“Ơ này Giàng Seo Gà
người đàn ông Mông hát khèn hay nhất chín rừng mười núi
lời khèn có tiếng cây tiếng suối
có tiếng con nai con hoẵng gọi bầy
có tiếng con chim quyên quý hót trong mây
có tiếng gà gáy lúc ban mai
tiếng hạt thóc cựa mầm gọi nắng
có sức rủ rê đám đàn bà bỏ nương bỏ rẫy”
***
Tôi gặp nghệ nhân dân gian Giàng Seo Gà trong một chiều cuối xuân, số là lần ấy chúng tôi lên Lào Cai tính làm một bộ phim tài liệu về “xứ hoa đào”, biết ý chúng tôi muốn tìm một người dân tộc Mông điển hình để làm nhân vật xuyên suốt trong phim nên bên ủy ban huyện có giới thiệu một người được cả huyện Sa Pa, cả tỉnh Lào Cai biết tiếng và đều trìu mến gọi là “Người nặng tình với văn hóa Mông”, để chúng tôi tiện liên hệ và thế là chúng tôi quen nhau.
Tầm này tiết trời đã chuyển sang “mùa sương tan”, mùa phát nương đốt rẫy, như kinh nghiệm của bà con vậy mà gió vẫn còn lành lạnh, mây vẫn còn lãng đãng. Quả đúng như người ta thường nói “Thời tiết ở Sa Pa đỏng đảnh như đứa con gái mới lớn vậy. Thoắt luễnh loãng rồi lại thoắt mù mịt khói sương”. Ngồi trong nhà nhìn ra thấy phố Xuân Viễn, đường phố chạy trước mặt Trung tâm văn hóa thể thao huyện và cũng là con đường dẫn lên Bảo tàng Sa Pa, vừa quang đãng đấy lại chìm khuất trong sương ngay đấy. Vẻ hư hư ảo ảo như “đùa giỡn” du khách là thứ “phong vị” riêng có của xứ mù sương nhưng “bốn mùa hoa trái ngát hương” này.
Trong căn phòng nhỏ ở ngay đầu hồi của khu nhà Trung tâm văn hóa thể thao huyện, là nơi nghỉ trưa của ông “thủ trưởng trung tâm”, vừa đủ kê một chiếc giường đơn và một chiếc bàn nhỏ cùng hai chiếc ghế cũng gọi là đủ chỗ cho hai người, một là Giàng Seo Gà và một là tôi ngồi đối diện sát mặt nhau, phần còn lại là khoảng không gian hẹp đến nỗi mỗi khi đi đứng nếu không chạm vai thì chạm chân. Ấy vậy mà trên bức tường không thoáng hơn là mấy lại treo nào khèn đại, khèn trung, khèn tiểu, nào sáo Mông đủ loại, đủ cỡ. Những chiếc khèn, chiếc sáo đã thâm màu thời gian và thín nhẵn tay cầm chứng tỏ chủ nhân của nó đâu có treo chơi.
Thấy tôi còn ngần ngừ chưa vào chuyện nên nghệ nhân Giàng Seo Gà cũng lúng túng theo, hình như ông đang có cảm giác còn thiếu sót điều gì? Chắc nghĩ vậy nên nghệ nhân Giàng Seo Gà cúi đầu ngó nghiêng, ông đang cố tìm chiếc ấm hòng định pha chút nước trà mời khách uống cho ấm bụng. Thế đấy, sáo khèn thì treo cất rất dễ tìm còn bộ ấm pha trà thì “quẳng” đâu không rõ. Thảo nào người ta nói “Giàng Seo Gà quên gì thì quên chứ cây sáo Mông thì luôn nhớ”. Người ta còn nói “đi đâu Giàng Seo Gà cũng có cây sáo Mông giắt bên người”. Tôi thực sự thông cảm và đang nóng vội định vào ngay việc nên khoát tay nói không cần phải câu lệ thế, nói chuyện khan cũng được. Giàng Seo Gà thở phào nhẹ nhõm, dường như ông trút được “gánh nặng” bởi sự chật chội của căn phòng. Tôi liếc mắt quan sát nhanh khi Giàng Seo Gà đang mải lau chỗ nước ướt trên mặt bàn. Đó là một người đàn ông Mông tuổi ngoài năm mươi, dáng thấp đậm, gương mặt đầy, vầng trán rộng, bộ quần áo Mông màu đen ôm sát người vô tình tôn dáng dấp vẫn khá còn “phong độ” như cái cách người ta hay nói về những người tuổi cao nhưng hình thể cùng lời ăn tiếng nói vẫn đầy hăm hở.
