(HNM) - Xưa lắm rồi, ở phương Bắc, khi mùa đông đến, thời tiết giá lạnh và việc tìm kiếm thức ăn trở nên rất khó khăn. Thế nên, hằng năm, hễ những chiếc lá vàng cuối cùng trên cành rơi xuống, gió đông bắt đầu thổi tới thì chim chóc cũng lần lượt rủ nhau bay về phương Nam.
Một mùa đông nọ, trên đường bay về phương Nam ấm áp, một chú chim nhỏ bị gãy cánh và bị đàn bỏ lại phía sau. Chẳng bao lâu, băng giá và tuyết đã phủ kín cả khu rừng làm chú chim nhỏ bị lạnh và đói. Chú chim nhỏ xin cây cối xung quanh cho chú được trú tạm trên cành. Thật đáng tiếc, chú toàn gặp phải những cây không mấy tốt bụng. Cây bạch dương vốn tự hào về vẻ đẹp của mình, đã trả lời cho qua chuyện là nó phải dành chỗ cho những loài chim của khu rừng này trước đã. Cây sồi khỏe mạnh thì ngại ngùng bởi nó sợ chú chim sẽ ở lại trên cành của mình cho tới tận mùa xuân và sẽ ăn mất những quả sồi non. Ngay cả những bụi liễu, trông có vẻ rất nhân từ cũng từ chối giúp đỡ, thậm chí chúng còn không muốn nói chuyện với chú chim lạ.
Chú chim tội nghiệp rất buồn. Chú cố gắng bay thêm một quãng nữa, nhưng hai cánh rất đau đớn nên chú chẳng thể bay xa. Trông thấy vậy, cây vân sam hỏi thăm tại sao chú lại ủ rũ như vậy. Chú chim liền kể câu chuyện của mình cho cây vân sam nghe. Nghe xong, cây vân sam đã cho chú chim vào trú trong chiếc lá dày nhất, mềm nhất và ấm nhất của mình. Cảm động vì sự tốt bụng của cây vân sam, cây thông to khỏe cũng tình nguyện bảo vệ cây vân sam và chú chim trước sự hoành hành của Lão Gió Bắc suốt mùa đông. Cây trắc bách diệp cũng cho chú chim nhỏ những quả chín của mình để giúp chú qua cơn đói. Nhờ vậy chú chim đã sống yên ổn qua mùa đông và đến khi xuân tới, hai cánh đã bình phục, chú chim nhỏ tạm biệt những người bạn cây tốt bụng, sải cánh bay đi tìm đàn của mình.
Thượng đế biết chuyện, đã lệnh cho Lão Gió Bắc không được chạm vào một chiếc lá nào của những cây vân sam, cây thông, cây trắc bách diệp tốt bụng nhưng cho phép lão tự do quấy phá đám lá của những cây khác.
Từ đó, cứ mỗi khi đông về, Lão Gió Bắc thích thú ngắt những chiếc lá xanh bóng của những cây sồi, bạch dương và cả những bụi liễu, khiến cành của chúng trở nên trơ trọi, khẳng khiu. Còn cây vân sam, thông, trắc bách diệp, nhờ lòng nhân từ của mình mà cành lá xanh tốt quanh năm. Vì thế, chúng còn được gọi là cây thường xanh, có nơi còn gọi là cây thường xuân.
Chu Vũ Thị Thanh Vân - (Khu tập thể Viện Mắt trung ương)
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Thieu-nhi/856896/nhung-loai-cay-khong-rung-la
|