Cánh rừng lặng im
vách đá lặng im
không gió thổi sao lá rơi nhiều thế
người ra đi khi tuổi còn rất trẻ
bí ẩn nào trong xao xác chiều nay?
Như nước mắt ai hoa trẩu trắng lối mòn
dáng con gái chập chờn bên giếng cũ
tiếng Hưng Yên, Cao Bằng, Phú Thọ
giọng Thái Bình, Ninh Bình, Hoà Bình, Thanh Hoá… đan xen!
Ngàn ngạt khói nhang một miếu nhỏ chân Lèn
mười ba bát hương đặt thẳng hàng cũng nhỏ
mười cô gái, ba chàng trai bất tử
những linh hồn còn khuất lẫn trong cây!
Chiều ráng đỏ trên vách Lèn tôi thấy
mở tỏ đứng - ngồi hình bóng lính thông tin
bóng trong bóng, hình trong hình bịn rịn
họ sắp chia tay hay vừa mới trở về?
Vẫn tóc quả đào, áo chít lưng, túi chéo
dép lốp tự làm chân con gái xinh xinh
mười sáu tuổi vào Trường Sơn làm lính
chưa yêu ai, thương mẹ, khóc thầm!
Cuộc chiến qua rồi, hơn mấy mươi năm
vẫn còn vọng giữa lòng rừng tiếng hú
ai còn gọi ai nơi Lèn Hà gió trở
nẻo hoang vu thấp thoáng một thời?
Dân kể: 10 cô xinh đẹp cả 10
Lan. Mạnh. Thảo. Loan. Anh. Luận.
Châm. Xuyến. Lung. Liên.
Chị em, đồng đội
nào nỡ xa nhau trong mưa nắng đại ngàn
Còn thao thức những tâm hồn trong trắng
dài rộng nghìn đêm khâu vá Trường Sơn
trong tôi, một Lèn Hà dịu sáng
vằng vặc vầng trăng mười sáu đang tròn…
---------
(*) Hang Lèn Hà thuộc xã Thanh Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình. Thời chống Mỹ đây là nơi đóng quân của đơn vị bộ đội thông tin A69. Ngày 2.7.1972, trong một trận bắn phá của máy bay Mỹ, 13 chiến sĩ thông tin (có 10 nữ rất trẻ tuổi từ 16 đến 22) đã hy sinh anh dũng.
GIẾNG Ở LÈN HÀ
Người đi. Người đã đi rồi…
Ao trong không cạn, giếng khơi vẫn đầy
Tỏ mờ gió thổi, tóc bay
Mùi hương bồ kết đâu đây thoảng về.
Em. Mười sáu tuổi xa quê
Trường Sơn thăm thẳm bốn bề đạn bom
Lính thông tin áo vai mòn
Rừng già một khoảng giếng tròn soi chung…
Bây giờ, hương khói rưng rưng
Tên khắc bia đá lưng chừng Lèn sâu
Tìm em. Chẳng thấy em đâu
Gọi em. Lá rụng ngang đầu hoa râm!
Lược gương đặt chốn âm thầm
Mong nghe trở lại một lần gàu va
Nước trong mà buốt lòng ta
Múc chiều lên gội… cỏ hoa cũng chiều
Giá mà cất được lời yêu
Chắc đây – đó, cũng vợi nhiều xót thương
Thôi thì lấy giếng làm gương
Soi chung đôi cõi âm – dương, gọi là…
Nguồn Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý