Chủ nhật, 17/03/2019
Tôi có cái may là quen biết ông từ rất lâu. Hồi đầu những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, khi đó gia đình Nghệ sĩ ưu tú Văn Vượng còn ở phố Hàng Giấy, thỉnh thoảng tối rảnh ông nhờ học trò đèo xe đạp tới nhà tôi chơi, nhà tôi ở phố Phan Đình Phùng gần đó. Văn Vượng là người chu đáo, bao giờ ông cũng đem theo chai rượu nhỏ và đôi khi kèm thêm cuộn băng Cassette, đó là những bản nhạc do ông trình tấu mới thu.
Nhạc sĩ Văn Vượng kể: “Có lần khi đang biểu diễn, nghe bên tai mình một giọng thiếu nữ?” thì ra vì quá mến mộ mà một cô gái đã bước lên sân khấu và lại gần người nghệ sĩ mù này để… tặng hoa. Thật áy náy cho cô vì lúc này Văn Vượng đã “hết mất tay” để chìa ra đón nhận bông hoa của cô gái trẻ. Lúc đó Văn Vượng đã nghĩ “Làm gì bây giờ? Chẳng lẽ cứ để cô gái đứng ngây ra đó mà thẹn thùng và cô sẽ vỡ lẽ ra vì sự “vô duyên” của mình ư?” Văn Vượng suy nghĩ rất nhanh và quyết định cũng rất nhanh “đừng để cô gái phải chạy ù xuống hàng ghế khán giả và chúi mặt xuống vì xấu hổ”. Người nghệ sĩ mù đã hành động dứt khoát không ngờ. Ông dùng các ngón tay trái vừa bấm phím đàn vừa…. móc mạnh vào dây đàn. Thật là một động tác chơi đàn hiếm có. Suối nhạc vẫn tuôn chảy và hoa vẫn được đón nhận từ bàn tay phải của người nghệ sĩ.
Còn nhạc sĩ Hoàng Vân thì nói “Tôi vô cùng bất ngờ khi nghe Văn Vượng trình tấu ghita bìa hát “Bài ca giao thông vận tải”, đó là một bài hát dạng “phong trào” nhưng lại được trình tấu và diễn tả một cách tuyệt diệu mà vẫn giữ được chất… ghita.
Quê cha ở vùng Bãi Sậy (Hưng Yên) nhưng tuổi nhỏ của Văn Vượng lại trôi qua ở một thị xã nằm trên quốc lộ số 5, thị xã Hải Dương (thành phố Hải Dương hiện nay). Nhưng cũng chính tại thị xã xinh đẹp đó Văn Vượng đã vĩnh viễn mất đi khả năng phân biệt ánh sáng, đó là năm ông lên bốn tuổi. Chứng đậu mùa quái ác thời ấy chẳng những để lại di chứng trên gương mặt mà nó còn lấy đi của ông ánh sáng.
“Có phải là trời phú cho không? Tài năng bẩm sinh chăng?”. Chỉ biết rằng nghệ sĩ Văn Vượng đến với ghita bằng ba thứ mù: Mù mắt, mù chữ và mù… nhạc. Theo như Văn Vượng cho biết thì ông đến với âm nhạc nói chung, đến với cây đàn ghita hoàn toàn tình cờ, chẳng có một sự chuẩn bị nào cả. Số là dạo đó ở gần nhà của Văn Vượng có một đơn vị bộ đội về đóng quân. Chính những người “chiến sĩ Điện Biên” này là những người thầy dạy nhạc đầu tiên cho Văn Vượng. Thế là chú bé mù có cái tên rất “hứa hẹn” là Văn Vượng được nghe các anh bộ đội chơi đàn, cậu được “sờ tay” vào cây đàn gỗ và quan trọng hơn là được các anh dạy chơi đàn theo đúng kiểu “cầm tay chỉ việc”. Nghĩa là Văn Vượng được các anh bộ đội cầm tay đi từng nốt nhạc. Cứ thế, cứ thế. Dường như có một sự huyện diệu ùa tới mà cậu bé mù Văn Vượng trở nên háo hức học chơi cây đàn gỗ, cậu bé Văn Vượng trở nên gắn bó với đàn ghita từ đó.
