Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 29/03/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  BỤI HỒNG HẠT DẺ - Bài và ảnh Nguyễn Đắc Như BỤI HỒNG HẠT DẺ - Bài và ảnh Nguyễn Đắc Như , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

Chủ nhật, 16/01/2022

Có thể là hình ảnh về thiên nhiên

Thác Bản Giốc Cao Bằng

CUNG ĐƯỜNG TỪ THÀNH PHỐ CAO BẰNG lên thác Bản Giốc biên giới Việt Trung dài ngót trăm cây số, xe đi trong yên ả được chừng phần ba thì tới đoạn công trường phá núi mở đường. Từ Quảng Hòa trở lên Trùng Khánh cho tới tận Bản Giốc, từng đoạn từng đoạn leo trên công trường xe và người cứ vắt vẻo ngả nghiêng như bị nhập đồng. Đất đá ngổn ngang, ta luy sườn núi mới gọt đỏ au, bụi đường mù mịt bốc bay phủ kín rừng xanh núi đỏ. Có một lúc, trong đám bụi hồng dầy đặc, bỗng thấy ánh lên những tia sáng rực rỡ hình nan quạt tán sắc từ vầng mặt trời vừa ló ra khỏi đỉnh núi phía trước. Không biết có phải vì thứ ánh sáng như nạm vàng bất chợt ấy không mà có đến hai ba lần sau đấy, nhà thơ Trần Ninh Hồ cứ gọi Trùng Khánh là thành phố Bụi Hồng?

Đường xấu, chở nặng, nên thỉnh thoảng lại thấy một chiếc xe nào đấy nằm lại sửa chữa ven đường. Xe chúng tôi cũng không thoát, vật vã bò tới một xóm nhỏ thì thấy bánh sau lật sật, xe phải dừng lại làm lốp. Mọi người xuống xe, xóm vắng hiu nhà nhà đóng cửa, trong tầm mắt chẳng thấy quán nước nào nên mọi người tự động tản ra tìm chỗ trú nắng. Có một ngôi nhà lớn đổ bóng mát ra tới non nửa lòng đường, chúng tôi đi về hướng ấy. Đấy là một ngôi nhà gạch mái lợp tôn xi măng mặt tiền rộng tới trên chục mét. Cửa ra vào có khóa ngoài, chiếc khóa chỉ nhỉnh hơn khóa va ly một tí. Hai cửa sổ hai bên đều mở toang, nhìn qua hàng chắn song gỗ tiện là thấy hết bên trong. Căn phòng rộng mênh mông có một bộ sa lông 4 ghế đặt cạnh cửa sổ bên trái. Một chiếc tủ lạnh kê áp lưng vào bức tường đối diện ngăn với gian đằng sau, cạnh đấy là chiếc TV, tiếp nữa là chiếc xe máy Minsk đen trũi và lấm lem như con trâu vừa cày ruộng bùn về. Cuối cùng đến một cái giường đôi to ngoại cỡ kê góc nhà có màn mắc sẵn và chăn gối ngổn ngang bên trên. Nhìn cách xây nhà và cách bầy biện tôi đoán đây hẳn là một gia đình người Kinh khá giả, có thể xếp vào hạng có bát ăn bát để.

Phía trước ngôi nhà là một cái chái bán mái ba mặt thưng gỗ ván, mặt còn lại cửa gỗ mở toang cánh ép hẳn vào vách, bên trong kê hai chiếc máy xay xát nhãn hiệu Trung Quốc, sờ vào vẫn còn ấm bàn tay và mùi thơm bột ngô cám gạo vẫn còn thoang thoảng. Trong nhà ngoài cửa không một bóng người. Một đống của thế này mà dám phơi ra giữa đường, chẳng lẽ an ninh ở đây lại tuyệt vời đến thế hay sao? Như được đánh thức bởi những tín hiệu cùng tần số, một góc khuất ký ức bỗng dưng bừng tỉnh trong tôi. Hình ảnh xa mờ của những quán nước tự giác vùng Việt Trì Phú Thọ đầu những năm 60 thế kỷ trước mà tôi từng có dịp qua lại, đã quay trở về trong tiềm thức. Ngày ấy, ven những con đường đất đỏ trung du, thỉnh thoảng ta lại bắt gặp một quán nước nào đấy nằm trơ trọi dưới chân một triền đồi, xét về hình thức nó giống y hệt những quán nước khác, cũng có kẹo bột kẹo vừng chè lam để trong các bình thủy tinh; có chuối tiêu chuối lá tách sẵn từng đôi bày trên mặt chõng, bên cạnh là những cái bánh khoai bánh tẻ xếp sóng thành hàng … và bao giờ cũng có một vò nước chè tươi ủ trong một cái giành phủ kín bao tải với một cái gáo dừa nho nhỏ gác bên trên. Điều duy nhất khác biệt là ở những quán kia thì có người trông hàng, còn ở đây lại không ai ngồi bán, thay vào đó là một bảng giá viết trên bìa ghi rõ từng thứ đại loại thế này: nước chè tươi 1 xu/ bát, kẹo bột kẹo vừng 1 xu/ cái, chè lam 2 xu/ miếng, chuối 1 xu/ quả, bánh tẻ 5 xu/ cái. Quý khách mua quà xin cho tiền vào hộp… Hộp đựng tiền đa phần là hộp bánh bich quy bằng sắt tây có đục khe nhét tiền, nhưng nắp vẫn mở ra được phòng khi khách không có xu lẻ phải trả tiền to thì tự động mở ra lấy tiền trả lại!

