Trang chủ Liên hệ       Thứ bẩy, Ngày 23/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  TRẮNG HỜI GIÓ CÁT DẤU CHÂN MẸ VỀ - Nguyễn Hữu Quý TRẮNG HỜI GIÓ CÁT DẤU CHÂN MẸ VỀ - Nguyễn Hữu Quý , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

alt

Có lẽ, rất ít nhà thơ không có tác phẩm viết về mẹ mình. Tôi cũng thế, đã có ít nhất 3 bài thơ dành riêng cho mẹ. Đó là Đi tìm đồng xu nhỏ bé; Ký ức mẹvà Thắp hương mộ mẹ. Trong đó, bài Thắp hương mộ mẹ tôi ưng ý nhất vì nó nói được nhiều điều về số phận mẹ tôi và tình cảm của một đứa con trai dành cho người sinh ra mình.

Bài thơ này tôi làm vào tháng 3 năm 1998 tại quê hương Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Lúc này, tuy vẫn đang mùa xuân nhưng ở quê tôi đã có những ngày nắng gay gắt và gió lào nóng hôi hổi. Về thăm quê, tôi ra bãi cát thắp hương cho mẹ. Cát trắng lòa nhòa. Nấm mộ mẹ tôi (lúc bấy giờ chưa xây) chỉ là một núm cát là là lẫn vào trong muôn vàn nhấp nhô của nghĩa trang làng. Mẹ tôi mất đã ba mươi năm (1968) từ hồi tôi mười hai tuổi. Mẹ mất khi tóc còn chưa có sợi bạc nào (33 tuổi) vì dính bom bi Mỹ thả trên đường đi chợ chiều về, chỉ còn cách nhà mình độ trăm mét.

Trong tôi chưa bao giờ mờ phai bóng hình của mẹ. Tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm ấm áp về Người. Nghe người lớn kể lại thì trước năm 1954, mẹ tôi là một cô hàng xén khá duyên dáng, dịu dàng ở chợ Thanh Khê. Bức ảnh mà tôi đang thờ chính là mẹ thời thanh nữ ấy. Một khuôn mặt trái xoan nhẹ nhõm rạng ánh lên nụ cười đôn hậu. Mẹ tôi hiền. Những người trạc tuổi mẹ bây giờ còn sống khi gặp tôi đều bảo thế. Các bà hay chép miệng nhắc “Ả Lài (tên mẹ tôi) sống có phúc, có đức lắm. Rứa mà lại bị bom chết sớm. Thiệt tội!”. Chiến tranh chống Pháp kết thúc, hòa bình lập lại ở miền Bắc, mẹ tôi do có học ít nhiều được cử vào làm nhân viên Cửa hàng bách hóa tổng hợp Thanh Khê.

Đấy là chặng đời đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Tôi được đùm bọc êm ấm trong sự thương chiều của bà nội, bà ngoại, ba mẹ. Tôi nhớ ngôi nhà ba gian hai chái với những cột lim nâu bóng, mái lợp lá tro, có những ô cửa vuông nhìn ra mảnh vườn mùa nào rau nấy, thấp thoáng bông bí bông bầu vàng vàng trắng trắng với mấy cánh bướm sặc sỡ bay qua bay lại, mấy con chuồn chuồn ngơ ngác đậu lên.

Từ nhà ra chợ không xa mấy, tôi vẫn thường rủ nhúm bạn trong xóm ra cửa hàng mẹ tôi chơi. Nói là chơi nhưng kỳ thực là ra xin mẹ mấy xu để mua dưa hấu, hay bánh đa. Không phải lúc nào mẹ cũng cho tôi tiền, nên có khi tôi phải lấy trộm đấy. Thời dại dột đã qua, đã xa lắm rồi mà nay nghĩ lại vẫn thấy cay cay nơi sống mũi. Thương mẹ đến nghẹn ngào. Cửa hàng bách hóa gồm nhiều gian, mẹ tôi được phân công bán rượu, thuốc lá, đường sữa, muối, nước mắm...Bên cạnh có các gian bán đồ mặc, đồ dùng trong gia đình và có cả một ô dành cho bác Lễ bán thuốc đông y. Tôi rất thích khi buổi tối được mẹ cho đi theo ra cửa hàng họp. Trước khi vào họp bao giờ mẹ cũng mua cho tôi mấy quả táo khô ở chỗ bác Lễ. Tôi cho vào miệng quả táo đen bóng nhăn nheo nhấn nhá nhai, nó dai dai dẽo dẽo, vừa ngọt vừa thơm. Vào những dịp Quốc khánh mồng 2 tháng 9, Tết nguyên đán bao giờ mẹ cũng mua áo quần mới cho anh em tôi. Mùi vải mới thơm tho làm sao, mấy đứa tôi đưa lên mũi hít hà vui sướng cười rinh rích. Cũng vào những dịp ấy, mẹ tôi chưa bao giờ quên mua mấy chai rượi mùi, trước để thắp hương cho tổ tiên ông bà sau cho ba tôi uống.

