Một thời đã đi xa
Cũ như là lầm lỡ
Mờ mịt như chân trời
Mảnh mai như vóc lụa .
Chậm rãi bước thời gian
Dọc lối mòn năm tháng
Mang theo những mất còn,
Cuốn trôi bao mộng tưởng.
Như kẻ rơi báu vật
Âm thầm tiếc ngẩn ngơ
Thuở trời trong đáy mắt
Chẳng còn lại bao giờ.
Khi cay đắng, ngọt ngào
Lúc bẽ bàng ước nguyện
Trong mờ tỏ bụi trần
Vẫn chập chờn ẩn hiện .
Thoảng như giai điệu buồn
Dư âm còn đọng lại,
Cánh hoa dẫu úa tàn
Mùi hương còn thơm mãi.
Hồi ức thành thói quen
Tìm về trong tĩnh lặng,
Hoài niệm hoá cánh diều
Bay lên cùng gió nắng.
Khi chân chồn, gối mỏi
Trên đỉnh dốc cuộc đời
Gập lại trang sách cũ
Hết thảy là mơ thôi…
LỜI BẠT
Nguyễn Huy Hoàng
Khát vọng được nói bằng thơ
Nguyễn Văn Toại
Có thể nói, khát vọng bộc lộ tâm trạng của một người xa xứ đối với đất nước, đặc biệt là đối với xứ Nghệ “quạt mo khua rã cánh màn - Đặt lưng ngỡ chiếu khô rang trên giường “ và với bạn bè, đồng bào cùng cảnh ngộ ở Liên Xô trước đây và ở nước Nga hôm nay đã trở thành nỗi bức xúc thường trực trên từng trang thơ của Nguyễn Huy Hoàng.
Trong các tập thơ, Nguyễn Huy Hoàng vẫn trung thành với lối biểu cảm truyền thống . Đọc anh, bạn đọc không bị những phản cảm khác nhau chi phối mà dễ dàng tiếp nhận ngay được những thông tin thơ do anh truyền đạt. Chẳng hạn, viết về kỷ niệm là một thứ “mốt” đã cũ mèm, không cảnh giác sẽ rơi vào sáo mòn, lặp lại mình hoặc na ná người khác. Tôi cho rằng Nguyễn Huy Hoàng đã khá tỉnh táo khi anh kịp phả hết vào kỷ niệm những tình cảm sâu nặng, những chiêm nghiệm của cả một đời mà anh chăm chú đúc rút, đồng thời phát hiện từ trong đó những chi tiết thơ đặc sắc làm nên một cái khung trụ vững cho cả bài thơ. Hình ảnh quê hương, trường lớp, nỗi đói nghèo, con sông, bến đò …là những hình ảnh muôn thuở, nhưng trong thơ của Nguyễn Huy Hoàng bao giờ cũng được phả vào hơi ấm của một tấm lòng và một bút pháp gợi cảm tạo nên một sức sống lạ kỳ. Viết về quá khứ bao giờ cũng rút ra một bài học đối với hiện tại, “ôn cố tri tân”. Hình ảnh đứa trẻ - tác giả thuở thiếu thời, từ chỗ được phóng tay thả thuyền giấy trên sông nước ao làng, nay ao đã bị san lấp đành phải “thả thuyền trong chiếc chậu men” đã cảnh báo một sự thật: sự đổi thay đến chóng mặt của làng quê hiện thời không những làm mất đi không gian của ký ức mà còn đã làm mất đi hình ảnh của làng quê truyền thống.
Tất nhiên, không phải cứ xa quê, nhớ quê là viết nên thơ và có thơ hay. Tôi cũng đã từng sống và làm việc ở xứ người, thời gian tính bằng năm, khi đọc Nguyễn Huy Hoàng ở đề tài muôn thuở này, tôi hiểu nhà thơ là người có cuộc sống nội tâm sâu sắc, có năng lực cảm nhận, có vốn sống dồi dào. Đôi khi tôi có cảm giác cũng với ý tứ ấy, nội dung ấy nếu anh diễn đạt bằng thể loại khác mà không phải bằng thơ thì sức thuyết phục của hình tượng nghệ thuật có lẽ sẽ giảm đi nhiều.