Câu chuyện về những quán nước tự giác của cái ngày xưa ấy, đôi khi tôi đem ra kể lại cho bạn bè cùng nghe, chẳng ai tin là có, không ít người lại còn cho là tôi bịa. Từ đấy không bao giờ được nhắc lại, lâu quá đến mức chính tôi cũng không nhớ là đã từng có những chuyện như thế trên đời này. Thành thử khi đứng trước mấy cỗ máy xay xát còn mới thanh thản để ven đường, lòng tôi bồi hồi tự nhủ, hay là cái ngày xưa thần tiên ấy nay đã quay gót trở về, chí ít là ở vùng biên cương heo hút này?

Chừng mươi phút sau thấy một phụ nữ còn trẻ đi tới tươi cười chào những người khách trú nắng, rồi mở khóa mời mọi người vào nhà. Nghe giọng nói tôi đoán chị là người dân tộc thiểu số, nhưng có ai đó lại khẳng định người Kinh đây mà! Không cháu là người Tày đấy. Thế tên cháu là gì?”. Hoa, Nông Thị Hoa. Tên đẹp quá, người cũng đẹp nữa!. Tên đẹp nhưng người xấu mà!. Sai rồi, tên đẹp, người còn đẹp hơn!... Mọi người cười rộ và cô chủ nhà mặt đỏ lựng chạy đi lấy nước mời khách.

Vợ chồng Nông Thị Hoa có hai con nhỏ đang tuổi đi học. Thấy trong nhà có tới 4 chiếc xe máy để rải rác đó đây, có người hỏi con học cấp một cũng cho đi xe máy à, Hoa bảo đấy là xe của nhân viên mua bán hàng. Nhân viên mua bán hàng gì thế? - Mùa nào hàng ấy, mùa hè thì trám đen trám trắng, hết trám lại đến quả hồng quả mận, mùa này thì hạt dẻ, hạt dẻ hết lại đến tam thất thục địa... chẳng lúc nào hết hàng. Thì ra vợ chồng nhà này là chủ một cửa hàng buôn bán hoa quả nông lâm sản.

