Ở Tây Nguyên, bên Lào có cây Kơnia đặc thù, đã đi vào lời ca tiếng hát, như một biểu tượng của quê hương xứ sở… thì ở vùng Yên Châu - Mường La (Sơn La) có cây Mắc Chai, mà hầu như khắp nước Việt Nam này không đầu có? Đó là một loại cây thuộc họ nhà Muỗm - Xoài, nhưng cao to vượt tầm: Cao vài ba chục mét, gốc hai ba người ôm không xuể, đặc biệt là tán tròn như một quả cầu xanh (lá nhỏ như lá cây Quéo), thường là cao vượt lên trên mọi cây cổ thụ khác, nên trên đường đi Quốc lộ 6 hay bề Bản, từ xa hàng cây số, ta đã trông thấy cái tán quả cầu xanh Mắc Chai in lừng lững trên nền trời xanh cùng bóng núi tím thẫm cao vời vợi như đang chờ đón đợi ta về…
Ở cây Mắc Chai như một điềm nghịch lý của tạo hóa: Cây thì cao to vật vã nhưng quả thì lại bé như quả trứng gà (có khác gì một bà mẹ to béo đẫy đà hết cỡ lại đẻ ra một chú bé tí hon?) - Quả Mắc Chai bé, hạt to chiếm tới 4/5 thể tích quả (thật là vô duyên, ăn chẳng bỏ) nhưng bù lại: Khi quả chín, chỉ một làn gió là nghe tiếng “lộp bộp”, một loạt quả tự rụng, ta nhặt lên bóp vân vê (như trước khi ăn quả vú sữa Miền Nam) rồi cắn đủ có một lỗ, rồi hút lấy nước cùi (bột vàng óng) thì ôi thôi rồi: Thơm ngon vượt cả nước quả xoài đóng hộp ở sân bay Mun Bai (bên Ấn Độ) mà Nguyễn Khôi tôi có lần Transis (ghé qua) được thưởng thức thơm mát đến lịm người dưới cái nắng 45oc cùng những người dân bản địa da đen như bồ hóng.
Thời chiến tranh, ai từ Thuận Châu về thị xã, lên tới đỉnh đèo Sơn La, dựng xe đạp vào gốc Mắc Chai, trải tấm Nylông, giở cơm nắm ra ăn, tu một hơi nước bi đông rồi ngả lưng đánh giấc. Vòm cây Mắc Chai như một cái lọng xanh vừa che mát, vừa che kín mắt bọn giặc trời Mỹ… thế là cứ yên chí nằm nghe chim hót, lũ sóc chuyền cành kiếm quả rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết nữa… và cây Mắc Chai như Mẹ hiền che chở ru cho ta một giấc ngủ bình yên để rồi (lấy sức) lại lên đường ra trận…
Cây Mắc Chai như ai đứng đợi
Đón ta về ngọt lịm giấc trưa.
Theo Nguyễn Khôi