Trang chủ Liên hệ       Thứ sáu, Ngày 22/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  NHÀ VĂN NAM HÀ NGƯỜI CHÉP SỬ BẰNG VĂN - Nguyễn Trọng Văn NHÀ VĂN NAM HÀ NGƯỜI CHÉP SỬ BẰNG VĂN - Nguyễn Trọng Văn , Người xứ Nghệ Kiev
 

Chủ nhật, 23/9/2018

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh

Nhà văn Nam Hà

      Trong trí nhớ của cậu học trò như tôi thì câu thơ ấy còn hơn cả một lời hiệu triệu. Dạo đó, nghĩa là trước ngày miền Nam giải phóng, cánh thanh niên vừa đến tuổi “lên đường” là lũ chúng tôi đứng ngồi không yên, học hành không vào. Ý nghĩ “nếu không đi bộ đội ngay bây giờ thì ngày mai thôi nếu có vào Nam thì “đến cái ống bơ cũng không còn mà nhặt”. Ý nghĩ kiểu “con trẻ” ấy đã thôi thúc chũng tôi lên đường nhập ngũ với câu thơ của nhà văn Nam Hà cứ ngân nga vang vọng.
“Đất nước của những người con gái con trai
đẹp hơn hoa hồng mạnh hơn sắt thép
xa nhau không hề rơi nước mắt
nước mắt dành cho ngày gặp mặt”.

       Hơn năm mươi năm trôi qua, câu thơ hào sảng và đầy khích lệ ấy còn in đậm còn khắc sâu trong tâm hồn. Phải nói rằng nhà văn Nam Hà đã biết “khơi” đúng mạch những chàng trai cô gái Việt Nam thời của những năm “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lại”.
Nhà văn Nam Hà đã nói hộ, nói thay và nói rất đúng về ý nghĩ thời đại của những con người thời đại - Lên đường chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Và cậu học trò như tôi như các bạn thời đại tôi coi câu thơ của nhà văn Nam Hà là cách bày tỏ tâm hồn thời đại nhất. Và bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sáng mãi Việt Nam ơi” với câu thơ thế hệ chúng tôi nhớ mãi về phương diện lịch sử thì còn hơn một lời hiệu triệu thời đại, đó chính là chân lý không có giới hạn về mặt thời gian, về không gian. Được chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam sáng mãi là trách nhiệm của mọi con dân nước Việt không hề phân biệt bất cứ điều gì.
***
       Rồi tôi thành “đồng nghiệp” của ông và thích nhất là tôi trở thành “hàng xóm” của ông. Khu tập thể quân đội ở số 8 phố Lý Nam Đế, Hà Nội vào một ngày đẹp trời gia đình tôi dọn đến ở. Tuy tôi với ông cách nhau tới một thế hệ nhưng “cánh nhà văn” thì chẳng có ai già hay ai trẻ cả. Sau hôm gia đình tôi dọn đến mấy bữa thì việc đầu tiên là tôi đến chào nhà văn Nam Hà. Gọi là chào cho đúng “phép” chứ thực ra hồi ông còn công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội tôi đã từng có dịp “diện kiến” ông mỗi khi “mon men” đến Tạp chí vừa là để gửi bài và cũng là để “chiêm ngưỡng” những “người văn” mà mình luôn kính trọng. Nhà văn Nam Hà đứng đó, dáng đậm và cao to nhìn không có dáng vẻ một nhà văn mấy, ông từa tựa như một sĩ quan tác chiến uy hùng đến ngại gần nhưng lại vô cùng hiền hậu. Ông ít nói, chú ý lắng nghe và thi thoảng mới chêm vài câu hóm đúng chất “đồ Nghệ”, ông chan hòa với người mới tập tọe vào nghề văn bằng chính sự hồn hậu đến khiêm nhường của mình.
Thế là tôi thấy quý ông. Quý đến nỗi cho dù ông hơn mình đến hai mươi tuổi nhưng tôi thật lòng xưng em gọi bác cứ là ngọt sớt. Nhà văn Nam Hà không vì chuyện đó. Ông cởi lòng mọi chuyện và cũng vui vẻ, ông xưng anh rất thân tình. May thay vì tôi cũng là người lính từng “va” chiến trận nên anh em lính tráng với nhau cả mà khách khí làm gì. Hẳn nhà văn Nam Hà nghĩ vậy nên ông đối xử với tôi như vậy.
       Nhà văn Nam Hà tên thật là Nguyễn Anh Công, người đàn ông quê ở huyện Đô Lương mãi trong xứ Nghệ này tính tình trầm tĩnh chứ không “da diết” như những câu thơ của mình. Nhà văn Nam Hà trở thành người lính “chiến” vào những năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đến với “nghiệp văn” như một sự tình cờ bởi ở thời đại ấy người lính cầm sung và người lính cầm bút chỉ khác nhau ở tên gọi còn về thực chất thì đã là người lính thì đều phải ra chiến trường, đều phải đi chiến dịch và đều phải trực tiếp đối diện với “cái chết bay ra từ họng súng quân thù’. Những tưởng cuộc kháng chiến “chín năm làm một Điện Biên” đã có thể cho những người lính trở về với ruộng với cánh đồng văn chương nhưng không. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm sau đó còn khốc liệt hơn còn gian nan hơn. Nhà văn Nam Hà lại lên đường và nói một cách công bằng thì “cuộc sống văn chương” của ông giai đoạn này đã gọi tên ông là một “người thư ký của chiến tranh”.
Rời “Ngôi nhà số 4” nhà văn Nam Hà lên đường đi B. Trên con đường Trường Sơn huyền thoại mà ông cùng đồng đội chống gậy vượt qua, trên chặng đường vô cùng khốc liệt ấy đã vang lên câu thơ
“Đất nước
Bốn ngàn năm không nghỉ
Những đạo quân song song cùng lịch sử
Đi suốt thời gian, đi suốt không gian
Sừng sững dưới trời, anh dũng hiên ngang
Đất nước
Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt
Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt
Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua...".

