Thứ Năm, 6/9/2018
Tôi với ông đều là dân “phố nhà binh”, một cách gọi phố Lý Nam Đế, con phố cũng đồng thời là cạnh phía đông của Thành Hà Nội, nhà ông ở khu tập thể số 4B, còn nhà tôi ở khu tập thể số 8 nên những tưởng tôi với ông sẽ chỉ cần “ới một tiếng” là gặp được nhau, nhưng thực tế đâu có thế.
Nhất là vào những dịp như hè này chẳng hạn. Chả là đang mùa World Cup nên ông “bận tíu tít”. Bận xem, bận trò chuyện, bận với đôi ba tờ báo.., nhất là bận với cái diễn đàn cá nhân facebook mà ông coi như một tờ báo mini rất thú vị của mình. Kỳ thiệt. Một nhà thơ “áo lính” từ phong thái đến cách ăn nói rất “đồ Nghệ” ấy vậy mà hễ nhắc tới bóng đá là bất chợt ông như biến thành một con người khác.
Còn nhớ vào một ngày hè, năm ấy Mexico86 đang diễn ra sôi động, tôi “mon men” đến Tạp chí Văn nghệ quân đội để… gửi thơ. Mới đầu giờ sáng nên tôi cứ đinh ninh là sẽ vắng người. Chẳng là “cái thuở ban đầu” nói đến “gửi thơ” in báo thì ngượng và sợ lắm. Nghĩ thế nên tôi giật thót mình khi bước qua cánh cổng “nhà số 4”. Khoảng sân nhỏ trước nhà nức ngầy ngậy mùi hoa đại sáng ấy khá rôm rả. Thấy tôi len lén (thực tình chót vào rồi nên quay ra không được) một ông có dáng vẻ là “sĩ quan tác chiến” liền vẫy tôi lại gần. Ông “sĩ quan tác chiến” ấy níu tay tôi, hỏi ngay “Ông thấy trận ấy có đúng là tay trọng tài thiên vị không?”. Tôi ú ớ chưa biết trả lời thế nào bởi lẽ chưa hiểu câu hỏi của cái ông này là hỏi về chuyện gì nên gượng cười trừ. Nhà thơ Anh Ngọc, sau tôi được giới thiệu ông “sĩ quan tác chiến” ấy là nhà thơ Anh Ngọc, dường như chẳng để ý đến “thái độ” khi ấy của tôi, ông lại say sưa bình luận về bóng đá bằng một chất giọng Nghệ đã pha giọng Bắc rất nhiều, vừa chậm rãi vừa thấu đáo vừa đầy lý lẽ. Tôi như “tháo” được gánh nặng vì chỉ sợ các ông nhà thơ có mặt ở đó hỏi những câu đại loại như “Cậu mới làm thơ à?” hay “thơ của cậu còn thế này thế nọ”.
Mê bóng đá và say mê bình luận bóng đá là một “thế mạnh” của nhà thơ Anh Ngọc. Cứ mùa World Cup hay mùa Euro là ông “lên sóng”, vui vẻ và không hề câu nệ. Chuyện bồi dưỡng thế nào cũng chiều, cái chính là được nói về bóng đá. Ông không nói theo kiểu a dua như một số người mà ông nhìn nhận về một trận cầu như một chuyên gia thực sự. Đã thế ông còn rất nhiệt tình. Hồi Đài phát thanh – truyền hình Hà Nội của tôi có mời ông chính thức tham gia làm khách mời của chương trình bình luận bóng đá từ giải Euro 1996 và đặc biệt là giải World Cup 1998 ở Pháp, thì thôi rồi, ông lên trò chuyện trên Đài hình hết ngày nọ sang ngày kia, cùng phóng viên Mạnh Cường bình luận trước và sau trận đấu. Hứng lên ông còn đọc cả thơ viết về bóng đá nữa. Số bài viết, cả văn xuôi và thơ chuyên về bóng đá của ông sau này được ông tập trung in thành tập sách dày dặn có nhan đề “Trời xanh trên cỏ xanh”, ấy là chưa kể, từ giải Mexico86, ông đã cho in cuốn ký sự “Ba cuộc đời một trái bóng” viết về ba danh thủ của đội Thể Công là thủ môn Trần Văn Khánh, hậu vệ Nguyễn Trọng Giáp và tiền đạo lừng danh quái kiệt Nguyễn Thế Anh, tức Ba Đẻn – cuốn sách này in lần đầu mấy vạn cuốn và đã tái bản mấy lần.