Ba tôi được cử đi phòng chống sốt rét ở Tuyên Hóa, một huyện miền tây Quảng Bình. Mấy tháng sau mới về. Tôi thấy mẹ tôi buồn hẳn. Ít lâu sau, tấm ảnh chụp mẹ tôi cầm quyển sách có tên Tức nước vỡ bờ xuất hiện trong nhà. Lúc đó, còn bé tý chúng tôi không biết nguyên nhân vì sao mẹ lại đi chụp bức ảnh này. Sau mới biết, trong thời gian đi phòng chống sốt rét ở Tuyên Hóa ba tôi được một cô giáo dạy văn cấp 2 yêu tha thiết. Tin ấy lọt đến tai mẹ nhưng bà chẳng làm gì ầm ĩ cả chỉ “cảnh cáo” ông bố đa tình của tôi bằng tấm ảnh Tức nước vỡ bờ như tôi kể trên. Ui chao, may mà sự trục trặc tình cảm của ba mẹ tôi sớm được gỡ bỏ nên gia đình tôi vẫn sum vầy, thắm thiết.

Chiến tranh. Năm 1964, những quả bom đầu tiên của Mỹ ném xuống quê tôi. Vài năm sau, mẹ tôi được chuyển lên công tác ở miền núi. Không chịu nổi cảnh xa con, mẹ tôi quyết định xin thôi việc Nhà nước, về nhà buôn bán lặt vặt chăm sóc chồng con. Không có chi bằng con cái cả, mẹ tôi thường nói thế. Với mẹ, lo được miếng cơm tấm áo cho con, gần gũi đùm bọc con là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời. Tôi nhớ, mẹ tôi đội mưa đội nắng, áo đen nón lá, một gánh hàng trên vai, xuôi ngược đi về. Mẹ mua cá, mắm mang lên các làng nông đổi gạo khoai về. Đến nhà, vừa đặt gánh xuống đã tất tưởi ra vườn cuốc đất trồng sắn, trồng khoai. Tấm áo mẹ hầu như chẳng mấy khi ráo vợi mồ hôi. Những quầng muối trắng đọng lại trên lưng áo mẹ tôi.

Thời chiến tranh khốc liệt nhất, trẻ em ở làng tôi được cho đi K8 để bảo tồn nòi giống. Tôi cũng đã chuẩn bị xong xuôi ba lô áo quần để đi ra Bắc. Những ngày ấy, mẹ tôi cứ như người thất thần, làm gì đi đâu cũng về rất nhanh để ngắm tôi. Ở đâu trên thế gian này có những người mẹ nào đắm đuối con như những người mẹ Việt Nam không nhỉ? Tôi tin là có nhưng chắc không vượt qua tình mẫu tử như ở nước mình. Mẹ dặn tôi nhiều điều lắm, nào là con ra ngoài nớ (ấy) đừng ham nhởi (chơi) nghe, đừng giangnắng (đi đầu trần) kẻo đau trôốc (đầu), đừng ra sông ra suối tắm một mình, đừng cãi lại người lớn, đừng hay lẫy (giận-làm nũng)...Mắt mẹ ngân ngấn nước khi dặn tôi rồi đột ngột mẹ nói: “Hay là con đừng đi K8 nữa, ở nhà với mệ, với ba mạ, với các em nghe”. Tôi ừ liền và cuối cùng mẹ giữ tôi lại không cho đi K8 nữa.