Có ai đó đã nói đại ý “trong mỗi một con người đều có sẵn một tài năng. Tài năng đó có thể thành hiện thực và có thế chẳng bao giờ xuất hiện”. Điều này cũng khó có thể khẳng định có hay không. Bởi lẽ có nhiều người dẫu đi đến tận cuối đời mình thì tài năng có sẵn ấy mãi mãi ẩn sâu sau cuộc đời. Văn Vượng khác những người đó chính ở chỗ cái vốn tài năng tiềm ẩn ấy đĩnh đạc phát lộ một nghệ sĩ nhờ sự “phát hiện” từ chính những người chiến sĩ vốn cầm sung thạo hơn cầm đàn.
Ai đã một lần được xem Văn Vượng biểu diễn, được nghe Văn Vượng chơi đàn hẳn nhớ mãi hình ảnh người chơi đàn có vóc dáng cao lớn, mái tóc dài chải lật về phía sau, cặp kính đen to che ngang khuôn mặt và cây “Tây ban cầm” giản dị.
Khả năng trình tấu các thể loại âm nhạc qua cây đàn ghita gỗ của Văn Vượng thực đáng khâm phục. Ông không chỉ chơi đàn mà khả năng chuyển soạn các bài hát, bản nhạc cho ghita cũng cực kỳ điêu luyện. Trong những bản nhạc mà ông chuyển soạn ấy có những bản được xếp vào hạng “kinh điển”. Bản nhạc dành cho dàn nhạc mang tên “Phiên chợ Ba Tư của nhạc sĩ lừng danh Anbecatenbay (người Áo) được ông “gói gọn” trên sáu dây của cây đàn ghita gỗ luôn tạo hứng khởi cho người nghe. Còn bản nhạc “Trường ca Sông Lô” của nhạc sĩ tài danh Văn Cao khi thể hiện qua âm thanh của đàn Ghita vẫn nghe đầy hoành tráng và để lại một dư âm rộn rã không sao quên được.
Quả thực, bằng ngón đàn ghita điêu luyện, tinh xảo và hấp dẫn, nghệ sĩ Văn Vượng đã truyền tải một dung lượng lớn âm thanh và diễn đạt hết những gì mà chính ông đã cảm nhận được từ những bản nhạc, từ những bài hát mà ông đón nhận.
Hỏi chuyện nghề, hỏi chuyện đời thì Văn Vượng nói vui “Có một tổ chức mà tôi ngỏ ý xin vào là được nhận ngay. Đó là… hội người mù”. Ông cười lớn giọng đầy vui nhộn. Đúng là do hoàn cảnh cá nhận và do chúng ta chưa có được một đợn vị nghệ thuật nào chuyên của người khuyết tật nên nghệ sĩ Văn Vượng mãi không có tên trong “biên chế”. Ở vào hoàn cảnh như Văn Vượng đã có rất nhiều người (xưa tới nay) phải dắt díu nhau xuống đường đi… câu cơm thiên hạ. Thử nhắm mặt lại và tưởng tượng nếu như Văn Vượng cũng gia nhập những gánh “du ca” kia thì chắc giờ chúng ta chỉ biết đến “một anh mù biết chơi đàn”. Vâng, một anh mù mà chạnh lòng trắc ẩn quẳng vào chiếc mũ đang chìa ra vài đồng bạc lẻ mà để đó mua gì cũng dở. Nói thế để mới biết một nghị lực, một năng lực lao động thực sự và một sức sáng tạo đáng khâm phục của một con người bình thường mà khuyết tật. Tất cả đã tạo nên một người nghệ sĩ chân chính.
