Thứ Hai, 15/07/2019
"Biển ở đây sóng đánh lút đầu
Không tới được
Mặt người thành tiếng vọng"
Đó không phải là cảm nhận thi ca mà đó là ghi nhận thực tế.
Chuyến công của chúng tôi kết thúc lịch trình bằng việc xuôi tàu xuống vùng thềm lục địa phía nam và theo dự kiến đoàn sẽ cử “văn công” lên thăm biểu diễn trên nhà giàn DK1. Trái với kỳ vọng từ đêm hôm trước về một vùng biển thanh bình, khu vực biển nhà giàn DK1 sáng nay “khó ở”, từng con sóng cao tới chục mét nối nhau đánh tới tấp vào chân nhà giàn. Trong ánh ngày mờ mờ chúng tôi đều thấy lo ngại khi nhà giàn DK1 trông loi choi như một tổ chim câu đang lung lay chao đảo. Cảm giác chông chênh ấy khiến những ai yếu tim sẽ thấy bất an.
Tuy không còn “nằm” trong phạm vi của quần đảo Trường Sa nhưng hải trình này luôn được các chuyến công tác thực hiện bởi đó không chỉ là khu vực “lắm dầu nhiều cá” của biển Tổ quốc mà trong tâm thức những người lính Hải quân thì nơi đó từng ghi đậm nhưng dấu tích bi hùng. Chuyện kể rằng: Đó là vào một ngày cuối năm của năm một ngàn chín trăm chín mươi chín, theo như thông thường thì mùa này trên vùng biển thềm lục địa phía nam của Tổ quốc luôn “sóng yên bể lặng” ấy vậy mà một cơn bão biển bất ngờ đổ tới. Cơn bão tuy không lớn lắm nhưng sức gió của nó cũng đủ làm các “nhà giàn” lâm vào tình thế nguy nan. Dạo ấy các nhà giàn so với hiện nay thì không chỉ thiếu thốn về trang thiết bị phục vụ cuộc sống sẵn sàng chiến đấu mà còn khá “mong manh”. Cơn bão đổ đến đã giật, đã giằng như muốn cuốn phăng nhà giàn xuống biển. Tình thế vô cùng nguy cấp, các chiến sĩ ta đã được lệnh “sơ tán” khỏi nhà giàn nhằm bảo toàn tính mạng và tàu cứu hộ cũng được “đất liền” phái tới trợ giúp. Mọi người lần lượt xuống tàu cứu hộ và tưởng như đã an toàn.
Gió mỗi giây mỗi mạnh. Từng cơn gió mạnh kết hợp với sóng dữ dội đã cuốn mấy anh em ta rơi xuống biển. Những người chiến sĩ tuổi hai mươi đã vĩnh viễn hóa thân vào biển cả. Có người chiến sĩ mới nhận được tin vợ sinh con đã ra đi mà không bao giờ biết mặt đứa con của mình. Và hình ảnh đại úy chỉ huy nhà giàn Vũ Quang Chương sau khi quấn gọn lá cờ Tổ quốc vào ngực mình thì cũng là lúc những cơn sóng lừng quật đổ nhà giàn. Anh Chương buông mình xuống biển. Sau này mọi người đã tin rằng: anh Vũ Quang Chương không chết, anh đã mang lá cờ từng thấm bao máu xương những người con nước Việt trong ngực mình ngày qua ngày đi khắp biển Đông như một cách khẳng địch chủ quyền thiêng liêng nhất.
Từ ngày “đau thương” đó tới nay các chuyến công tác đều xuôi về vùng biển này để thả hoa tri ân những người đã khuất, đoàn công tác của chúng tôi cũng không nằm ngoài tâm nguyện tâm linh đó.
Nhưng “tình hình” biển biếc như thế này thì đành buông neo và nhanh chóng chuyển quà sang mạn cho tàu thường trực của quân chủng đã neo sẵn ở đó để chờ khi nào biển yên sẽ đưa lên cho anh em mình trên nhà giàn. Đó là cách thu xếp chuyển quà xem chừng khả dĩ nhưng mong muốn được hát cho anh em trên nhà giàn thì làm thế nào đây?
Sau những phút giây nghĩ ngợi các đồng chí hải quân trên tàu nẩy ra sáng kiến “Hát qua bộ đàm với sự hỗ trợ của hệ thống âm thanh của nhóm nghệ sĩ trong đoàn công tác”.
Đó có lẽ là buổi “biểu diễn ca nhạc” chưa từng có trong lịch sử âm nhạc thế giới chứ đừng nói ở Việt Nam? Một “sân khấu” nhanh chóng được triển khai ngay trên boong tàu lúc này cũng đang chao đảo bởi những con sóng đánh tràn lên mặt boong. Một “sân khấu” biểu diễn ca nhạc lênh láng nước biển. Trên boong tàu như vậy người biểu diễn mỗi khi ra hát nếu không phải một tay bám chặt vào cột chống trên boong thì cũng phải có ba bốn người đứng bên ghì giữ. Những con gái chàng trai Thủ đô là diễn viên của Nhà hát chèo Hà Nội và của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long chẳng cần có người bước ra xướng tên giới thiệu, họ tự nguyện bước ra hát và cùng nhau say sưa hát hết bài này qua bài khác. Cuộc biểu diễn không có “cát sê” nhưng chẳng ai “đắn đo” hay “có ý”. Người hát chèo háo hức hát ca mới. Người vốn hát ca mới cũng “à í a” hòa thanh với câu chèo điệu lý.