Chờ cho yên vị chủ khách, tôi đọc nhanh khổ thơ mới nghe được và hỏi luôn vì chỉ sợ nếu không hỏi sẽ quên mất “Câu ca đó có đúng không?”. Nghệ nhân Giàng Seo Gà nhíu nhíu vầng trán thâm trầm của mình rồi ông ngẩng đầu nhìn tôi nói “Người ta cứ đồn đại thế. Chứ tôi làm gì mà được như thế”. Tôi cười “Không đúng nhiều thì cũng đúng ít”.
Nghệ nhân Giàng Seo Gà không muốn “cãi”, ông đứng lên và rất nhanh nhẹn với tay ngoắc chiếc khèn tiểu có sáu ống màu vàng ươm đang treo trên tường. Ông nhìn chăm chú vào chiếc khèn, miệng lẩm bẩm như thể đang thủ thỉ cùng nó vậy. Ông nâng niu trên tay rất thận trọng như thể đang trao nhau tâm tình. Chỉ bằng những cử chỉ ấy thôi chúng tôi đã mừng ra mặt. Nhân vật trong phim thì có luôn rồi nhưng liệu ngay lúc này nghệ nhân Giàng Seo Gà có thực hiện những yêu cầu không?
Đang phân vân thì Giàng Seo Gà lên tiếng “Tôi đang vui đấy. Có quay luôn không?”. Ôi trời, được lời như cởi tấm lòng chúng tôi hồ hởi bắt tay ngay vào việc. Ngoài kia là một không gian loáng thoáng hơi sương, bóng những cây thông mờ ảo, quả là một “phim trường” lý tưởng cho cuộc ghi hình. Tôi ra hiệu bắt đầu, nghệ nhân Giàng Seo Gà vừa đi vừa ngậm vào ống thổi của chiếc khèn. Tiếng khèn cất lên rủ rê. Ông bước tới giữa khoảnh sân trước nhà thì dừng lại. Người ông hơi cúi về phía trước, hai tay ôm bẹ khèn, chân phải làm trụ vừa thổi khèn vừa quay vòng từ trái sang phải. Hai chân ông nhún nhún và hai tay lắc khèn sang phải sang trái. Hết động tác ấy Giàng Seo Gà trở về tư thế đứng thẳng, cầm khèn về tay phải nhẩy người lên hơi cao khỏi mặt đất, giơ lòng bàn chân trái co về phía sau chạm vào khèn. Rồi ông chuyển tay trái cầm khèn nhẩy, giơ lòng bàn chân phải co về phía sau cho chạm khèn vào chân. Cứ như vậy, nghệ nhân Giàng Seo Gà trình diễn bài múa khèn rất điệu nghệ. (Tôi chợt thầm ao ước: Giá mà lúc này có một cô gái Mông váy hoa rực rỡ, hai má đỏ hồng, tay xoay xoay chiếc ô cùng bước vào nhịp múa thì còn gì bằng).
"Hỡi nàng ơi
Hôm nay anh không ý tứ để làm đau lòng nàng
Nhưng vì một mình anh nay băng qua rừng qua núi
Anh thổ lộ tình anh qua tiếng sáo
Như con chim dì linh hót trên rừng
Mong các cô các nàng đừng lay lòng, đau dạ vì tiếng sáo này".
