SỐNG CHỤ SON SAO (Tiễn Dặn Người Yêu)
TẬP ĐẠI THÀNH CỦA VĂN HỌC THÁI (Việt Nam)
THÁIOÃN HIỂU giới thiệu
Dịch giả NGUYỄN KHÔI
Nguyễn Khôi là nhà thơ được chúng tôi tuyển vào bộ THI NHÂN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI. Sự nghiệp của anh gồm có thơ ca, biên khảo và dịch thuật. Về phương diện dịch thuật anh có công trình Sống Chụ Son Sao rất có giá.
Truyện thơ Tiễn dặn người yêu (Sống Chụ Son Sao) là một thiên trường ca trữ tình kết hợp giữa truyện dân gian và thơ ca dân gian. Theo truyền thuyết, đây là câu chuyện tình của một đôi trai gái ở bản Panh và bản Sái thuộc xã Tranh Đấu, huyện Thuận Châu (tức Mường Muổi, Sơn La ngày nay). Sống Chụ Son Sao là đỉnh cao của văn học Thái đen(Tây Bắc Việt Nam) biểu trưng cho ngôn ngữ Thuận Châu, Mường La. Ra đời trong xã hội thịnh trị của thế kỷ XVII ở vùng Tây Bắc Đại Việt, ngôn ngữ thơ đã đạt đến trình độ điêu luyện, hầu hết các thể thơ Thái thông dụng đã được sử dụng trong Sống Chụ Son Sao, từ thể “Khắp Bắc” câu dài 11, 12 chữ, đến thể “Khống khái” câu ngắn 5, 6 chữ. Các thể thơ này được dùng xen kẽ với nhau khá nhuần nhuyễn.
Tiễn dặn người yêu - áng thơ tuyệt diệu xin được tóm tắt như sau : Một đôi nam nữ sinh ra cùng lứa. Khi đến tuổi cập kê, họ bén duyên nhau, chàng trai sắm lễ vật sang nhà dạm hỏi. Nhưng bố mẹ không ưng, chê nghèo, ép gả cô cho người khác giàu và ở một bản xa. Chàng trai thất tình, đeo nặng nỗi buồn thương, phẫn chí bỏ sang Lào đi buôn mong kiếm đủ bạc vàng chuộc lại người yêu. Nhưng chợ đời đâu dễ kiếm tiền, chàng trai lam lũ vật lộn gian nan ở quê người. Là phận gái, cô dâu đau buồn vẫn không vượt qua bức tường lễ giáo, cam chịu cho số phận an bài, buộc phải lấy một kẻ xa lạ. Thấm thoắt sáu bảy năm trời, đã hết hạn ở rể của chồng, sau nhiều lần cố trì hoãn chờ người yêu trở về, cô đành nhắm mắt đưa chân bước đi đến người nhà làm dâu. Đúng ngày vu quy, thình lình người yêu cũ về đến nhà. Bao ước vọng tan tành. Không thể xoay chuyển tình thế, chàng dành cải trang thành khách đưa tiễn dâu về nhà chồng để dọc đường tranh thủ than thở tâm tình với người yêu cho vơi nỗi cay đắng. Chàng và nàng đau khổ hẹn thề rằng không lấy được nhau thời trẻ sẽ tìm mọi cách để lấy cho được nhau lúc về già. Cuối cùng, cái ngày ước nguyện định mệnh đã thành. Họ gặp nhau trong cảnh ngộ bi thương. Sau hai đời chồng, nàng bị người chồng thứ hai đem ra chợ bán và oái oăm thay được người tình xưa tình cờ đổi lấy bằng một nắm lá dong gói bánh! Từ đó, họ mới được thật sự sống trong hạnh phúc vợ chồng.
