Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Thương em, cô giáo ngày nào! - Tản văn của Nguyễn Hữu Quý Thương em, cô giáo ngày nào! - Tản văn của Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

alt

Em theo cô bạn Quảng Bình qua đơn vị tôi chơi. Hầu như trong buổi chiều ấy, em không nói gì, chỉ tủm tỉm cười. Nụ cười có hai lúm đồng tiền xoay xoay. Trước đó, Hiên-đồng hương cấp xã của tôi-đã giới thiệu: “Mai, quê ở Cùa, học bên Sư phạm với em”. Sau buổi gặp ấy, tôi biết về em chỉ vọn vẻn một dòng như thế.

Em ra trường, về đâu, dạy đâu, tôi không hề biết. Gặp gỡ một lần cũng như nước chảy mây bay vậy, em hơi bị xinh tươi, tôi lính tráng đầu mũ cối chân dép đúc nhan sắc khiêm tốn, phong độ còm còm, nhà lại nghèo nên mặc cảm không muốn, thực ra là không dám tìm hiểu sâu dù muốn. Con gái kiểu như em chắc đắt duyên lắm, không thiếu chi kẻ đón người đưa, lại là cô giáo trẻ nữa, lương dẫu ít nhưng có thời gian chăm sóc gia đình. Tôi đinh ninh rằng, chẳng bao giờ, chẳng thể nào gặp lại em nữa đâu, dù trái đất không rộng, tỉnh Quảng Trị quê em nơi tôi đang đóng quân càng không rộng, bằng chứng là ba năm qua người duyên bóng chim tăm cá. Tôi nghĩ, chắc ván đã đóng thuyền, em đã chốn nơi êm ấm. Một chút bâng khuâng, một chút tiêng tiếc khi nhớ tới đôi lúm đồng tiền.

Chợ Đông Hà sau Tết khá đông. Hình như là ngày chủ nhật nên tôi được mượn xe đạp đi chơi. Vào chợ cũng chỉ để lao xao với tiếng mua bán rào rào của thiên hạ và cũng chỉ để “bổ túc mắt” con nhà lính thôi chứ lương thượng sỹ như tôi lấy đâu tiền nong mua sắm. Dạo phất phơ một chặp, mua không mua, bán không bán, em út cũng chẳng thấy đâu đành ra lấy xe đạp về. Chưa vội lên xe, lững thững dắt bộ một đoạn từ cổng chợ ra đường Chín.

Phía bên kia đường, theo chiều ngược lại, có cô gái nhìn qua tôi. Bên cạnh là một bé gái khá xinh. Có lẽ, mẹ đang dắt con đi chợ, tôi nghĩ thầm thế. Nghĩ và có cười vu vơ với “mẹ con” họ. Cô gái đáp trả tôi một nụ cười, chao ơi, đôi lúm đồng tiền như đã gặp đâu đó. Vẫn ngược chiều nhau, người vô chợ, kẻ ra đường Chín, lững thững. Bật hiện lên trong tâm trí tôi một cái tên. Mai. Mai Cùa, bạn của Hiên, có lẽ thế. Tôi định quay lại chợ. Đằng trước hai mẹ con vẫn lững thững. Thôi, em đã chồng con rồi, thằng tôi cất bài ca hy vọng làm chi nữa. Vẫn áy náy, biết đâu cô ta chưa gì cả, bé gái ấy chỉ là cháu. Nghĩ và dấn bước nhanh hơn, chẳng mấy chốc đã theo kịp hai người. “Này em”, tôi cất tiếng gọi. Cô gái dừng lại, cười. “Em, có phải em là Mai, Mai Cùa, bạn của Hiên không?”. Tôi hỏi ngay. “Dạ, đúng rồi ạ, em là Mai. Thế anh có phải là anh Quý ở Trường lái xe máy không?”. Em vừa trả lời vừa hỏi. Tôi cố nén xúc động khi biết lúm đồng tiền vẫn nhớ tên mình, sau ba năm vẫn nhớ. “Tôi là anh đồng hương của Hiên đây, tôi nhớ mãi cái lần hai em qua đơn vị anh chơi, thế hai mẹ con Mai đi chợ à?”. Nghe tôi nói, má em hơi ửng hồng, “Dạ, hôm nay ngày nghỉ em tranh thủ đi chợ...Đây là con gái bạn em anh ạ”. Chao ôi, như thế, chắc em vẫn chưa có gì, chưa có gì.

Đúng như tôi dự đoán, em chưa có gì thật và hiện nay đang về học khóa trung cấp sư phạm hoàn chỉnh ở Đông Hà. Như duyên Trời định, sau đó tôi và em yêu nhau. Đang rất tha thiết, quấn quýt thì tôi được trên cho đi học lớp cán bộ chính trị ở phía Nam. Thêm một năm xa cách nhiều mong nhớ quay quắt. Tôi trở về đơn vị cũ với quân hàm thiếu úy tươi rói trên ve áo. Chân ướt chân ráo, tôi xin phép gia đình, đơn vị cưới em. Một đám cưới nhà binh đơn giản, đạm bạc được tổ chức tại đơn vị tôi.

