(Viết về 12 cô gái Truông Bồn hy sinh ngày 31-10-1968)
Truông Bồn là một địa danh đã đi vào lịch sử - thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ Truông Bồn được mệnh danh là TÚI BOM, CỬA TỬ…
Trên đường 15A, cung đường qua Truông Bồn có một vị trí hết sức quan trọng – tránh được những trọng điểm đánh phá ác liệt dọc đường 1: Cầu Bùng (Huyện Diễn Châu), cầu Phương Tích, cầu Cấm (huyện Nghi Lộc) và phà Bến Thủy (Thành phố Vinh). Vì thế kẻ thù không ngừng ném bom, bắn phá ác liệt, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Vậy mà có đêm Truông Bồn đã đưa được 500 chuyến xe chở hàng qua CỬA TỬ an toàn…
8h ngày 30-10-68 , được tin 0h ngày 1-11 Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Mọi người đang trong niềm vui sướng, thì được lệnh 7h sáng ngày 31-10 có một đoàn xe quân sự đi qua Truông Bồn. Tiểu đội trực chiến hôm đó có 14 đồng chí (12 nữ, 2 nam) – trong đó có 4 chị đã cầm quyết định đi học các trường chuyên nghiệp; 2 anh chị đã có đăng ký kết hôn được đơn vị cho về tổ chức lễ cưới... Nhưng trước nhiệm vụ cấp bách, các chị đã tự nguyện ở lại cùng đồng đội. Với tinh thần “một giờ còn ở lại đơn vị là 1giờ còn ra mặt đường”.
Các chị đã ra đường san lấp hố bom. Hơn 6h sáng ngày 31-10, công việc sắp hoàn thành, con đường đã thành hình, thì bất ngờ máy bay Mỹ ào đến, trút bom tới tấp xuống nơi các anh chị đang làm nhiệm vụ… Khi tạm ngừng tiếng rú của máy bay các đvị bộ đội, dân quân và dân xã Mỹ Sơn chạy ra… không còn thấy đâu là đường, chỉ thấy hố bom chồng chéo dày đặc. Họ đào bới trong tiếng khóc nghẹn ngào. Hai người tìm thấy đầu tiên là anh Hòa và chị Thông – chị tiểu đội trưởng, nhưng chỉ cứu sống được chị Thông. Máy bay lại ào đến ném bom cấp tập nơi các chị đang bị vùi trong lòng đất. Mọi người đau đớn nhìn về phía những đợt bom cày đi, xới lại nhiều lần… Sau hai ngày đêm vừa đào bới vừa gọi tên các chị: Nhung ơi, Phúc ơi, Tâm ơi, Đang ơi… các chị ở đâu ?…chỉ tìm được 6 người còn nguyên hình hài, 7 người còn lại chỉ nhặt được những mảnh thi thể bị băm nát - chia ra 7 phần và chôn chung một nấm mồ, ngay nơi các chị đã hy sinh. 13 chiến sỹ tiểu đội thép đã anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Các chị phần lớn quê ở huyện Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên - đã về đây sống chết với con đường. Và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ -17 đôi mươi. Họ đã vui với niềm vui của từng đoàn xe nối nhau vào miền Nam. Họ đã từng làm cọc tiêu di động. Và cũng đã từng hồi hộp, căng thẳng đếm từng quả bom rơi thật chính xác, để kịp thời phá bom, mở đường, thông xe…
Chiến tranh đã lùi xa. Cuộc sống đã hồi sinh. Sự hy sinh của các anh các chị đã làm nên huyền thoại Truông Bồn. Trong niềm xúc động, cảm phục, tự hào, biết ơn tinh thần tự nguyện và lòng dũng cảm hy sinh của những công dân yêu nước – TNXP tiểu đội thép Truông Bồn, tôi đã viết:Chùm thơ 3 bài: NHỮNG BÔNG HOA TRUÔNG BỒN, SÁNG THẦM TRONG CỎ , XANH MÃI TRUÔNG BỒN.
XANH MÃI TRUÔNG BỒN
Tôi trở về quê mẹ Mỹ Sơn
Nơi làm nên con đường huyền thoại
Giọng nói trong mười hai cô gái
Đi mở đường san lấp hố bom
Đoàn xe qua rầm rập Truông Bồn
Em ở lại cung đường thông tuyến
Ai đếm được bom thù trút xuống
Chỉ có em đứng mũi chịu sào...
Bên tượng đài sương khói nôn nao
Người về với Truông Bồn đông lắm
Vẫn còn nghe tiếng cười em vọng
Hàng cọc tiêu di động bên đường
Đôi tay mềm cầm lược gương
Khát khao làm vợ
Cánh cổng trường rộng mở
Mà hàng tên còn trống trang đầu
Bạn bè chờ đưa đón cô dâu
Bộ áo cưới đã thành kỷ niệm
Bông hoa hồng không cài ngực
Khô héo dần năm tháng người xa
Tiểu đội mừng vừa mới hôm qua
Tin ngừng bắn ngày mai mồng một
Nếu như không có ngày ba mốt
Em vỗ về lời ru à...ơi...
Trái sim tím bao mùa sim chín
Gió qua Truông còn lặng bên đồi
Có phải ngày xưa em "mắc nợ"
Để Truông Bồn xanh mãi không thôi ?...
Người sống sót duy nhất trong ngày 31-10-1968 ,
Chị Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông
(Sinh năm 1946)
(Theo Nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch)