SƠN LA KÝ SỰ
BÀI 29:
HOA BAN
* Chua chụ xướng chua bók ban
Pan Péng xướng pan bók khẳm
(Đời son trẻ như hoa ban
Đời thương như hoa khẳm).
Hoa Ban Tây Bắc là biểu tượng, là tín hiệu nghệ thuật đặc thù biểu hiện bản sắc văn hóa của thiên nhiên và con người Sơn La - Tây Bắc.
Nó là loài hòa kỳ diệu gắn bó mật thiết giữa thiên nhiên với đời sống con người… Nó là món ăn ngon (hoa ngọt), là hình tượng thơ tượng trưng cho những ước mơ, tâm hồn trẻ trung (mùa xuân) tính cách cao đẹp, mối tình thủy chung của con người.
Tết xong: Hoa đào đỏ, hoa mơ, hoa mận nở trắng các lối đi khắp các bản mường, và gió lào ù ù bốc lửa, trời hanh khô đến khó chịu - ngày 4 mùa: Sớm xuân, trưa hè, chiều thu, đêm đông, đang mùa đốt nương, khát khao cháy bỏng trời đất và lòng người thì đột nhiên qua một đêm tất cả các cánh rừng đều trắng ngát hoa Ban - Toàn bộ cây là hoa (lá mới nhú) cây đơm hoa, mát thơm dịu ngọt…
Thật là cái đẹp, cái ngọt, cái mát trời cho giữa ngày tháng 3 nắng nóng ngột ngạt.
“Mùa hoa
Người đàn bà
Mặt đỏ phừng
Đủ sức vác ông chồng
Chạy phăm phăm lên núi.
Mùa hoa
Người đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào vừa ngái ngủ”
- Y Phương.
Đó là mùa động tình (tìm bạn) của con Nai, con hoẵng, mùa của ân ái lứa đôi.
Cây Ban thuộc họ Mưồng, thân gỗ “bộp” cao 5 - 6 mét, hoa trắng hay tím 5 cánh bướm. Trong 5 cánh có 1 cách chủ (cánh chúa): Tựa như 4 cách kia nhưng trên cái nền trắng hồng hoặc tím phớt của cả bông hoa, cánh chúa có thêm những kẻ xanh, tím, hồng (màu sắc cầu vồng) mềm mại trải dọc theo cánh hoa tạo thành những đường nét hình khối rất lạ mắt. Nếu nhìn xa thì mỗi bông hoa Ban giống như một nàng Bướm mà cánh chúa và nhị hoa là thân và vòi bướm, 4 cánh còn lại là 4 cánh bướm, cả chùm hoa Ban là cả một đàn bướm bay rập rờn trong gió xuân nhẹ nhàng - cánh Ban chúa tạo hồn cho sắc hoa là vậy.
Cây Ban ở Sơn La thường mọc trong các phiêng đá lồi đầu, những triền núi khô cằn mà cây vẫn phát triển xanh tốt.
Ở nhiều nơi như Lào, Malaysia, Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc) không thiếu cây Ban nhưng khi nở hoa thì cây vẫn xanh, hoa thưa nên không độc đáo như rừng Ban Tây Bắc Việt Nam. Tất cả cành trơ khẳng khiu qua một mùa đông sương muối (dưới 0oc về đêm), sang xuân là “Ban pún” lấm tấm mầm non của nụ và lộc. Chúng đang chờ những cơn mưa đầu mùa (để gieo ngô, trồng sắn) để hút lấy cái hơi ẩm của trời đất, hút lấy hơi Xuân ấm nóng (của gió Lào) mà nở bung.
“Và em ơi, một đêm xuân
Hoa Ban bừng nở
tần ngần
chào em ”.
“Nghĩ đến em đi đường sông chỉ thấy đá vồng chỉ thấy hoa Đào, hoa Ban, hoa Vông rụng đầy dòng trôi…”
Lúc hoa Ban tàn để lại quả non trong đám lá xanh mới nảy mầm lúc cuối mùa xuân, báo hiệu mùa làm nương rẫy mới.
Hoa Ban tàn anh hãy tra ngô
Hoa Ban làm quả anh hãy dọn nương tra lúa.
Cây Ban là cây “chỉ thị”: Đất nào cằn, cạn kiệt màu mỡ là xuất hiện cây Ban.
Kinh nghiệm dân gian Thái: Nhìn Ban nở để dự đoán thời tiết mùa màng trong năm “năm nào vào đúng tuần cữ Ban nở rộ đều một lượt trắng ngát cả rừng, hai bên bờ suối là năm ấy mưa không dai quá, nắng không dữ, ít lũ lụt, ít hạn hán (mưa thuận gió hòa) mùa màng tươi tốt thu hoạch lúa ngô đầy bồ.
Về món rau mùa khô (cuối xuân) thì hoa Ban cả một rừng, dân bản tha hồ đi hái về “đồ” lên thay rau, phơi khô trữ ăn dần, hoa Ban làm nộm. Ăn hoa Ban như ăn 1 vị thuốc (trị kiết lỵ), giải nhiệt, lợi sữa, giải độc.
Hạt Ban già rang lên ăn thơm ngậy.
Rễ Ban đỏ chữa dạ dày, gan. Lá ban nấu để rửa vết thương, sát trùng.
Song hau hặc căn báu mau Ban bók
Báu hên mua bók Ban xia
Báu tính bươn tính pi
Sướng pi cánh nọng hau hặc nhám lằng
(Đôi ta yêu nhau không tính mùa Ban nở
Không thấy ngày Ban tàn
Không tính tháng, không tính năm
Mãi mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau).
Ngoài hoa Ban, ở Sơn La - Tây Bắc dọc theo các khe suối còn có cây hoa Mạ (hoa ngựa) gắn với sự tích “bó mạ khun chương”: Kể về con ngựa của anh hùng Lạn Chượng khi chết hóa thành bông hoa Mạ, xuân đến nở rực vàng bên bờ suối, đón các cô gái chàng trai đến gặp gỡ tự tình nơi bến tắm bản quê./.
8/3/2012 - NK
Theo Nguyễn Khôi
|