Có thể nói, xứ Nghệ hiện lên trong thơ anh như những phác thảo đậm đà màu sắc, không dễ trộn lẫn, và phác thảo nào cũng ít nhiều đều có dấu vết tâm trạng người viết: “ Sống tằn tiện chắt chiu từng hạt muối- Cần hy sinh hiến hết cả gia tài- Người Xứ Nghệ rạch ròi yêu với ghét- Đã hứa rồi, chẳng một chút đơn sai” Thơ viết về quá khứ của anh được diễn tả đầy gợi cảm và dùng từ rất đắt, rất chuẩn xác. “quả bưởi xiêm rám vỏ tận tháng mười”, nơi “cả cánh rừng như bị nhúng vào đêm” (Nhớ), “hoa lau cháy trắng một góc trời”, “tựa lưng vào vách núi đỡ thiên tai- Mặt gió nóng, lưng đã là bão lụt”(Xứ Nghệ). Anh nhớ xứ Nghệ day dứt tận lòng. Trong giấc ngủ chập chờn mưa tuyết, tác giả bỗng “thèm nghe tiếng ếch một thời xa xăm”, cảm thay cho mẹ “tấm áo vá run lên từng sợi chỉ”, thương cha “dán phong bì hạt cơm nguội khô tơi”, chẳng thể quên được “tóc em dài chảydọc tấm gương soi”…
Nguyễn Huy Hoàng đóng góp được một số câu thơ thật hay trong số những câu thơ tài hoa viết về những người chị, người vợ liệt sĩ: “Đi qua thì con gái - Tóc rụng lỏng vành khăn”.
Nỗi nhớ quê da diết thường ùa đến vào những ngày Tết âm lịch. Trước những năm chín mươi của thế kỷ XX, hầu hết người Việt ở Liên Xô (cũng như ở nhiều nước khác) không hề biết đến một lát bánh chưng xanh, một làn hương thơm thoáng. Bằng thơ, Nguyễn Huy Hoàng đã nói hộ những người xa xứ mảng hiện thực tâm trạng đó, vì vậy mà thơ anh đã tìm được chỗ đứng trong tình cảm của những người đồng hương ở nước ngoài. Anh đã làm sống lại trong tôi cái cảm giác trống vắng dễ sợ trong mấy ngày Tết xa xứ: “Ở đâu cũng thấy mình thừa - Cả khi đứng vào chỗ trống”. Tôi cũng đã từng lâm vào cảnh: “Chiều giỗ bố bày mâm ra cánh tủ - Chiếc cốc con đổ gạo cắm hương thờ”.Tất cả những thực tế ngọt ngào, cay đắng và sống động ấy đã đi vào thơ Nguyễn Huy Hoàng một cách tự nhiên thông qua cách diễn đạt giản dị nhưng không kém phần da diết, gợi mở, lại tìm được một đối tượng bạn đọc đang sống xa xứ thì khác nào cá gặp nước, hạn gặp mưa.
Có thể nói, Nguyễn Huy Hoàng đã vào vai một họa sĩ dùng thơ để vẽ nên hai bức tranh độc đáo: Bức tranh quê Việt và bức tranh nước Nga. Từ “Ngoảnh lại “ (1995), “Dư âm “ (1997) “ Miền yêu thương”(2001), “Phía bên kia trời” (1999), đến “Đa mang” (2005) và “Vẫn còn có bao điều tốt đẹp (2008), thơ anh đã từ tâm thức nghiêng nhiều về chiêm nghiệm và tập nào cũng có hai phần rõ rệt. Thơ về quê nhà và thơ về quê người. Tuy nhiên, cái tư duy hàn lâm Tiến sĩ Ngữ Văn đã vô tình trở thành rào cản khi anh lỡ sa đà vào những đề tài chung chung với những triết luận khô cứng. Mặt mạnh trong anh là những gì cụ thể, gần gũi và tâm trạng. May thay, ngoài sự bộn bề những lý thuyết cao xa, những trước tác vĩ nhân, hành trang vào đời của anh còn câu hát ru lắng đọng của mẹ, có lời khuyên dân dã của bà nội, có cánh cò quê kiểng… Nhờ vào vốn văn hoá cao rộng và năng lực tư duy chính xác mà mỗi bài thơ của anh được hình thành như một chỉnh thể cấu trúc chặt chẽ, câu thơ được tỉa gọt, trau chuốt và rất ít sạn.Anh biết cách nhào nặn chất liệu vừa đủ để làm nên một thành phẩm thơ.