Nói đến hạt dẻ, mọi người sốt sắng vào cuộc. Cho dù đã là những người nổi tiếng trong làng văn thơ nhưng trong thường nhật các nữ sĩ ta không bao giờ lại để phai nhãng đức tính tảo tần thực tế của người phụ nữ Việt. Một chị hỏi đây có phải là hạt dẻ Trùng Khánh không? Cô chủ trả lời đây là Trùng Khánh mà, nhà cháu chỉ mua bán hạt dẻ vùng này thôi! Lại hỏi hạt dẻ nhà trồng có còn không? - Có trồng ba trăm cây bán hết cả rồi, đây là hạt dẻ mua về lố! Những bàn tay sục vào thúng hạt vốc lên những quả hạt nâu thẫm đều tăm tắp. - Hạt này bán thế nào đây? - Năm mươi nghìn một trăm. - Sao đắt thế, có bán cân không? - Mua nhiều thì bán cân, bây giờ cuối mùa sắp hết bán đếm thôi, nhà cháu chỉ còn hai thúng này, không bán đắt đâu! Nhà thơ Dương Thúy Mỹ bỗng nói chuyện với cô chủ bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu gì. Thì ra chị đã có thời gian dài sống và công tác trên này. Cuộc đàm thoại tiếng Tày kết thúc, chị quay sang nói với mọi người rằng giá đó mua được rồi đấy, lên chợ Trùng Khánh phải bẩy tám chục nghìn một trăm, không khéo còn mua nhầm hạt dẻ Tàu. Được lời như cởi hầu bao, thế là người hai trăm, kẻ ba trăm. Bàn tay Nông Thị Hoa đếm thoăn thoắt cứ như múa, hết một mớ lại cho thêm mười hạt bảo là bù vào chỗ lép. Một văn nhân cầm cuốn sổ nhỏ như bao thuốc lá hí hoáy ghi chép dừng lại hỏi chen ngang, thế đây là đâu, cách huyện có xa không? Đếm hết trăm chẵn Hoa dừng lại bảo đây là bản Khấy, xã Chí Viễn, lên huyện Trùng Khánh chỉ mười tám cây số nữa thôi. Nhà văn tiếp tục lượm nhặt những điều cần thiết cho vào sổ, đến khi xong quay lại định mua vài trăm thì hai thúng đã hết sạch. Cô chủ an ủi khách thử chạy sang các nhà trong xóm xem có còn không!

Một vài người rủ nhau đi ra, đa phần ở lại ngồi uống nước đợi xe. Lúc này tôi mới chợt nghĩ, như thế là mình đang đứng giữa cái rốn của vùng trồng hạt dẻ nổi tiếng nhất nước đây. Hạt dẻ Trùng Khánh thì đã được thưởng thức vài lần đủ để ghi nhớ cái hương vị thanh thảo ngậy bùi riêng có, nhưng cây của nó và quả của nó như thế nào thì đúng là chưa bao giờ được biết. Không lên Trùng Khánh thì thôi, chứ lên rồi mà không được mục sở thị sờ tận cây day tận quả, nghe ra cũng thấy vô lý thế nào! Tôi đem điều áy náy hỏi Nông Thị Hoa, cô chỉ ra hướng cửa sau và bảo đấy là vườn dẻ của nhà. Bước ra sân mới thấy ngỡ ngàng, không phải là vườn mà thực ra là một cánh rừng.

Không có mô tả ảnh.

Hạt Dẻ Trùng Khánh

Cây dẻ nhìn cành lá bề ngoài thấy hơi hơi giống như cây hoa bằng lăng lá to cành nhỏ sum suê. Trên này đất rộng trồng thoáng, cây nọ cách cây kia trên dưới dăm mét. Ba trăm cây đã là hút tầm mắt, tiếp đấy là vườn nhà khác, rồi nhà khác nữa, hết đồi này sang núi nọ chỉ toàn dẻ là dẻ. Rừng dẻ cuối mùa, trong tán lá bàng bạc đã thấy ánh lên chút sắc đỏ cuối thu và bụi hồng phủ như rây bột. Tịnh không thấy một chùm quả nào còn sót lại. Hoa bảo sang tháng sau lá dẻ đỏ như cháy rừng rồi chỉ mấy tuần là rụng hết, sau tết cây mọc lá non nở hoa thơm ngát cả vùng, bắt đầu mùa dẻ mới. Tôi tỏ ra lấy làm tiếc vì không được nhìn thấy quả dẻ hình thù nó ra làm sao thì cô chủ bảo trong nhà vẫn còn. Vào nhà cô lấy cái thang dựa vào thành gác lửng chỉ cho biết trên đó đang cất quả dẻ để dành bán giống. Tôi thận trọng từng bước trèo lên thang rồi đứng yên vị ở bậc thứ tư quan sát. Cả mặt sàn gác xép lát phên nứa rộng chừng ba chục mét vuông đã trở thành cái kho dự trữ. Trên những giàn khung tre ở gian bên trái treo không biết cơ man nào là các bắp ngô vỏ áo tơi lột ngược, ngô vàng, ngô trắng, ngô đỏ đủ loại. Còn bên phải là những cái giá tre nhiều tầng, mỗi tầng thấy gác những chiếc mẹt lớn xếp kín các loại củ to nhỏ khác nhau. Khoảng trống ở giữa rộng chừng hai chiếc chiếu đôi được rải một lớp dầy những quả khô đầy gai màu vàng nhạt trông khá giống với quả chôm chôm, nhưng phải to gấp rưỡi, gấp đôi. Thấy mấy quả ở gần vỏ tách làm đôi để hé ra những hạt nâu bóng cánh gián bên trong. Quả dẻ đây mà! Tôi tự tin khẳng định rồi thò tay nhặt lên một quả định tách hạt ra xem thì phải vứt ngay xuống. Những cái gai cứng và nhọn như kim khâu tua tủa bao bọc quanh quả dẻ đâm vào tay buốt nhói như ong đốt. Tôi bóp ngón tay rút những đầu gai vẫy vẫy tay cho đỡ buốt, bụng bảo dạ, đúng là trời sinh trời dưỡng! Không có những cái gai thế này thì những viên hạt béo ngậy thế kia có mà làm mồi hết cho lũ sóc lũ chuột hỗn ăn, ông trời mới khéo thu xếp làm sao! Lần thứ hai tôi chọn một quả đã tách hẳn làm đôi thận trọng bửa ra xem, hai viên hạt nâu bóng to bằng đầu ngón tay ôm khít lấy nhau thành một khối tròn nằm gọn trong lòng vỏ cứng. Một quả khác được bửa ra lại cho tới ba hạt cũng trong tư thế cuộn tròn như thế. Tôi lấy máy ảnh chụp toàn cảnh đám quả dẻ trong kho và chụp cận cảnh những viên hạt đang ngủ vùi trong chiếc nôi gai, tưởng tượng ra đó là giấc ngủ đợi chờ cho một mùa sinh hạ mới của những cánh rừng hạt dẻ xanh mướt nay mai, và tôi thầm nghĩ, đây cũng lại là những bức ảnh thú vị mình đã sưu tầm được trên những nẻo đường lang thang rộng dài đất nước bấy nay!

