Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 15/01/2025
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  Thơ Nguyễn Hữu Quý: CƠN MƯA 8 Thơ Nguyễn Hữu Quý: CƠN MƯA 8 , Người xứ Nghệ Kiev
 

BBT Người xứ Nghệ Kiev trân trọng giới thiệu tiếp trường ca "Chín cơn mưa và Mẹ" của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý!

 

CƠN MƯA 8


Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, đại dương, ngoài trời, thiên nhiên và nước

"Chưa bao giờ nhiều thao thức đến thế
Nén vào con nỗi đau từng thước bể, tấc trời."
*
Con trai của Mẹ đã đi đến trăm miền đất nước
núi trập trùng cao
biển nhấp nhô rộng

Trập trùng, nhấp nhô
muôn vàn thương nhớ con mang...

Mẹ ơi,
Cực Bắc
sông Lô
mộc miên đỏ về xuôi
miền phên dậu ai từng xuôi ngược
ai trấn thủ lưu đồn
ai mòn vai gánh gạo nuôi chồng nước mắt rải nẻo rừng thiên kỷ.

Nghiêng nghiêng Cổng Trời Quản Bạ
sóng sánh chợ Bản Muồng
lô xô Cao nguyên đá Đồng Văn
và lừng lững Cột cờ Lũng Cú

Cực Bắc
đá xếp thành Tổ quốc
những hạt ngô trong hốc đá nảy mầm.

Hạt nảy mầm hay đá nảy mầm
thành lá
thành thân
thành hạt
thành bữa ăn đạm bạc sớm chiều
thành cuộc rượu ngất ngư mùi khói bếp…

Cực Bắc
câu hát trong mây
điệu khèn trong mây
tiếng sáo trong mây
chợ tình trong mây.

Mây dồn tụ
mây loãng tan
mây đắm đuối
mây thẫn thờ
mây buông thả
mây lang thang theo bước chân người
theo móng gõ mấy trăm năm thuần hóa…

Người nói câu của người
mây nói lời của mây
ngựa nói tiếng của ngựa
nói trên đá thành muôn vàn cung bậc.

Bổng trầm, ồn ã, lao xao
thầm thĩ như vọng từ tim đá.

Cực Bắc
những đám mây hanh hao, tơi xốp
bay qua bao đỉnh núi chênh vênh và sắc nhọn.

Núi và núi như chông cắm trên đất
như giáo dựng dưới trời
được sinh ra từ nỗi lo thất thoát cõi bờ
nỗi sợ bị chiếm đoạt giang sơn mấy nghìn năm trước.

Núi và núi như chum to chum bé
đựng ngất ngây
đựng la đà
đựng ngã nghiêng
đựng ôm ấp rót vào con những hồi men lá thẫm…

Núi và núi
ăn trên đá
làm trên đá
chơi trên đá
ngủ trên đá
và yêu nhau cũng trên đá, trong mây.

Người mang hồn đá
đá mang hồn người
cuống quýt phải lòng nhau
tuy hai mà một.

Đá đổ mồ hôi
đá rơi nước mắt
đá rơm rớm máu.

Nghe đá cười vang
đá luyến láy nhịp khèn, điệu sáo
biết đất nước không còn bóng giặc tràn sang.

Trên đá
con đứng nghiêm giơ tay chào Tổ quốc bay phấp phới gió mây
lá cờ đỏ sao vàng rộng năm mươi bốn mét vuông
tỏa sáng biên cương niềm kiêu hãnh.

Năm mươi tư dân tộc trên dải non sông mang dáng Rồng bay
và xấp xỉ triệu cây số vuông biển Việt
đang nắm tay nhau chốt giữ Tổ quốc này.

Lũng Cú
trong mây trôi ngùn ngụt
dù là nơi Cực Bắc xa xôi
con vẫn thấy rõ dáng hình Mẹ
gương mặt Mẹ
Mẹ ơi!
*
Trường Sơn
vạn lý điệp trùng
rừng nối rừng
núi tiếp núi
chạy từ Bắc về Nam
kết thành sống lưng Đất nước.

Núi cổ
rừng nguyên sinh
những vỉa gió tiền sử chưa tắt
con nghe rõ giữa lòng rừng tiếng hồng hoang trong từng tầng lá.