"Trên boong tàu những cô gái đoan trang
Bấu vào nhau
Gắng qua cơn gió lắc
Họ đang hát
Câu nghẹn hòa câu nấc
Lời gửi trao lẫn tiếng sóng ầm ào"
Sóng không ngớt. Con tàu của chúng tôi lại thêm chòng chành và nước biển lại đổ dồn dập lên mặt boong. Nước đánh ướt áo quần, nước đánh bết đầu tóc nhưng chẳng ai ngần ngại.
Các sĩ quan hải quân hộ tống đoàn công tác và các chiến sĩ trên tầu cũng tất bật không kém. Người ngợm ướt sũng nhưng nhiệm vụ đảm bảo cho “dòng” âm thanh không bị ngắt đoạn và đảm bảo đến với nhà giàn được trong được rõ, vừa phải lo làm sao để buổi biểu diễn có một không hai này thật sự an toàn được đặt lên trên hết. Những người lính biển từng dạn dầy, từng quen với sóng cao gió cả vậy mà họ không kìm được dòng cảm xúc. Nước mắt người hát tràn trề bên nước mắt người nghe hát.
"Lính “nhà giàn” xếp hàng tề chỉnh
Dõi yêu thương qua máy bộ đàm”
Qua ống nhòm nhòe hơi nước chúng tôi nhìn rất rõ trên sân nhà giàn những chiến sĩ hải quân tề chỉnh áo trắng tinh tươm, quần xanh như mới đang nghiêm chỉnh sắp thành hàng ngang cùng hướng mắt dõi tai về phía con tàu. Họ dường như cũng đang khóc. Câu hỏi thăm, câu hỏi tên người, lời chúc, lời ngợi ca câu hát của những người lính nhà giàn DK1 cũng nghẹn nấc đứt quãng.
"Biển ngoài kia
Dậy từng đợt sóng lừng
Tiếng người hát trộn cùng tiếng khóc
Máy bộ đàm chan đầy nước mắt"
Một buổi biểu diễn chan hòa tình người và thấm đẫm cảm tình. Những người diễn viên lần đầu đi biển với những người lính nhà giàn ngỡ như đã quen thân từ lâu lắm rồi. Mối lương duyên ấy chắc chắn được xuất phát từ mối quan hệ quân với dân nhưng ở trong trường hợp này thì đã được đẩy lên một “cao trào” mới mạnh mẽ hơn và cũng đầy tin cậy hơn.
"Những cái tên con gái mới nghe
Chắc xinh lắm…… qua ống nhòm là biết
Nghe thân lắm Mai Hương, Thu Huyền, Thanh Mai, Thảo Quyên…
Cùng bao tên nhắc hoài không hết
“Mai xa rồi em có nhớ anh không?”
Mai xa rồi, chưa biệt đã trông
Đã náo nức hẹn ngày gặp lại"
Lính nhà giàn gọi vang những mong xóa đi xa ngái
Những mong gần, mong được nắm tay nhau
Biển vẫn gầm gừ như muốn tạo thêm ngăn cách. Sóng dâng cao rồi đổ ập xuống. Trên boong tàu nghiêng ngả ấy không ai bảo ai nhưng đều hướng hết tầm nhìn, hướng hết tâm tư, dồn hết âu lo về phía nhà giàn DK1. Có cảm tưởng như nhà đang bị những cơn cuồng phong giằng giật như chính cơn cuồng phong ấy đang muốn cuốn phăng đi. Câu hát lại vang lên như muốn gửi tới nhà giàn những lời động viên, những tấm lòng đồng điệu. Và chính trong “hoàn cảnh” đó dường như người với người thêm hiểu nhau, thêm gắn bó.
"Biển ở đây sóng đánh lút đầu
Chênh vênh gió nhà giàn chừng nghiêng ngả
Lính yêu biển nên ngại gì sóng gió
Ghì vai nhau cho chắc cho bền
Dõi tai nghe giọng con gái thương thương"
Chúng tôi, những nhà báo đi theo đoàn công tác nhận thấy đây là một “dịp may” hiếm có và chắc khó có lần thứ hai. Sự vững vàng của các chiến sĩ trên nhà giàn DK1 đã truyền cho chúng tôi một “sức mạnh” mới. Và chúng tôi chợt nhận ra một ý nghĩa:
"Và tôi biết trời hôm đó rất trong
Nắng trải óng vàng và biển biếc rất xanh
Và câu hát ngân nga câu hát".
|