Trước lúc tìm sang nhà khác mua ít hạt về làm quà, tôi đem cái khúc mắc ban đầu về mấy cỗ máy xay xát đắt tiền để ngoài hiên hỏi lại thì Hoa bảo đúng là máy của nhà để đấy xay xát thuê cho dân trong bản. Trước đây nhà ít việc thì cô ở nhà cả ngày trông máy, nhưng bây giờ nhiều việc quá phải ra ngoài luôn, máy cứ để đấy ai đến thì tự xay lấy, xay xong quét dọn sạch sẽ, đến tối lại tự đem tiền sang trả công máy, xay nhiều trả nhiều xay ít trả ít, thế là tiện cho cả hai bên. Đến đoạn này thì tôi chẳng còn gì để hỏi thêm nữa. Hết ý! Thì ra cái linh cảm về sự đồng điệu của những cỗ máy xay bên đường hôm nay với những quán nước tự giác nửa thế kỷ trước đã có những sợi dây vô hình kết lại với nhau theo kiểu định đề có A thì mới có B. Không có sự này thì làm sao mà nhớ ra sự kia! Cứ theo cái mạch kết nối này tự dưng tôi lại thấy thoáng buồn trộm nghĩ, ở nước mình hôm nay, những nét đẹp thơm thảo truyền thống dường như chỉ còn có thể tìm thấy ở những vùng quê hẻo lánh, những nơi mà công cuộc đô thị hóa và kinh tế thị trường tự phát chưa vươn cái vòi tham lam khát vọng tới nơi. Thương tiếc làm sao!

Nhà thứ hai tôi vào cách đấy không xa. Nhà nhỏ nằm lùi vào giữa vườn cây dẻ um tùm. Lúc vào đã thấy mấy chị cùng đoàn ngồi uống nước. Thấy tôi, anh chủ nhà Nông Văn Mỉnh đứng dậy vồn vã kéo xuống ghế bảo mấy cô đàn bà này không uống được rượu, may quá có bác đàn ông đây rồi, đoạn dúi vào tay tôi một chén rượu trắng rót sẵn, chủ nhà nâng chén của mình chĩa vào tôi rồi hướng về mấy ông hàng xóm ngồi đối diện, “dô!”. Tất cả ngửa cổ làm một hơi. Tôi e ngại cái màn chào hỏi kiểu này sẽ lặp lại lần nữa nên chẳng ngại ngần hỏi thẳng nhà còn hạt dẻ để cho vài trăm, Mỉnh chỉ vào mấy chị nhà văn bảo các cô đến trước hỏi mua cũng không còn, nhà có năm trăm cây bán hết lâu rồi!