Trải bao nhiêu vòng quay trái đất cây mới thành cổ thụ
hóa trầm thơm ngan ngát lõi đại ngàn.

Lớp lớp xanh tươi hôm qua
lớp lớp xanh tươi hôm nay
này cành
này lá
này hoa
này tán thưa tán dày
này thân cao thân thấp
này rắn rỏi dẻo mềm
này thẳng tắp cong queo...

Chen chúc và nương tựa
vươn tỏa và khuất lẫn.

Đã sinh ra trên đất dưới trời
ngọn cỏ thân cây nào cũng có chỗ đứng của mình,
đấy là bài học từ rừng con lĩnh hội.

Còn nhớ tuổi thơ con lên đồi chặt củi
Mẹ dặn,
chặt cây cong queo, để dành cây ngay thẳng,
đừng dẫm đạp, phát bừa cây non con nhé.

Nón lá áo nâu ru con
ca dao bể, ca dao nguồn, sông ngắn núi cao đều thành lục bát.

Trường Sơn đông nắng, tây mưa
cơn nồm cơn nam hai chiều xuôi ngược
như biển lên rừng
như rừng xuống biển
lam lũ tảo tần làm nên xứ sở con thương.

Ký ức cất lên
ký ức dội về
ký ức hành quân qua thời luống tuổi…

Con nhớ quê ta những năm chiến tranh bom rơi đạn nổ tơi bời
quân vào quân ra không ngớt.

Đông đúc làng ta
áo vải Tô châu
ba lô cóc
võng bạt
súng bé súng to
nồi quân dụng mở vung mùi cơm thơm nức nở cồn cào.

Cây bút mang tên Trường Sơn chấm vào sông nước Cửu Long
trang nhật ký dồn sớm vào chiều, dồn mưa vào nắng
đêm hóa mênh mang khi châu thổ ùa về

Câu chèo cất lên từ trái tim lính trẻ
dìu dặt tân binh bài quan họ huê tình
sáo trúc binh nhì dập dồn hành khúc
tiểu đội đồng ca bài Giải phóng miền Nam.

Mai vào Trường Sơn
đêm nay có người ngâm bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ
con bập bùng theo những câu chữ xanh rờn.

Trong gió có mùi bom.
bầu trời đêm lóng lánh những giọt sao vừa cất tiếng chào đời.

Con chỉ gặp những nụ cười mười tám đôi mươi,
sao thời ấy nét buồn hiếm vậy.

Nỗi buồn chiến tranh giấu kín vào đâu,
giấu vào đâu Mẹ nhỉ?

Câu hỏi này con chưa hỏi Mẹ,
thời hào hùng con trẻ cũng dễ lây khí phách lớn lao.

Con nhớ sau khi tiễn các anh rời nhà ta vào mặt trận
Mẹ lén chùi nước mắt.

Lúc ấy, con làm sao biết được có rất nhiều người Mẹ có con trai, con gái ngã xuống ở chiến trường.
hai mươi năm chiến tranh
nẻo hoang vu nhất của Trường Sơn cũng cất giữ cuộc đời người lính
không tính hết được đâu
không nói hết được đâu

Nỗi Trường Sơn canh cánh đến mai sau!

Rộng và sâu
như một đại dương ngầm thăm thẳm…
*
Cà Mau
biển đông, biển tây ngờm ngợp gió.

Gió tràn trề rừng đước
gió tràn trề rừng mắm
tràn trề con mũi gió Cà Mau.

Nơi Đất Mũi có binh đoàn mắm đước
lấm láp phù sa giữ từng tấc Tổ quốc
cắm xuống bùn đen dựng lũy, dựng thành.

Thưa Mẹ
phương Nam chưa một lần Mẹ tới
mà sao ở đâu con cũng thấy Mẹ hiền hòa.

Nón lá
áo nâu
tay bế
tay bồng
tay đẩy
tay đưa
tay gieo
tay gặt.

Cánh đồng trên cao
cánh đồng dưới thấp
bờ rạch
mặt sông
cánh buồm nâu
chiếc ghe ba lá…
thấm hồn Mẹ Việt thân thương!

Ai bổ xuống đây nhát cuốc đầu tiên?
bếp lửa liu riu đầu tiên ai nhóm?