Nghệ nhân Giàng Seo Gà đâu chỉ thổi khèn, nói chính xác thì là cây khèn đang cất lên câu hát tâm tình, câu hát gửi trao, câu hát giãi bầy. Hệt như ông đang dìu người nghe vào một không gian nghệ thuật. Thảo nào đã là con trai người Mông thì ai ai cũng biết thổi khèn. Đó có phải là thứ “vũ khí” để họ chinh phục những bóng hồng xứ núi?
***
Tiếng khèn cất lên xua tan cái lạnh cuối xuân. Trước mắt tôi bây giờ là một chàng trai Mông hừng hực nhựa xuân đang bày tỏ tâm tình của mình với một người con gái. Tiếng khèn ngân nga những lời ân ái nhưng cũng đầy mê hoặc. Tôi lầm nhầm “Thiên hạ đã đồn đại thì không chệch đi đâu được”. Tôi mạnh dạn hỏi thẳng “Nghe nói hồi trẻ Giàng Seo Gà có lần được một cô xinh lắm kéo tay về nhà có đúng không? Người ta bảo Giàng Seo Gà suýt nữa thì bị “bắt chồng” vì… vì thổi sáo quá hay?”. Nghệ nhân Giàng Seo Gà cười ngường ngượng, mặt ông đỏ lên như người vừa uống xong bát rượu “Chuyện ấy lâu rồi. Mà cũng có nên cơm cháo gì đâu”. Thì ra chuyện ấy là có thật, một bữa Giàng Seo Gà được mời đi thổi sáo ở xã bên. Anh trai Mông vừa thổi xong một bài sáo thì bất ngờ có một cô gái trẻ lại gần và rất nhanh cô kéo tay anh lôi tuột về nhà. Về tới nhà của cô gái Giàng Seo Gà mới biết tên cô là Sùng Thị Mẩu. Sùng Thị Mẩu là một thiếu nữ xinh đẹp, con nhà khá giả trong bản. Tôi được đà hỏi tiếp “Sao hai người đẹp đôi thế mà không nên cơm cháo gì?”. Giàng Seo Gà cúi đầu “Mình có vợ rồi mà”. Chuyện không đến đâu vào đâu nhưng đó là kỷ niệm vui với cây sáo.
***
Sinh ra ở xã Hầu Thào huyện Sa Pa, ngay từ nhỏ Giàng Seo Gà đã lớn lên bên tiếng khèn tiếng sáo Mông mê hoặc. Tư chất thông minh, cộng với niềm đam mê cháy bỏng nên Giàng Seo Gà nhanh chóng “làm chủ” cây khèn. Khắp bản Mông xa, khắp bản Mông gần đều nói “Chàng trai Mông nào thổi khèn giỏi thì chàng trai đó sẽ có mọi thứ”. Có mọi thứ gì thì chưa biết nhưng đúng là trong những ước muốn của mình thì chú bé Giàng Seo Gà luôn chỉ có một ước mình là mình sẽ có được một chiếc khèn thực sự nhưng do nhà nghèo không có tiền để sắm nên cậu bé người Mông này phải sớm đi dạy thổi khèn trong bản. Dạy mãi cũng chẳng đủ tiền “sắm” khèn cho riêng mình nên chú bé Giàng Seo Gà chuyển sang chơi sáo.
