Thứ Sáu, 21/12/2018
Ảnh minh họa - nguồn Internet
Thế là tôi đã xa quê hơn nửa thế kỷ để sống với Hà Thành. Có thể nói, mọi đường ngang ngõ tắt cùng phong tục tập quán của đất kinh kỳ tôi không còn xa lạ. Dễ hiểu thôi, năm mươi năm chẳng phải ngắn ngủi đối với một đời người, bởi quãng thời gian đó đủ để biến một đứa trẻ lọt lòng mẹ có thể lên bậc ông, bậc bà. Vâng, qua hơn hai phần ba quãng đời đã sống, tôi đã dành cho Hà Nội, hay nói chính xác hơn, số phận đã xịch tôi đến với Hà Nội và ở lại đấy dài lâu. Nhưng tôi không bao giờ nhận Hà Nội là quê hương thứ hai của mình như có một số người quen nói, bởi lẽ, quê hương chỉ có một và với tôi, đấy là một làng quê khá hẻo lánh ở một vùng bán sơn địa của tỉnh Nghệ An. Không ai tự chọn được mẹ cho mình, và cũng như thế đối với quê hương. Nếu anh có ý thức chọn quê thì giỏi lắm cũng chỉ chọn được quê cho con cháu của anh, chứ với anh, quê hương là tiền định.
Mỗi vùng quê có một giọng quê đặc trưng. Có người nói rằng giọng quê do nguồn nước của dòng sông và mạch giếng quyết định. Tôi nghĩ rằng, nếu nguồn nước có ảnh hưởng đến giọng quê thì đó cũng chưa phải là "tham số" quyết định, bởi có khi hai làng gần kề nhau, ăn chung một nguồn nước nhưng giọng nói hoàn toàn khác nhau. Có lẽ yếu tố quyết định giọng nói của hai làng đó là do những người tạo lập nên làng đó đem giọng nói từ những vùng quê khác nhau về đây và truyền đời cho con cháu. Môi trường âm thanh và điều kiện sống có ảnh hưởng không nhỏ tới giọng nói. Người vùng biển suốt ngày vật lộn với sóng to, gió lớn không thể có giọng nói nhẹ nhàng của các cô gái chốn lầu son. Người quê tôi quanh năm tất bật làm ăn, tâm lực dồn vào cuộc mưu sinh trong nắng lửa và tiếng gào réo của những trận lụt lội triền miên, thì ngôn ngữ hàng ngày mục đích chính là truyền đạt thông tin nên thường ngắn gọn có khi dẫn tới cộc lốc. Hoàn cảnh ấy kéo dài hàng trăm, hàng ngàn năm thì mới hình thành một chất giọng trầm thô, mộc mạc khó lẫn với những vùng quê khác. Tôi không bao giờ thiên vị đến mức cho rằng giọng quê mình là tuyệt hảo, cũng như tôi không bao giờ nghĩ rằng mẹ của mình là hoàn hảo nhất trong mọi người mẹ trên đời, nhưng tôi yêu mẹ tôi hết mình, cũng như yêu giọng quê tôi hết mình là một thực tế. Có người bạn khá thân hỏi rằng tại sao tôi học ngoại ngữ thì khá, mà “nội ngữ "lại kém đến nỗi nửa thế kỷ không nói nổi giọng người Hà Nội!
Nửa thế kỷ không nói nổi giọng Hà Nội? Với tôi, đúng thế. Công việc mà một đứa trẻ chỉ vài ba năm có thể hoàn tất ấy mà tôi vật lộn trong năm chục năm không làm nổi hay sao? Không hoàn toàn như vậy. Còn từ nào của người Hà Nội mà tôi không hiểu được, không nói được đâu! Nhưng tôi nói chúng theo giọng của tôi vốn có, cái giọng vốn hẹp biên độ giữa các âm sắc.Tôi không đổi giọng bởi tôi hiểu người quê tôi không thích những ai vừa ra khỏi ngõ đã để phôi pha những gì thuộc về gốc gác quê hương. Câu thành ngữ "chửi cha không bằng pha tiếng" luôn thường trực trong tôi, nhắc tôi gìn giữ giọng quê vốn có. Mà đâu chỉ có thành ngữ đó, biết bao câu chuyện do người quê tôi đặt ra để chế diễu những kẻ sớm quên tiếng quê của mình, mang về quê hương giọng nói của những vùng quê khác.
Giọng quê mang bản sắc một vùng quê. Thời gian gần đây ta thường nghe nói nhiều đến bản sắc dân tộc, hoà nhập không hoà tan… nhưng ít nghe nói đến bản sắc những vùng quê, một yếu tố quan trọng làm nên bản sắc dân tộc. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, ngoài số người dân Hà Nội gốc, đấy là nơi sinh sống, làm việc của hàng triệu người đến từ nhiều địa phương khác nhau, tất nhiên tụ hội giọng nói của trăm miền, điều này làm cho ngôn ngữ Thủ đô thêm phong phú. Có lẽ cũng nên phân biệt tiếng Hà Nội với tiếng Thủ đô để ai đó khỏi bực mình vô cớ khi nghe một người dân Thủ đô không nói giọng Hà Nội. Nghe giọng nói của từng người, có thể nhận ra quê gốc của họ. Bởi thế, ai bỏ giọng nói của quê mình tức là tự nguyện từ bỏ cái quyền đại diện của quê hương ở Thủ đô, ít nhất về mặt ngôn ngữ.
Ông Hạ Tri Chương, một nhà thơ Trung Quốc đời Đường khi tuổi già về thăm quê có làm một bài thơ tứ tuyệt thật hay, mở đầu bằng hai câu:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi…
được dịch là:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao…
Ông có buồn, nhưng đó là buồn cho tuổi già, tóc bạc lạc lõng giữa quê hương, chứ không hề buồn vì không đổi giọng quê, ngược lại hình như ông tự hào bởi "giọng quê vẫn thế".
Cám ơn ông đã nói hộ nỗi lòng của biết bao đứa con phải sống xa quê, mà vẫn giữ nguyên giọng quê đến tận ngày mái đầu ngả bạc…
Vương Trọng
|