Nhạc sĩ Thế Duy biểu diễn trước công chúng yêu nhạc
“Ngày xưa, tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ/ Tóc em dài như gió mùa thu/ Ngày xưa, khi hoa sữa thơm ven mặt hồ/ Theo năm tháng em lớn từng ngày/ Những kỷ niệm không bao giờ phai”
Nhạc sĩ Thế Duy nhớ lại: Đó là một đêm cuối thu. Gió thu thoảng đưa hương hoa sữa từ hồ Thiền Quang tới. Trong khung cảnh rất dễ chạnh lòng ấy chàng trai Nguyễn Thế Duy vừa bước vào tuổi “băm” bỗng thấy đơn côi. Tối hôm đó anh và các bạn đã có với nhau một buổi tối đầm ấm và chan hòa tiếng hát.
Thời những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi trở về trước đời sống âm nhạc Thủ đô nói riêng, đời sống văn hóa văn nghệ cả nước nói chung còn hạn chế và cũng khá đơn giản. Thiếu chỗ vui chơi, thiếu nơi hàn huyên nên những người trẻ đã tụ tập nhau khi thì ở nhà một ai đó, lúc thì ở một góc vườn hoa nào đó. Căn nhà số 47 mà gia đình Nguyễn Thế Duy sinh sống tuy nằm ẩn khuất dưới tán bàng phủ che trên phố Triệu Việt Vương nhưng lại khá bao dung. Thời đó Thế Duy cùng bạn bè, người ôm ghi ta, kẻ vỗ tay bắt nhịp, lại còn có người sáng kiến hơn là gõ đũa tre vào bát sứ vào thau đồng giả như tiếng trống. Thế thôi mà vui, những bài hát Liên Xô như Đôi bờ, Chiều Mạc Tư Khoa hay Ca Chiu Sa hòa ùa với Thiên thai, Suối mơ hoặc Gửi người em gái, Gửi gió cho mây ngàn bay, Lá đổ muôn chiều hay Tà áo xanh… những bài hát của Văn Cao, của Đoàn Chuẩn một thời lừng lẫy, một thời “ngự” trong bao trái tim. Hát và vui hát chính là “bản tính” của thanh niên Hà thành hồi đó.
Đêm ấy sau khi “câu lạc bộ” tan trò, Thế Duy đưa tiễn các bạn ra về. Anh ngồi lại một mình trong căn gác ngoảnh mặt trông xuống phố mà bỗng thấy lòng nao nao. Một chút nuối tiếc ùa về xâm chiếm tâm hồn. Thế Duy cầm cây đàn ghi ta lên. Anh cúi đầu ngẫm ngợi. Từ rất xa, rất xa, giai điệu niệm hoài cùng những lời ca mượt tựa như câu thơ nhẹ nhàng “bước vào” khuôn nhạc, Thế Duy khe khẽ hát “Và khi một ngày xuân em trở thành thiếu nữ/ Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ/ Khi tôi đã biết yêu lần đầu/ Tôi đã nói yêu em trọn đời”
Cũng một ngày cuối thu nhưng là cuối thu của năm 2018, tôi tìm đến ngôi nhà số 47. Bỏ qua câu mời “ngọt lịm” của cô nhân viên quán Cà phê ở tầng 1, tôi đi vào ngõ nhỏ bên cạnh. Từng bước từng bước chân đặt lên cầu thang gỗ tôi như được “cảm nhận” cái cảm giác chống chếnh của hơn ba mươi năm trước. Hôm nay nhạc sĩ Thế Duy có nhà. Anh nghe tiếng gọi liền đi ra đón khách. Tôi hỏi luôn sau khi chỉ vừa hạ người ngồi xuống ghế “Anh nói thật đi. Cô ấy là cô nào?”. Nhạc sĩ Thế Duy cười từ tốn, tính anh là thế, từ tốn và nho nhã như một nho sinh.