Lính nghèo. Cô giáo cũng nghèo. Cộng lại tất nhiên là đèo Ngang, đang nghèo. Nhớ lại buồn cười lắm. Tuần trăng mật ở tại nhà khách đơn vị, hai chiếc giường một ghép lại thành nơi hạnh phúc của đôi tân hôn. Áo quần bộ nghiêm bộ nghỉ. Xe đạp, không. Đài bán dẫn, không. Không nhiều thứ nữa, chỉ tình yêu là nồng nàn ăm ắp thôi.

Xong tuần trăng mật, em về trường, mỗi tuần vào chiều thứ bảy tôi lại mượn xe đạp hoặc đi bộ khoảng 10 cây số về với em. Phòng ở của giáo viên còn kém hơn phòng khách đơn vị tôi. Mái tôn, vách đất, ngăn cách phòng này với phòng khác là những tấm phên nứa thưa thếc mỏng manh. Và, buồn cười nhất là chiếc giường cũ kỹ ọp ẹp, “lắm lời” khi có người cựa quậy trên đó. Giường ơi là giường, cứ mạnh mạnh một chút là kêu kẽo cà kẽo kẹt. Chán lắm. Ngại lắm. Con nhà lính nhiều sáng kiến đột xuất. Thấm nhuần phương châm chiến tranh giữ được bí mật coi như đã thắng lợi năm mươi phần trăm nên tôi rỉ vào tai em: “Này, ta cho qua cái giường phản chủ này đi”. Em thì thào: “Đi đâu anh?”. Tôi cắn cắn vào tai em, hạ giọng xuống rất thấp: “Xuống đất. Đem chiếu trải xuống đất”.

Thế mà thành công, thành công rực rỡ. Một năm sau, con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời. Tuy vậy, tôi và em vẫn phải trải qua nhiều gian nan vất vưởng lắm. Nhất là em. Chuyển từ trường này sang trường khác. Lương giáo viên còm cõi, có dạo em phải vừa dạy học vừa bán hàng xén. Sáng gánh hàng đi chợ, chiều mang giáo án đến lớp. Tròn hai vai. Vẫn được bình bầu lao động tiên tiến hàng năm. Chồng con có thêm lạng thịt, lát cá. Em còn nấu rượu chăn lợn. Rượu lậu vừa bán cho dân, vừa dành cho chồng uống. Nam vô tửu kỳ vô phong. Đàn ông đàn ang có chén rượu nồng cay khí thế hẳn lên. Gió to cờ bay phần phật. Rượu vô, phong độ đàn ông càng lồng lộng thêm. Đời ơi là đời, thú vị thế.

Mọi chuyện dần dà tốt đẹp. Thêm một cô bé, rồi thêm một thằng cu. Hai gái một trai. Lộc trời ban cho như thế là đủ. Tưởng rằng sẽ không còn, không phải cách xa, nào ngờ, tôi được điều ra Hà Nội làm việc. Khi tiễn chồng ra Bắc, đứng ở sân ga em vẫn cười, đôi lúm đồng tiền như xoáy nước xoay xoay. Không phải thế, những giọt nước mắt em giấu vào trong, khi về nhà mới òa ra nức nở. Con gái tôi viết thư ra kể với ba thế. Bảy năm xa nhau, chồng Bắc vợ Trung, ngổn ngang bao ưu tư lo lắng. Không thể để lâu hơn nữa, vợ tôi xin chuyển ngành ra Hà Nội. Từ một cô giáo trở thành biên tập viên một nhà xuất bản ở Thủ đô.

Nhưng trong tôi, em vẫn là một cô giáo đoan trang, chịu thương chịu khó. Đời em đã sắm bao nhiêu vai: cô giáo, cô hàng xén, cô nấu rượu, cô trồng lúa, cô chăn lợn; vai nào cũng tròn, cũng quý cả nhưng với tôi vai cô giáo là đẹp nhất. Nó ghi dấu những tháng năm đầy lãng mạn của tôi và em. “Cô ơi!” Tôi đã từng rưng rưng khi thấy các cháu học sinh thôn quê đi dép tổ ong lẹt xẹt mang hoa dại đến tặng em trong ngày 20 tháng 11 và gọi em như vậy. “Cô ơi!” Tôi cũng đã từng gọi cô giáo của mình thế. Tiếng gọi thân thiết của muôn đời phải không em? Tôi vẫn rất tiếc nuối và thương em khi phải rời xa trang giáo án và bục giảng. Ước mơ thời con gái trong trắng hồn hậu của em đã không được thực hiện hết trọn đời. Bởi, trong em luôn lưu giữ cái chất chung thủy, đèo bồng muôn thuở của người phụ nữ Việt Nam:

Đi mô cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo.

Em ạ, dù làm gì thì trong tôi em vẫn là cô giáo như ngày nào. 25 năm trong nghề, có bao lớp học sinh được em dạy dỗ đã trưởng thành. Em vẫn là cô giáo hiền trong trái tim của họ, tôi tin thế. Và, với niềm tin ấy, tình yêu ấy, tôi đằm mình vào khuya khoắt Hà Thành để viết bài này tặng em trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11. Một bó hoa ngôn ngữ thật thà của chồng tặng vợ yêu dấu, em nhé!

Viết xong 0 giờ ngày 19 tháng 11 năm 2012

NHQ BBT (Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65118754

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July