Con ngắm những cánh đồng rộng lớn hơn bát ngát mà thương biết bao câu vọng cổ xuống xề
xa cội nguồn vạn lý phải tìm khơi những âm vực đỡ lòng
đưa hoang vu xích lại gần người
lau lách nhường chỗ mùa màng
sình lầy cất đắp lên thành xóm ấp.

Những cuộc di dân lịch sử
thoát gió bấc mưa dầm tràn xuống từ phương Bắc mở bờ cõi về Nam.

Bàn chân Việt in dấu bốn trăm năm
bốn trăm năm
đầm đìa máu, mồ hôi, nước mắt.

Vựa lúa
vườn cây
trại hòm
đình chùa
am miếu…
bao đời, mấy kiếp cất dọc bờ sông
chợ nổi bồng bềnh trái hoa trên con nước đầm đẫm phù sa châu thổ Chín Rồng.

Con quá giang tấm khăn rằn em Út
quá giang phiêu bồng đêm lồng lộng Cà Mau.

Giọng điệu phương Nam không thất thoát bổng trầm tiếng Việt
dẫu tha phương ngôn ngữ vẫn cội nguồn.

Trên bùn đất chưa khô
con vẫn gặt được rất nhiều tin cậy.

Lở, bồi không kể xiết
và những xôn xao, sóng sánh cũng vô cùng.

Đất Mũi.
một cánh buồm xanh xanh…
*
Trường Sa
biển tặng con bình minh lộng lẫy
những con sóng lấp lánh hồng
bãi cát san hô lấp lánh hồng
cây phong ba lấp lánh hồng
lấp lánh hồng nụ cười lính đảo…

Ôm nhau cười mà ban mai rơm rớm
bên cột chủ quyền dấu giông bão chưa phai.

Chúng con ngước nhìn lên
cờ Tổ quốc bay giữa trời Tổ quốc
gió thổi căng những kích thước nồng nàn.

Con nghe lại những mùa gió trước thổi cồn cào
thổi nôn nao trong ngực.

Biển cả lồng cao lớp lớp sóng bạc đầu
bão lốc cuồn cuộn và bóng dáng những con thuyền
bóng dáng ngư dân, ngư binh vụt lên từ lòng biển thẳm.

Những linh hồn thao thức chốn xa khơi
hay nỗi ông cha còn vẹn nguyên trên quần đảo.

Yêu thêm một mái chùa cong
một tiếng trẻ đánh vần bi bô bên sóng
ngọn rau bám vào giọt chiu chắt mà xanh
đôi chim lạc mùa biển động nép vào ngực đôi mươi cất tiếng hót khi mùa xuân cập bến…

Biết ơn Mẹ đã cho con tiếng Việt
nơi góc bể chân trời vẫn ríu rít âm thanh.

Ngôn ngữ ấy cũng là cột mốc
đánh dấu non sông huyết thống bao đời.

Nghẹn lòng con Gạc Ma,
Hoàng Sa chưa được về với Mẹ.

Còn đó lênh đênh những đám mây chiều
những con sóng hoang vu
những chìm nổi oan ức chưa giải tỏa.

Có lẽ đến lúc ta phải định nghĩa lại láng giềng để không đặt cược lòng tin vào hàm sói.
Đã tới lúc chỉ đúng mặt gọi đúng tên kẻ cướp đất, cướp biển của ta.

Gạc Ma.
Hoàng Sa.

Chưa bao giờ nhiều thao thức đến thế
Nén vào con nỗi đau từng thước bể, tấc trời.

Tổ quốc là Gạc Ma, là Hoàng Sa
nỗi xót xa không kể xiết.

Súng từ tàu chiến giặc xối xả bắn vào những đứa con của Mẹ
cỡ đạn 37 ly
người quấn cờ
người cầm xẻng
ngã xuống
ngã xuống

Đảo không trôi đi được
những linh hồn thẳng đứng ban mai
máu trộn ánh mặt trời
máu trộn vào biển mặn
máu trộn vào con,
đồng đội của các anh.

Trộn vào Mẹ, máu không còn trôi nữa.

Những linh hồn thẳng đứng ban mai
những linh hồn đồng đội có tuổi như con và trẻ hơn con
anh em con đều bắt đầu từ Mẹ.

Khi con sinh ra Đất nước đã Anh hùng
khi con sinh ra Đất nước đã nồng nàn...

Thưa Mẹ!


 

 

 


 



  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66416751

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July