hạ được pháo đài bay nào của Mỹ bởi màn nhiễu quá rối rắm dày đặc do địch tung ra.
Vận nước vững bền có trong lời tiên liệu của Bác về một trận Điện Biên Phủ trên không ở Hà Nội và sau đó là cuộc hành quân kéo tên lửa vào Vĩnh Linh để đánh B52 theo tinh thần vào hang cọp để hiểu cọp, là cuốn Cẩm nang đỏ-sách dạy đánh B52 của bộ đội tên lửa anh hùng. Vĩ đại ở chỗ, ta đã viết nên huyền thoại tháng 12 năm 1972 trên bầu trời Thăng Long bằng 200% ý chí, bản lĩnh và sáng tạo, vô cùng sáng tạo của quân và dân ta. Một cuộc chiến tranh nhân dân hiện đại, Sam 2, Mig 21 đã đốt cháy B52, vít cổ pháo đài bay xuống đất. Góp phần cho chiến công vĩ đại ấy không thể không nói tới bộ đội ra đa, pháo cao xạ, tự vệ và nhân dân. Những em bé, cụ già bị vùi lấp ở Khâm Thiên, những bệnh nhân bác sỹ y tá bị bom giặc ở bệnh viện Bạch Mai và bao nhiêu mất mát tổn thất khác nữa đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại này. Nhưng trong đội ngũ dân tộc anh hùng không thể không có những đơn vị, con người cụ thể. Lịch sử chắc còn phải nhiều lần nhắc tới thời điểm và những tên tuổi này: 20 giờ 18 phút đêm 18 tháng 12, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa phòng không 261 do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng chỉ huy phóng 2 quả đạn hạ 1 B52 rơi xuống cánh đồng Phù Lỗ; 22 giờ 20 phút ngày 27 tháng 12 phi công Phạm Tuân lái MIG 21 cất cánh từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào bảo vệ dày đặc của bọn F4H, F105 bắn cháy B52 trên bầu trời Mộc Châu (Sơn La); 21giờ 41 phút ngày 28 tháng 12 phi công Vũ Xuân Thiều lái MIG 21 cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cũng đã bắn cháy pháo đài bay Mỹ và anh đã hy sinh trên bầu trời Tổ quốc thân yêu....
Cũng xin nhắc thêm mấy con số để ta hình dung lại chiến công vĩ đại của những người lính trực tiếp làm nên huyền tích Điện Biên Phủ trên không 40 năm về trước. Theo Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân thì trong 12 ngày đêm Hà Nội ấy, bộ đội tên lửa phòng không chiến đấu 195 trận bắn rơi 36 máy bay Mỹ trong đó có 29 chiếc B52; bộ đội pháo phòng không là lực lượng đông đảo nhất bảo vệ các mục tiêu quan trọng, các trận địa tên lửa, sân bay đã đánh 1.191 trận bắn rơi 28 máy bay trong đó có 3 B52; bộ đội ra đa mở máy 447 lần để phát hiện B52 từ xa kịp thời thông báo cho các lực lượng phòng không và nhân dân biết để chủ động ứng phó; bộ đội không quân xuất kích 30 lần chiếc, đánh 8 trận, bắn rơi 7 máy bay địch trong đó có 2 B52...
Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Bất cứ lúc nào, nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nữa đều lắng sâu tiếng nói ấy như hướng về trái tim Tổ Quốc thiêng liêng. Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói bất tử của dân tộc ta, vẫn vang lên mạch lạc suốt những ngày pháo đài bay Mỹ rải thảm Hà Nội. Nên nhớ, ngày thứ hai của chiến dịch B52 rải thảm Hà Nội, 4 giờ 30 phút ngày 19 tháng 12 một vệt bom giặc đã càn quét qua xã Mễ Trì, nơi có Đài Tiếng nói Việt Nam đóng. Chúng muốn khóa miệng ta, muốn ta câm lặng trên nền tan hoang đổ nát, muốn dân tộc này trở về thời kỳ đồ đá. Kẻ thù của ta, dù đến từ phương Bắc hay phương Tây lúc nào cũng muốn ta không vượt qua được nỗi sợ hãi. Có lẽ chúng đã nhầm hoặc quên đi những bài học quá khứ. Bài học trong Nam quốc sơn hà Nam đế cư, trong Như nước Đại Việt ta từ trước vốn xưng nền văn hiến từ lâu, trong Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...Và, tinh thần Việt, bản lĩnh Việt, hào khí Việt, tâm hồn Việt ấy, lại vang lên đĩnh đạc, bình tĩnh trong những lúc khốc liệt dữ dội nhất: Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...
Mãi đến năm 1980, tám năm sau trận thắng vĩ đại Điện Biên Phủ trên không tôi mới được ra Hà Nội, mới tận mắt thấy xác máy bay B52 của Mỹ tại Bảo tàng Quân đội (bây giờ gọi là Bảo tàng Quân sự Việt Nam). Thế mà, trước đó, từ năm 1974, sau khi nhập ngũ chàng binh nhì mặt đầy lông tơ là tôi đã nghêu ngào gõ bát hát chờ cơm sôi. Đôi đũa làm từ cây tre Việt Nam gõ vào chiếc bát B52 của lính giai điệu bài Nổi lửa lên em có những câu mở đầu tôi còn nhơ nhớ đến giờ: Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé. Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi... Nghĩ lại, thật buồn cười, tên gọi của một loại máy bay hiện đại của Mỹ được đặt cho cái bát sắt của lính nhà ta. Máy bay B52. Bát B52. Và, xác B52. Chỉ mỗi điểm giống nhau đều là to đùng. Còn cái gì cũng khác, rất khác.
Chao ôi, ngôn ngữ lính, mới tếu táo làm sao!
(Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý)