Chủ nhật, 28/7/2019
Gọi là nháp, bởi vì tôi sẽ có ý định viết một câu chuyện dài hơi, thậm chí tôi có dư dả tư liệu để viết cả một quyển sách về một người đã từng đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc hình thành và xây dựng cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga cuối thế kỷ XX: anh Võ Văn Hồng- Chủ tịch TCT Bến Thành Matxcơva.
Nhưng lúc này đã vãn ngày kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ; người ta đã viết rất nhiều, có bao nhiêu là hồi ức, bao nhiêu cuộc viếng thăm tặng quà, tri ân của các cá nhân và tập thể khắp mọi miền đất nước.
Tôi chỉ viết vớt vát một vài câu chuyện nhỏ khi đồng hồ chưa chuyển sang ngày khác.
Số là, tình cờ trên TV (tôi rất, rất hiếm khi xem TV, phần thì hiếm thì giờ, phần thì những gì đưa trên hình, thì tôi đã đọc trước trên mạng, nên không muốn bổ sung thêm kiến thức thời sự một lần nữa), tôi thấy hình ảnh nhiều đoàn từ TW đến địa phương đến thăm Trại Thương binh nặng Thuận Thành, bèn bồi hồi nhớ lại câu chuyện hơn hai mươi năm trước.
Đó là năm 1998. Anh Võ Văn Hồng đề nghị tôi và anh Sửu, một người quay phim hiếm hoi của cộng đồng người Việt lúc bấy giờ, khi về nước, tìm lấy một đơn vị thương binh đặc biệt để Trung tâm TM Bến Thành tài trợ.
Tôi và anh Sửu lên tận Thuận Thành Hà Bắc, tìm đến Trại Thương binh nặng, theo lời chỉ dẫn của bên Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Trại thương binh nặng đóng trong một khu vực tương đối xa đường quốc lộ, gồm ba khu vực chủ yếu: Khu hành chính, Khu hội trường và Trạm điều dưỡng, khu ở của thương bệnh binh.
Nơi đây giống như một bệnh viện, một khu an dưỡng của những thương binh rất nặng, không về sống với gia đình. Hơn 100 thương bệnh binh hầu hết không tự phục vụ được mình từ ăn uống tới sinh hoạt cá nhân; còn một số ít thì có thể vận động trên những chiếc xe lăn, hoặc nạng chống.
Cơ ngơi của Trại Thương binh nặng lúc đó còn rất xuềnh xoàng, ghế bàn trong hội trường rất đơn sơ, chưa có loa đài và các phương tiện nghe nhìn, chỉ có mỗi chiếc ti vi, hàng ngày anh em tập trung đến xem.
Chúng tôi ghi hình và đem câu chuyện này về Matxcơva. Anh Võ Văn Hồng và Ban Giám đốc rất xúc động và hứa sẽ thu xếp về thăm và giúp đỡ kịp thời.
Tôi lại về tiền trạm, gặp Ban Giám đốc Trại điều dưỡng và đặt vấn đề về việc TTTM Bến Thành Matxcơva sẽ hỗ trợ tài chính giúp anh em thương bệnh binh.
Họ cùng chúng tôi lên một danh mục những thứ thiết yếu, trong lúc nhà nước chưa kịp cung cấp.
Chỉ sau một tuần, Ban Giám đốc TTTM Bến Thành về Hà Nội và lên thăm Trại thương binh nặng. Đi cùng Ban Giám đốc là một đoàn ca nhạc, Phóng viên báo Hà Nội Mới, Phóng viên Đài VTV1.
Những yêu cầu của Ban Giám đốc Trại đều được đáp ứng từ ti vi, máy vi tính, loa đài, hỗ trợ mua xe lăn cho số thương binh xe quá cũ, hoặc người chưa có xe. Ngoài ra anh Võ Văn Hồng trao cho BGĐ 100 triệu để bổ sung vào Quỹ của Trại. (100 triệu 20 năm trước là một khoản tiền lớn).
