Đi vào vương quốc tình ái, mỗi người có một nẻo riêng. Và hình như cái lối đi, cái tạng yêu, cái duyên tình mỗi người cũng vì thế mà riêng mỗi vẻ. Nguyên Đăng Luận không có cái rạo rực, sự mê đắm, cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Cũng không có sự thoả mãn, hạnh phúc của người dâng hiến tình yêu và biết được yêu. Thơ tình Nguyễn Đăng Luận là một mảng thơ buồn dìu dịu trong một "không gian đầy những bâng khuâng đợi chờ"; trong một "chiều tương tư" buồn nhất; trong cảnh cô đơn "Một mình ở với một mình trống không"; trong sự cách xa vời vợi ngàn trùng "Xa nhau cả chín phương trời xa nhau".
Cũng như bất cứ một trái tim thi sĩ nào, đa cảm là điều dễ nhận thấy ở Nguyễn Đăng Luận. Dễ cảm đấy, dễ rưng rưng đấy, nhưng lại là sự cảm thầm, thương thầm, nhớ thầm, cái sự lặng thầm đi kèm với rụt rè, nhút nhát. Thành ra không phải dễ nhận ra cái tình lặng lẽ ấy: "Đôi ba lần xuýt hỏi. Lại thôi, mắt em buồn" (Hàng xóm). "Thương em tôi biết thương rồi. Mà chưa dám nói một lời với em. Ngại ngùng cứ ngại ngùng thêm" (Tính tôi). Cũng tại cái lạng lẽ, rụt rè đó mà mối tình chớm nở đành là tình đơn phương để rồi ngày tháng vùn vụt trôi, nó cứ trong nỗi mong, niềm ước, rồi thành một niềm tiếc nuối khôn nguôi. Có người tình mạnh bạo hành động, có người tình nhút nhát mộng mơ…
Nguyễn Đăng Luận là người tình mộng mơ: Rất nhiều câu thơ với ao ước, mong đợi, giá như, thầm mong, cầu mong. Chỉ hai câu thôi nhưng đã là bao nhiêu giả định: Giá thời gian đừng nhanh và con đường đừng gần. Anh không ngập ngừng và em không lặng lẽ (Buổi ban đầu). Vì cái lý do ấy mà sau này không ít lần "Giật mình gặp lại ngày xưa giật mình". Một sự ngẩn ngơ, tiếc nuối. Trong cuộc sống cũng như trong tình yêu, có bao nhiêu là chuyện tình cờ, bất ngờ, ngẫu nhiên. Nhiều khi chính sự ngẫu nhiên ấy lại nên duyên khiến người ta không thể không nghĩ đến số phận, đến một cái gì như là tiền định.
Cái chuyện ngẫu nhiên ấy, thường thì người ta gặp rồi người ta quên. Còn Nguyễn Đăng Luận thì khó quên, có khi là không bao giờ quên nổi. Mái tóc đuôi gà ngộ nghĩnh; ánh chớp của cặp mắt vô tình liếc nhìn bắt gặp; một lần đưa tiễn, mốt lần tránh mưa; một lần gặp gỡ tình cờ. Ngẫu nhiên, vô tình cả thôi nhưng trong lòng người mộng mơ thì cứ được coi như là dấu hiệu, là điềm báo, là có một sự sắp đặt nào đó. Để rồi thành câu hỏi: "Người đâu gặp gỡ làm chi. Kiếp xưa biết có duyên gì hay không - ca dao". Cũng nhiều khi chỉ là hỏi vu vơ vậy thôi. Nhưng ở đây vu vơ rồi ám ảnh, vu vơ rồi giật mình, vu vơ rồi thao thức, mất ngủ "Bức tranh trên tường cũng không ngủ được". Và thế là lại nhớ, lại nghĩ, lại ao ước, lại mộng mơ. Có lẽ trong những giây phút bâng khuông trằn trọc "chỉ toàn thao thức" Nguyễn Đăng Luận đã sinh hạ những câu thơ thiết tha, sâu lắng: Tình xưa tưởng đã phong rêu. Về theo chiếc lá nhuộm chiều bâng khuâng (Mùa thu). Em hào phóng như mưa mùa hạ. Anh như cây khô khát suốt mùa hanh (Nơi bắt đầu mùa trái ngọt). Say đắm nhưng tỉnh táo, anh đã có những câu thơ về người tình thật sâu sắc, bất ngờ. Cứ như là một thi sĩ - triết gia: Em đã thả vào hồn tôi. Một con rắn. Một con mèo. Một con chim chiền chiện hót. Và nụ hôn đặt ở phía chân trời (Em). Thật là ngắn gọn, nhưng cũng thật là khái quát với các biểu tượng giàu tính ẩn dụ.
Tuy nhiên, nói đến thơ tình của Nguyễn Đăng Luận là nói đến sự hồn nhiên, sự trân trọng, sự đằm thắm yêu thương, dù có là tình đơn phương cũng vậy. Cảm giác này thì thật là trẻ trung mà cũng hơi trẻ…con: Cái hôn đầu tiên đến giờ vẫn ngọt. Rồi: Tôi cầm hoa thấy ngọt ở môi mình (Hoa sinh nhật) thì quả là người rất nhạy cảm. Rồi tụng ca tình yêu viết như thế này cũng là tay yêu lắm: Anh yêu em. Làm đắm say mọi con đường. Anh đi bên em. Làm rưng rưng những vì sao xa lắc (Anh yêu em).
Nguyễn Đăng Luận có những câu thơ hay thật bất ngờ:
Thời gian đi qua lòng tay. Gieo mầm ưu tư trên trán. Sợi tóc rụng vào tháng năm. Mọc thành rừng nơi dĩ vãng. Dĩ vãng rừng cây xanh rờn. Thoảng hoặc mùi hương quả đắng. Ngắm lòng tay chi chít đường. Đường nào dẫn vào dĩ vãng. (Dĩ vãng)
Những mối tình qua hồn thơ Nguyễn Đăng Luận không mất dạng nơi dĩ vãng, nó tái sinh, xum xuê và đã đơm hoa, kết trái trong hồn thơ của anh, thành những vần thơ tình anh gửi cho bạn đọc, những người đã yêu, đang yêu và sẽ yêu. Tôi tin câu thơ của nhà thơ Ngô Quân Miện: Dẫu là anh cũng là tôi. Dẫu ai thì cũng là người đang yêu (Nghe khúc hát Trương Chi). Và càng có lý do để tin rằng những ai khi bước vào vườn tình, họ có thể tìm đến thơ tình để được đồng cảm, được sẻ chia.
PGS - TS. Vũ Nho
|