Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 25/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
  -  Văn Thơ Sưu Tầm
  -  Sáng Tác Cộng Đồng
  -  Văn thơ của bạn
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Văn Nghệ > Văn thơ của bạn >
  NGƯỜI NÍU HỒN DI SẢN THĂNG LONG - Nguyễn Trọng Văn NGƯỜI NÍU HỒN DI SẢN THĂNG LONG - Nguyễn Trọng Văn , Người xứ Nghệ Kiev
 

Thứ năm, 14/9/2018

Một sáng hè, tôi tìm đến phố Ngọc Khánh quận Ba Đình thành phố Hà Nội, một đường phố ồn ào suốt ngày vậy mà ngôi nhà số 78 lại dường như “đứng ngoài” thời cuộc. Đã thế vẻ “lụp xụp” của ngôi nhà ấy còn như “đối lập” với khách sạn Lake Side sừng sững bên kia đường. Đó là một căn nhà cũ và thấp suốt từ năm 1995 đến giờ vẫn thấp và cũ. Người đi đường cho dù tinh mắt cũng không nhận ra điều gì “khác biệt” ở trong ngôi nhà đó, chỉ cho đến khi ai đó như là tôi bây giờ vịn tay lần mò leo cầu tháng sắt gỉ để lên căn gác xép rộng chừng mười sáu mét vuống lại áp mái tôn hầm hầm nóng mới “thấy”.
Vừa lên ba bậc cầu thang đã nghe giòn tan tiếng phách bên luyến láy của tiếng đàn đáy. Vừa lên bốn bậc cầu thang đã nghe câu hát “Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu” buông nao nao. Tôi hắng giọng đánh tiếng báo nhà có khách đến chơi. Trên nhà chủ nhân nghe động thì ngừng gõ phách, ngừng luôn câu hát nửa chừng mà cất tiếng nói ra ý mời tự nhiên.
Sau khi yên vị, nghĩa là cuối cùng tôi cũng tự thu xếp cho mình được một chỗ đứng ngay sát “gian bếp” với lủng củng nồi xoong bát đũa thì tôi hỏi luôn, chả là đào nương Bạch Vân cùng cầm tinh con gà với tôi, chả là tôi với chị cùng tuổi nên xem nhau như bạn như bè, tôi hỏi “nghỉ hưu đã trọn một nhiệm kỳ Bạch Vân vẫn “chưa hưu” chuyện hát chuyện truyền nghề ư?”. Đào nương Bạch Vân chợt quệt tay ngang mắt. “Người đâu mà mau nước mắt” tôi thầm nghĩ vậy và đứng ngẩn tò te “Không lẽ mình vừa phạm sai lầm gì chăng?”.
Đến với ca trù - ả đào như một “duyên tiền định”. Hồi đầu những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi cô gái trẻ Lê Thị Bạch Vân, là con út trong một gia đình có 6 người con, quê ở huyện Thanh Chương mãi trong Xứ Nghệ; những tưởng an phận nơi chốn quê nhà sau khi tốt nghiệp trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ Tĩnh, vậy mà bất ngờ cô khăn gói ra Hà Nội theo học tiếp. Những năm học thanh nhạc ở Trường âm nhạc Việt Nam cũng lại những tưởng cô sẽ theo nghiệp ca sĩ cho thời thượng thì lại không thế. Bạch Vân ra trường thì “xin” được một chân làm chuyên viên phòng Văn hóa quần chúng thuộc sở Văn hóa Hà Nội. Lại cũng những tưởng chị sẽ yên phận công chức nhà nước chứ đâu lại “một lòng theo nghiệp đào hát”. Đành rằng cuối những năm tám mươi luồng gió đổi mới đã “tiếp lửa” cho nhiều môn hát truyền thống được phục hồi nhưng hát ca trù - ả đào gốc xưa vốn “ít ỏi” thì nay cũng “thưa thớt”. Các cụ nghệ nhân hát ca trù - ả đào có người còn sống có người còn mạnh nhưng được mấy người còn giữ được nghề. Hơn nữa cũng với cuộc sống hiện tại các cụ nghệ nhân cũng “ly tán”, người về quê xa, người nép nhờ con cháu, giáo phường giáo hội nhiều năm phôi pha chầu bài canh hát quên quên nhớ nhớ. Đành rằng hát ca trù - ả đào đã có “tuổi đời vài ba trăm năm nhưng đây lại là lối hát “cung đình”, lối hát “sang trọng, lối hát “kén chọn” người nghe. Phải nói thật rằng “Ca trù - ả đào” là lối hát lấy “sự chơi” làm trọng nên nếu ai muốn cũng khó. Người lắm tiền nhiều của nhưng dạng hợm mình hay trọc phú mon men đến không đặng. Tôi muốn nói sơ qua như vậy để khẳng định rằng “Hát ca trù - ả đào” một khi không tâm, không nhiệt huyết, không một hai sống chết rất khó theo được”.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang ngồi và trong nhà

                Đào nương Bạch Vân cùng Kép đàn Bá Hải

               trong lần biểu diễn ở đình Kim Ngân, Hà Nội.


