THEO DẤU BIÊN PHÒNG
Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý
Cũng là hoa ấy, cũng là lau ấy nhưng tại làm sao khi nó mọc trên biên cương đất nước thường mang lại cho tôi cái cảm giác rất khác lạ. Cái cảm giác vừa gần gũi vừa xa xăm, vừa trùng điệp vừa đơn lẻ, vừa mênh mang vừa cô đọng...Tôi không gọi tên được nó, cái cảm giác ấy, khi ngắm nhìn không chán mắt những chùm mộc miên đỏ rực, những bông lau trắng xám phơ phất trên các khúc cong của cõi bờ. Rưng rưng nghĩ rằng, từ lâu, từ rất lâu rồi, hoa mộc miên đã đỏ, đỏ nỗi hoài niệm của tháng ba hoa gạo thắp lửa bến sông, đỏ mắt trông chờ của chinh phụ có chồng đi trấn giữ cương vực non sông nơi muôn dặm rừng thiêng nước độc. Rưng rưng nghĩ rằng, từ lâu, từ rất lâu rồi hoa lau đã trắng, trắng nỗi mong manh của những liếp đời không che hết lạnh lùng gió bấc mùa đông. Để bờ cõi vững vàng muôn thuở phải có những con người dấn thân vào nơi điệp trùng chon von, nắng gió thất thường đỏng đảnh nhất. Không thể khác, không thể chọn được giải pháp nào cho an ninh phên dậu mà không phải đổi bằng mồ hôi và máu của những người lính biên cương. Hầu như, bao giờ cũng vậy, thiên hạ loạn lạc hay yên bình thì những người lính biên ải đều phải căng ráng, gồng trụ lên trên một trăm phần trăm để làm tròn nhiệm vụ cực kỳ gian khó Tổ quốc giao.
Nghề làm văn viết báo cho tôi cơ hội đi được nhiều nơi trong đó có các vùng biên giới. Mỗi lần gặp là mỗi lần thương yêu cảm phục những người lính quân hàm lá xanh. Chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ xa gần rằng lính biên phòng mang trong họ nhiều chất truyền thống bộ đội nhất. Chất lính Cụ Hồ có trong thế hệ bộ đội đánh Pháp, đánh Mỹ xa xưa ấy. Nghĩa là phải chịu đựng nhiều gian khổ nhất, nhiều chia ly xa cách nhất, có bản lĩnh vững vàng, lúc cần xả thân không tính toán và vô cùng gần gũi thân thiết với nhân dân.
Gọi họ là lính chân đất, lính đi bộ cũng không có gì quá đáng. Trong mỗi lần đi thực tế, cánh nhà văn nhà báo chúng tôi khó lòng theo kịp bước chân bộ đội biên phòng. Đường rừng quanh co, hiểm trở, sương phủ mù giăng, vắt bắn tanh tách thế mà cánh lính quân hàm xanh vẫn thoăn thoắt bước. Những bước chân biên cương chắc chắn và nhanh nhẹn làm sao. Thấy mà thèm, mà mơ sức vóc, sự dẻo dai của đồng đội. Theo dọc đường biên, nối từ cột mốc này sang cột mốc khác là dấu chân người lính quân hàm màu lá cây, dấu chân đầm đẫm sương sớm sương chiều, vượt băng mưa nguồn suối lũ, đặt trên nhấp nhô cheo leo trùng điệp, đặt trên lởm chởm chênh vênh, khi là nắng om om, khi là rét buôn buốt...Ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm khác, dấu chân ấy vẫn song hành cùng những cột mốc yêu dấu như khẳng định chủ quyền của Tổ quốc không bao giờ suy suyển, sai lệch, mất mát. Tôi đã được đến những trạm, tổ biên phòng đứng chân trên những đỉnh núi quanh năm mù mây. Không điện sáng. Không sóng di động. Không dân. Ba bên bốn bề thăm thẳm đại ngàn. Mây ùa cả vào lán, vào chăn, vào từng giấc ngủ lính trẻ. Mây bãng lãng trên tóc, trên áo, nói cười, gọi nhau, chuyện tình yêu, chuyện tiếu lâm của lính cũng se se lành lạnh hơi nước, hơi mây. Đấy là hình dung theo kiểu lãng mạn. Chứ lắm lúc, nhiều lúc cũng trống trảng chênh vênh và nói theo cách của Trần Đăng Khoa là Những mùa đi thăm thẳm/Trong mung lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già. Những người lính biên phòng muốn trụ vững nơi đây, trước hết phải tự mình quyết liệt chống lại cái nhàm chán trầm uất rất dễ nảy sinh trong những không gian hoang vắng này. Chúng ta đi đâu đó dăm ngày một tuần đã thấy nhớ thèm hơi ấm gia đình, đã mong được “mã hồi” về với nồng nàn vợ yêu và ríu rít con ngoan. Thế nhưng, những người lính ta gặp trên các đỉnh núi vời vợi ấy có khi hàng năm không được về nhà. Đồn Bạch Đích ở Hà Giang, tôi còn nhớ, trong bữa cơm tiếp các nhà văn ở xuôi lên, trung tá Bằng vừa cười rong róc vừa nói rằng : “Ở xa cũng có cái hay là lúc nào về nhà vợ mình cũng như mới cả”. Chuyện giường chiếu nói mãi cũng không chán nhất là trong các cuộc rượu tâng tâng của cánh đàn ông. Nhưng nói như trung tá Bằng, cái ông đồn trưởng cười như nứa vỡ ấy, mới thoạt nghe có vẻ hả hê tếu táo nhưng ngẫm kỹ cũng có vị bùi ngùi cam chịu. Cũng là con người ai không muốn được gần vợ gần con gần gia đình cơ chứ. Cái hạnh phúc đời thường ấy, chẳng phải người lính biên phòng nào cũng có, dù đất nước không có chiến tranh. Trong muôn vàn cái có thể quen thì xa cách chắc là khó nhất, bởi dù muốn thi vị hóa cuộc sống đến ngần nào thì sự thông cảm chia sẻ với người lính biên phòng cũng rất cần thiết:Nhưng xa cách làm sao nguôi được/ Con người đâu là gỗ đá vô hồn/ Âm u rừng thẳm dâng đáy mắt/ Tiếng chim chiều xao xác hoàng hôn (Nguyễn Đức Mậu) .
