Khi về già, người ta thường rơi vào hai thái cực: Hoặc là cứ sợ người đời lãng quên mình đi, do đó tìm đủ mọi cách để xuất hiện giữa đám đông, trên các phương tiện thông tin khi có thể; hoặc cố tình giấu mình, tránh các nơi đô hội, ồn ào. Thầy tôi thuộc vào loại thứ hai.
Không phải là bây giờ khi đã ngoài 70, mà cả suốt hơn bốn chục năm giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy luôn là người ẩn mình, tuy không phải là yếm thế. Càng trưởng thành về tuổi tác, tôi càng thấm thía cái tính khiêm nhường đó ở những người đạo cao, đức trọng.
Thầy tôi, Giáo sư Nguyễn Kim Đính, chỉ có những người chuyên nghiên cứu về văn học Nga và tiếp xúc nhiều mới cảm thấy đó là một mỏ quặng trữ lượng tiềm tàng về chuyên môn và đức độ. Việc thầy tôi không có lấy một căn nhà riêng, không có lấy một chiếc xe máy khi nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI cũng không làm giảm đi sự ngưỡng mộ và kính phục của nhiều thế hệ, thậm chí điều đó càng tôn vinh nhân cách cao cả của một người thầy.
Trước đây, khi chưa sang công tác ở Nga, hầu như vài hôm, tôi lại đến gặp thầy. Thường thường, khi dạy về, tôi hay tạt vào thăm thầy ở khu tập thể Vĩnh Hồ, thầy ở nhờ nhà gia đình người em gái. Và lần nào cũng vậy, đúng hẹn đến từng phút, thầy chờ tôi ở lối cầu thang, sau đó hai thầy trò bách bộ ra quán càphê quốc doanh ở gần Ngã Tư Sở.
Tôi ngồi nghe nhiều lần thầy kể về những hồi ức nước Nga, về xứ sở diệu kỳ, nơi có những thảo nguyên bát ngát, có mùa thu vàng đến nao lòng, có những người dân nhân hậu, có những bà giáo hết lòng vì học sinh người Việt... Cứ mỗi lần gặp tôi, thầy lại đắm chìm trong những kỷ niệm của một thời sinh viên trong sáng giữa nước Nga thiên đường.
Thầy sang học ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva vào đầu những năm 1960 và sau đó chưa đầy 4 năm, phải về nước cùng với hàng loạt sinh viên khác vì những lý do không liên quan gì đến chuyên môn và học thuật. Khi con tàu rời Baikal để chuẩn bị chuyển sang lãnh địa Trung Hoa, thầy đã hái những chiếc lá phong vàng của nước Nga ép vào sách như một kỷ vật thiêng liêng của cả cuộc đời, và khi con tàu hú còi qua biên giới thầy đã không cầm được nước mắt.
Chia tay với nước Nga, lúc đó đối với thầy là chia tay với một thời huy hoàng, chia tay với tuổi trẻ.
Quả thật, tôi vô cùng ngạc nhiên vì chỉ vẻn vẹn chưa đầy 4 năm học ở Nga, thầy đã kịp đọc và tiếp thu một khối lượng kiến thức khổng lồ từ văn học dân gian, văn học cổ điển, văn học hiện thực và cả hệ thống lý luận văn học, mỹ học mà những người khác học hàng chục năm cũng không thể đạt được.
Ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, mỗi giáo viên chúng tôi chỉ dạy và đảm nhiệm một phần chuyên môn, như tôi thì chỉ dạy mỗi văn học Nga đầu thế kỷ XIX, từ Pushkin, Lermôntôv đến Gôgôl và cứ thế, cả đời cày xới trên mảnh ruộng nghề nghiệp nhỏ bé được phân công. Còn thầy Đính thì hoàn toàn khác, ai ốm đau, hoặc đi công tác vắng, thầy có thể dạy thay từ văn học tác gia đến chuyên luận của toàn bộ quá trình từ sơ khởi đến hiện đại.
Khi chúng tôi, những giáo viên trẻ hợm mình mới vỡ vạc được vài ba trang loại hình, thi pháp định đi loè thiên hạ thì thầy đã nghiên cứu trước đó mấy chục năm qua tiếng Pháp rồi. Với vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung, và sau này là tiếng Nga làu làu như quốc ngữ, bằng sự lao động không mệt mỏi, thầy có thể mở rộng sự nghiên cứu tới nhiều lĩnh vực. Tôi chọn luận án về văn học Nga đầu tiên là do thầy Nguyễn Liên, sau đó là thầy Đỗ Hồng Chung và cuối cùng được khẳng định bằng ý kiến của thầy Nguyễn Kim Đính.