Tôi đành phải uống chén thứ hai để có cớ lấy đà chuyển sang chuyện cây dẻ. Chủ nhà cho biết cây dẻ mỗi năm chỉ có một vụ, cây khỏe cho năng suất khoảng 20 đến 25 cân hạt, cây già yếu thì chỉ trên dưới chục cân. Vườn nhà anh 500 cây mọi năm cũng được 8 đến 9 tạ hạt, chỉ có năm nay là được 10 tạ thôi. Hỏi giá thì bảo cũng không đều, nhưng bán nhiều tại gốc thường cũng được ba chục nghìn một cân, đem lên chợ Trùng Khánh có khi được bốn chục, hơn bốn chục. Vui chuyện Mỉnh còn cho biết nhà anh vườn ít chỉ trồng được thế thôi. Tôi hỏi các nhà khác thế nào? Anh bảo xóm có hơn năm chục hộ, nhà nào cũng có vườn dẻ, những nhà đất rộng có bảy tám trăm, một nghìn cây. Nhiều nhà nay vẫn trồng ngô trồng lúa, nhưng đất ngô lúa ít dần, mấy năm trở lại đây họ rủ nhau chuyển sang trồng dẻ thu nhập cao hơn. Bây giờ dẻ trồng bao nhiêu cũng không đủ bán, trong Nam ra đây mua nhiều lắm nhé, nghe nói họ còn xuất khẩu sang nước khác cơ đấy. Rồi Mỉnh khoe sau tết này nhà anh cũng trồng thêm hai trăm cây nữa ở trong núi, ở đấy đất không tốt bằng, nhưng ở đây hết đất rồi, mua lại thì đắt lắm không có tiền!

Đang trò chuyện thì thấy một phụ nữ với hai đứa trẻ bước vào, đấy là vợ con Mỉnh. Hai đứa trẻ trứng gà trứng vịt dăm bảy tuổi, áo tuột khuy giơ cái bụng tròn như củ khoai chiêm, da căng bóng nhưng mặt mũi ngoang nguếch như phường chèo, chúng nhìn đám khách lạ bằng cặp mắt nai ngơ ngác. Đúng lúc ấy thì tiếng còi ô tô từ xa vọng lại mấy hồi. Xe đã chữa xong! Nhà thơ Hoàng Việt Hằng, thi sĩ của những người đàn bà và trẻ con nghèo khổ, ca cẩm là có gói kẹo lại để trên xe mất rồi. Trước lúc cùng mọi người ra xe, chị còn kịp lấy trong túi xách một hộp kẹo cao su xóc xóc mấy cái nghe còn đầy, rồi mở nắp lấy ra hai viên đưa cho hai cháu bé, dặn rằng kẹo ngọt nhưng chỉ nhai không được nuốt bã đâu nhé, rồi làm động tác hướng dẫn là nhè ra thế này này. Hai đữa trẻ nhìn nhau nhăn mũi cười thích thú, nhưng mẹ chúng thì bảo chúng nó biết nhè đấy, ăn cái này mấy lần rồi mà! Có thế nữ thi sĩ mới nở một nụ cười yên tâm, chị đưa hộp kẹo cho người mẹ trẻ rồi bước ra cửa cố đuổi theo những người đi trước.