Thông qua mối tình đẫm đầy nước mắt của hai nhân vật chính, những phong tục tập quán, bao đời chi phối nhân duyên, bao nỗi lao đao thăng trầm, những buồn vui, sướng khổ… được dồn nén trong thiên bi tình sử này và nó đã trở thành bộ từ điển bách khoa của đời sống tinh thần dân tộc Thái. Người Thái thuộc và hát ”Tiễn dặn người yêu” trong những cảnh huống tương thích giống như người Kinh thuộc và bói Kiều vậy.
Đã từng sống 21 năm ở Tây Bắc, lòng quê Quan họ thấm đượm hương sắc Mường bản, Nguyễn Khôi (Trai Đình Bảng)đã hóa thân vào chàng trai Thái để dịch, chuyển thể song thất lục bát tập đại thành của văn học Thái ra tiếng Việt. Chúng ta có thể khảo sát công trình công phu đó của nhà thơ :
1. Nguyên văn tiếng Thái :
“Cộp chụ tạu cáy khăn
Pha lăng phăn mữa xú hườn hươn chọi
Hên tò, mek dắn dọi lồng tồng xí puông
Mươi luông tặp cháy cá hươn ông pêng piếng
Tả chụ pên niếng nắc hặc pên niếng niêu
Hứa chaư điêng bánh xong xữ đảy”
Cầm Cường dịch :
Bên nhau tận thâu đêm gà gáy
Đeo giấc mơ về tới nhà, trăng xế đầu núi
Màn sương buông đồng làng làm bốn mảng
Sương lạnh sa mái nhà “ông” thành tảng
Lời tình xôi nén chặt
Thương tình xôi nén chắc vào xôi
Mảnh tim này ai nỡ xẻ làm đôi.
Nguyễn Khôi chuyển thể :
Có đêm chuyện chừng quên gà gáy
Đeo mộng về trăng rải như mơ
Mù dâng sương tỏa mịt mờ
Tơ duyên xe lối hẹn hò bền lâu.
1.Nguyên văn tiếng Thái :
“Nham bok pục, đất bok pục nằng cong
Nhám bók tong, đất bók tong nằng thả
Nham bók mạ, đất bók mạ nằng thả hướm lay”
Cầm Cường dịch nghĩa :
Mùa hoa bưởi, ngắt hoa bưởi ngồi trông
Mùa hoa vông, ngắt hoa vông ngồi chờ
Mùa hoa mạ, ngắt hoa mạ ngồi ngóng đợi hoài.
Nguyễn Khôi chuyển thể :
Cho dù đã vợ người ta
Đã yêu xin xẻ lòng chờ đợi nhau
Mùa hoa bưởi, hoa ngâu hẹn đợi
Hoa mạ vàng chờ tới tàn phai
Hoa tàn em nhúng sương mai
Hai mươi năm gói khăn mùi còn thơm.
1. Nguyên văn bằng tiếng Thái :
“Mửa lồng hươn, phắc cón hính pên bửa
Bát làu lửa, xửa ón nọi ma ták têm chăn”
Cầm Cường dịch nghĩa :
Lúc ra đi hạt cải mới nẩy mầm
Tới ngày về, áo con trẻ phơi đầy sân.
Nguyễn Khôi dịch và phóng tác :
Khi anh đi cải ngồng cánh bướm
Anh trở về, cải muộn ra hoa
Khi đi piêu mới rủ là
Khi về áo trẻ đầy nhà dăng phơi
Lá trầu vàng rụng rơi khỏi cuống
Cây tre sầu chết đứng vườn bên
Bạn bè nên lứa nên duyên
Riêng anh đơn độc nhìn em bẽ bàng .
Nhưng rất nhiều chỗ anh lại rút gọn lại. Vào đầu câu chuyện, nguyên tác dùng đến 180 câu tả cảnh thai nghén của Mẹ yêu, Nguyễn Khôi tước bỏ những chỗ không cần thiết “gom” lại 12 câu khá chuẩn:
“Mẹ anh yêu nhói đau bên phải
Đều thèm ăn món gỏi cá chua
Bé xinh hai tháng có thừa
Mẹ thèm ăn dở me chua bên vườn
Chửa ba tháng gỏi lườn Cá Giếc.
