Thật có ý nghĩa, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ cho xuất bản tập thơ Bài thơ dâng Bác của Nguyễn Hưng Hải.
Tập thơ gồm 21 bài viết về Bác, tràn ngập cảm xúc chân thật sâu sắc và những suy ngẫm về Đảng, Tổ quốc, nhân dân, về đạo đức cách mạng, đạo đức con người trong giai đoạn hiện nay. Hồ Chí Minh-nhân vật trung tâm, xuyên suốt trong tập thơ hiện lên vừa vĩ đại vừa giản dị; lòng yêu nước thương dân của Người cụ thể nhưng cao cả vô cùng. Trong thơ Nguyễn Hưng Hải, ánh sáng trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh không phải là cái gì xa xôi cách biệt mà nó gần gụi vô cùng với cuộc sống, nói chính xác hơn nó được soi chiếu vào cuộc sống trong từng con người, trong mỗi cảnh ngộ, trong những lỗi lầm và giác ngộ...
Hồ Chí Minh là một huyền thoại nhưng trước hết đó là một Cuộc đời thật nhất. Cái thật ấy đúng như Nguyễn Hưng Hải cảm nhận: Người đã quen cơm nắm, muối vừng-những bữa ăn dọc đường/ Không muốn làm phiền ai, dù chỉ là chốc lát/ Hoa thơm nức hội trường mà không ai biết Bác/ Đang nghĩ về những người trồng hoa còn không đủ áo cơm. Ai đó còn ưa thích sự quan cách, hào nhoáng, phô trương khi dân còn cơ cực xin hãy lắng lòng lại nhớ tới Bác ta: Khi tất cả mọi người ngay ngắn ngồi nhìn ra trước cửa/ Bác lại đi lên từ phía cuối hội trường/ Người không muốn đến thăm theo xếp đặt/ Đất nước còn nghèo mà đâu đó phô trương. Không ồn ào, cao giọng, những chi tiết, hình ảnh được chọn lọc kỹ càng mang tính tiêu biểu như vậy cộng với giọng thơ điềm đạm sâu lắng đủ khắc tạc chân dung Hồ Chí Minh ở tầm cao và chiều sâu đầy thuyết phục.
Khá nhiều bài thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn chất tự sự và tính trữ tình giúp người đọc, nhất là các bạn trẻ có được những hình dung rất “nét” và giàu biểu cảm về Con Người Hồ Chí Minh như Câu nói giản dị của Người; Ăn hộ phần của Bác; Đêm ở giữa Ba Đình. Đây là một ví dụ: Bác Hồ ôm bó lúa vào lòng/ Bó lúa vừa gặt xong còn lấm lem bùn đất/ Sợ bùn đất làm lấm lem áo Bác/ Cuống quýt cả lên mấy vị đi cùng:/ -Xin để cháu đỡ cho!/Lúc ấy rất nhiều người nông dân đang đứng quanh Bác Hồ/ Bác chỉ vào một người chỉ còn hở mỗi hai con mắt:/ -Vậy các chú tính thế nào với chiếc áo của chú này đầy bùn đất lấm lem? (Câu nói giản dị của Bác Hồ).
Sức hấp dẫn cũng là sự tỏa sáng ở Con Người Hồ Chí Minh chính là ở sự giản dị rất mực của một lãnh tụ hiền minh. Sự giản dị mang tên Hồ Chí Minh, một Con Người đã từng: 21 tuổi Bác xuống tàu tìm đường đi cứu nước/ trong Thế kỷ XX đầy mưa gió bão bùng...(Năm Bác Hồ 21 tuổi). Tôi rưng rưng khi đọc bài thơ Đêm ở giữa Ba Đình của Nguyễn Hưng Hải. Có những câu thơ đã chạm tới phút đời thường, riêng tư và có thể gọi là “cô đơn” của lãnh tụ: Mở to đài để đêm bớt miên man bao ý nghĩ riêng tư dễ làm xiêu lòng/ những người lính đứng canh mong Bác vào kẻo lạnh/ có những khuya Bác mang tấm áo của đồng bào vùng cao tặng mình khoác vào cho người lính/ rồi ân cần thăm hỏi chuyện quê hương. Bác Hồ của ta như mọi người, cũng có quê hương, dòng họ, gia đình, cũng có những buồn vui, ao ước...Thế mà, Ta nhiều khi hay cách điệu đời thường/ Bác cũng giống mọi người dân đất Việt/ Bác cũng muốn có gia đình, vợ con-ta phải biết/ Vì sao những đêm khuya Người phải mở to đài. Câu thơ ẩn sâu những thương yêu, chia sẻ rất thật; viết được thế, tôi nghĩ Nguyễn Hưng Hải đã vượt qua được những cấm kỵ lâu nay, mạnh dạn dỡ bỏ những rào cản vô hình để tiếp cận và phác họa lên chân dung Hồ Chí Minh một cách đủ đầy hơn. Những câu thơ cảm động như thế này bổ sung vào vườn thơ dâng Bác những tìm tòi phát hiện mới: Dặn các chú nếu may quần nhớ may rộng ống, là Bác quá thương quá hiểu tháng năm dài/ bao người lính phải quên đi ước muốn đời thường quên đi...để cùng Người lo việc nước/ Bác thương lắm nhưng biết làm sao được/ Người cảnh vệ năm nào thức cùng Bác nhớ hay không? (Đêm ở giữa Ba Đình).