Nhà thơ Anh Ngọc là như vậy đó, mạnh mẽ và quyết đoán, khác hẳn với hình dung hễ ai động chút thơ phú là tơ lơ mơ theo kiểu tình si “Bờ đường chín có lùm cây xấu hổ/ Chiến sĩ đi qua ai cũng mỉm cười”, như khi tôi nhớ đến bài thơ “Cây xấu hổ” trong chùm thơ viết về Quảng Trị của ông từng được giải Nhì cuộc thi thơ 1972 – 1973 của báo Tuần báo Văn nghệ. Rồi hồi tôi còn ở trên chốt tức là ngày tôi còn làm lính biên cương, một đêm nằm trong nhà hầm lạnh ướt tôi đã dâng nhiều xúc cảm khi nghe chương trình “Tiếng thơ” trên đài Tiếng nói Việt Nam, đêm đó đài giới thiệu về Trường ca “Sông Mê Kông bốn mặt” của nhà thơ Anh Ngọc. Những câu thơ chân thực vẫn đầy chất thơ hay chính xác hơn những những ghi chép sự việc bằng thơ từ thực tế thảm cảnh của đất nước Campuchia đã khiến tôi run người phẫn uất, nhà thơ Anh Ngọc đã viết những câu thơ nhân văn và nghĩa hiệp “Tôi bế trên tay một em bé Campuchia đói khát/ Đến trước tượng người vũ nữ Ăng co/ và dỗ nín em/ bằng cặp vú đá của nàng”.
Không chỉ là khách mời trong các chương trình bình luận bóng đá, mà nhà thơ Anh Ngọc, nếu nói một cách đúng nghĩa thì ông là một “diễn giả thường xuyên” của một số chương trình Talkshow trên sóng truyền hình và cả trên sóng phát thanh. Về khoản này ông đúng là một diễn giả có nghề?
Đấy, nếu Chương trình “Câu chuyện văn nghệ” của đài Hà Nội chúng tôi cần người đến để nói về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân ngày giỗ của Trịnh ư? Có ngay nhà thơ Anh Ngọc. Ông nói trong đời ông chỉ gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hai lần, cái chính là ông vô cùng yêu nhạc Trịnh Công Sơn và yêu, kính phục nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên ông như trút cả tình yêu ấy vào câu chuyện, ông nói như đang trò chuyện với một người bạn tri âm trong tâm tưởng, thế thôi.
Lại đấy, nếu chương trình “Câu chuyện Văn nghệ” cần người đến nói về nhà thơ kiêm nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, một tài năng tuyệt vời và đoản mệnh ư? Có ngay nhà thơ Anh Ngọc. Những lời bình thấm thía, những câu thơ tràn ngập cảm xúc của nhà thơ họ Lưu qua giọng đọc của nhà thơ Anh Ngọc khiến người theo dõi truyền hình vô cùng cảm kích. Anh Ngọc yêu thơ Lưu Quang Vũ đến nỗi, trong Ngày Thơ Việt Nam đầu xuân năm 2008, để tưởng niệm 20 năm ngày nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ lâm nạn qua đời, trên sân khấu Văn Miếu, Anh Ngọc đã không đăng đàn đọc thơ của chính mình như thông lệ, mà ông lại đọc và nói về bài “Vườn trong phố”, một bài thơ của Lưu Quang Vũ viết từ trong chiến tranh chống Mỹ mà đến nay vẫn vô cùng lay động trong lòng chúng ta.
Đấy là chưa kể đến chuyện nhà thơ Anh Ngọc là diễn giả của một số chương trình truyền hình hay phát thanh khác. Chẳng hạn như chương trình Nông nghiệp trên kênh VTC16, cứ tưởng ông chỉ giỏi nói về bóng đá, bàn về thơ phú hay phân tích về tình yêu nam nữ thôi, ai dè mảng “thôn quê” ông cũng khá rành rẽ. Chương trình diễn giải về Nông nghiệp nếu thoạt nghe tên đã có cảm giác chan chán vậy mà qua lời ăn tiếng nói của nhà thơ quê Xứ Nghệ lại cho người xem người nghe những thú vị và nhiều mới mẻ. Bằng lối nói giàu nội dung và cảm xúc và cùng với động ngoại hình biểu cảm, như cách giơ tay trái lên, ngón cái với ngón trỏ bấm vào nhau như kiểu “luồn chỉ vào lỗ kim” đủ cho khán giả phải chăm chú nhìn và chăm chú lắng nghe, cách nói mà ông nói đùa là như “muốn nhét chữ vào tai người nghe”. Chuyện nhà nông, chuyện làng chuyện xóm bỗng chốc được “thơ hóa” ngẫm lại thấy hay. Nói gì thì nói chứ không lọt lỗ tai thì có hùng hồn mấy cũng “vứt”. Có lần tôi hỏi ông “Bác lấy ở đâu ra cái khiếu ăn nói và chuyện gì cũng biết vậy?”. Nhà thơ Anh Ngọc cười trừ “Cứ chịu khó quan sát, chịu khó ghi chép là biết”.