Nếu ở mảng đề tài về quê hương được anh viết ngay ở xứ tuyết và chính hoàn cảnh này đã tạo cho bài thơ và câu thơ của anh có thêm sức nặng và khả năng lưu giữ lâu bền thì phần thơ về xứ tuyết lại được anh thể hiện với tư cách một người đau đời trong cuộc. Vẫn là năng lực quan sát của một nhà thơ “gạn giọt đau qua biển đắng khôn cùng” và tình cảm trung thực của một thân phận lưu lạc từng mang “gánh khổ đau quá sức một đời người”. Quá sức không phải chỉ vì thiếu thốn về vật chất, mà chính vì phải chứng kiến cuộc sống tinh thần đang xuống cấp, danh dự công dân bị xúc phạm, kể cả sự nhạt nhòa của hình hài kỷ niệm trước những xô đẩy của dòng đời nghiệt ngã, và số phận nổi chìm của những con người dưới đáy. Với Nguyễn Huy Hoàng thì sự khổ đau ấy còn bị nhân lên bội phần khi đứa con gái bé bỏng thương yêu của anh bỗng dưng bị mất tích nơi đất khách, quê người. Mỗi câu thơ anh dành cho con gái là một mũi dao sắc lẹm khía vào tim người đọc: “Thương con ngẩng mặt lên trời – Đôi hàng nước mắt chảy xuôi vào lòng” (Nghẹn ngào). Cháu Nguyễn Quỳnh Nga ơi, cháu có nghe tiếng gọi đớn đau, tuyệt vọng của người cha bất hạnh: “Con ở đâu trên cõi nước Nga này?”.
Quả thật, nhiều bài thơ, câu thơ viết về nước Nga của nhà thơ gặp nhiều lận đận này đã khiến tôi phải ngậm ngùi, sửng sốt và đôi lúc trộm nghĩ, nếu gạch cái tên Nguyễn Huy Hoàng đi thì hẳn có người sẽ lầm tưởng đây là sáng tác của một người Nga chính gốc!
Trong sáng tác những năm gần đây anh đã đi vào độ chín hơn, có nghề cao hơn ở phong cách thể hiện: “Đi về đâu hỡi nước Nga bất hạnh - Xà ích già nới lỏng vạt dây cương…Khua động chiều vắng lặng thảo nguyên - Vó tam mã chồm lên, bờm dựng sóng” (Với Gôgôn) hoặc “Dáng trầm mặc những ngôi nhà thờ cổ - Thời gian trôi trên đỉnh tháp dát vàng”. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Hoàng, thiên nhiên Nga hiện lên gần gũi, sống động qua nhiều bài thơ đặc tả phong cảnh quen thuộc lúc chớm đông “ Bạch dương đã lấm tấm vàng- Mây chiều như mảnh khăn choàng tả tơi- Thảo nguyên lác đác bóng người- Mưa khuya rắc lạnh từng hồi bến sông- Ngựa già buộc gốc cây phong- Mắt buồn thờ thẫn ngóng đồng cỏ hoang- Tháp già lẫn hết thời gian – Lẻ loi bóng quạ thở than nhớbầy…” . Hoặc là cảnh tê tái khi mùa đông thực sự đã về :“Lá rụng hết rồi, tuyết chửa rơi - Hàng cây như chổi quét mây trời - Quạ đen xếp cánh ngồi tư lự - Mặc tiếng ho khan, động bóng người”…
Trong một bài viết ngắn thật khó có thể trích dẫn được nhiều hơn những câu thơ tương tự.Nguyễn Huy Hoàng là nhà thơ của tâm trạng, hồi ức và phong cảnh.Khát vọng nói về người, về phong cảnh cũng là để soi lại bản thân. Mỗi bài thơ viết về nước Nga là một cái cớ để tác giả ký thác tâm trạng của mình, đưa ra một thông điệp về nhân sinh, lẽ đời: “ Vẫn còn lại những người Nga chất phác- Nói chuyện bể dâu chỉ mỗi biết lắc đầu- Matxcơva bây giờ đã khác- Những cái nhìn đầy ắp nỗi lo âu”. Viết như thế là hiểu nước Nga sâu sắc lắm.