Chắm nấu măng ngỡ tiệc tháng tư
Tháng năm Cá Pộc đã chờ
Cá Chày … sáu tháng mẹ sờ thấy con
Tháng thứ bảy Cá Mương làm gỏi
Cá Vũ ngon quẫy đợi tháng sau
Bé xinh mẹ nặng mang bầu
Đợi chờ chín tháng qua cầu nở sinh”
* *
Máng nước xối lanh tanh róc rách
Chú thím mừng, mẹ mệt vẫn cười
Mười ngày, chín tháng, đủ đôi.
Hai ta cùng lúc chào đời khóc oe
Anh rơi sấp bà chìa tay đỡ
Mẹ đẻ ra rơi ngửa thành em
Nâng niu bú mớm lớn lên
Cùng phi ngựa trúc chơi liền bên nhau
Bản Chiềng Ly - Thuận Châu
Chất thi sĩ của người Kinh Nguyễn Khôi đã nhập vào hồn những câu thơ Thái rất đẹp và duyên dáng. Chúng ta có thể nhặt thêm : “Trời hoàng hôn nắng khép cửa rừng” (câu 78); “Quả câu nhỏ buộc dây trầu gỡ sao” (câu 120); “Người đi xa quẩn quanh vía bám – Dây trầu leo lên quấn hồn yêu” (câu 249-250); “Vừa đi vừa ngoái đầu về bản – Chân bước xa càng nhớ càng đau” (câu 309-310); “Không ăn bụng đã đói mềm – Ăn vào tắc họng như tên bắn vào” (câu 640-641); “Chán nhau nhựa trám quyện mau – Hai đuôi con mắt, vai đầu quyện thương” (câu 792-793) ; “Đêm nằm không mảnh lót lưng – Cơm ăn như cát đói từng đêm đêm” (câu 888-889); “Đồi dong chớp loáng bên bờ - Mưa sa núi trám gió đưa bước nàng” (câu 1000-1001).
.
Nguyễn Khôi không có ý định bám sát nguyên tác để dịch mà bám sát từng ý, từng đoạn thơ Thái hay nhất, rút được cái thần thái nguyên bản để chuyển thành thơ. Dịch thơ là một sự sáng tạo. Sức sáng tạo của Nguyễn Khôi thật đáng kể. Nhà thơ đã khéo chọn thể thơ song thất lục bát độc nhất vô nhị của Việt Nam ra đời cùng thời thế kỷ XVII với Đoàn Thị Điểm dịch Chinh phụ ngâm và Nguyễn Gia Thiều viết Cung oán ngâm khúc - một thể thơ có khả năng vừa tự sự vừa trữ tình thích hợp cho truyện thơ để dịch.
Nguyên tác Sống chụ son sao dài 1.846 câu, Nguyễn khôi chuyển thể và rút gọn thành 1.024 câu mà cốt truyện vẫn đầy đủ ý nghĩa, hồn vía vẫn giữ trọn. Bản dịch thật tao nhã, lời Kinh hồn Thái nhuần nhị, nó là một công trình nghệ thuật có giá trị văn học cao, vượt trội hơn các bản dịch khác của Điêu Chính Ngâu (1914-1958), Mạc Phi (1928-1996). Có thể nói Nguyễn Khôi đã gần như sáng tác lại trên nền tảng của nguyên tác trứ danh này. Công lao của Nguyễn Khôi đối với “Tiễn Dặn Người Yêu” chẳng khác gì Nguyễn Du đối với Truyện Kiều.
Sau đây, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc toàn văn tác phẩm :
(Mời quý vị đón đọc nội dung tác phẩm ở phần tiếp theo)
Theo Nguyễn Khôi
|