Có hai câu chuyện mà tôi âm thầm giận thầy suốt một thời gian ít nhất là ba năm. Đó là năm 1978, kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Lev Tolxtôi (1828- 1978), tôi đăng ký viết hai báo cáo khoa học với tất cả sự nhiệt tình và tính háo danh của tuổi trẻ. Suốt hơn một tháng ròng làm việc, đến ngày tổ chức hội nghị, cả hai bản đều bị thầy gạt đi một cách không thương tiếc. Tôi ấm ức và cho rằng thầy đã coi thường mình, đánh giá mình quá thấp. Mãi sau này, bình tâm đọc lại, tôi mới thấy hết được sự nghiêm khắc của thầy đối với chuyên môn.
Và chuyện thứ hai xảy ra năm 1979. Khi đó, tôi chưa nhập vào đội quân dạy luyện thi cùng với các thầy Nguyễn Trường Lịch, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ. Cuộc sống chỉ trông vào mỗi đồng lương còm, tôi nảy ra ý định đi làm thêm kiếm tiền. Tôi chọn cách nhẫn nại nhất là ngồi dịch tư liệu từ tiếng Nga ra tiếng Việt với giá bảy hào một trang A4 đánh máy.
Cặm cụi, tôi dịch xong một loạt bài nghiên cứu về tiểu thuyết "Một nhân vật của thời đại chúng ta" của Lermontov. Hý hửng và mơ tưởng là sẽ có trong tay chút đỉnh tiền về Tết, nhưng khi đem đến cho thầy Đính ký, thì thầy không duyệt. Thầy không gạch bản thảo của tôi lấy một dòng, mà chỉ nói rằng "em đã đi chệch hướng".
Cũng phải mấy năm sau, tôi mới ngộ ra câu nói của thầy là đừng đối xử với khoa học bằng mục đích vụ lợi và tính toán, vì điều đó làm tê liệt ý chí, làm xơ cứng khả năng sáng tạo và làm mình nhỏ bé đi. Khoa học là niềm vui, là sự cống hiến, phải biết hy sinh những tính toán thiển cận. Sau này, khi đọc những báo cáo khoa học của tôi trên những kỷ yếu chuyên ngành về văn học Nga, thầy rất phấn khởi, thầy viết "...Anh có thể tự hào về em được rồi". Xưng hô với tôi, bao giờ thầy cũng gọi là anh em, kể cả trong thư tín.
Năm ngoái, tôi về nước thăm gia đình. Tôi gọi điện cho thầy, thầy vẫn ở nhờ nhà người em như trước. Gần nửa thế kỷ giảng dạy không biết mệt mỏi, trong khi ở thủ đô, bao người có thâm niên công tác chưa bằng một phần ba thầy đều có nhà cửa, tiện nghi, thì thầy vẫn sống, có thể nói là tạm bợ, vẫn dùng chiếc xe đạp Thống Nhất cọc cạch từ năm 1976. Tài sản đáng giá nhất của thầy là những giá sách đồ sộ như một thư viện mà thầy đã tìm mua, sưu tầm suốt mấy chục năm.
Quán càphê cũ thời tôi và thầy vẫn gặp nhau đã không còn dấu vết, tôi hẹn gặp thầy trước Bưu điện Ngã Tư Sở. Và kia, bên kia đường, thầy tôi đã xuất hiện... thầy đã già đi bao nhiêu, trán đã hói hoàn toàn. Dáng thầy nhỏ và gầy trong bộ complê cũ. Thầy bước vội về phía tôi, run run dang hai cánh tay ôm chặt lấy tôi và khóc nức nở.
Thầy xoa đầu tôi và nghẹn ngào: "Anh thương em quá. Tóc em bạc hết còn gì". Tôi gục xuống vai thầy và khóc rưng rức. Người qua đường dồn xe lại và hết sức ngạc nhiên trước cảnh gặp gỡ xúc động của hai người đàn ông luống tuổi.
Thầy cho biết, sau khi nỗi bất hạnh đến với gia đình tôi, đêm nào thầy cũng nghĩ về tôi, lo tôi không vượt qua được những khó khăn để sống và làm việc. Thầy cũng cho biết rằng thầy Đỗ Hồng Chung đã mất, thầy Lịch đã về hưu, thầy Liên chuyển sang dạy văn học Mỹ, văn học Nga bây giờ không có người kế nghiệp. Tôi hiểu là thầy không trách cứ gì tôi mà chỉ buồn cho bộ môn văn học Nga trước nổi chìm thế sự.
