Nhà thơ Nguyễn Khôi tâm sự "Nguyễn Khôi rất vui được cộng tác với các bạn Nghệ Tĩnh ở Kiev.
Xin gửi toàn văn cuốn "Sơn La ký sự" để các bạn tùy ý sử dụng, gọi là chút tình chia sẻ
với những người con xa xứ thân yêu"
BBT Nguoixunghekiev.vn xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả: Tác giả và Tác phẩm
- Sinh năm 1938
- Quê quán : Đình Bảng - Huyện Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh
- Hội Viên :
Hội Nhà Văn Hà Nội
Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội
Hôi Dân tộc học Việt Nam
- Ủy viên BCH Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam
- Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó Vụ Trưởng Vụ Dân Tộc Văn Phòng Quốc Hội
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :
- Trai Đình Bảng (thơ) 1995,2000
- Gửi Mường bản xa xăm (thơ) 1998
- Trưa rừng ấy (thơ) 2005
- Bắc Ninh thi thoại (khảo cứu) 1997,2000,2004
- Cổ pháp cố sự (tùy bút) 2003
- Xứ Thái mù sương (tùy bút) 2001
- Tiễn dặn người yêu, Khun Lù Nàng Ủa, Út Ơ về Kinh, Ỳ Nọong-Nàng xưa, Tiếng hát làm dâu... (dịch-chuyển thể) 1996,2003 ....
- ...........................
TÁC PHẨM ĐÃ ĐĂNG TẢI TRÊN VIỆT VĂN MỚI
NGUYỄN KHÔI
SƠN LA KÝ SỰ
(Ghi chép về Bản cũ, Mường xưa)
LỜI THƯA
Khoảng thời gian từ 1955 - 1975 thì 18 Châu Mường (huyện miền núi) phía Tây bắc Việt Nam là khu tự trị Thái Mèo, sau đổi là khu tự trị Tây Bắc. Tổ chức Nhà nước VNDCCH trên Trung ương là chính phủ ở Thủ đô Hà Nội, dưới là khu hay tỉnh rồi tới huyện, xã, thôn (bản). Thời đó chính quyền cơ sở (chiềng - xã) còn rất yếu: Chủ tịch xã, trưởng bản phần lớn nói tiếng phổ thông (kinh) còn chưa thông, mới võ vẽ đọc thông viết thạo…Để giúp cơ sở hoạt động có hiệu lực thì cấp tỉnh, huyện thường cử cán bộ xuống giúp xã “chỉ đạo” (kiểu cố vấn, trợ lý) gọi là “cán bộ phụ trách xã”, nôm na là “cán bộ cắm bản”, thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân bản).
NK tôi sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp lên Sơn La công tác (1963-1984) ở Ty Nông nghiệp, rồi Ban nông nghiệp tỉnh ủy nên đã có nhiều đợt làm “cán bộ cắm bản”, để lại nhiều kỷ niệm không thể phai mờ…Nay đã ngót 40 năm, xin ghi lại đôi dòng hồi ức “cắm bản” ghi chép về Bản cũ, Mường xưa.
Hà Nội, 28-2-2004
Nguyễn Khôi
Bài 1:
BẢN QUÊ YÊU DẤU
“Mười yêu không bằng người tình cũ
Mười nhớ không bằng nhớ bản xưa”
Thôn bản là hình ảnh thu nhỏ của xứ sở. Bản (làng) dân tộc Thái đầu tiên khi tôi đến ở là bản Nà Nghiu bên bờ sông Mã (thượng nguồn). Tiếng Thái có nghĩa là “bãi cây gạo”. Đó là mấy chục ngôi nhà sàn (gỗ, tre, nứa, gianh), mái hình mai Rùa, ở 2 đầu hồi có 2 tia “khau cút” (hoa nhà) sơn vôi, kẻ hoa văn đen như 2 cánh chim đang vẫy bay lên rất điệu đàng và rất bản sắc, không ở đâu có ngoài Tây Bắc Việt Nam.