Có rất nhiều bài thơ, Nguyễn Huy Hoàng gửi gắm nỗi lòng của mình qua những hình ảnh, những câu chuyện, những mối liên hệ:“Lưng quá khứ những toa tàu quá tải”, khi“Chưa gục ngã trước bão giông số phận - Những nỗi buồn bạc trắng cả ngày xanh”.
Dường như nhà thơ này sinh ra để mà buồn, để mà đa sầu, đa cảm. Có cảm giác liều lượng buồn trong thơ Nguyễn Huy Hoàng đôi lúc làm lệch cán cân cảm xúc của bạn đọc. Nhưng đó là nỗi buồn của một công dân – nhà thơ đầy ý thức trách nhiệm trước con người, được thanh lọc trái tim đa cảm và đôi mắt tinh đời của thi sĩ. Anh không để câu thơ bị lắng chìm mà kịp thời phả vào từng câu, từng chữ tràn trề tình cảm yêu thương, nhân hậu , những suy tư, trăn trở, những khát vọng của cá nhân và cộng đồng. Bạn đọc gặp lại trong thơ anh một khoảng rừng trong thành phố, một mùi hương táo dại, bà mẹ Nga ngồi đan bên cửa sổ, tiếng đàn Balalaica quyến rũ, chú ngựa đóng gióng chở mật ong, chiếc gầu vỏ bạch dương, người phế binh ngực lủng lẳng huân chương, ông già mù miệng lẩm bẩm đâu đâu, gã Di gan vừa xem bói vừa xin tiền, anh mù thấp bé kéo ác-coóc, đặc biệt là hình ảnh những em bé bơ vơ trong giá tuyết…
Thương nhất trong thơ anh là những em gái Việt bươn chải kiếm sống, trang trải miếng cơm, manh áo cho bao người thân ở quê nhà đến nỗi phải “gửi tuổi xuân nơi chợ búa quê người”.Viết về những thân phận long đong này câu thơ của anh có sức mạnh ám ảnh, day dứt lạ lùng. Anh đau buồn vì thái độ kỳ thị của một bộ phận người Nga nào đó đối với người Việt, xót xa vì cái gọi là “lối sống Xôviết” đẹp đẽ tồn tại cả một thời kỳ dài phút chốc bị băng hoại: “Tất cả đã khác xa, những người Nga mới -Chóng quên đi, cũng có thể bất cần -Niềm kiêu hãnh thơ ca, nhạc hoạ - Những con đường thấm đỏ máu nhân dân!”(Mặt trời vẫn mọc). Ai mà chẳng mủi lòng nuối tiếc khi ở thủ đô Moskva bây giờ “Trở lại Nga sau những tháng năm dài- Thành phố đã ngỡ ngàngđổi khác- Gặp ánh mắt dửng dưng, những cái nhìn lạnh nhạt- Nơi thân quen mà ngỡ bước đang nhầm” (Vẫnđang còn nước Nga của hồn tôi). Nhưng buồn mà không tuyệt vọng, giữa những cảnh bể dâu, vẫn còn lại những giá trị cao cả nhất: “Tiếng chuông vọng trên trời cao huyền thoại- Những đỉnh tháp rực sắc vàng lộng lẫy- Bạch dương xanh bát ngát suốt cánh rừng- Nhớ làm gì những ánh mắt dửng dưng- Thói đen bạc buổi phố phường mở cửa- Tôi tìm thấy một thời tôi từng có- Trong nụ cười nhân hậu mẹ già Nga”
Là người đã từng sống, đã xa nước Nga nhiều năm chưa trở lại, tôi phải cảm ơn nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng đã giúp tôi hiểu thêm về nước Nga sau Liên Xô sụp đổ, nó không đến nỗi quá bi đát như có người lầm tưởng, anh đã củng cố niềm tin trong tôi: “Đã từng có một nước Nga cổ tích - Tận chân trời xanh tít tắp thảo nguyên”, rằng cái đẹp, cái cao thượng ở đời vẫn là bất biến, nước Nga của Pushkin, của Tolstoy, của nhân lao động Nga vĩ đại sẽ không bao giờ mất, “Mặt trời Nga vẫn chói lọi muôn đời”!
(Rút trong tập thơ VẪN CÒN CÓ BAO ĐIỀU TỐT ĐẸP của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng) - HẾT
|