Không có văn bản thay thế tự động nào.


       Mảnh đất miền Đông Nam bộ “bỗng” trở thành mảnh đất “nuôi dưỡng” những trang văn, những áng văn chương đồ sộ của nhà văn Nam Hà. Bộ sách “Ngày rất dài” rồi “Trong vùng tam giác sắt” và đặc biệt là “Đất miền Đông” uy nghi ngồn ngộn cuộc sống và cuộc chiến đấu của ông ra đời như một “nhân chứng” của cuộc chiến đấu gian lao và anh dũng của quân và dân mảnh đất miền Đông đất đỏ.
       Còn nhớ cách đây mấy năm, bữa ấy trời vừa sáng, chuông cửa nhà tôi reo to chứng tỏ người bấm chuông đang phấn khởi, tôi hay đoán tính cách người bấm chuông cửa để xem xem nhận định của mình đúng hay chưa đúng, thế là tôi bước ra mở cửa. Nhà văn Nam Hà đứng đó “bẽn lẽn như cậu học trò được điểm tốt”, ông đưa cho tôi một túi nặng và nói “Văn cất đi rồi anh em mình đi ăn sáng”. Thì ra đó là bộ sách “được Giải thưởng Nhà nước” của ông mà Nhà xuất bản Hội nhà văn mới “cho ra lò”. Cầm bộ sách nặng trịch tôi mới thấm cái ý nghĩa của “mười năm cam go nơi chiến trường miền Đông” mà ở đó nhà văn Nam Hà “nhận” trách nhiệm là “người chép sử” bằng tiểu thuyết.
Sáng hôm đó chúng tôi đã cùng ăn sáng hơi lâu một chút. Vẫn chất giọng trầm ấm nhưng đâu đó hơi hướng chút “lâng lâng” nhà văn Nam Hà chậm rãi nói văn tắt về những ý tưởng mà ông gửi gắm trong các tác phẩm của mình. Ông cho rằng: Hư cấu là nghệ thuật của văn chương nhưng với ông thì chân thực mới là điều làm nên giá trị của văn học. Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông đều là những con người thật, những con người bên cạnh ông và ông đã “theo dõi” họ để rồi đưa vào tác phẩm của mình đầy thuyết phục bởi sự chân thực. Ngay cả những nhân vật “bên kia” cũng được ông viết “đời”hơn, nghĩa là họ cũng có cuộc sống riêng cho dù biến động cho dù cách biệt.
Cuối buổi ăn sáng dài dài ấy nhà văn Nam Hà “hé lộ” “Mình đang viết tiếp và dài hơi hơn về mảnh đất miền Đông”.
***
       Mấy năm gần đây sức khỏe nhà văn Nam Hà không tốt. Ông hay phải “nhập viện” 108 để điều trị. Gặp ông là ông luôn nói “mình chẳng sao”. Giấu mọi người thì ông nói vậy thôi chứ ở cái tuổi bát tuần lại đi chiến trường nhiều năm ai dám nói mạnh được. Cũng tại nhà văn Nam Hà dường như đang “cố” để hoàn thành cuốn sách như ông đã nói. Mừng là ông vẫn hăng say nhưng đúng là ở vào tuổi ấy ông còn minh mẫn là tốt lắm rồi.
Có hôm đang cùng ngồi ăn sáng. Khu tập thế nơi ông và tôi ở có hàng “phở Hội không vội được đâu” vừa vừa miệng lại vừa tiền. Nhà văn Nam Hà bất chợt níu tay tôi nói bằng giọng nhỏ nhưng rất cương quyết. Khổ. Ông dường như đâu chỉ “biết” căm cụi viết tiểu thuyết, ông còn khá “nặng lòng” với những điều chướng tai gai mắt ở ngoài đời. Níu tay tôi ông gay gắt “phê phán” những chuyện mà tôi “chót ngỡ nghĩ rằng” những người tuổi như ông mấy ai còn “thiết”. Thì ra với một nhà văn mà những trang viết của mình ngồn ngộn chất liệu thực của cuộc sống chiến đấu thì cuộc sống hiện tại còn những “băn khoăn” đều được ông “để tâm” và muốn “làm” điều góp cho lẽ phải.
***
       Nhà văn Nam Hà đã dừng lại những trang viết dang dở của mình. Ông ra đi khi mà những dự định hay chính xác hơn khi mà nghĩa vụ của “người chép sử” bằng văn còn chưa hoàn thành. Nhưng những gì mà ông để lại không chỉ đồ sộ về mặt số lượng mà rất đồ sộ bởi chính sự chân thực. Và tôi xin khép lại những dòng viết về ông bằng cách mượn câu thơ của Vua Trần Nhân Tông để nhắc về ông, nhà văn Nam Hà “Người lính già đầu bạc kể mãi chuyện Nguyên phong”.

Theo bản tác giả gửi tặng báo Người xứ Nghệ Kiev


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 65094804

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July