Tôi kể cho thầy nghe về nước Nga mới, nhắc lại những nơi mà hai thầy trò đã đến, kể về bà trưởng phòng Ngoại quốc Nagiejda Oktiabrxkaia, Giáo sư Bugrôv... và Khoa Ngữ văn Trường MGU. Tôi nhớ lại năm 1986, Trường Tổng hợp Lômônôxôv mời một đoàn giáo viên sang viết chung giáo trình Lịch sử văn học Nga Xôviết. Dĩ nhiên, các thầy, những bậc đại thụ phải nằm trong danh sách, còn tôi, người nhỏ tuổi nhất, bộ gạt ra để thay bằng người khác với lý do là chưa đủ tầm cỡ! Hay tin, thầy Đính đạp xe từ Mễ Trì lên gặp những người có trách nhiệm của Bộ Đại học, nói một cách dứt khoát là, mặc dù đã hơn hai mươi năm chưa trở lại Liên Xô, nhưng "nếu bộ không để cho anh Nguyễn Huy Hoàng đi, tôi sẽ từ chối làm trưởng đoàn và ở lại". Tôi được sang Mátxcơva năm đó là nhờ sự kiên quyết, vô tư của thầy, mà chúng tôi vẫn gọi là ông đồ gàn xứ Nghệ!
Sở dĩ thầy Đính được mệnh danh bằng cụm từ trên, ngoài lý do quê quán xứ Nghệ ra, thầy còn có tư chất đặc thầy đồ. Hồi chưa ra ở nhờ nhà em gái, còn ở tầng 4, nhà tập thể khu Mễ Trì, cứ 5 giờ sáng, thầy đã dậy đọc to bằng tiếng Nga các tác phẩm yêu thích như một học trò luyện phát âm cả tiếng đồng hồ. Vì sự rèn luyện đó, mà sau 23 năm trở lại MGU, thầy vẫn có thể tranh luận hàng giờ với các giáo sư Nga bằng thứ tiếng Nga chuẩn mực.
Một lần, khi nhắc lại những kỷ niệm về thầy Nguyễn Văn Khoả, một chuyên gia về văn học phương Tây sống độc thân với triết lý "ở một mình thì buồn, lấy vợ thì khổ. Việc gì lại phải đổi cái buồn lấy cái khổ". Lúc đó, thầy kể cho tôi rằng, khi bố thầy rời xứ Nghệ ra dạy học ở Thanh Hoá, có một thầy tử vi đã viết cho cụ một câu. Theo câu đó luận ra, thì thầy Đính sẽ ở độc thân suốt đời.
Tôi nghĩ đó có thể là một lý do và một lời giải thích cho cuộc sống đơn chiếc của thầy một cách văn hoá nhất. Nhưng sự thật rõ ràng là thầy đã dành công sức nuôi các em thầy ăn học thành tài, lo gia thất cho các em, thay các em phụng dưỡng cha mẹ đến phút lâm chung, khi đó thầy đã bước qua ngưỡng truyền thống của việc lập gia đình. Tôi biết thầy rất buồn và rất cô đơn, bởi thầy là một người đa cảm. Những bài thơ thầy viết và đọc cho tôi nghe đã bộc lộ điều này. Công việc, sự quan tâm tới nhiều thế hệ học trò, lòng nhân ái và sự hy sinh đã kéo thầy vượt qua những lối mòn của cuộc sống thường nhật.
Tôi đã qua nhiều nước, đã đến nhiều nơi, gặp lại bạn bè, mọi người đều kể về thầy bằng một sự kính trọng đặc biệt. Nhiều năm tháng trôi qua, cuộc đời tôi cũng chẳng lấy gì làm suôn sẻ, biết bao khổ nạn phải gánh chịu, biết bao dự định vẫn chưa có điều kiện hoàn thành, nhưng những gì dù nhỏ bé đã làm được, tôi thiết nghĩ rằng đó là nhờ tôi được học ở những bậc thầy về chuyên môn cũng như về đạo làm người.
Tôi có quyền gọi Giáo sư Nguyễn Kim Đính là thầy tôi, chính vì lẽ đó.
BBT (Theo nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng)
|