Thứ Bảy, 10/11/2018
Nhà thơ Giáng Vân nổi danh với bài thơ “Yên tĩnh” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Đâu phải bởi mùa thu”. Những câu thơ được viết ngay trên công trường trên sông Đà hồi đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước đã gây ngạc nhiên bởi sự lạ trong cách chị lập tứ “Mặt trời trưa đã quá đỉnh đầu/ Vách đá chắn ngang điều muốn nói/ Em ru gì cho đá núi/ Đá núi trụi trần vết tạc của thời gian”
Nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân đang vẽ tranh
Gặp Giáng Vân dịp thu năm 2018 lại cứ ngỡ như đang gặp chị trong một đêm cuối thu của năm 1990. Tối đó trên sảnh tầng 2 Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội (bữa đó có chương trình biểu diễn nghệ thuật nên người lui kẻ tới cứ gọi là nườm nượp) có một người đàn bà “ba mươi tuổi như trăng từ viễn xứ” dáng nhỏ bé, cặp kính cận dầy cộp, đứng lút người sau chiếc bàn kê ngay đầu lối cầu thang lên sảnh. Tôi lại gần và nhận ra la liệt trên mặt bàn đó là tập thơ “Năm tháng lãng quên” mà Giáng Vân qua nhiều năm tích cóp tiền nhuận bút viết báo để in ra nó. Tập thơ đầu tay có cái tên dường như đã nói thay ý của chị bởi đâu như có lần chị đã nói “Những bài thơ được viết cách đây vài chục năm tôi thấy không liên can tới mình”.
Nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân đang vẽ tranh
Tôi sau này mới hiểu ra là chẳng phải chị phũ phàng với những “đứa con” mình đã sinh ra nhưng như chị đã quan niệm “Câu thơ đã viết/Giống như hơi thở/Đã thở rồi. Không thở sẽ chết/Nhưng không thể còn thở lại”. Giáng Vân là thế đó, người về từ sông Đà này cũng lại chẳng giống ai, bỏ tiền in và tự mình đi bán thơ. (Nhà thơ Giáng Vân lên công tác trên công trình thủy điện sông Đà từ năm 1980 cho đến đầu năm 1988 thì chính thức làm phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô). Cứ ngỡ chị “ngơ ngơ” sau mắt kính cận ấy vậy mà chị đầy nội lực ngôn từ bởi lẽ chị như sinh ra để làm thơ vậy. Thú thật hồi đó, hồi gần ba mươi năm trước đó tôi đã thầm khâm phục “người con gái viên đại úy” đó (chị là con gái lớn của nhà văn Quân đội Nguyễn Trọng Oánh).
Giáng Vân làm thơ không nhiều, sau “Năm thãng lãng quên - 1990”, sau “Trên những ngày buồn - 1995” và đặc biệt nhất là sau “Đường gió - 2013” thì chị đã ít lại thưa làm thơ (“Đường gió” đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2013).
Nghe đâu như chị đã nói “Với tôi, thơ đến một cách âm thầm. Nó đầy lên, đầy lên cho đến khi tôi viết nó ra trong vòng 15 phút. Chủ yếu nó sống trong tâm hồn tôi. Cuộc đời có thể quan trọng, cũng có thể chỉ là bóng mây qua. Việc nổi tiếng hay không nổi tiếng, ghi dấu ấn hay là không ghi dấu ấn, thậm chí làm thơ hay không làm thơ, đâu có quan trọng gì”.
Vậy đấy, gặp lại Giáng Vân đấy mà như là đang gặp một Giáng Vân khác. Vẫn là chị đó thôi, một người đàn bà có vóc người bé nhỏ với trên gương mặt là một cặp kính dầy cộp nhưng lần này không phải là một Giáng Vân đứng sau chiếc bàn làm việc mượn của ai đó mà là một Giáng Vân khác, Một Giáng Vân hôm nay ngồi trước giá vẽ và say mê vẽ.
Đã đành câu “cầm kỳ thi họa” gắn với nghiệp đời của người nghệ sĩ nhưng thấy nhà thơ Giáng Vân vẽ, mà vẽ rất đẹp nữa, tôi mới vô cùng ngạc nhiên. Tôi thật thà hỏi chị “Can cớ gì mà Giáng Vân bỗng… vẽ nhỉ?”. Nhà thơ Giáng Vân nhìn tôi hồi lâu, ánh mắt ẩn sau cặp kính cận, rồi trên khóe môi của chị chợt lóe lên một nụ cười “bí hiểm”, chị nói “Đầu năm 2017 không hiểu sao đang ngồi hàn huyên chuyện mình, chuyện người, chuyện đàn bà, chuyện con cái, bỗng ai đấy trong bọn chợt nói vui “Hay là bọn mình mở lớp học vẽ nhỉ. Học ngay tại tại nhà Giáng Vân cho tiện”. Ôi, chuyện “tầy đình” thế mà “mấy mẹ nhà ta” nói nhẹ tênh. Và đã nói là làm, đã thống nhất là làm. Tính Giáng Vân xưa nay là thế, ít nói về mình nhưng đã quyết thì chẳng ai cản nổi.