Bom đạn ngày càng ác liệt hơn. Mẹ con tôi phải đi sơ tán hết nơi này đến nơi khác, riêng ba vẫn phải bám trụ nơi quê nhà. Cuối cùng, gia đình tôi phải về ở nơi xóm Nại, xa đường số 1A, xa cảng Gianh, cống Bốn, cống Mười, Khe Nước, đèo Lý Hòa...là những trọng điểm ở quê tôi thường bị máy bay pháo tàu Mỹ ném bom, bắn phá rất ác liệt. Thế mà, giặc Mỹ chẳng tha cho những thường dân phần lớn là người già, phụ nữ và trẻ em nơi sơ tán. Lớp học của tôi bị máy bay Mỹ rải bom bi. Bạn bè tôi đứa chết, đứa bị thương. Và, mẹ tôi: Một đêm chiến tranh/nhì nhằng ánh chớp/mẹ không đi hết/ con đường vào ngõ nhà mình (Ký ức mẹ)

Tôi tin rằng, mẹ tôi sẽ là nguyên mẫu lớn nhất trong những sáng tác của mình dù có thể những trường ca, bài thơ hay truyện ngắn tôi không trực tiếp viết về Người. Mẹ là quê hương, là nguồn cội bền vững của những đứa con như tôi: Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru(Sinh ở cuối dòng sông). Trong tầm vóc lớn lao của người mẹ Quảng Bình có một phần mẹ tôi: Sau lưng núi cao, trước mặt biển sâu/ mẹ hát bằng cây, mẹ ru bằng sóng/ mẹ mượn đèo Ngang buộc một đầu guốc võng/ cột gỗ nhà ta một đầu võng kẽo cà...(Sinh ở cuối dòng sông).

Và đây là câu chuyện tâm linh, tôi muốn sẻ chia với các bạn. Vừa rồi, trong một lễ áp vong tại cơ sở UIA (Liên hiệp khoa học công nghệ Tin học ứng dụng) số 1, Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội vợ chồng, con cháu tôi đã được “gặp gỡ” và “chuyện trò” với các hương linh dòng họ trong đó có mẹ tôi. Nhiều điều kỳ diệu lần đâu tiên tôi được chứng kiến (hẹn các bạn tôi sẽ kể lại vào một dịp khác). Mẹ tôi dặn dò: “Bây giờ anh em các con mỗi người mỗi nơi, xa cách nhau nhưng phải đoàn kết giúp đỡ nhau. Phải giúp Hùng (em gái tôi) nhiều vì nó vất vả hơn và chồng bị chết sớm...”. Nói đến đây “mẹ” khóc.

Mẹ ơi, có phải khi không còn trên cõi đời này thì hương linh của mẹ vẫn mang đầy đủ phẩm chất của Người khi còn sống. Mẹ vẫn đắm đuối, thương yêu con hết mực dù bây giờ đã là vong linh...Phải chăng, chuyện này cũng giản dị như tôi đã từng thấy Trắng hời gió cát dấu chân mẹ vềtrên quê hương mình.

 

THẮP HƯƠNG MỘ MẸ

 

Vậy thôi, nấm cát là là

bia khắc tên mẹ, chữ nhòa mắt con

Ở đâu mẹ, giữa mất còn

tìm đâu mẹ giữa chon von đất trời?

 

Cái buồn ở với mồ côi

ai che lối gió, ai bồi nẻo mưa

ba mươi năm bấy nhiêu mùa

giờ nghe cát cháy quặn trưa gió lào

 

Cuộc đời ngắn ngủi làm sao

bom rơi

             cát đỏ

                      máu trào

                                    mẹ ơi!

 

Đớn đau thay một kiếp người

tóc còn xanh

                     đã

                         xuống lời trối trăng!

 

Đau buồn con vẫn còn mang

cỏ chưa xanh cát đã vàng tháng ba

đội trời ngồi với mẹ ta

thương xưa áo vá, khoai cà Ô Châu (*)

 

Cúi đầu thắp mấy nén đau

ngậm ngùi thấm cõi dày sâu mấy tầng?

chiều sang

bóng ngã âm thầm

trắng hời gió cát dấu chân mẹ về…

 

Thanh Trạch 3. 1998

---------

(*) Câu ca dao khi sống mẹ tôi thường đọc:

Quảng Bình là đất Ô Châu

Ai đi đến đó quảy bầu về không

                           (Theo Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý)


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65118142

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July