Bản Thái, theo truyền thống thiên di từ vùng “xíp xoong păn na” (Vân Nam) sang đây đã trên 10 thế kỷ, theo “Quắm tố mướng” thì bà con “Thái tộc” thời ấy phải đi luồn rừng như con Don, con Dím để tránh cường hào và ác bá Hán tộc và sợ các quan Đại Việt không cho ở nhập cư…Dấu vết “đi đêm” để nhận ra nhau đồng tộc là cái “hoa nhà” (Khau cút) và cái hình mặt trăng lưỡi liềm nơi cửa sổ (đặc trưng của nhà sàn Thái). Bản Thái phổ cập 20 - 30 nhà, 50 - 70 nhà tùy theo số ruộng và nguồn nước để sinh sống. Bản thường chiếm vị trí đặc trí đứng lưng chừng núi (đồi) để tựa lưng một cách vững chắc, tập quán cư trú “hua mun đin, tin mun nậm” (đầu gối đất, chân đạp nước), phía trên là đỉnh núi, chỏm rừng nơi có nguồn nước (thượng nguồn) chảy về (theo máng) rót vào từng nhà, nơi đỉnh có rừng cây mây ủ tiếp với “Mường trời” (cõi linh thiêng), che chở cho bản làng. Dưới chân bản thường là sông, suối, cánh đồng…địa điểm bản thuận tiện cho canh tác (lúa nước, nương rẫy, săn bắt, hái lượm), kinh tế nông nghiệp dựa vào tự nhiên khá hoàn thiện.
Bản Thái: nhà nhà xếp hàng ngang, từ thấp lên cao, quay quần theo dòng họ (thường có ba đến bốn họ: Lò, Cầm, Quàng, Cà…) tắt lửa tối đèn có nhau, chỉ cần ai đó săn được 1 con thú nhỏ (con hoẵng, đơm được vài con cá to, là tối đó cả Bản lại ngất ngư chén “lẩu xiêu” (rượu cất) bên bếp lửa, hát “khắp” (Tản chụ, xiết xương) đến thâu đêm.
Làng người Kinh là nằm trong lũy tre xanh, trung tâm là ngôi Đình với cây đa bến nước, ao làng. Bản Thái không có cổng, lối vào tứ phía…trung tâm bản thường là “nhà Trường bản” (trưởng thôn) liền đó có ngôi nhà đất, gianh tre vừa làm lớp mẫu giáo vỡ lòng, dạy chữ Thái cho trẻ con (trước khi vào lớp 1 phổ thông) coi như “nhà văn hóa” nơi hội họp của bản.
Sinh hoạt cộng đồng bản: quan trọng nhất là tổ chức sản xuất rồi đến sinh hoạt văn hóa (cúng bái, lễ hội). Trưởng bản thường kiêm tổ trưởng sản xuất hoặc chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp (ở quy mô nhỏ).
Sáng ra (vào thời điểm tháng 6/mùa hè) khi gà gáy sáng, ngựa trong tàu (hí) “chàng lụ khươi” (trai ở rể) dậy sớm mài dao cho cả nhà; anh chủ nhà dậy xem trâu xem ngựa; chị chủ nhà bồng con đang bú sang cho mẹ ôm ru ngủ, rồi đi xôi lại chõ cơm xôi…xong bốc chia vào từng “cóm khẩu” (giỏ xôi nhỏ) “ép khẩu” (giỏ xôi lớn).