Đã có không ít bài thơ viết về Bác Hồ rất hay của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Việt Phương, Viễn Phương, Hải Như...(Việt Nam); Felix Pita Rodriguez (Cu Ba)...Làm thơ về Hồ Chí Minh là một thử thách với bất cứ tác giả nào vì nếu không khéo sẽ lặp lại những hình ảnh, chi tiết, sự việc, ý tứ người khác đã viết hoặc sẽ rơi vào sự ngợi ca chung chung, ồn ào, sáo rỗng. Trong tập thơ này, Nguyễn Hưng Hải cũng có khi bị vấp phải những điều như vậy (Đôi dép Bác Hồ; Lòng người Việt Bắc) nhưng nhìn chung anh đã biết tránh lối mòn và chịu khó tìm tòi sáng tạo trong dựng tứ, lập câu, diễn đạt. Bài thơ Bến Nhà Rồng, sau những ý quen thuộc cũng đã có cái mới: Bến cảng chiều nay con cháu đứng thẫn thờ/ Gió từ Bác, gió từ sông Sài Gòn thổi lại/ Trong mơ ước hóa Rồng cất lời ca mãi mãi/ Nếu không có Bác Hồ không có chỗ buông neo. Dân tộc nào, con người nào, cũng như con tàu vậy đều cần có bến đậu, cần chỗ để buông neo sau những hành trình mênh mang sóng gió. Bác Hồ chính là Hải cảng, là chỗ buông neo của dân tộc, của mỗi con người chúng ta.
Con Người Hồ Chí Minh tỏa sáng mà mọi ngôn từ ngợi ca có thể bất lực. Ở nhiều bài thơ, Nguyễn Hưng Hải đem ánh sáng ấy soi chiếu “kiểm điểm” vào thực trạng đáng buồn của những suy thoái đạo đức, phẩm chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Hình ảnh Bác Hồ trong thơ Nguyễn Hưng Hải trở nên sống động, mang ý nghĩa thực tiễn to lớn trong cuộc đấu tranh giữa cái tốt với cái xấu, giữa đạo đức cách mạng với chủ nghĩa cá nhân. Và, như thế cũng có nghĩa là Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong theo quan niệm thi ca của Hồ Chí Minh. Anh viết: Giá như tất cả những ai đã từng ngồi ở đây, dù chỉ một lần/ Biết được trong lúc chúng ta ngồi bàn nhau về giảm nghèo, xóa đói/ Bàn nhau về cải cách, đổi mới/ Bàn nhau về đề bạt người này, luân chuyển người kia/ Ngoài cuộc họp có rất nhiều ánh mắt/ Nhìn chúng ta và nghĩ đến Bác Hồ (Trong phòng họp cơ quan có tấm ảnh Bác Hồ) hay: Chi bộ xóm họp trong hơi men rượu/ Nói đâu đâu toàn chuyện ở trên giời/ Trong mái nhà lợp cọ có cha tôi/ Từng chạy chỗ vì mưa rơi ướt mặt/ Chân lấm đất mà lơ mơ về đất/ Cây con gì ai nói cũng chung chung/ Nghị quyết được mùa mà đồng trắng, nước trong/ Chi bộ họp để cho xong việc họp(Chi bộ xóm tôi)...Thơ, trong trường hợp này đã can dự vào cuộc sống như một vũ khí đấu tranh cho sự trong sạch vững mạnh của Đảng, như là một cách phản biện chỉ trích những điều xa rời thực tiễn, bệnh thành tích, hình thức, những cách lãnh đạo thiếu sâu sát, không hiệu quả. Thơ như thế gợi cho ta những suy nghĩ về mục đích sáng tạo của thể loại văn học này, vẫn là để trả lời câu hỏi quen thuộc: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn (Tố Hữu). Đó mới là tình yêu đích thực mà mỗi chúng ta dâng lên Bác. Tới bao giờ được vậy? Câu hỏi ấy đâu chỉ của riêng ai. Chúng ta ngợi ca Hồ Chí Minh. Rất đúng. Chúng ta nguyện học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rất đúng. Nhưng, điều ấy phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể như Nguyễn Hưng Hải tâm sự trong thơ: Ngợi ca Người-đừng tin vào câu nói/ ta hãy tự hỏi mình học được Bác bao nhiêu/ có thể là số nhiều/ có thể là số ít/ ít hay nhiều đừng hỏi, hãy làm theo.(Chân dung của Bác).
Cứ đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, dõi ngắm dòng người nối nhau lặng lẽ vào viếng Bác ta mới thấy hết tình cảm, niềm tin mà dân tộc ta, nhân dân ta dành cho Người lớn lao, sâu nặng biết bao nhiêu. Có không ít người không mang quốc tịch Việt Nam, từ bốn biển năm châu đến Hà Nội cũng hòa vào dòng người đó. Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của Việt Nam hôm nay và mai sau. Trong mỗi ý nghĩ, mỗi vui buồn của dân tộc hôm nay đều có Bác. Trong sâu thẳm trái tim chúng ta có Bác. Có lẽ vì thế mà đọc Bài thơ dâng Bác của Nguyễn Hưng Hải ta như được chia sẻ, hòa đồng...
Đồng Xa, giữa tháng 9.2012
Theo Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
|