Đào nương Bạch Vân đã làm hơn thế. Vừa làm công chức với chức phận nhà nước phân công vừa tự nguyện dấn thân vào “chốn” đàn phách ỉ a thật là “khó càng thêm khó”. Tôi hỏi đùa “Sao Bạch Vân không yên phận gia đình như mọi người mà “lao” vào chuyện này cho vất vả”. Đào nương Bạch Vân lắc đầu “Chắc căn kiếp của tôi là nghiệp này. Vả lại dính vào chồng con thì sao “nuôi” được ca trù - ả đào”. Chà. Ra thế. Một người đàn bà “hy sinh” chuyện riêng để mặc lòng gắn kết với ca trù - ả đào thì kể cũng đáng trân trọng. Tôi đùa lại “Còn giấu đấy nhé”. Bạch Vân cười ngượng nghịu, chả là chị cũng đã một lần “lên xe hoa” nhưng duyện chồng vợ lại chẳng bền, Bạch Vân và người kia chia tay nhau không lâu sau khi cưới nhưng từ đó cho tới tận bây giờ họ lại “kết duyên” với nhau theo đúng nghĩa “duyên phận trống chầu”. Nàng là ả đào còn chàng làm kép đàn. Hằng ngày hằng đêm họ vẫn bên nhau kẻ đàn người hát, lấy nghĩa lấy tình gắng níu, gắng nuôi một lối hát cho dù có xuất xứ ở tận nơi đâu nhưng cũng đã lâu lắm rồi người Hà thành vẫn coi đấy là “di sản văn hóa phi vật thể của chốn Thăng Long”, người Hà thành vẫn coi hát ca trù - ả đào là “dân ca Hà Nội” và người Hà thành vẫn tự hào “Hà Nội là cái nôi của ca trù”.
Đấy, tối cuối tuần rồi tôi “lọ mọ” tới đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc để dự một chầu hát ca trù - ả đào. Bước vào trong sân đình Kim Ngân tôi như chợt thấy mọi cái náo nhiệt người xe ngoài phố như bị tan biến để nhường lại cho một không gian trầm mặc mà cao sang, thanh vắng mà đầy chất tâm giao. Bỗng luyến láy vang lên tiếng đàn đáy, bỗng thong thả ngâm ngợi những câu thơ trong bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan. Trên chiếc chiếu cói in hoa trải trên chiếc sập gụ là Đào nương Bạch Vân ngồi đó, chị chú tâm vào câu hát, chị dành tâm cho câu hát “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường/ Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương/ Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Kế đó là kép đàn Bá Hải đôi mắt như chìm vào cõi học vấn của câu thơ, dáng anh hơi nghiêng nghiêng kiểu đang nhập thân nhập tâm gảy lên những tiếng đàn ru hồn ru thức. Cặp đôi nghệ sĩ không “giữ” được tình nghĩa phu thê ấy giờ đang cùng nhau lắng hồn, cùng nhau gieo lòng của chính mình vào chầu ca trù những mong dâng tặng người đời. Một hình ảnh trân quý và cao hiếm khiến tôi cay cay sống mũi. Lại càng cay cay sống mũi hơn khi khán giả mua vé vào nghe hát chỉ có một cặp vợ chồng người Đức đến Việt Nam du lịch và một người đàn ông dạo phố ngang qua thấy hay thấy lạ thì ghé vào xem xem cho biết. Thảo nào Bạch Vân đã “mau nước mắt” mà rồi tui tủi nói cùng tôi “Người nghe hát có như vậy sao nuôi nổi cả chục người cho chầu hát”.
Cũng như 14 câu lạc bộ ca trù có mặt trên đất Hà thành, câu lạc bộ ca trù Hà Nội của đào nương Bạch Vân tuy có “bề dầy” hoạt động (thành lập năm 1990) nhưng “tự thân vận động theo cơ chế thị trường” đã phần nào “hạn chế” mọi đường đi nước bước của những con người tâm huyết với lối hát ca trù - ả đào (7 năm trước UNESCO đã công nhận Ca trù là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp).
Tôi nhớ có lần được nghe bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết "Nhiều câu lạc bộ ca trù mọc lên và hoạt động rất là có hiệu quả. Thế nhưng có điều đáng lưu ý là các câu lạc bộ mọc lên phần lớn là do các nghệ nhân tâm huyết với nghề thành lập Câu lạc bộ mang tính chất tự phát nên không có định hướng và về mặt chuyên môn, nghệ thuật thì còn bị buông lỏng". Nói một cách thẳng ra rằng “ca trù Hà Nội tuy có phát triển về số lượng nhưng hoạt động còn thiếu bền vững”.