Buổi ca nhạc là một món quà tinh thần vô giá đối với toàn thể Trại Thương binh. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì đây là lần đầu tiên, toàn Trại được đón một đoàn văn công từ Thủ đô về. Những bài hát về một thời oanh liệt được cất lên và phái dưới, hàng chục khán giả ngồi hoặc nằm trên xe lăn khóc nức nở. Nhiều người cụt cả hai tay, hai chân xung phong hát, đọc thơ, người dẫn chương trình phải đích thân đưa micro xuống…
Sau này, tôi còn đến đây hai lần nữa để mang quà của Bến Thành tặng Trại Thương binh nhân dịp ngày 27/7.
Có thể nói, anh Võ Văn Hồng -TTTM Bến Thành là người đầu tiên dành cho Trại Thương binh nặng Thuận Thành Hà Bắc những tình cảm sâu nặng nhất.
Cuối năm 1999, anh Võ Văn Hồng lại đề nghị tôi bay vào Củ Chi tìm nuôi dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tôi liên hệ với chị Tôn Hiền, Phóng viên VTV1, người nắm rõ địa bàn Củ Chi lên một danh sách dài các bà mẹ anh hùng cần giúp đỡ.
Tôi và anh Trần Văn Long, lúc đó là TGĐ TTTM Bến Thành, giữa một ngày mưa gió từ Sài Gòn về Phòng Lao động Thương binh Củ Chi, nơi hàng chục bà mẹ anh hùng đã đến từ trước đó.
Chúng tôi trao quà, tiền và lập danh sách tặng một bà mẹ một quyển sổ tiết kiệm dưỡng già.
Sau này, trong nhiều chuyến đi xuyên Việt, mỗi lần như vậy, theo kế hoạch của anh Võ Văn Hồng, chúng tôi đều ghé các nghĩa trang Liệt sĩ, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Việt Lào thăm viếng. Và lần nào cũng vậy, anh Võ Văn Hồng đều dành cho Ban Quản lý nghĩa trang một khoản tài chính với mong muốn, để thêm vào họ lo hương khói cho các liệt sĩ chu đáo.
Tôi còn được biết, anh Võ Văn Hồng còn tham gia tài trợ vào chương trình tìm mộ các liệt sĩ hy sinh ở Lào, Campuchia và chiến trường Nam Bộ.
Bây giờ ở Nga, thỉnh thoảng một Công ty, hay một TTTM nào đó vẫn tổ chức một đêm ca nhạc cho cộng đồng. Họ mời ca sĩ sang, thuê Nhà hát, quảng cáo mùi mẫn và bán vé kinh doanh.
Nhớ lại, tôi cùng anh Thăng Long, Hồng Hà, trong bao nhiêu năm ít nhất đã làm 11 đêm ca nhạc, mời các ca sĩ gạo cội trong nước sang, thuê những rạp hát tên tuổi ở Matxcơva để biểu diễn, bằng tiền của anh Võ Văn Hồng. Và cả 11 đêm biểu diễn chưa hề bán một chiếc vé nào, chỉ phát không, phục vụ cộng đồng. Mỗi lần như vậy, chưa kể tiền công ca sĩ, chưa kể phục vụ các vị khách trong nước ăn ở, tham quan, có lần anh Thăng Long tính sơ sơ, nói với tôi, anh Võ Văn Hồng chi ra không dưới năm chục ngàn đô la.
Tất nhiên còn nhiều hoạt động văn hóa khác của cộng đồng nữa từ việc xây Trường Phổ thông, làm đường, tổ chức bóng đá, hỗ trợ đồng bào bão lụt, ngày Văn hóa Hà Nội ở Matxcơva, Ngày Hội Cựu chiến binh… đều gắn với sự tài trợ có hiệu quả của anh Võ Văn Hồng.
Dường như rất ít những bức ảnh của anh đối với những sự kiện này, vì anh hầu như không muốn đăng đàn, phỏng vấn hay xuất hiện.
Tôi hy vọng sẽ có thời gian và điều kiện để viết nhiều về anh.
|