Thế mà chuyện là có thật mới hay chứ. Nhạc sĩ Thế Duy cởi lòng “Hồi đó tôi mới 21, 22 tuổi trong một lần dự sinh nhật một người bạn anh đã gặp Hà” (Ờ mà con gái Hà Nội mười cô thì có tới tám cô tên là Hà). Hà để tóc dài chảy suôn qua eo, con gái Phố Huế có khác, tuy ít nói nhưng gương mặt của Hà rất chi là “hút hồn”. Chàng trai Thế Duy dường như “cảm” ngay mà cũng thật hay cô Hà cũng “cảm” chàng trai có dáng người thanh mảnh, giọng nói ấm êm, đàn hay hát giỏi. Họ yêu nhau như lẽ dĩ nhiên.
Tôi vội ngắt lời “Rồi chuyện ra sao?”. Nhạc sĩ Thế Duy buồn buồn “Chỉ tại hổi ấy tôi còn quá trẻ. Quá trẻ nên không giữ được Hà”. Thảo nào, tôi nghĩ thầm trong bụng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, thảo nào khôn khuây để rồi đúng mười năm sau ngày “biết yêu lần đầu” ấy anh “thổn thức” tự hỏi “Không ai hiểu vì sao tình yêu tan vỡ/ Như hoa ven mặt hồ tàn theo gió mùa thu”. Lời lòng da diết đã cất lên thành ca khúc “Mối tình đầu”. Bài hát ra đời và ngay lập tức được đón nhận, được truyền lan qua năm tháng (chương trình “Giai điệu tự hào” của VTV1 phát tháng 11 vừa rồi đã chọn làm bài hát này để mở đầu cho chương trình). Một bài hát thật thà đến nỗi ngay cả tôi, tôi cũng mơ mơ là hình như có chuyện tình của mình ở đó.
Quê gốc ở một làng ven thị xã Bắc Ninh. Cái làng quê nghe dào dạt tiếng nước sông Cầu vỗ vỗ mạn bờ, cái làng quê nghe thắm đượm câu quan họ dìu dặt “người ở người đi” ấy dường như đã “gieo” vào tâm hồn người trai Nguyễn Thế Duy những xúc cảm nghệ thuật. Kế thừa “gen” hội họa của người cha là họa sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Thế Khang (họa sĩ Nguyễn Thế Khang thông thạo 3 ngoại ngữ Anh, Pháp và Trung Quốc, cụ có bức đại cảnh sơn dầu “Phố phường Thăng Long” dài 21 mét được trưng bày ở Triển lãm Giảng Võ năm 2000, dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội) nên sau khi học xong cấp 3 năm 1974 cậu Thế Duy vào học hệ trung cấp trường Mỹ thuật công nghiệp. Ra trường khi mới hai mươi tuổi, cái tuổi sôi nổi và đôi chút bồng bột ấy đã không giữ chân “anh nhân viên phòng tuyên truyền” Viện Mắt trung ương được bao lâu. Thực ra như sau này Thế Duy tâm sự “Tôi thấy chán công việc kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động nên xin thôi việc”. Xin thôi việc ở nhà theo cha vẽ tranh kiếm sống và học lên đại học. Tốt nghiệp Khoa thiết kế đồ họa trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1983 nhưng họa sĩ Thế Duy vẫn “ương ương”, anh thích “tự do” để vẽ, để chơi đàn, để viết bài hát và để hát cho mọi người cùng chung vui.