 

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Đào nương Bạch Vân đang dạy gõ phách cho học trò Mai Anh

Bữa tôi tới thăm nhà thấy đào nương Bạch Vân khá bận rộn. Hai tiếng đầu giờ sáng chị dạy gõ phách cho một cô học trò từ Mê Linh “lặn lội” tầm sư. Hai tiếng tiếp theo là buổi “ghép nhạc” giữa các thành viên trong một chầu hát. Đầu giờ chiều chị lại dạy hát cho một cháu sinh viên Ngoại thương. Chiều tối thì chuẩn bị cho buổi diễn ở đình Kim Ngân. Cứ thế. Cứ thế đào nương bận “tối mắt tối mũi”. Vui là còn có nhiều cháu theo nghiệp ca nương kép đàn nhưng Bạch Vân nói buồn là chuyện “mấy ai quan tâm” và chuyện “đầu tiên”. Nhớ lúc tôi dừng bên quầy hàng điện thoại để hỏi lối lên gác đã được cô chủ cửa hàng cởi mở “Lương hưu của chị Bạch Vân có mấy triệu đồng. Nếu không có chút tiền nhờ từ việc cho thuê tầng 1 này thì chẳng biết chị ấy lấy tiền đâu ra để “nuôi” ca trù”.
Ấy vậy mà đào nương Bạch Vân người mà hơn ba mươi năm qua kể từ ngày “bén duyên” với câu hát ca trù - ả đàovẫn miệt mài học, miệt mài hát và miệt mài truyền nghề và “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/ Nước còn cau mặt với tang thương/ Ngàn năm gương cũ soi kim cổ/ Cảnh đấy người đây luống đoạn trường”. Chẳng hiểu hồi xưa khi viết câu thơ “cảnh đấy người đây luống đoạn trường” Bà Huyện Thanh Quan có đoán định trước về những gì của hai trăm năm sau? Chẳng hiểu nữ sĩ Hà thành lắm nỗi truân chuyên thời xưa ấy có nhắc nhở gì? Chỉ biết rằng “Đã đành đồng tiền dĩ nhiên là cần là quý nhưng nếu không có những người như đào nương Bạch Vân thì chẳng biết lấy ai “níu hồn di sản” Thăng Long?”.

 

Theo bản tác giả gửi tặng báo Người xứ nghệ Kiev


  Các Tin khác
  + Tháng giêng non thương mùa nắng hạ (19/09/2024)
  + Những hàng thông lặng im (19/09/2024)
  + MẮT TRĂNG (19/09/2024)
  + LÒNG TỰ TÔN (01/08/2024)
  +  CHUYỆN O NẬY (31/07/2024)
  + THÁNG BẢY VỀ.. (25/07/2024)
  + MÙA HOA GẠO (25/07/2024)
  +  TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN (25/07/2024)
  +  NHẶT MẸ VỀ NUÔI (25/07/2024)
  + HÀNG THẢI (31/05/2024)
  + NỖI ĐAU BỊ LỪA DỐI. (31/05/2024)
  + VÙNG KÍ ỨC TRẮNG (30/05/2024)
  + Dưới ánh sương mai (26/05/2024)
  + VẰNG VẶC CHỮ TÂM (Thơ BÙI NGỌC BÍCH) (19/02/2024)
  + ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY Thơ Trần Huy Liệu Lời bình Bùi Ngọc Bích (19/02/2024)
  + GIÓ MÙA (02/11/2023)
  + TẢN MẠN CUỐI THU (02/11/2023)
  + Truyện ngắn. MỘT KIẾP NGƯỜI. (02/11/2023)
  + DỊU DÀNG MÙA THU (04/09/2023)
  + Thơ Nguyễn Hữu Quý - ĐÃ TỚI MÙA ĐÔNG (11/11/2022)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 14
Total: 65226668

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July