Xe chạy, bụi đường cuồn cuộn phía sau phủ hồng những hàng dẻ ngút ngát hai bên con đường độc đạo hướng lên biên giới phía Bắc. Ngắm nhìn những cánh rừng dẻ lướt ngoài cửa xe tôi lại miên man nghĩ về những vùng cây quả khác mình đã có dịp đi qua. Na dai Đồng Bành, vải thiều Lục Ngạn, thanh long Phan Rang, nho ngọt Bình Thuận, hạt điều Bình Phước… nhiều và còn nhiều thế nữa. Cũng giống như hạt dẻ Trùng Khánh nơi đây, dường như tất thảy chúng đều được mọc lên từ những mảnh đất cằn khô cát sỏi, và đều do những người nông dân lam lũ đen sạm nắng gió khai phá vun trồng. Ngày hôm nay những hạt điều, hạt tiêu, quả thanh long, quả vải… rồi thì cà phê, hạt gạo, mủ sao su, cá ba sa…, những loại nông sản quý làm nên thương hiệu Việt đã liên tiếp đem về cho đất nước danh hiệu xuất khẩu nhất nhì, hoặc nằm trong top này top nọ thế giới; và đằng sau đấy lại là danh hiệu xóa đói giảm nghèo nhanh có hạng trong bảng tổng sắp toàn cầu. Nghĩ về những người nông dân chân lấm tay bùn, một nắng hai sương làm ra những của quý ngọc thực ấy, họ đâu có biết cái danh hiệu kia có để làm gì, và nó làm đẹp mặt cho ai. Trong nghĩ suy thuần phác thường nhật của những con người bình dị ấy, nhãn tiền chỉ một niềm đau đáu phải tìm cách làm sao cho vợ chồng con cái có đủ cơm ăn áo mặc, con trẻ được học hành, gia cảnh thoát được kiếp nạn nghèo hèn đeo bám bấy nay… Đối với họ được như thế đã là hạnh phúc, đã là mở mặt với đời lắm rồi. Những ai có đủ quyền đủ lực trên đời này hãy cố mà làm lấy một điều tâm đức, ấy là tìm cách sẻ chia vinh quang cho họ bằng cách để lại cho họ phần vật chất xứng đáng mà họ làm ra, có lẽ đấy mới là cách tốt nhất để tri ân những lớp người cần lao đông đảo, giai tầng chủ lực của một đất nước nghèo khó đầy bão dông nắng lửa này. Và đấy cũng còn là cách góp phần làm sống lại mảnh không gian thanh bình cho những miền quê, nơi trú ngụ cuối cùng của những nét đẹp thanh khiết thuần Việt dưới những tán lá xanh mướt cây đời. Đề cao thái quá, tôn vinh thái quá những cái danh hiệu thời thượng nhất nhì thế giới trong lúc những con người làm ra nó vẫn còn đói khổ lầm than, việc làm đó xem ra cũng không phải đạo, nó chỉ làm cho họ thêm phần tủi phận mà thôi…

Thế mà huyện lỵ Trùng Khánh đã ở phía trước! Đường đang chữa xe phải vòng qua phố chính để đi tiếp lên hướng Bản Giốc,và bụi hồng vẫn lấp lánh lấp lánh gần xa.

Khi bài ký sự viết đến đây tôi vẫn chưa biết nên đặt tên là gì. Nhớ về những đám bụi đường biên ải, tôi nảy ra ý định muốn mượn cái gọi ban đầu của nhà thơ Trần Ninh Hồ để đặt tên cho nó, và thế là BỤI HỒNG HẠT DẺ .

 

 


  Các Tin khác
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Thánh Ngã - VỀ MIỀN NAM (*) (10/11/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - MÙA HEO MAY! (04/11/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - RÉT ĐẦU ĐÔNG (03/11/2022)
  + Điều ước ở ngã ba Cây cốc (23/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - TƯƠNG LAI VÀ HOA...! (22/10/2022)
  + THƯƠNG MÙI KHÓI BẾP CHIỀU MƯA (21/10/2022)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - MỀM MẠI, ẤM NỒNG (20/10/2022)
  + GIÓ LẠNH ĐẦU MÙA (18/10/2022)
  + Thơ Thái Thăng Long - DÒNG SÔNG THÁNG MƯỜI (17/10/2022)
  + Cô con dâu hiếu thảo (14/10/2022)
  + Vụ án bữa cơm cuối cùng (14/10/2022)
  + Tiếng hú dưới vực sâu (09/10/2022)
  + Mùa hoa pa bát (09/10/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
 

Kính thưa quý độc giả 

Website nguoixunghekiev.vn

hoạt động chính thức từ tháng

10/2012. và  phi lợi nhuận.

Trang tin đăng tải tin tức 

của cộng đồng người Việt tại Kiev

và toàn Ucraina, đồng thời lấy tin 

từ các trang báo mạng khác trên

nguyên tắc trích dẫn nguyên bản 

đường nguồn chính. Là những

người làm báo không chuyên nên

chắc chắn sẽ gặp sai sót không

mong muốn, chúng tôi sẽ tiếp thu 

chân thành những góp ý xây dựng 

của quý độc giả để cho trang tin 

ngày càng hoàn thiện hơn, xin gửi

về mục liên hệ trên mặt báo hoặc

Email: hosytruc@gmail.com

ĐT: 093-712-24-57

093-973-97-39

Xin trân trọng cảm ơn.

Biên tập: Hồ Sỹ Trúc

 

 

 
 
 

 

 


QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 59795302

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July