Chuyện chịu khó quan sát, chịu khó ghi chép thì ông nói đúng, đấy chẳng hạn là chi tiết “Giữa một vùng lửa cháy với bom rơi/ Cây hiện lên như một niềm ấp ủ/ Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình/ Và chuyện này chỉ cây biết với anh” – hình ảnh trong bài thơ Cây xấu hổ của Anh Ngọc đấy, những câu thơ này khiến tôi đồ rằng hồi đó anh lính thông tin Nguyễn Đức Ngọc sinh năm 1943 quê ở Nghệ An đang viết về chính mình. Thói quen ghi chép và lưu giữ vào trong sổ tay dường như là thói quen cố hữu rất đáng yêu, nó đã tạo cho nhà thơ Anh Ngọc những chi tiết chiến trường khét mùi khói súng, những phát hiện tinh tế ở ngay những nơi khốc liệt nhất và những tư liệu lịch sử chân thực vô cùng quý giá để rồi sau đó ông lần lượt đưa vào các tác phẩm của mình và cả vào những câu chuyện nói năng của mình.
Tôi đã giật mình rồi hết sức thán phục chuyện ghi ghi chép chép vào sổ tay của nhà thơ Anh Ngọc khi nghe ông kể về cái va ly chất đầy sổ tay ghi chép của ông. Anh Ngọc cho biết ông đã bắt đầu ghi nhật ký từ năm 14 – 15 tuổi, khi còn ở trong quê hương, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Từ đó cho đến tận hôm nay, ông vẫn thường xuyên ghi nhật ký, số nhật ký này chất đầy một chiếc va ly mà ông đã mua từ năm 1964, khi mới ra trường đi công tác. Những trang nhật ký này đặc biệt quý giá là những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam và Phía Bắc. Anh Ngọc quý nhất là những trang ghi chép ở trận địa Hàm Rồng 1967 (lúc ấy ông chưa đi lính, chỉ đi lên trận địa để lấy thực tế sáng tác), rồi cả một năm 1972 khi ông làm lính thông tin chiến đấu ở chiến dịch Quảng Tri, sau đó, với tư cách phóng viên báo QĐND, ông có mặt ở chiến trương Miền Nam từ 1.1975, đi từ Cực nam Trung Bộ, tiến vào Sài Gòn, rồi phóng ra Côn Đảo, cho đến ngày 7.1.1979, ngay khi chế độ Polpot bị lật đổ ở Campuchia, Anh Ngọc đã có mặt ở nước bạn và ghi lại tất cả mọi chi tiết và hình ảnh vào sổ tay của mình… Rồi đó là những cuộc đi lên biên giới phía Bắc ngay trước và sau ngày 17.2.1979, khi quân Trung Quốc nổ súng xâm lược suốt một dải biên cương.
Các cuốn sổ tay ghi chép của Anh Ngọc dày lên từng ngày, từng tháng, từng năm. Bên cạnh ghi chép để giữ lại chất liệu, Anh Ngọc cũng lao động và sáng tạo thơ ngay trên những cuốn sổ tay ấy. Và, thêm một chi tiết thú vị, là do ngày ấy không có máy ảnh, Anh Ngọc đã phát huy chút khả năng ký họa của mình để giữ lại những hình ảnh đáng nhớ nhất. Từ gần 5 năm nay, Anh Ngọc có cái Facebook mang nick “Nguyễn Đức Ngọc” và ông đã post lên FB của mình vô số chất liệu sống, kể cả các ký họa, ảnh và video liên quan đến cuộc đời, hoạt động và sáng tác của mình. Bạn nào có FB thì hãy vào FB của Anh Ngọc để xác thực điều này nhé. Trong bài này, vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ in vài ba cái ảnh và ký họa của Anh Ngọc để làm minh chứng cho bài viêt mà thôi.
Nhà thơ Anh Ngọc là như vậy đó. Chiều chiều nếu ai để ý sẽ thấy một người đàn ông tuổi ngoài bảy mươi chậm rãi đi bộ dọc phố Phan Đình Phùng. Ấy là nhà thơ Anh Ngọc vẫn đi bộ để giữ gìn sức khỏe, nhưng cũng là lúc ông tiếp tục thói quen quan sát, giao lưu với mọi người, lặng lẽ suy nghĩ, lặng lẽ sống với cảm xúc của một người sáng tạo văn học, công việc mà suốt đời ông đã làm. Có lần ông gặp tôi, cả hai lại nhắc lại bao chuyện đời, kể cả văn chương, âm nhạc, bóng đá… và đủ thứ chuyện buồn vui, yêu ghét ở đời… Tôi thầm nghĩ, những hình ảnh ấy chẳng phải cũng chính là bức chân dung ký họa thoáng qua của nhà thơ Anh Ngọc hiện lên ở bên ngoài tác phẩm của ông đó sao?
|