Tôi hỏi “Mà anh học nhạc thế nào nhỉ?”. Nhạc sĩ Thế Duy bấy giờ mới kể “Hội họa thì tôi được học đàng hoàng chứ âm nhạc thì “amatơ” thôi. Tôi học thày Bảo Lâm trên phố Hai Bà Trưng, thày Bảo Lâm chuyên ghi ta cổ điển, cùng lứa với thày Văn Phúc, thày Hải Thoại những “tay” ghi ta nổi tiếng Hà thành”. Lạ chưa kìa, cũng như người cha Nguyễn Thế Khang chỉ là nhân viên Sở Bưu điện Hà Nội, thày Bảo Lâm cũng chỉ là dân nghệ tay ngang, thày tuy là kiến trúc sư nhưng chơi đàn tuyệt đỉnh và dạy ghi ta cho học trò theo kiểu “ai yêu thì đến chứ không mở trường”. Mãi sau này Thế Duy có theo học một lớp gọi là “bồi dưỡng sáng tác âm nhạc” do Hội văn nghệ Hà Nội mở. Lớp ấy do nhạc sĩ Phạm Tuyên làm chủ nhiệm và có những “học trò vang danh” như Trương Quý Hải, Lê Vinh, Thế Hùng... Anh trở thành Hội viên ngành âm nhạc của Hội Văn nghệ Hà Nội sau khi nhận giải B (không có giải A) trao cho ca khúc “Mối tình đầu” giai đoạn 1991 – 1996.
“Vậy vẽ là chính hay nhạc là chính đây?” tôi hỏi khi biết “cái nhà ông” này “tay cầm đàn tay cầm cọ” một kiểu “song kiếm hợp bích”. Nhạc sĩ Thế Duy lại từ tốn “Cọ là nghề được học còn đàn là nghiệp mà anh”. Vậy đấy, ở anh thì việc vẽ tranh nuôi âm nhạc đúng là một sự kết hợp khéo léo. Không làm việc cho một cơ quan nào, không có chân ở một đoàn nghệ thuật nào nhưng cứ hễ rảnh rang là Thế Duy xách cây đàn lên. Người ta lúc thì gặp anh đang say sưa đàn hát ở Câu lạc bộ âm nhạc Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội chỗ ca sĩ Quỳnh Hoa làm chủ nhiệm. Khi lại thấy anh ôm đàn nhiệt tình hát cùng với các bạn nghệ sĩ Hàn Quốc hay Nhật Bản bữa anh được sang bên đó giao lưu nghệ thuật. Cũng có lần người ta lại thấy anh đứng hát hết bài này qua bài khác ở sân trường cấp 3 Thanh Oai B, mái trường anh đã theo học hồi sơ tán máy bay giặc Mỹ.
Sáng nay hơi lạnh, chút lạnh đầu đông chỉ vừa đủ làm hồng đôi má thiếu nữ, chút lạnh đầu đông gợi niềm xao xuyến. Ngừng tay cọ nhạc sĩ Thế Duy, ờ mà phải gọi là họa sĩ – nhà điêu khắc Thế Duy mới đúng chứ (anh từng có tác phẩm tham dự triển lãm “tranh tượng hiện đại” cùng nhiều đóng góp vào hoạt động mỹ thuật Thủ đô những năm 1990 – 2005), nghiêng đầu ngắm nghía. Tôi liếc mắt ghé nhìn, vẫn là những góc phố dịu dàng với hình ảnh tà áo dài thướt tha lướt gió. Vẽ phố phường Hà Nội vẫn là “cái tạng” của anh cũng như “cái tạng” âm nhạc của anh là dịu dàng, đắm đuối.
Rồi Thế Duy với tay lấy cây đàn ghi ta mà anh luôn dựng nó bên cạnh giá vẽ. Sau đôi phút lên dây đàn anh cất lên tiếng hát “Người em gái ấy đi bên Hồ Gươm/ Mang theo hương sắc xuân về thành phố/ Cho tôi một chút mơ màng chiều nay/ Mặt Hồ Gươm xanh trong/ Dòng người đi bâng khuâng/ Như làn mây mái tóc em nhẹ bay.”.Ôi, chẳng thể quên “mái tóc” nhưng bài hát hôm nay nghe đã phấn chấn hơn. Tôi đùa “Gửi người em gái chưa quen” chắc chỉ là cách nói tránh đi chứ như anh “Tôi đã hứa yêu em trọn đời” rồi kia mà”. Thế mới biết “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/ Ngàn năm hồ dễ đã ai quên”.
Theo bản tác giả gửi tặng Báo Người xứ Nghệ Kiev
|