Khoảng 5 giờ tinh mơ “tiếng trống đi làm vang gốc núi” từ nhà Trưởng bản (tổ trưởng hay chủ nhiệm) đánh 3 hồi dài, kết thúc bằng 3 tiếng nhằm gọi mọi người lao động (như đã phân công) hôm nay lên núi Pu Luông làm cỏ lúa nương, ngô nương. Anh chủ nhà dắt ngựa đi đầu, kéo theo một đoàn trên 10 lao động chính (cả nam lẫn nữ) nối đuôi nhau trên con đường mòn men theo các sườn núi “Khửn Pu “Khửn Pu….” Đi hơn 2 tiếng đồng hồ, mặt trời đã ló phía chân núi đằng đông, dòng sông Mã trông chỉ bằng chiếc đũa là tới những vạt nương rộng, lúa ngô đã lên trên đầu gối tới ngang ngực (đứng cái)…ai nấy: Nam thì phát cây dại, nữ thì cào cỏ nương bằng các cái “chóp”…khí trời mát mẻ, chim hót véo von ở rừng bên, cây cối xanh tươi mơn mởn…khoảng 11 giờ trưa, nắng oi oi, trời đứng bóng, nương rẫy dọn cỏ xem ra đã sạch tinh tươm…tất cả lùi sang lán bìa rừng (lều nương): để phòng mưa nắng, nghỉ ngơi, ăn trưa cơm xôi chấm muối ớt (món chéo) cùng ít rau xôi đem từ nhà, ít thịt khô, cá ướp…cơm ép khẩu phần nhà nào nhà nấy ăn, cũng có phần san sẻ…vui vẻ, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Cơm xong cánh nam làm điếu thuốc Lào rồi ngả lưng chợp mắt, cánh nữ thì tranh thủ đan lát, khâu vá hoặc vào bìa rừng kiếm củi, kiếm rau lợn, rau rừng. Từ 1 - 3 giờ thu vén và thu quân “mã hồi”.
Về tới bản, cánh chị em chưa kịp lên nhà đã ra mó nước “kẻ xuộng xựa” (cởi váy áo) ào ào tắm rửa…cánh đàn ông đem lưới ra sông vây bắt cá.
Cuối chiều: Chị chủ nhà tắm rửa cho con, rồi lo cho lợn gà ăn, cô em gái ra sông suối hái bon (rau) xúc ốc, chàng rể tắm cho ngựa. Chập tối một lúc 7 - 8 giờ tối cả nhà quây quần bên mâm cơm, thường là món cá nướng (pa mốc, pa pịnh) thơm ngon, canh bon nấu ốc hay canh cá nấu măng chua. Ăn xong, bên bếp lửa: cánh đàn ông đan lát, vá lưới, cánh đàn bà dệt vải, chàng rể ra sông “quăng chài” hoặc đơm “đó”, lũ lợn gà ăn no ngủ kỹ…mọi thành viên trong gia đình ai nấy về “buồng nằm” của mình đánh giấc…Từ khoảng 10 - 11 giờ đêm cả bản đã ngủ yên thì cánh trai tơ ở các bản bên “pay ỉn sao” (chơi gái) đem tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn Tính đến “chọc sàn” thức các cô gái tơ (sao) dậy, để “tìm hiểu” bằng các cuộc hát giao duyên bên sàn (phía đầu chan) hay ra sàn “Hạn Khuống” mé rìa bản tình tự thâu đêm.
“Chào bản quê thân yêu
Nắng mở cửa nhà sàn rộng thêm
Cho gái lớn xuống thang sang làm dâu Mường khác
Suối chỉ chảy một dòng
Xuống núi..
Chao, tôi chưa về thăm bản ngày xưa
Nơi tôi ra đời bên bếp lửa
Mẹ cắt rốn bằng con dao nứa
Cha ru bằng Tản Chụ Xiết Xương
Chị tóc mây “tằng cẩu” kết hôn
Anh lớn lên: anh đi ra trận…
Tôi lớn lên, tôi xuống núi đi xa
Mẹ cha mất, ngày về mồ đã cỏ…”
(Theo La Quán Miên).
Chao, hồn quê ở xuôi là cây đa rợp bóng sân đình, còn hồn ở bản quê yêu dấu là cái Khau cút (hoa nhà) để ai đó đi lâu trở về từ xa đã nhìn thấy nó như những cánh chim bay lên mừng vui chào đón đứa con tha hương còn nhớ trở về.
28/2/2012̣
(Còn tiếp)
|