Còn nhớ những năm trước, khi gia đình của nghệ sĩ ưu tú Văn Vượng (ơn giời cuối cùng ông vẫn được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú) vẫn sống ở phố Hàng Giấy, phố ấy gần chợ Đồng Xuân và ngay dưới chân con đường xe lửa Hải Phòng về Hà Nội sầm sập ngày đêm. Đó là một số nhà có rất nhiều hộ cùng chung sống. Dạo đó Văn Vương ngày ngày lần mò trên những bậc cầu thang ọp ẹp và tối om om. Trong gian phòng nhỏ tưởng như cựa đâu cũng chạm này Văn Vượng tập đàn ở đó. Văn Vượng dạy đàn ở đó. Văn Vượng chuyển soạn các bản nhạc ở đó và Văn Vượng tồn tại ở đó.
Ông cho hay “Thù lao cho những lần biểu diễn không đều đặn và cũng không nhiều nhặn”. Thì ra “thu nhập” chính của người nghệ sĩ mù này lại nhờ vào việc… làm thầy. Đến thăm ông vào thời gian đó nhiều khi khách đến chơi phải đứng… chờ ngoài cầu thang. Học trò đến với Văn Vượng khá đông đảo. Đủ nam phụ lão ấu. Đủ trai thanh gái lịch.
Cứ ngỡ số phận thiệt thòi sẽ đeo đẳng mãi cuộc đời Văn Vượng. Nhưng đúng là cuộc đời luôn có sự công bằng. Câu chuyện tình duyên đã là một minh chứng cho những gì mà Văn Vượng đáng phải có. Câu chuyện tình duyên của ông nghe đâu cũng bắt nguồn từ chuyện “học đàn” này. Người con gái như đến từ “cổ tích” ấy lặng thầm bước vào gian phòng chật chội để được nghe tiếng đàn mê hồn của Văn Vượng. Người con gái như đến từ “cổ tích” ấy lặng thầm bước vào cuộc đời riêng của người nghệ sĩ không may. Họ đã ở bên nhau như mong muốn của chính họ.
Và cuộc sống của gia đình ông cũng được “cải thiện”. Căn hộ ở khu tập thể Nghĩa Tân mà ông được đón nhận cũng là thể hiện của sự “công bằng” dù nó có chút muộn màng.
Những năm gần đây tuổi đã cao (ông đã gần tám mươi tuổi), sức khỏe cũng đôi phần giảm sút. Đặc biệt là sau khi ông bị cơn nhồi máu não nên đôi tay của nghệ sĩ Văn Vượng không “tìm lại cảm giác” nữa. Sự nghiệp “chơi đàn” của ông bị gián đoạn sau mấy chục năm ông đam mê. Nghệ sĩ Văn Vượng không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Nhưng những âm thanh khi réo rắt, lúc trầm hùng cứ âm thầm vọng về trong tâm thức những người mến mộ tài năng của Văn Vượng. Âm thanh mộc mạc nhưng đầy chân thành vang lên từ cây ghita gỗ cứ lắng đọng những người yêu âm nhạc nói chung và yêu mến ghita nói riêng.
Còn nhớ, rất lâu rồi. Bữa đó là vào một buổi chiều hôm, như bao buổi chiều hôm mà tôi sau giờ làm về thường đạp xe ghé thăm ông. Dĩ nhiên là nghệ sĩ Văn Vượng chỉ biết được cái ráng hồng hồng trong chiều tà qua lời nói của người ngồi đối thoại với ông. Ông lắng nghe rất chăm chú rồi ông hơi cúi đầu xuống để nâng lên tay chén rượu mà người đối ẩm vừa đưa cho. Văn Vượng khẽ khàng tợp một ngụm rất trang trọng. Dường như mọi phiền muộn tan đi cả. Ông đã nói như nói chỉ cho chính mình “Mình đàn cho ánh sáng từ ký ức xa xăm trở về”.
Theo bản tác giả Nguyễn Trọng Văn gửi tặng BBT
|