Bức tranh của nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân
Thế là một “lớp học vẽ” được mở ngay sau đó ngay tại căn nhà mà Giáng Vân mới chuyển đến ở. Nhà ngay đầu ngõ 79 trên phố Nhật Chiêu, một con phố nhỏ đầy vẻ thơ mộng chỉ với một dẫy nhà phố trông ra Hồ Tây. Nhà chị ở gần hồ đến nỗi tôi có cảm tưởng vào những đêm thanh vắng nằm trong nhà nghe rõ mồm một tiếng những con sóng đuổi nhau náo nức ngoài mặt nước. Lớp học vẽ được mở ra mà học trò đa phần là “dân hưu trí” còn thày thì còn quá trẻ. “Ông thày” có cái tên nghe đã thấy “yên tâm”, Nguyễn Văn Phúc. Thày Phúc tuy sinh năm 1979 nhưng xem ra cũng khá “mát tay” nên lớp có tới cả chục người theo học. Người Việt ta đã đành, lớp còn có cả người Hàn người Pháp theo học mới vui chứ. Tuần một buổi lên lớp vào sáng thứ 3, những ngày khác học viên “tự giác ôn bài”. Ngạc nhiên chưa, mới chưa đầy một năm rưỡi mà học trò tiến bộ trông thấy. Tranh được học viên vẽ ra treo khắp tường nhà, bầy khắp chỗ có thể bầy được. Tranh nhiều thành ra nhà rộng cũng trở nên chật chọi đành phải xếp tranh dọc lối cầu thang. Tôi đùa vui “con đường hội họa”.
Bức tranh của nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân
Tôi phục thực sự “Ở tuổi sáu mươi mà thấy Giáng Vân hứa hẹn lắm”. Giáng Vân chợt trầm ngâm “Mình vẽ cho vui chứ đâu màng thành họa sĩ”. Giáng Vân không thích phô trương thì nói vậy thôi chứ tranh của chị như tôi đã thấy thì chị xứng đáng được gọi là họa sĩ.
Bức tranh của nhà thơ, họa sĩ Giáng Vân
Chỉ tay vào mấy bức tranh hình như có vẻ như Giáng Vân định làm điều gì đó vì thấy đều được vào khung và đóng gói cẩn thận. Hỏi nữa thì được biết tháng 8 vừa qua chị đã tổ chức triễn lãm tranh của mình. Có thế chứ, tôi hỏi “Triển lãm lần đầu hả?”. Giáng Vân cười ý nhị, nhìn kiểu cười ấy tôi đoán lần này chí ít cũng là lần thứ hai. Thì ra trước tết vừa rồi Giáng Vân cũng đã có cho mình một triển lãm tranh ngay tại nhà sau chỉ có dăm bảy tháng học vẽ, triển lãm đó chị lấy tiêu đề là “Chân dung và tĩnh vật”. Ngạc nhiên chưa, mới vẽ mà đã “trưng” tranh cho thiên hạ xem kể cũng liều. Giáng Vân cười thành tiếng “Cũng như bạn thôi. Mọi người ngạc nhiên là chính”. Lại ngạc nhiên quá đi chứ, nghe đâu lần ấy chị bán được 10 bức.
Triển lãm cá nhân lần thứ hai vừa qua Giáng Vân mượn địa điểm khá thuận cho những ai quan tâm tới dự và chị lấy tiêu đề là “Chân dung và phong cảnh”. Đấy, chỉ nội cái tiêu đề thôi đã cho thấy Giáng Vân có bước tiến bộ, chị chuyển từ vẽ tranh theo mẫu sang vẽ tranh theo tư duy. Những bức tranh chân dung và tranh phong cảnh giờ được chị vẽ ra phóng khoáng hơn nhất là nó được thể hiện trên chất liệu sơn dầu và Acriflik và như đã nói là rất đặc biệt ở bảng mầu “rất nặng”. Và cũng lại chỉ nội điều nữa đó đã cho thấy Giáng Vân đang gần tới đích mà chị tính tìm ra cho mình, tìm tới “cái chất” riêng. Chắc triển lãm này sẽ lại tạo thêm một “Ngạc nhiên Giáng Vân” nữa”.
Theo bản tác giả gửi tặng Báo Người xứ Nghệ Kiev
|