Phẩm chất đáng yêu nhất của lính biên phòng theo tôi là gần dân. Dân còn yêu biên giới, còn mến bộ đội biên phòng thì không lo gì không giữ được bờ cõi. Tôi đã từng nghe một cán bộ biên phòng khẳng định thế. Phần lớn đồng bào ở biên giới là người các dân tộc thiểu số, họ chỉ tin, chỉ theo ai nói lời đúng làm điều tốt. Nói và làm đi đôi với nhau như hình với bóng. Những nơi tôi từng đi, từng đến sao thấy dân mến và tin bộ đội biên phòng đến thế. Người lính mang quân hàm màu lá là một phần rất đáng kể trong cuộc sống của dân bản, đúng thôi, vì các anh là những người biết phát sóng ngắn đến bà con, là thầy giáo, thầy thuốc, là cán bộ xã cán bộ thôn, là kỹ thuật viên dạy nông dân cấy lúa, trồng xoài, nuôi lợn...Các anh đằm mình vào cuộc sống, phong tục và cả thói quen của người dân bản, để nắm bắt, để vận động, để khéo léo uốn nắn, gạn đục khơi trong cho cuộc sống của họ ngày càng văn minh hơn. Bộ đội biên phòng đến bản, đến nhà là khách quý đến bản, đến nhà. Đây là cái thân tình anh em của người Mông ở bản Tả Kha, Đồng Văn, Hà Giang dành cho bộ đội biên phòng mà tôi đã chứng kiến cách đây hơn mười năm về trước. Cái gật đầu của chủ nhà thay cho lời chào thân thiện. “Bộ đội uống rượu vớ”. “Vâng, uống rượu”, chàng trung úy điển trai đi cùng các nhà văn cười tươi đáp trả. Rượu ngô còn ngai ngái mùi bếp được rót đầy vào mấy chiếc bát ăn cơm. Tôi ngỡ ngàng và choáng ngợp trước những bát rượu tưởng như đang sóng sánh bóng trời, bóng núi vùng cao. “Uống đi bộ đội, mình có hai tay hai chân nên phải uống với nhau bốn bát cho nó ấm cái bụng”, chủ nhà nói tiếng Kinh khá sõi.Tôi định từ chối vì tửu lượng không cho phép thì chàng trung úy đã đỡ bát rượu và xin phép chủ nhà cho uống thay vì anh nhà văn này bị đau dạ dày. Dà, dà...đôi mắt một mí hơi hẹp nhìn tôi cười cười, “thế thì bộ đội anh thua bộ đội em rồi vớ”...Tôi nhìn chàng trung úy uống rượu mà thương. Từ lâu, tôi đã nghe người ta kháo nhau, với người vùng cao, nếu lính biên phòng không biết uống rượu thì khó mà thâm nhập được vào họ. Quả như thế thật, lính biên phòng tửu lượng thật đáng nể. Uống rượu cũng vì công việc đó mà.
Lâu lâu, không đi đồn biên phòng tôi cảm thấy nhớ. Nhớ biên cương heo hút mà gần gũi vô cùng. Với những người lính quân hàm xanh màu lá cây tôi đã có những kỷ niệm khó quên. Tôi “thèm” được đi biên giới nhiều như các bạn viết của tôi; nhà báo Nguyễn Hòa Văn, nhà văn Phạm Thanh Khương, nhà báo Hữu Niệm, nhà thơ Phạm Vân Anh (Báo Biên phòng), nhà văn Nguyễn Thành Phú (Quảng Trị), nhà báo Nguyễn Đức Thuận (Quảng Bình)...Họ đã, đang và sẽ gắn bó thân thiết với đội ngũ những người lính mang quân hàm màu lá cây. Những đồng đội ấy, như nữ nhà thơ Phạm Vân Anh đã trìu mến phác họa:
Người lính-cây rừng
Vai áo xanh ươm nhựa núi mà xanh
Nhuộm đá ngàn mà biếc
Chớp đã biên cương
Đỉnh xanh lồng bóng...
Đồng Xa, Thu Nhâm Thìn 2012
NHQ
(Theo Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý)
|