“Và chính cây sáo Mông đã làm nên câu chuyện “tình lỡ” rất thi vị”. Tôi nhìn thẳng vào mặt Giàng Seo Gà để khẳng định. Một cái gật đầu vui vui. Tôi lại hỏi “Thú thực tôi cũng chưa hiểu vì sao cây sáo Mông lại có sức hấp dẫn con gái đến vậy?”. Nghệ nhân Giàng Seo Gà chợt tư lự. Hình như ông đang trở lại với những hồi ức tuổi thanh xuân? Lâu sau ông mới thong thả giải thích, câu giải thích lại chẳng ăn nhập gì với suy nghĩ kiểu áp đặt của tôi, Giàng Seo Gà cho biết “Cây sáo của chúng tôi mà người Kinh gọi là sáo Mông nhưng thực ra với người Mông thì lại gọi đó là sáo lưỡi”. “Sáo lưỡi?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại. Nghệ nhân Giàng Seo Gà không giải thích mà chậm rãi nói “Cây sáo “lưỡi” với chàng trai người Mông có khi còn hơn cả bạn tình. Lúc lên nương tỉa bắp, khi xuống núi đi chợ xuân, cây sáo luôn được mang theo trong người như một kỷ vật. Nhưng có một thứ quý hơn cả sáo “lưỡi”, đó là truyền thuyết ngàn xưa của người Mông ở Sa Pa kể lại: Sáo lưỡi được coi là linh hồn của người Mông”.
Ra thế, chàng trai trẻ có tên là Giàng Seo Gà một khi đã thổi “sáo lưỡi” thì được rất nhiều người yêu, một kiểu yêu như nhuốm bùa mê, lá ngải chỉ vì phải lòng tiếng sáo tình? Tôi được thể bèn khai thác thêm “Thế từ độ cô Mẩu đến giờ đã có bao nhiêu cô “táo tợn” chạy đên kéo tay về nhà đòi bắt làm chồng như thế rồi?”. Nghệ nhân Giàng Seo Gà chỉ cười rồi im lăng. Nhưng trong sự lặng im ấy tôi đã hiểu “tình yêu của ông cũng như tình yêu của người Mông, nó rất kín đáo, ông đã ở tuổi ngoài năm mươi, cũng không muốn làm đau đớn, hay đổ vỡ thêm một trái tim tội tình nào”.
“Đêm Sa Pa lửa cháy đượm hơi men
cháy hồng mặt lũ con trai
cháy mọng môi bầy con gái
lời khèn có tiếng cây tiếng suối
chắc đêm nay có người lạc lối không về
***
Nghệ nhân Giàng Seo Gà đa hoàn thành công việc của đoàn làm phim đề ra. Thật đúng như “bắt được vàng”, tôi giãn mặt hỉ hả nhưng chợt xịu lại vì nhớ ra là lúc ghi hình do vội quá mà quên không cắm dây thu âm tiếng khèn. Biết làm sao đây? Bảo Giàng Seo Gà làm lại thì thật không tiện. Đang lúc bối rối thì Giàng Seo Gà chậm rãi nói “Tôi có đĩa DVD mà. Đi theo tôi ra chợ tôi đi lấy cho”. Mừng lại thêm mừng. Nghệ nhân Giàng Seo Gà dẫn tôi ra chợ Sa Pa. Hóa ra gia đình ông có sạp tạp hóa ở đó. Chỉ tay vào một người đàn bà Mông dáng đẫy đà đang cười cười chào khách, Giàng Seo Gà thật thà “Chỉ có mỗi bà này là bỏ bạn bỏ bè theo về nhà tôi từ năm bà ấy mới mười tuổi đến giờ (cười) còn tôi năm đó cũng mới mười một tuổi”. Rồi nghệ nhân Giàng Seo Gà lại đỏ mặt phân trần “Thiên hạ cứ đồn đại thế chứ mình chỉ biết… biết thổi khèn thổi sáo thôi”.
Nghệ nhân Giàng Seo Gà là hội viên: Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Ông là tác giả của nhiều đề tài nghiên cứu về văn hóa người Mông Sa Pa, như: "Tang ca", "Sưu tầm lưu giữ các làn điệu dân ca nhảy múa”… và sưu tầm được một số làn điệu dân ca, dân vũ như: Dân ca Mông lềnh, Mông puô, Mông đu, Mông trắng; nhảy tết, múa khèn, múa giã lanh… Ông còn tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quốc nhiều lần, giành được 5 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc.
Theo bản tác giả gửi tặng báo Người xứ Nghệ Kiev
|